Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Quảng Bình, ngày 02 tháng 3 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG SẢN XUẤT KINH DOANH

Việc đảm bảo môi trường lao động lành mạnh và an toàn, nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa các nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong những yêu cầu quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của lao động xã hội. Thời gian vừa qua các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh đã triển khai thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 76/KH/TU ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Tỉnh ủy "Về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế", từ đó đã tạo sự chuyển biến khá tốt, nâng cao nhận thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và ý thức của người lao động trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm công tác ATVSLĐ. Tai nạn lao động vẫn còn để xảy ra nhiều, đặc biệt là tai nạn lao động chết người vẫn chưa giảm, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, ý thức của người lao động còn yếu kém, chưa chấp hành đầy đủ nội quy, quy trình an toàn trong sản xuất. Mặt khác, do người sử dụng lao động thiếu sự quan tâm về công tác ATVSLĐ, tình trạng khoán trắng công việc cho người lao động còn phổ biến cho nên còn tái diễn các vụ tai nạn ở những nơi làm việc nguy hiểm như: Khai thác khoáng sản, xây dựng, giao thông, sử dụng điện... Công tác huấn luyện, tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn về pháp luật ATVSLĐ và những biện pháp an toàn lao động chưa được tiến hành thường xuyên, bộ máy làm công tác ATVSLĐ, vai trò của tổ chức công đoàn chưa được phát huy mạnh mẽ.

Để đảm bảo ATVSLĐ trong sản xuất kinh doanh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATVSLĐ của người lao động và người sử dụng lao động, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các nội dung cụ thể sau đây:

1. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cũng như nội quy, quy trình, quy phạm đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình làm việc.

2. Củng cố và kiện toàn các bộ phận, cán bộ làm công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp, phân công trách nhiệm cụ thể theo từng lĩnh vực chuyên môn.

3. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, phân loại sức khỏe để bố trí lao động hợp lý, tuyệt đối không được sử dụng người lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ để làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

4. Trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động đảm bảo chất lượng, phù hợp với nghề nghiệp lao động; thường xuyên cải thiện điều kiện lao động đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

5. Xây dựng nội quy, quy trình vận hành các loại máy, thiết bị và niêm yết tại vị trí đặt máy, thiết bị. Các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng. Đối với các doanh nghiệp có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải tuân thủ thực hiện công tác ATVSLĐ theo quy chuẩn về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, quy chuẩn an toàn trong khai thác và chế biến đá; thường xuyên kiểm tra hệ thống chống sét của kho chứa vật liệu nổ đặc biệt là thời điểm mùa mưa bão, giông tố.

6. Tăng cường các biện pháp phòng tránh tai nạn lao động trong sản xuất như: Làm hệ thống lan can, rào chắn, bao che các bộ phận chuyển động của máy; trang bị dây an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân, kiểm tra thường xuyên các mối nối của dây điện, kiểm tra cách điện của máy, thiết bị; sử dụng các biển báo chỉ dẫn, hệ thống báo hiệu của máy... để cảnh báo nguy cơ mất an toàn.

7. Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra nhằm phát hiện những vi phạm ATVSLĐ để có biện pháp khắc phục xử lý kịp thời. Phối hợp với tổ chức công đoàn tuyên truyền, hướng dẫn người lao động thực hiện tốt quy định về ATVSLĐ, đồng thời có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức cá nhân thực hiện tốt, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm trong công tác ATVSLĐ.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung Chỉ thị này. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2015 tăng cường thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất kinh doanh do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 03/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/03/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản