Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-BYT

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG, AN NINH TRONG NGÀNH Y TẾ NĂM 2022

Trong năm 2021, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp. Tuy hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn, nhưng nguy cơ chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố, bất ổn chính trị - xã hội, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Nguy cơ chiến tranh lạnh, cạnh tranh giữa các nước lớn vẫn diễn ra gay gắt; thiên tai dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực trên toàn thế giới, làm gián đoạn, đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, gây thiệt hại nặng cho ngành kinh tế. Khu vực Đông Nam Á là khu vực phát triển năng động, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định.

Trong nước, tình hình chính trị xã hội cơ bản ổn định, an ninh, quốc phòng được tăng cường tiềm lực; tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, thiên tai, dịch bệnh và các hoạt động tội phạm diễn biến phức tạp; Dịch COVID-19 bùng phát đã tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặt các ngành, các cấp, trong đó có ngành Y tế cần phải tăng cường xây dựng lực lượng và nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Ngành Y tế vừa phải thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, vừa nghiên cứu thực hiện những điều chỉnh chiến lược liên quan tới hệ thống y tế trong giai đoạn 2021-2030, đồng thời triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh, góp phần quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2022, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên cả lĩnh lực kinh tế, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tình hình chính trị, an ninh của đất nước. Dịch COVID-19 vẫn còn có chiều hướng gia tăng với sự xuất hiện của các biến chủng mới với khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn nhiều lần so với các biến chủng cũ. Thiên tai thảm họa, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp... ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn và công tác quốc phòng, an ninh của ngành Y tế.

Để toàn ngành Y tế thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị cho Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế (Trưởng Ban quân dân y) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi quyền hạn được giao, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Quán triệt cho toàn bộ cán bộ nhân viên ngành Y tế nhận thức tốt quan điểm chỉ đạo của Đảng về nhiệm vụ củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt.

2. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, công an địa phương tổ chức tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng theo quy định; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên về tình hình chính trị trong nước, thủ đoạn, âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, lập trường tư tưởng cho cán bộ đảng viên, công chức, viên chức về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.

3. Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy quân sự, Ban Chỉ đạo phòng chống khủng bố các cấp và xây dựng lực lượng tự vệ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng kế hoạch và kiện toàn các phương án bảo vệ cơ quan, đơn vị sát với tình hình thực tiễn của đơn vị và địa phương; xây dựng và kiện toàn kế hoạch bảo đảm y tế khu vực phòng thủ kế hoạch bảo đảm y tế năm đầu chiến tranh (Kế hoạch “B”); xây dựng kế hoạch diễn tập y tế trong khu vực phòng thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

4. Rà soát, tạo nguồn, sắp xếp lực lượng quân nhân dự bị vào đơn vị y tế dự bị động viên theo Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 02/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức huấn luyện, từng bước trang bị các trang thiết bị chuyên dụng cho các tổ, đội huy động ngành y tế, các tổ chuyên khoa tăng cường; bảo đảm sẵn sàng huy động trong mọi tình huống.

5. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Bộ Quốc phòng tăng cường công tác đào tạo sĩ quan dự bị ngành quân y, quân dược tạo nguồn sĩ quan dự bị cho các đơn vị dự bị động viên ngành Y tế. Tổ chức tốt việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an và tuyển sinh vào các trường quân sự, công an năm 2022 theo quy định.

6. Tham mưu với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai Nghị định số 118/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về công tác kết hợp quân dân y. Triển khai công tác kết hợp quân dân y trong phòng chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; xây dựng các phương án bảo vệ, di dời các cơ sở y tế trong các tình huống thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp khác theo phương châm “4 tại chỗ” và phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị.

7. Triển khai xây dựng và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển y tế biển, đảo giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Xây dựng cơ chế phối hợp các lực lượng, đặc biệt là kết hợp quân dân y trong cấp cứu, vận chuyển và điều trị người bị thương, bị bệnh trên khu vực biển, đảo.

8. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác quốc phòng Bộ, ngành Trung ương năm 2022 theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng tại Quyết định số 93/QĐ-TM ngày 10/01/2022. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, các địa phương có liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án Quy hoạch khu sơ tán của Bộ theo Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 04/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

9. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch; đặc biệt là dịch COVID-19; hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong do dịch bệnh; góp phần tích cực vào công tác ổn định an ninh, chính trị thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của Chính phủ.

10. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thường xuyên, báo cáo đột xuất; chế độ ban hành các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc thực hiện các quy định của pháp luật.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức cá nhân có liên quan có trách nhiệm khẩn trương triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Quốc phòng (để p/hợp chỉ đạo);
- Bộ Công an (để p/hợp chỉ đạo);
- Ban quân dân y các Quân khu 1,2,3,4,5,7,9,
- BTL Thủ đô Hà Nội;
- Các đ/c Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Bộ Tổng Tham mưu/BQP;
- Tổng cục Chính trị/BQP;
- Tổng cục Hậu cần/BQP;
- Cục Dân quân tự vệ/BTTM;
- Cục Quân y/TCHC/BQP;
- Cục An ninh nội địa/BCA;
- Sở Y tế 63 tỉnh/TP;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Lưu: VT, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Thuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/CT-BYT về công tác quốc phòng, an ninh trong ngành Y tế năm 2022 do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 03/CT-BYT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/02/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Trần Văn Thuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản