Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG – CÔNG ĐOÀN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CTLT-BCT-CĐCT

Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC PHONG TRÀO THI ĐUA NĂM 2011

Năm 2011 là năm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010; trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tiến tới thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015.

Nhiệm vụ của ngành Công Thương trong năm 2011 là hết sức nặng nề. Việc phấn đấu thực hiện cho được các mục tiêu phát triển kinh tế một cách bền vững, giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội bức xúc nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh và tính hiệu quả của nền kinh tế, đòi hỏi toàn ngành phải có những nỗ lực rất lớn nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 14,8% so với năm 2010, Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10% so với năm 2010, tiếp tục giảm nhập siêu, kiềm chế Chỉ số tăng giá tiêu dùng dưới 7%, ổn định và phát triển thị trường trong nước, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong đầu tư xây dựng, trong sản xuất kinh doanh của từng đơn vị.

Phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển của năm 2011, Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam phát động phong trào thi đua trong toàn ngành Công Thương với các nội dung:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.

2. Phong trào thi dua phải được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động thiết thực, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cán bộ, đảng viên, người lao động phải không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.

3. Theo dõi chặt chẽ, nâng cao chất lượng phân tích và dự báo, đặc biệt là trước những biến động về tình hình thế giới sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, chủ động xây dựng các phương án phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ với hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

4. Tập trung rà soát, bổ sung điều chỉnh và xây dựng mới các chiến lược, quy hoạch ngành, sản phẩm trên phạm vi cả nước cũng như từng địa bàn tạo thuận lợi hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào các dự án, chương trình, kế hoạch của ngành theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.

5. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế tác có giá trị gia tăng cao và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh chương trình sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm; khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

6. Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và thực hiện tốt cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tham gia có hiệu quả vào việc ổn định và phát triển thị trường trong nước, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong đó tập trung trước hết vào các mặt hàng trọng yếu; tăng cường kiểm soát thị trường, chống mọi hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với các hành vi nhập lậu, làm hàng giả, không bảo đảm các quy định về chất lượng, giá cả…, trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá.

7. Thực hiện có hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ WTO, các hiệp định khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương; Tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế thương mại khác.

8. Thực hiện tốt việc quy hoạch mạng lưới các trường thuộc Bộ tạo điều kiện cho các trường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực không những giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn cả về đạo đức, tác phong làm việc công nghiệp, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

9. Về công tác quản lý nhà nước của Bộ, cần đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý từ Bộ tới các Sở Công Thương. Tăng cường công tác triển khai Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong các thủ tục liên quan đến đầu tư, phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa. Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong lãnh đạo và quản lý.

10. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, qua đó động viên cán bộ công nhân viên chức lao động phát huy tính năng động, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào công tác quản lý sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, hạ giá thành, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, góp phần giảm nhập siêu, kiềm chế lạm phát.

11. Để thực hiện tốt những công việc nêu trên, mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động ở các đơn vị trong ngành Công Thương phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Các đơn vị trong ngành cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến xuất sắc, các nhân tố mới ở tất cả các lĩnh vực bằng nhiều hình thức. Phải cụ thể hóa mục tiêu thi đua thành chương trình, biện pháp phù hợp để tổ chức thực hiện và có kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả một cách thực chất.

Phát huy thành tích đã đạt được trong năm 2010 và tập trung thực hiện tốt những định hướng, nhiệm vụ chung đã được đề ra cho năm 2011 của ngành Công Thương, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Công đoàn Công Thương Việt Nam kêu gọi cán bộ công nhân viên chức, người lao động toàn ngành ra sức phấn đấu cùng nhau thi đua để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2011 ngay từ tháng đầu, quý đầu, tạo tiền đề hoàn thành toàn diện kế hoạch 5 năm 2011 -2015 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành Công Thương./.

 

TM. BAN THƯỜNG VỤ CĐCTVN
CHỦ TỊCH




Đỗ Đăng Hiếu

BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG THƯƠNG




Vũ Huy Hoàng

 

Nơi nhận:
- Hội đồng TĐKT Trung ương;
- Ban TĐKT Trung ương;
- Khối thi đua các Bộ, Ngành kinh tế;
- Lãnh đạo Bộ;
- Công đoàn CTVN;
- Các cơ quan, đơn vị trong ngành CT;
- Lưu: VT, TĐKT.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CTLT-BCT-CĐCT năm 2011 về tổ chức phong trào thi đua do Bộ Công thương - Công đoàn Công thương Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 02/CTLT-BCT-CĐCT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/01/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương, Công đoàn Công thương Việt Nam
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng, Đỗ Đăng Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản