Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Ninh Bình, ngày 03 tháng 02 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT CORONA GÂY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra đang diễn biến rất phức tạp, lây nhiễm nhanh, có nguy cơ rất cao bùng phát thành dịch lớn ở Việt Nam, ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa đến tính mạng con người. Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu; quá trình nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh đang được triển khai. Bệnh có thể lây truyền từ người sang người do tiếp xúc gần hoặc qua bề mặt tiếp xúc hoặc qua những hạt nước bọt có chứa vi rút. Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra tại Việt Nam ở các tỉnh Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa (đã có 07 trường hợp mắc bệnh) với tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 02/02/2020, số người mắc bệnh trên thế giới: 14.554 trường hợp, 305 người tử vong. Trong đó, tại Trung Quốc có 14.411 trường hợp mắc bệnh, 304 người tử vong.

Để chủ động và tăng cường triển khai quyết liệt các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do nCoV gây ra trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo, khuyến cáo của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, khẩn trương triển khai thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ sau:

1. Phải chủ động, quyết liệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, luôn sẵn sàng ở mức cao hơn và cần tính đến mức cao nhất và trong tình huống xấu nhất. Hành động khẩn trương, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Không được chủ quan, chủ động triển khai ngay các biện pháp kiểm soát dịch bệnh theo phương châm bốn tại chỗ. Giám sát chặt chẽ các nguồn lây bệnh, các trường hợp đi về từ vùng dịch, hoặc tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh dịch hoặc với người mắc bệnh dịch; tập trung bao vây, dập dịch ngay từ lúc quy mô nhỏ, số lượng người mắc bệnh ít. Phun thuốc khử trùng tại các đơn vị trường học, các cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ được phân công.

2. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, trọng tâm là giám sát chặt chẽ những người đến từ vùng dịch, hoặc tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, hoặc người mắc bệnh; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để kịp thời cách ly, theo dõi và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

- Xây dựng các nội dung tuyên truyền, khuyến cáo về phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh hướng dẫn các huyện, thành phố, các doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền về cách phát hiện, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân, người lao động nhằm nâng cao hiểu biết và tự giác, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và những người xung quanh, tránh tâm lý hoang mang, kỳ thị những người nghi ngờ mắc bệnh, đến từ vùng có dịch. Tổ chức cách ly và quản lý những người lao động trở lại làm việc từ những vùng có dịch bệnh và khi phát hiện trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh.

- Chỉ đạo hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở triển khai, hoàn thiện các phương án sẵn sàng ứng phó khi cần thiết và khi bệnh dịch xảy ra. Xây dựng kịch bản ứng phó với từng tình huống dịch. Bảo đảm cơ số thuốc, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch. Có hướng dẫn, chỉ đạo quy trình, phác đồ điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong. Thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở y tế; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tổ chức khám và điều trị cho bệnh nhân theo hướng dẫn của ngành Y tế.

- Xây dựng các kịch bản các tình huống xảy ra của tỉnh, tập huấn cho các cán bộ, nhân viên y tế về các tình huống dịch bệnh xảy ra. Chuẩn bị sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Cập nhật thông tin và thông tin kịp thời tình hình dịch, đưa ra các khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh phù hợp với tình hình dịch. Tích cực tham mưu, chỉ đạo các cấp, các ngành xử lý các tình huống dịch bệnh phù hợp, đúng quy trình, quy định. Chỉ đạo phun thuốc khử trùng tại các công sở, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình và các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường thông tin về tình hình dịch bệnh; tuyên truyền về các biện pháp phát hiện, cách phòng, chống dịch bệnh đến các tầng lớp nhân dân.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổng hợp nhu cầu trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, trang thiết bị phòng hộ, dự toán kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch gửi về Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Thành lập và công bố đường dây nóng về phòng, chống dịch. Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh, kịp thời tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

- Phối hợp với Sở Công thương, Cục Quản lý Thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống bệnh. Xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh vi phạm và rút giấy phép kinh doanh theo quy định.

3. Sở Du lịch

Nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh về tổ chức Lễ khai mạc và các hoạt động của năm du lịch quốc gia tại Ninh Bình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chỉ đạo các Công ty du lịch hủy các tua, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch trong và ngoài nước từ vùng có dịch đến Ninh Bình.

Rà soát, nắm bắt chặt chẽ các du khách người nước ngoài, người Trung Quốc để hướng dẫn, khuyến cáo cho du khách đang lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ và các nhân viên người nước ngoài đang làm việc tại các nhà hàng, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh cách phòng, chống dịch bệnh. Quản lý, theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe của khách du lịch, khuyến nghị hạn chế di chuyển du khách đến từ vùng dịch. Phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức cách ly, quản lý du khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tăng cường giám sát dịch bệnh tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Văn hóa và Thể thao

Chỉ đạo tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, giảm quy mô tổ chức lễ hội nhằm làm giảm nguy cơ lây lan và bùng phát dịch. Yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại các nơi công cộng và hạn chế du xuân, tham gia lễ hội. Phối hợp với Sở Y tế, Sở Du lịch và UBND các huyện, thành phố tăng cường giám sát dịch bệnh tại các Lễ hội, khu vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh.

5. Công an tỉnh

- Đảm bảo an ninh trật tự cho việc cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh. Huy động lực lượng chủ động phương tiện, sẵn sàng tham gia phối hợp với lực lượng y tế, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, nắm chắc thông tin, số người nước ngoài đang lưu trú, làm việc tại các doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để giám sát, kiểm dịch đối với người nhập cảnh, đi về từ vùng có dịch.

- Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Viện Quân Y 5

Chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh. Có kế hoạch, phương án sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị tham gia chống dịch trong trường hợp dịch bệnh lan diện rộng.

7. Sở Tài chính

Chủ động bố trí đầy đủ kinh phí, phục vụ kịp thời cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

8. Sở Giao thông vận tải

Triển khai thực hiện nghiêm các khuyến cáo phòng, chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang cho các hành khách trên các phương tiện vận tải. Có phương án phòng bệnh cho hành khách và nhân viên khi có trường hợp xuất hiện bệnh nhân trên các phương tiện vận tải hành khách.

9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện giám sát tình hình sức khỏe của những người lao động đang làm việc hoặc xuất phát, trở về từ các khu vực đang có dịch. Không tổ chức đưa lao động người Ninh Bình đến các khu vực đang có dịch.

10. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, các cơ quan báo chí trung ương đóng trên địa bàn tỉnh

Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế cung cấp kịp thời, chính xác tới cộng đồng để người dân biết tình hình dịch bệnh, tránh gây hoang mang; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV; khuyến cáo người dân và khách du lịch khi đi ra đường, đến chỗ đông người thì phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, khi có triệu chứng nghi ngờ thì cần cách ly và đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện, điều trị kịp thời, người dân hạn chế đi đến vùng đang có dịch bệnh khi không thực sự cần thiết.

Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác quản lý, xử lý các thông tin sai lệch, không chính xác, gây hoang mang cho nhân dân trên mạng xã hội.

Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn để các tầng lớp nhân dân được biết chủ động và tự giác tham gia phòng, chống bệnh dịch.

11. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phổ biến thông tin về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống dịch cho đối tượng học sinh, sinh viên. Áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn. Chỉ đạo, tổ chức giám sát tình hình sức khỏe của học sinh, sinh viên trong các nhà trường, thông báo với ngành y tế các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

- Có trách nhiệm tham gia các hoạt động phòng, chống dịch khi có yêu cầu của ngành Y tế.

12. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp có người lao động đến từ Trung Quốc và các vùng có dịch tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc; chủ động kiểm tra sức khỏe, cách ly cho những người vừa trở về từ vùng có dịch, triển khai các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh.

13. Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Công an tỉnh, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch như: khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, vật tư, trang thiết bị y tế... nhằm phát hiện xử lý nghiêm hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng...

14. Các Sở, ngành khác, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh

Xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh cho cơ quan, đơn vị mình. Tích cực, chủ động phối hợp với ngành Y tế tăng cường truyền thông, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại gia đình, cộng đồng; đồng thời tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

16. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở các cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra tại địa phương. Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona gây ra ở các cấp do Chủ tịch UBND làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về nguy cơ, đường lây nhiễm, cách phát hiện sớm, cách phòng, chống dịch bệnh do nCoV. Vận động nhân dân tự giác khai báo với cơ quan y tế đi/về từ vùng có dịch, đồng thời phát hiện những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở, có yếu tố dịch tễ, có nguy cơ mắc bệnh do nCoV để được cách ly, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khuyến cáo người dân không đến các khu vực đang có dịch.

- Chỉ đạo hạn chế tối đa tập trung đông người; tạm dừng các Lễ hội; tuyên truyền, vận động, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi đi ra đường, tại nơi đông người, hạn chế du xuân, tham gia Lễ hội; kiểm soát chặt chẽ lao động tự do trở về địa phương trong thời gian có dịch.

- Chỉ đạo tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cụm dân cư, hộ gia đình, các khu vực có nhiều khách du lịch.

- Huy động tối đa các nguồn lực, bố trí ngân sách địa phương để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn theo quy định, đảm bảo phù hợp với từng cấp độ dịch. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh để sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xâm nhập vào địa phương. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê tình hình dịch tại địa phương về Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Sở Y tế) theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị này. Những khó khăn, vướng mắc gửi về Sở Y tế tổng hợp, tham mưu báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Giao Sở Y tế tổng hợp báo cáo tình hình dịch bệnh và kết quả thực hiện nội dung Chỉ thị này về Chủ tịch UBND tỉnh trước 17h00 hằng ngày./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Thường trực các Huyện ủy, Thành ủy;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh;
- Các thành viên BCĐ phòng chống dịch của tỉnh;
- Bệnh viện 5 QK III, Bệnh viện Công an tỉnh, Bệnh xá Quân đoàn I;
- Lưu: VT, VP2, VP3, VP4, VP5, VP7, VP8, VP9, VP10, VP11, VP6.
1.Tr18_CVYT

CHỦ TỊCH




Đinh Văn Điến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2020 về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

  • Số hiệu: 02/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 03/02/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Đinh Văn Điến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/02/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản