Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Kon Tum, ngày 07 tháng 02 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Trong thời gian vừa qua, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục... vẫn còn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh và có nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Đồng thời, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

Để kịp thời chủ động, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật của các đơn vị, địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật theo quy định của Luật Thú y, các chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, và Thủ tướng Chính phủ. Trong đó chú trọng một số loại dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao như: bệnh dịch tả lợn Châu Phi(1), viêm da nổi cục trên trâu bò(2), lở mồm long móng, cúm gia cầm(3)...

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để dịch bệnh phát sinh, diễn biến phức tạp, kéo dài, lây lan ra diện rộng trên địa bàn quản lý và lây lan ra các địa phương khác;

- Phân công trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể từng tổ chức, cá nhân trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tham gia triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật theo quy định pháp luật và theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó tập trung giám sát tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời không để phát sinh và đảm bảo không để lây lan ra các địa bàn khác; chỉ đạo tổ chức triển khai các đợt tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao;

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không đúng quy định làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở,… với các nước;

- Thực hiện nghiêm túc, kịp thời đối với việc chi trả kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo quy định;

- Định kỳ hàng tuần (trước ngày thứ Tư) báo cáo tình hình dịch bệnh động vật, việc chi trả kinh phí hỗ trợ phòng chống dịch bệnh tại địa phương và các nội dung của Chỉ thị này(4), gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh động vật. Chủ động tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các giải pháp, biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật kịp thời;

- Phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật và xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh theo quy định, đảm bảo không để lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi;

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, phối hợp, bám sát địa bàn, phối hợp các cơ quan chuyên môn của các huyện, thành phố để kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định;

- Định kỳ hằng tuần (trước 11h00” ngày thứ Tư) tổng hợp báo cáo tình hình dịch bệnh động vật và việc chi trả kinh phí hỗ trợ phòng chống dịch bệnh của các đơn vị, địa phương và các nội dung tại Chỉ thị này(5); đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh những giải pháp cụ thể, quyết liệt để chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng quy định.

3. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên động vật trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp hiện nay.

4. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị địa phương kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh; kết nối các doanh nghiệp với người chăn nuôi để hỗ trợ tiêu thụ, phù hợp tron g điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế của người chăn nuôi.

5. Đề nghị Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, bộ phận chuyên môn trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan thú y tổ chức điều tra, đấu tranh, triệt phá việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không đúng quy định làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Kon Tum;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum;
- Văn phòng UBND tỉnh:
CVP, các PCVP;
Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN.NLTA.

CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Tuấn

 



(1) Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

(2) Công điện số 631/CĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò.

(3) Công điện số 163/CĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.

(4) Báo cáo cần có biểu mẫu tổng hợp số liệu, so sánh so với kỳ báo cáo trước, số phát sinh mới, số lũy kế…

(5) Báo cáo cần có biểu mẫu tổng hợp số liệu, so sánh so với kỳ báo cáo trước, số phát sinh mới, số lũy kế…

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2022 triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 03/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/02/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Lê Ngọc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản