Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 02/CT-ĐCT

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THÔNG TIN, BÁO CÁO TRONG HỆ THỐNG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

Trong những năm qua, nhất là từ khi Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa VIII) ban hành Nghị quyết số 05/ NQ- ĐCT ngày 20 tháng 11 năm 2000 về “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, báo cáo trong hệ thống tổ chức Công đoàn”, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty và các Ban, đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn đã quan tâm tổ chức và chỉ đạo công tác thông tin, báo cáo, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thông tin, báo cáo; từng bước góp phần đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, thực hiện có hiệu quả các mặt công tác của các cấp công đoàn.

Tuy nhiên, một số nơi nhận thức chưa đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của công tác thông tin, báo cáo; chưa quan tâm đúng mức việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ làm công tác thông tin, báo cáo ở các cấp. Đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác nghiên cứu, tổng hợp thông tin, báo cáo, thống kê, văn thư, lưu trữ, công nghệ thông tin ở nhiều Công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động địa phương, đơn vị còn thiếu và yếu, điều kiện và phương tiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả công tác thông tin, báo cáo chưa cao.

Để khắc phục tình hình trên, các cấp Công đoàn, các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn cần triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 05/ NQ- ĐCT ngày 20 tháng 11 năm 2000 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa VIII) về “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, báo cáo trong hệ thống tổ chức Công đoàn”.

2. Xây dựng bộ máy văn phòng đủ mạnh, làm tốt chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn các cấp để nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành. Coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ công tác, nghiệp vụ của cán bộ văn phòng, nhất là kiến thức tin học và ngoại ngữ. Thường xuyên bố trí, tạo điều kiện cho cán bộ, chuyên viên làm công tác văn phòng đi nghiên cứu, nắm tình hình thực tế ở cơ sở.

3. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của công đoàn ở các cấp. Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về tổ chức Công đoàn Việt Nam, cơ sở dữ liệu về pháp luật Lao động và Công đoàn trên trang WEB của Tổng Liên đoàn, của các Công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động địa phương, công đoàn cơ sở nơi có điều kiện. Mở rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận thông tin, báo cáo. Sử dụng văn bản điện tử để từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin trong hệ thống tổ chức công đoàn.

4. Thường xuyên nâng cao chất lượng công tác thông tin, báo cáo, bảo đảm thông tin, báo cáo đúng yêu cầu, khách quan, trung thực; phản ánh kịp thời những đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động từ cơ sở. Chú ý tổng hợp, phân tích các số liệu thống kê để đánh giá đúng về tình hình đoàn viên, tổ chức công đoàn, công nhân, viên chức, lao động và các mặt hoạt động công đoàn, giúp công tác chỉ đạo, điều hành của công đoàn ở các cấp, các Ban, đơn vị ngày càng hiệu quả và thiết thực.

5. Đưa công tác văn thư, lưu trữ của công đoàn vào nền nếp theo đúng Quy định số 210- QĐ/TW ngày 06/3/2010 về “Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam” và Quy định số 212- QĐ/TW ngày 16/3/2010 “về giải mật tài liệu của các cơ quan, tổ chức trước khi nộp lưu vào kho Lưu trữ Trung ương Đảng” của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X). Thực hiện tốt việc văn bản hóa các hoạt động của công đoàn; chấp hành đúng quy định về quản lý tài liệu, văn kiện của công đoàn.

6. Công tác thông tin, báo cáo là một chỉ tiêu để đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh của Công đoàn các cấp, của các ban, đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn.

7. Chủ tịch các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty và Thủ trưởng các Ban, đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn chịu trách nhiệm trước Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về công tác thông tin, báo cáo, thống kê, văn thư, lưu trữ theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

8. Văn phòng phối hợp với các Ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn có kế hoạch giúp các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thông tin, báo cáo cho cán bộ công đoàn.

9. Giao Văn phòng Tổng Liên đoàn có trách nhiệm giúp Đoàn Chủ tịch theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này. Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty và các Ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn có biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị này đến công đoàn cơ sở.

 

 

Nơi nhận:
- ĐCT Tổng Liên đoàn
- Các LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành
 TW, Công đoàn Tổng công ty
 trực thuộc Tổng Liên đoàn
- Các ban, đơn vị thuộc TLĐ
- Lưu: Văn thư - Tổng hợp

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CT-ĐCT năm 2010 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, báo cáo trong hệ thống tổ chức công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 02/CT-ĐCT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/08/2010
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Đặng Ngọc Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản