Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Hà Nam, ngày 18 tháng 04 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh do cấp có thẩm quyền cho phép thành lập theo quy định của pháp luật cơ bản đã hoạt động tuân thủ theo Điều lệ và chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và góp phần ổn định tình hình, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số hội tổ chức và hoạt động chưa đúng quy định; nhận thức về vị trí, vai trò, hoạt động của các tổ chức hội chưa đầy đủ, công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước trong việc thành lập, quản lý hoạt động đối với một số hội chưa thống nhất, còn chồng chéo, chưa đúng quy định. Còn có tình trạng hành chính hóa trong hoạt động của một số tổ chức hội hoặc buông lỏng quản lý nhà nước đối với hoạt động của hội. Một số tổ chức hội hoạt động còn hình thức; tính tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ. Việc kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời; chưa có các giải pháp thiết thực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm quy định chặt chẽ việc thành lập tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các ngành, các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, quy định chặt chẽ việc thành lập tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng; thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật; Nhà nước chỉ cấp kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao.

2. Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình nêu cao trách nhiệm thực hiện đúng các quy định về quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội. Hội hoạt động trong ngành, lĩnh vực nào phải chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đó.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và thực hiện Điều lệ hội của các tổ chức hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý hoặc kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là việc thành lập hội tự phát hoặc thành lập hội không đúng thẩm quyền, hội không hoạt động liên tục 12 tháng (không chấp hành việc báo cáo, không sinh hoạt hội, không thực hiện các nhiệm vụ được quy định theo Điều lệ hội, không tổ chức đại hội theo đúng nhiệm kỳ; có những hoạt động dịch vụ, dạy nghề, truyền nghề, sản xuất kinh doanh... không đúng quy định của pháp luật). Báo cáo kịp thời Ủy ban nhân dân tỉnh hoạt động của các tổ chức hội thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý.

3. Đối với các tổ chức hội hoạt động theo nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; không vì mục đích lợi nhuận; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ hội. Hội hoạt động ở cấp nào, đặt dưới sự quản lý của chính quyền cấp đó. Tổ chức của hội không nhất thiết phải thành lập hệ thống từ cấp tỉnh đến cơ sở; từ năm 2018 đến năm 2021 từng bước thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho một số hội theo lộ trình phù hợp.

Các tổ chức hội trước khi tổ chức đại hội phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (đối với Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, trong huyện); báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn). Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ có trách nhiệm thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các hội có thay đổi về nhân sự phải báo cáo cụ thể Đề án nhân sự với Ủy ban nhân dân tỉnh (đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh); Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn). Trường hợp nhân sự là cán bộ, công chức, viên chức thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

4. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 15/2006/CT-UBND ngày 30/8/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc tăng cường công tác quản lý hội.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các tổ chức hội, các ngành, các cấp, các đơn vị có liên quan quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Sở Nội vụ theo dõi việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, hội thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, NC.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đông

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam

  • Số hiệu: 03/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/04/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Nguyễn Xuân Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/04/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản