Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Bình Dương, ngày 09 tháng 01 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGUỒN LỢI THỦY SẢN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Tỉnh Bình Dương có nhiều hồ, đập lớn và nhiều vùng đất ngập, trũng ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính. Vì vậy, rất thuận lợi cho việc phát triển và đa dạng hóa các loài thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản từ tự nhiên ngày càng giảm, nhất là các loài có giá trị kinh tế cao trong khi đó tình trạng khai thác thủy sản bằng chất nổ, chất độc, xung điện nhất là sử dụng xung điện vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt là tại một số thủy vực hồ thủy lợi, sông suối vùng nội đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; tác động xấu đến hệ sinh thái đặc thù. Các chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông, hồ đã gây ô nhiễm môi trường nước. Nguyên nhân chính là công tác chỉ đạo quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự quyết liệt ở một số địa phương; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng triển khai chưa đồng bộ. Để ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn lợi thủy sản, để bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sản quý, hiếm, có giá trị kinh tế; các hệ sinh thái đặc thù, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tổ chức triển khai, tuyên truyền các văn bản pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; phổ biến rộng rãi các quy định quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, tác hại của dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; Trong tuyên truyền cần chú ý mở rộng đến các đối tượng là cá nhân, tổ chức kinh doanh thủy sản tươi sống dùng cho nhu cầu thực phẩm hàng ngày tại các chợ cá, quán ăn, nhà hàng. Từ đó giúp các cá nhân, tổ chức kinh doanh này hiểu rõ và chấp hành việc kinh doanh thủy sản tươi sống theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, hàng năm thả bổ sung giống thủy sản ra các thủy vực tự nhiên. Tập trung thả một số giống thủy sản bản địa, loài có giá trị kinh tế nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể các loài trên các hồ chứa. Việc nuôi thả thủy sản trong hồ chứa phải đảm bảo an toàn công trình, đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, không gây ô nhiễm và suy thoái nguồn nước trong hồ chứa.

Tổ chức định hướng quy hoạch vùng phát triển thủy sản, phối hợp với các ngành hữu quan, xây dựng dự án đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phù hợp với địa phương.

Quản lý tốt các hoạt động dịch vụ thuốc thú y thủy sản, thức ăn thủy sản, hóa chất xử lý môi trường và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.

2. Ủy ban nhân huyện, thị xã, thành phố:

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Nghiêm cấm việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản; xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt nêu trên.

Chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên - Môi trường rà soát lại tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, xây dựng, quy hoạch vùng nuôi thủy sản phù hợp với đặc điểm sinh thái của địa phương, cải tạo kênh mương nội đồng nhằm phục vụ công tác nuôi trồng thủy sản tốt hơn; kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của hộ nuôi thủy sản trên địa bàn.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản; tổ chức tuyên tuyền, vận động nâng cao ý thức người dân trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc vào khai thác thủy sản.

Để bảo vệ môi trường trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn không bị ô nhiễm, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong vùng và thành phố Hồ Chí Minh, nghiêm cấm việc phát triển nuôi cá bè trên các nhánh sông Đồng Nai, sông Sài Gòn thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã: Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng thông báo cho các hộ dân đang nuôi cá bè trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn để thực hiện. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện chủ trương chung của tỉnh.

3. Sở Tài chính:

Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản; tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư.

4. Các sở, ngành, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương, Đài Truyền thanh các địa phương: Lập kế hoạch và thực hiện thường xuyên chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống, lồng ghép nội dung bảo vệ nguồn lợi thủy sản với các chương trình bảo vệ môi trường.

Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này ở các ngành, các cấp, các địa phương. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Trần Văn Nam

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2015 về tăng cường công tác quản lý nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản do tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 02/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/01/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Trần Văn Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/01/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản