Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2011/CT-UBND

Bình Dương, ngày 17 tháng 3 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH LANG BẢO VỆ AN TOÀN CÔNG TRÌNH LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP

Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động điện lực và sử dụng điện liên quan về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áo như: Luật Điện lực năm 2004; Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp (Viết tắt là: Nghị định số 106/2005/NĐ-CP); Nghị định số 81/2009/NĐ-CP ngày 12/10/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP; Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15/6/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực (viết tắt là: Nghị định 68/2010/NĐ-CP); Thông tư số 03/2010/TT-BCT ngày 22/01/2010 của Bộ Công Thương quy định một số nội dung về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Tuy nhiên việc phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện các Văn bản này trên địa bàn tỉnh còn chậm, thiếu đồng bộ.

Để tăng cường biện pháp xử lý trong thời gian tới, phù hợp với hệ thống các văn bản hiện hành, nhằm bảo vệ tính mạng cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các nội dung sau;

1. Đối với chính quyền địa phương.

a) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm:

- Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, ngăn chặn xử lý kịp thời các trường hợp xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thị xã hỗ trợ các đơn vị quản lý vận hành lưới điện hoàn tất thủ tục xác định hiện trạng vị trí trồng trụ, hướng tuyến đường dây điện đi qua địa phương.

- Phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra, lập biên bản các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn. Xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 68/2010/NĐ-CP.

- Ban hành quyết định xử lý vi phạm về hành lang an toàn lưới điện cao áp và tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền

- Tiếp tục duy trì Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp của huyện, thị xã.

- Chịu trách nhiệm trong việc cấp phép xây dựng cho các tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cải tạo công trình làm vi phạm đến hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

b) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:

- Quản lý toàn diện về trật tự xây dựng trên địa bàn, có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý kịp thời và báo cáo cấp trên các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp xảy ra trên địa bàn.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, lập biên bản các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn. Xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 68/2010/NĐ-CP.

- Chỉ đạo Tổ công tác quản lý trật tự xây dựng xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn, cùng cán bộ ngành điện và cán bộ quản lý trật tự xây dựng huyện, thị xã lập biên bản, hồ sơ vi phạm yêu cầu đình chỉ và đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xử lý các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo quy định.

- Chịu trách nhiệm trong việc cho phép các tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cải tạo công trình làm vi phạm đến hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

2. Đối với các sở, ban, ngành có liên quan:

a) Sở Công Thương

- Tổng hợp tình hình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, đề xuất các biện pháp khắc phục, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản về bảo vệ an toàn các công trình lưới điện cao áp.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kiểm tra, xử lý các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo quy định pháp luật.

- Kiểm tra việc lập biên bản, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trên địa bàn tỉnh.

- Đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành của tỉnh:

+ Khen thưởng các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.

+ Xử lý kỷ luật những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái với quy định của nhà nước trong công tác quản lý trật tự xây dựng liên quan đến hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

b) Công an tỉnh.

- Phối hợp với các ngành, các cấp kiểm tra, lập biên bản các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo quy định. Xử lý vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 68/2010/NĐ-CP.

- Chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc tham gia cùng với địa phương xử lý các trường hợp vi phạm khi có yêu cầu. Đảm bảo tình hình an ninh trật tự cho việc thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, phối hợp giải quyết các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.

c) Sở Xây dựng.

- Chỉ đạo Thanh tra ngành xây dựng kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 68/2010/NĐ-CP.

- Phối hợp các cơ quan ban ngành có liên quan kiểm tra lập biên bản xử lý các trường hợp xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

- Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

- Chịu trách nhiệm trong việc cấp phép xây dựng cho các tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cải tạo công trình làm vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

d) Sở Tài chính.

- Trên cơ sở dự toán của Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp được cấp thẩm quyền phê duyệt, Sở Tài chính bố trí ngân sách bảo đảm hoạt động của Ban chỉ đạo (về công tác kiểm tra, xử lý, tập huấn, tuyên truyền phổ biến của Ban Chỉ đạo).

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.

đ) Sở Tư pháp: Phối hợp với các ngành phổ biến, tuyên truyền quy định pháp luật về công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

e) Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Tham gia xử lý các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp đối với lĩnh vực đất và kết hợp với ngành điện xác nhận phần diện tích đất, nguồn gốc phần đất vi phạm để có phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 68/2010/NĐ-CP.

g) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền và phổ biến các văn bản có liên quan về công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

- Phối hợp với các đơn vị quản lý vận hành lưới điện khảo sát địa điểm, lấy ý kiến trước khi cấp phép quảng cáo cho các tổ chức, cá nhân có lắp đặt hoặc treo bảng quảng cáo gần đường dây dẫn điện làm vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

3. Đối với cơ quan quản lý vận hành lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh.

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến đường dây dẫn điện và trạm biến áp nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm và thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xây dựng mới hoặc cải tạo công trình và hồ sơ có liên quan của chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp công trình (gọi tắt là chủ công trình) đơn vị quản lý điện cao áp phải có trách nhiệm khảo sát hiện trường nơi dự kiến xây dựng, cải tạo công trình và lập văn bản thỏa thuận với chủ công trình về an toàn điện đối với nhà ở, công trình xây dựng. Trường hợp không thỏa thuận được phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

- Ngừng cấp điện khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp theo quy định về trình tự và thủ tục ngừng giảm mức cung cấp điện của Bộ Công Thương.

- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

- Chủ động phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

4. Biện pháp thực hiện.

Yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng các đơn vị quản lý vận hành công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị này.

Giao Sở Công Thương theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị này và các văn bản quy định của Nhà nước về bảo an toàn công trình lưới điện cao áp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ 6 tháng, năm.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 45/2007/CT-UBND ngày 31/12/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường biện pháp xử lý công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Liêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/2011/CT-UBND về tăng cường biện pháp xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp do tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 03/2011/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/03/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Trần Thanh Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản