TÒA ÁN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2016/CT-CA | Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN
Thực hiện yêu cầu “đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án các cấp nhằm tạo Điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc tại Tòa án” theo tinh thần chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, trong những năm qua, các Tòa án đã thực hiện nhiều giải pháp để đổi mới các thủ tục hành chính tư pháp. Các hoạt động cải cách tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục tiếp nhận và xử lý công văn, đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, hồ sơ do Viện Kiểm sát chuyển đến, đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; phân công giải quyết vụ án; cấp sao lục bản án, quyết định của Tòa án; quản lý số lượng án thụ lý, giải quyết; tiếp công dân... Bên cạnh đó, các Tòa án đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động; công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án; đồng thời luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân; tác phong công vụ cho cán bộ, công chức nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân khi có công việc tại Tòa án.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại các Tòa án cũng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra. Mô hình cải cách hành chính tư pháp “một cửa” tại các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện mặc dù đã thể hiện nhiều ưu Điểm, nhưng vẫn mang tính chất thử nghiệm, chưa trở thành quy định chung mang tính bắt buộc đối với các Tòa án. Quy trình thực hiện hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án các cấp không thống nhất. Đội ngũ cán bộ thực hiện các hoạt động hành chính tư pháp còn thiếu về số lượng, một số hạn chế về trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm với công việc và cá biệt còn có biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu với người dân. Trang thiết bị và môi trường làm việc để tiến hành các hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án các cấp chưa hiện đại, khoa học, đặc biệt là đối với các Tòa án nhân dân cấp huyện.
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử lý công việc và công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án; xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Lãnh đạo các Tòa án cần xác định việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tư pháp là một trong những nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác Tòa án nói chung và chất lượng phục vụ người dân khi có việc yêu cầu Tòa án giải quyết nói riêng. Đảm bảo các vụ việc phải được thụ lý và giải quyết nhanh chóng, loại bỏ những thủ tục rườm rà; ứng dụng quy trình một cửa liên thông, xác định rõ thời gian giải quyết của từng khâu. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính tư pháp cần phải được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các Tòa án nhân dân. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số việc sau:
Thứ nhất, Trên cơ sở các mô hình cải cách thủ tục hành chính tư pháp đã được tổng kết, giao Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Vụ Tổng hợp khẩn trương xây dựng mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của bộ phận hành chính tư pháp tại từng cấp Tòa án và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để lấy ý kiến của các Tòa án trước khi trình lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định.
Thứ hai, Các Tòa án cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng từng quy trình xử lý công việc đảm bảo đơn giản, tiện ích, khâu trước phải là tiền đề chuẩn bị cho khâu sau, đồng thời rút ngắn, đơn giản hóa các bước, thủ tục để tạo Điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có việc liên hệ với Tòa án. Trước mắt, cần rà soát các thủ tục hành chính tư pháp hiện hành để hủy bỏ các thủ tục không còn phù hợp và tiến tới xây dựng Bộ tiêu chí về cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân.
Thứ ba, Trên cơ sở các mô hình tổ chức bộ phận hành chính tư pháp và quy trình xử lý công việc đã được xác định cần tiến hành sắp xếp cán bộ cho phù hợp, đồng thời xây dựng các phần mềm ứng dụng để thực hiện thống nhất trong các Tòa án, nhằm nâng cao hiệu quả của từng khâu, từng hoạt động.
Thứ tư, Cùng với việc chú trọng tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm ứng dụng thì cần chú ý tập trung đầu tư xây dựng các Trang thông tin điện tử, các “Ki ốt” điện tử cho các Tòa án để thường xuyên cập nhật, công bố công khai các thủ tục hành chính tư pháp để mọi cá nhân và tổ chức biết. Thiết lập các đầu mối, địa chỉ, số điện thoại để người dân liên hệ, truy cập tìm hiểu thông tin về quá trình giải quyết công việc của mình tại tất cả các Tòa án, đồng thời tạo Điều kiện cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh về các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Tòa án.
Giao Vụ Tổng hợp khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Đề án Tòa án điện tử, trên cơ sở đó có kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà Đề án đưa ra để có thể tiến tới triển khai Tòa án điện tử trước năm 2020.
Giao Vụ Pháp chế và quản lý khoa học nghiên cứu, hướng dẫn quy định tại Điều 190, Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 119 Bộ luật Tố tụng hành chính về việc gửi và nhận đơn trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử; trên cơ sở đó triển khai thực hiện thí Điểm việc này tại một số Tòa án có đủ Điều kiện.
Giao Cục Kế hoạch Tài chính bố trí kinh phí trong kế hoạch trung hạn để phục vụ việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các Tòa án. Bên cạnh đó, các Tòa án cũng cần chủ động báo cáo cấp ủy địa phương để hỗ trợ các nguồn lực cho Tòa án triển khai việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ năm, thường xuyên quan tâm, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức Tòa án nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác hành chính tư pháp nói riêng nhằm nâng cao tinh thần, ý thức phục vụ nhân dân trong quá trình thi hành công vụ; trong đó, cần đặc biệt quan tâm việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án nhân dân; cụ thể là:
- Luôn vui vẻ, cởi mở, hòa nhã, nhiệt tình, trung thực, thận trọng, công tâm, khách quan, đảm bảo tính công khai, dân chủ trong quá trình tiếp xúc với người dân, khi thi hành công vụ và kể cả khi tiếp dân trên điện thoại; lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân.
- Thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo được quy định trong Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đối với các trường hợp khiếu nại hoặc yêu cầu xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm gay gắt , bức xúc cần báo cáo ngay cho lãnh đạo đơn vị để giải quyết.
- Tận tình giải thích, hướng dẫn và tạo Điều kiện thuận lợi nhất cho người dân để họ thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Giao Học viện Tòa án xây dựng giáo trình môn học về cải cách thủ tục hành chính tư pháp, tư cách, tác phong, thái độ ứng xử của người cán bộ Tòa án khi tiếp công dân và thi hành công vụ.
Thứ sáu, Xây dựng và thực hiện thống nhất hệ thống chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thực hiện hoạt động hành chính tư pháp tại các Tòa án. Nâng cao trình độ tin học, thường xuyên tập huấn việc sử dụng các phần mềm ứng dụng và kỹ năng vận hành thành thạo các phương tiện điện tử cho các cán bộ, công chức Tòa án, nhằm chuẩn bị tốt nhất nguồn nhân lực để thực hiện chủ trương tin học hóa và vận hành có hiệu quả mô hình Tòa án điện tử trong tương lai.
Thứ bẩy, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để học hỏi kinh nghiệm về cải cách thủ tục hành chính tư pháp; làm tốt công tác hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực và kinh nghiệm của các nước trong cải cách hành chính tư pháp.
Thứ tám, Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và phổ biến, nhân rộng các bài học kinh nghiệm tốt trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp; việc đánh giá hiệu quả cải cách hành chính tư pháp phải thông qua việc lượng hóa các quy trình, thủ tục giải quyết từng loại công việc. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này tại các Tòa án.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị này./.
| CHÁNH ÁN |
- 1Quyết định 2954/QĐ-BKHCN năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ trong công tác cải cách thủ tục hành chính
- 2Công văn 543/VPCP-KTTH năm 2016 về cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Chương trình 28-CTr/BCĐCCTPTW-HĐPHTW năm 2015 về phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp giai đoạn 2015-2020 do Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp ban hành
- 4Kế hoạch 77/KH-TANDTC năm 2016 tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân và triển khai hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về thành lập các Tòa chuyên trách trong các Tòa án
- 5Công văn 5012/TCHQ-PC năm 2017 tăng cường thực hiện cải cách hành chính, Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP do Tổng cục Hải quan ban hành
- 1Luật khiếu nại 2011
- 2Luật tố cáo 2011
- 3Quyết định 2954/QĐ-BKHCN năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ trong công tác cải cách thủ tục hành chính
- 4Bộ luật tố tụng dân sự 2015
- 5Luật tố tụng hành chính 2015
- 6Công văn 543/VPCP-KTTH năm 2016 về cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Chương trình 28-CTr/BCĐCCTPTW-HĐPHTW năm 2015 về phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp giai đoạn 2015-2020 do Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp ban hành
- 8Kế hoạch 77/KH-TANDTC năm 2016 tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân và triển khai hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về thành lập các Tòa chuyên trách trong các Tòa án
- 9Công văn 5012/TCHQ-PC năm 2017 tăng cường thực hiện cải cách hành chính, Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP do Tổng cục Hải quan ban hành
Chỉ thị 03/2016/CT-CA về tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân
- Số hiệu: 03/2016/CT-CA
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 04/04/2016
- Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
- Người ký: Trương Hòa Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/04/2016
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực