Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 03/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 02 năm 1986

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ PHÂN PHỐI, CUNG ỨNG, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN VẬT TƯ CỦA THÀNH PHỐ TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Chấp hành các Nghị quyết lần thứ 6, 7, 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa V, Nghị định 190/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến quản lý và kinh doanh, cung ứng vật tư. Nhằm nâng cao chất lượng công tác kế hoạch hóa cung ứng vật tư kỹ thuật của thành phố trong thời gian tới trên cơ sở huy động cân đối và sử dụng hợp lý, có hiệu quả, tiết kiệm 4 nguồn vật tư, công tác quản lý vật tư của thành phố phải được cải tiến, chuyển biến, góp phần từng bước xây dựng cơ chế quản lý kinh tế mới ở tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế cơ sở trực thuộc thành phố quản lý ;

Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho các sở, ban, ngành, quận, huyện tiến hành các công tác nhằm tăng cường quản lý vật tư trên địa bàn thành phố như sau :

I. VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VẬT TƯ :

1. Nhằm phát huy quyền chủ động sáng tạo của các đơn vị kinh tế, kế hoạch vật tư phải được xây dựng và thực hiện cân đối từ cơ sở. Đơn vị kinh tế cơ sở cần chủ động xây dựng kế hoạch cân đối vật tư bằng các nguồn khả năng, tính toán hiệu quả kinh tế sử dụng vật tư, lựa chọn phương án sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ kế hoạch trên giao đạt hiệu quả cao nhất, phấn đấu giảm tiêu hao vật tư, hạ giá thành, tăng khối lượng và chất lượng sản phẩm giao nộp.

2. Nhu cầu vật tư do cơ sở xây dựng, đề nghị Nhà nước cung ứng phải được tính toán khoa học, chính xác trên cơ sở định mức vật tư kỹ thuật tiên tiến và trên tinh thần tiết kiệm, phấn đấu giảm định mức tiêu hao vật tư hợp lý và phải được lập thành đơn hàng, để ký hợp đồng với các tổ chức cung ứng vật tư và thực hiện tiếp nhận vật tư theo kế hoạch.

3. Các tổ chức cung ứng vật tư của thành phố phải tăng cường bám sát cơ sở, đơn vị sử dụng, nắm chắc nhu cầu vật tư để xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, cung ứng của mình. Căn cứ kế hoạch tiếp nhận và cung ứng vật tư thành phố giao, các tổ chức cung ứng vật tư của thành phố có trách nhiệm xây dựng đơn hàng vật tư của thành phố và báo cáo trực tiếp với tổ chức cung ứng vật tư Trung ương, phấn đấu thực hiện tiếp nhận vật tư theo đơn hàng và cung ứng đồng bộ, kịp thời, đầy đủ cho sản xuất.

Đối với những loại nguyên, nhiên liệu, vật tư… chuyên dùng hoặc thông dụng, thành phố phải dùng ngoại tệ nhập về để tự cân đối kế hoạch, cơ sở căn cứ vào năng lực sản xuất còn thừa, nắm nhu cầu thị trường, lập kế hoạch tự cân đối, thông qua sở chủ quản và bàn các ngành chức năng để xác định khả năng vốn, phương thức tái tạo ngoại tệ, phương thức nhập, phân phối vật tư nhập, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

4. Trong quá trình thực hiện cân đối và cung ứng vật tư theo kế hoạch, phải tập trung cho các nhiệm vụ kế hoạch quan trọng của thành phố. Khi giao kế hoạch cho sở, ban, ngành, quận, huyện, cần ghi và phân biệt rõ 3 loại chỉ tiêu: chỉ tiêu pháp lệnh, chỉ tiêu hướng dẫn và chỉ tiêu tính toán.

Chỉ tiêu cung ứng vật tư cần ghi rõ nhiệm vụ kế hoạch, đơn vị được cung ứng, số lượng vật tư cụ thể, cần tập trung vật tư cung ứng đồng bộ cho chỉ tiêu pháp lệnh. Vì vậy, mọi việc cân đối lại, tự điều hòa vật tư trong nội bộ từ nhiệm vụ kế hoạch hoặc đơn vị sử dụng này sang nhiệm vụ kế hoạch hoặc đơn vị sử dụng khác đều phải được bàn bạc trước và có sự nhất trí của Ủy ban kế hoạch thành phố.

Chỉ tiêu hướng dẫn, chỉ tiêu tính toán nhằm hướng dẫn sở, ban, ngành, quận, huyệnh chủ động cân đối bổ sung của cơ sở bằng các nguồn vật tư khác.

5. Khuyến khích các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung ứng vật tư của thành phố phát huy khả năng tự cân đối vật tư bổ sung để hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao bằng khai thác sử dụng lại phế liệu, liên doanh, hợp tác kinh tế, trao đổi vật tư v.v..

Các nguồn vật tư cơ sở tự lo đưa vào sản xuất thực hiện kế hoạch Nhà nước, cơ sở cần thông báo cơ quan chủ quản và Ủy ban Kế hoạch thành phố biết để theo dõi.

Trong trường hợp phải dùng một phần vật tư Nhà nước cấp (tồn kho, chậm luân chuyển) hoặc sản phảm do xí nghiệp sản xuất ra để trao đổi vật tư khác cho sản xuất, cơ sở phải thực hiện như sau :

- Nếu trao đổi trong cùng ngành, trong phạm vi thành phố quản lý thì phải được cấp chủ quản duyệt và báo cáo Ủy ban Kế hoạch thành phố, Công ty vật tư tổng hợp biết để theo dõi.

- Nếu trao đổi ra ngoài ngành hoặc với các đơn vị kinh tế không trực thuộc thành phố quản lý thì phải được Ủy ban kế hoạch thanh phố nhất trí. Trong những trường hợp trao đổi với khối lượng lớn hoặc dùng vật tư, sản phẩm quan trọng để trao đổi, phải được Ủy ban nhân dân thành phố xét và quyết định (có sự tham gia ý kiến của các ngành chức năng).

6. Trong tình hình nguồn vật tư Nhà nước còn hạn chế các ngành cần chỉ đạo cơ sở trực thuộc huy động sử dụng tối đa các nguồn vật tư hiện có để tự cân đối thêm thực hiện kế hoạch Nhà nước giao, tuyệt đối không để ứ đọng, tồn kho quá mức cần thiết. Vật tư Nhà nước cung ứng mà không dùng hết, đơn vị cơ sở được chuyển qua cân đối thực hiện chỉ tiêu sản xuất cho kỳ kế hoạch tiếp theo, không được coi đó là vật tư tự có và phải sử dụng, quyết toán vật tư theo đúng quy định của Nhà nước.

7. Các sở, ban, ngành phải phân bổ hết chỉ tiêu vật tư Nhà nước cung ứng trong kỳ cho các cơ sở trực thuộc kịp thời và hợp lý. Nếu phải để dự phòng cấp sau chỉ tiêu hạn chế ở mức tối thiểu, nhưng sở, ngành phải báo cho Ủy ban Kế hoạch, cơ quan cung ứng vật tư biết lý do để theo dõi.

Ủy ban Kế hoạch thành phố cần căn cứ khả năng cân đối và nhu cầu về từng loại vật tư cụ thể, bố trí dự trữ cấp sau ở mức hợp lý nhất và chỉ sử dụng nguồn vật tư này cấp cho các trường hợp sau :

- Bổ sung cho các nhiệm vụ kế hoạch quan trọng do tăng quy mô sản xuất, các nhu cầu phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước.

- Bổ sung cho các nhiệm vụ kế hoạch do phải sử dụng vật tư không đúng quy cách, thay đổi chủng loại, những công việc thay đổi so với thiết kế chế tạo ban đầu dẫn tới định mức vật tư tăng hợp lý.

- Cấp đột xuất cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

II. VỀ KẾ HOẠCH TIẾP NHẬN VÀ CUNG ỨNG VẬT TƯ :

Sản xuất và xây dựng đòi hỏi được cung ứng vật tư kịp thời, đủ về số lượng, đồng bộ về chủng loại, quy cách. Thực hiện chuyển vật tư từ nơi cung ứng tới đơn vị sử dụng theo con đường ngắn nhất với chi phí ít nhất làm tiền đề cho việc sử dụng vật tư hợp lý tiết kiệm và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm loại bỏ bớt các đầu mối cung ứng trung gian, không cần thiết, các đơn vị kinh tế cơ sở cần được tiếp nhận và cung ứng vật tư Trung ương cân đối như sau :

1. Căn cứ vào tính năng sử dụng, điều kiện tiếp nhận, mức độ đáp ứng nhu cầu đối với sản xuất và xây dựng về từng loại vật tư kỹ thuật mà giao nhận thẳng các loại vật tư chủ yếu cho việc thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch quan trọng, cụ thể là :

- Sản xuất các sản phẩm chủ yếu thuộc kế hoạch Nhà nước giao.

- Đơn vị sản xuất có nhu cầu lớn về loại vật tư đó, hoặc đòi hỏi nhiều chủng loại quy cách phức tạp.

- Nhu cầu cho xây dựng một số công trình trọng điểm.

- Đơn vị kinh tế cơ sở có các điều kiện về kho bãi, khả năng bảo quản, cấp phát sử dụng và quyết toán vật tư tốt, có nề nếp.

Cần bố trí giao nhận thẳng, trực tiếp cho các đơn vị cơ sở, nhằm sử dụng vật tư đúng mục đích. Bố trí giao nhận đồng bộ các loại vật tư khác nhau cho sản xuất một sản phẩm để giảm bớt chi phí, thủ tục hành chánh và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng.

2. Các nhu cầu nhỏ, lẻ, các vật tư quý, hiếm, khối lượng cấp tùy thuộc theo khả năng vật tư, các cân đối bằng dự trữ cấp sau thì giao cho các tổ chức cung ứng vật tư ngành hàng của thành phố tiếp nhận và cung ứng qua kho (theo chỉ tiêu và phiếu phân phối vật tư) của thành phố.

3. Giao Ủy ban Kế hoạch thành phố, Công ty Vật tư tổng hợp thành phố nghiên cứu và làm việc với các tổ chức cung ứng vật tư của Trung ương để xác định cụ thể về loại vật tư, chủng loại sản phẩm hoặc loại xí nghiệp nào của thành phố được giao tiếp nhận thẳng vật tư. Trên cơ sở đó, hướng dẫn sở, ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị kinh tế cơ sở thực hiện tiếp nhận vật tư theo quy định nêu trên.

III. QUYẾT TOÁN VẬT TƯ

Tiếp theo Chỉ thị số 25/CT-UB ngày 05-6-1983 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện chế độ quyết toán vật tư trong các đơn vị kinh tế cơ sở và các sở, ngành, quận, huyện có sử dụng vật tư Nhà nước cung ứng để công tác quyết toán vật tư thực sự phát huy tác dụng thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng cường quản lý sử dụng vật tư, Ủy ban nhân dân thành phố nhắc lại và bổ sung như sau :

1. Tất cả các đơn vị kinh tế quốc doanh và các thành phần kinh tế khác được Nhà nước cung ứng vật tư kỹ thuật đều phải nghiêm chỉnh thực hiện báo cáo quyết toán vật tư định kỳ theo quy định.

Những đơn vị nào không thực hiện tốt chế độ báo cáo quyết toán vật tư, sẽ bị tạm ngưng phân phối và cung ứng vật tư cho tới khi thực hiện xong việc kiểm tra, đánh giá sử dụng vật tư ở đơn vị đó.

2. Sau mỗi kỳ kế hoạch, các đơn vị kinh tế cơ sở sử dụng vật tư Nhà nước cung ứng có trách nhiệm báo cáo tình hình tiếp nhận, sử dụng vật tư cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện giao nộp sản phẩm tương ứng theo kế hoạch với cơ quan chủ quản và các cơ quan chức năng có liên quan.

Khi thực hiện quyết toán vật tư ở các đơn vị cơ sở, cơ quan chủ quản cần phối hợp với Cục Thống kê, các tổ chức cung ưng vật tư của thành phố, Ủy ban Kế hoạch thành phố và các cơ quan có liên quan tham gia duyệt quyết toán. Biên bản quyết toán vật tư nhất thiết phải được gởi cho các tổ chức cung ứng, Ủy ban Kế hoạch thành phố để các nơi này có điều kiện theo dõi tình hình sử dụng vật tư của đơn vị kinh tế cơ sở. Trong những trường hợp cần thiết, để làm rõ hơn tình hình sử dụng và quyết toán vật tư của cơ sở, các tổ chức cung ứng vật tư ngành hàng của thành phố và Ủy ban Kế hoạch thành phố, Sở Tài chánh thành phố phối hợp kiểm tra trực tiếp tại đơn vị cơ sở.

3. Các tổ chức cung ứng vật tư của thành phố chịu trách nhiệm quyết toán vật tư ngành hàng phần kế hoạch giao với tổ chức cung ứng vật tư cùng ngành của Trung ương, đồng thời gởi báo cáo cho Ủy ban Kế hoạch thành phố. Ủy ban Kế hoạch thành phố phối hợp với Cục thống kê chịu trách nhiệm quyết toán vật tư nguồn Trung ương cân đối cho thành phố với cấp trên và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trên cơ sở tổng hợp báo cáo quyết toán ngành hàng của toàn thành phố.

4. Để thống nhất việc quản lý sử dụng vật tư theo định mức, góp phần tăng cường quản lý vật tư đối với các đơn vị kinh tế thuộc thành phố quản lý, phải được tiến hành như sau :

- Các sở, ngành, quận, huyện phải xét duyệt định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật của đơn vị kinh tế cơ sở, định mức tổng hợp của ngành, không được vượt định mức kế hoạch Nhà nước giao. Trong trường hợp định mức tổng hợp của ngành vượt định mức Nhà nước giao, đơn vị phải báo cáo và giải trình, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt định mức cho phù hợp với thực tế, trước khi đưa ra áp dụng.

Các cơ quan chủ quản phải hướng dẫn đơn vị cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến, phát huy sáng kiến phấn đấu giảm mức tiêu hao vật tư cho 1 đơn vị sản phẩm…, coi đây là một trong những chỉ tiêu đánh giá sử dụng vật tư tiết kiệm và có hiệu quả. Sở Tài chánh thành phố có trách nhiệm nghiên cứu và hướng dẫn mức khuyến khích vật chất hợp lý cho các đon vị có thành tích trong phấn đấu giảm định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật và thực hiện tốt chế độ quyết toán vật tư.

- Các sở, ngành, quận, huyện lập hệ thống định mức vật tư, kỹ thuật của ngành và gởi báo cáo cho Ủy ban Kế hoạch thành phố tổng hợp, theo dõi. Thời gian thực hiện xong công tác này là 30-4-1986.

- Giao Ủy ban Kế hoạch thành phố phối hợp cùng các tổ chức cung ứng vật tư ngành hàng của thành phố, Cục Thống kê và các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, xem xét và tổng hợp hệ thống định mức vật tư kỹ thuật của địa phương – Thời gian thành công tác này là 30-6-1986.

5. Giao Ủy ban Kế hoạch thành phố, Cục Thống kê, Công ty Vật tư Tổng hợp thành phố nghiên cứu và hướng dẫn các sở, ban, ngành, quận, huyện thực hiện chế độ quyết toán vật tư cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, các đơn vị kinh tế cơ sở có trách nhiệm tổ chức thực hiện chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh những khó khăn, những vấn đề mới, cần phản ảnh với Ủy ban Kế hoạch thành phố và các ngành chức năng có liên quan đề xuất, giải quyết.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Công Ái

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/CT-UB năm 1986 về việc tăng cường công tác quản lý phân phối, cung ứng, sử dụng và quyết toán vật tư của thành phố trong tình hình hiện nay do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 03/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/02/1986
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Công Ái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản