ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-CTUBND | Sơn La, ngày 12 tháng 01 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2017
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan; thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, tần suất và cấp độ gia tăng. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2017, chủ động phòng tránh, ứng phó với các dạng thiên tai đảm bảo an toàn về người và tài sản, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
1. Tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016; Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 đến các cấp, các ngành, phân công trách nhiệm cho từng thành viên phụ trách địa bàn và lĩnh vực cụ thể.
2. Ngay từ đầu năm các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, phương án Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2017, chú trọng những biện pháp phòng, chống các dạng thiên tai giá rét, hạn hán, nắng nóng, cháy rừng, gió lốc, mưa đá, lũ quét, ngập lụt, sạt lở trên từng địa bàn, lĩnh vực. Kế hoạch phòng chống thiên tai được lồng ghép trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017 của địa phương.
3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống thiên tai (Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống lụt, bão và khai thác bảo vệ công trình phòng chống thiên tai).
Nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng, tránh; những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, trách nhiệm và nghĩa vụ trong phòng, chống thiên tai đến mọi tầng lớp nhân dân.
4. Tổ chức rà soát, cập nhật, xác định những vùng nguy cơ xẩy ra lũ quét, sạt lở đất để xây dựng phương án cụ thể trong ứng phó, di dời nhân dân trong trường hợp khẩn cấp.
5. Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm “ 4 tại chỗ ”, chủ động dự trữ lương thực, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm... ở những vùng thường xuyên bị chia cắt, khó khăn trong việc đi lại những tháng mùa mưa.
6. Tập trung chỉ đạo việc thực hiện chằng néo an toàn nhà ở của nhân dân, kho tàng, trường học, trạm xá, các trạm phát thanh truyền hình, thông tin viễn thông; sự an toàn hành lang lưới điện, hành lang giao thông; cây xanh đại thụ tại các khu công sở, công trình phúc lợi công cộng, khu dân cư... đảm bảo an toàn trong phòng tránh thiệt hại do gió lốc, sét đánh, lũ lụt, sạt lở.
7. Tổ chức kiểm tra, rà soát xác định những địa điểm thường xuyên xẩy ra thiếu nước vụ Chiêm Xuân, giữ gìn và sử dụng nguồn nước tiết kiệm; chủ động phương án phòng chống hạn, chuyển đổi diện tích cây trồng phù hợp, hiệu quả. Chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trong mùa khô hanh.
8. Thường xuyên kiểm tra các hồ đập thủy lợi, thủy điện điều tiết nước hợp lý phòng chống hạn, đảm bảo phát điện kết hợp cấp nước phục vụ sản xuất và an toàn trong mùa mưa lũ. Kiểm tra tiến độ, điều kiện thi công các công trình xây dựng cơ bản, đặc biệt các công trình thủy lợi, giao thông, các công trình phòng, chống thiên tai lũ lụt, sạt lở đảm bảo an toàn trong mưa lũ.
Chuẩn bị các phương án về lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, xử lý tình huống xấu với các công trình trọng điểm, xung yếu, vùng nguy cơ cao xẩy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở.
9. Chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, toàn diện hoạt động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu để mỗi cộng đồng, mỗi người dân nhận thức được mình đang ở đâu, đang làm gì, nên làm gì, không được làm những gì và phải làm gì để phòng chống, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai an toàn về người và tài sản, giảm thiểu thiệt hại ổn định đời sống và sản xuất, giữ vững trật tự an toàn xã hội; chấp hành quy định pháp luật và chính quyền địa phương.
10. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
- Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 tại các địa phương; trọng tâm là việc triển khai thực hiện phương châm “ 4 tại chỗ ” trong phòng chống hạn hán, cháy rừng, gió lốc, lũ quét, ngập lụt, sạt lở và việc tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh trong phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ.
- Chỉ đạo Văn phòng thường trực tổ chức trực ban, tham mưu và theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn cảnh báo kịp thời về thiên tai, mưa lũ bằng nhiều biện pháp, bảo đảm thông tin đến được người dân đầy đủ nhanh chóng và có biện pháp ứng phó kịp thời khi có thiên tai xẩy ra.
11. Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết, thông tin kịp thời và cảnh báo sớm về khả năng xảy ra các dạng thiên tai tới Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các cấp có thẩm quyền để tập trung chỉ đạo, điều hành phòng tránh và ứng phó kịp thời.
12. Các lực lượng vũ trang đóng tại địa phương xây dựng phương án hiệp đồng cụ thể, đảm bảo lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ trật tự an toàn xã hội... hỗ trợ, ứng cứu, chi viện kịp thời và hiệu quả khi có thiên tai xảy ra. Tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 theo kế hoạch.
13. Các sở, ban, ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai, mưa lũ gây ra; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường khi có yêu cầu theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 471/QĐ-UBND năm 2016 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Kon Tum
- 2Nghị quyết 41/2016/NQ-HĐND về Đề án thành lập, quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Bình Định
- 3Quyết định 32/QĐ-UBND năm 2017 về Quy chế tổ chức, hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Ninh Bình
- 4Quyết định 1505/QĐ-UBND về kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội năm 2017
- 5Chỉ thị 03/CT-UBND về công tác tìm kiếm cứu nạn năm 2017 do thành phố Hà Nội ban hành
- 6Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 1Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 2Nghị định 139/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão
- 3Nghị định 94/2014/NĐ-CP thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai
- 4Quyết định 471/QĐ-UBND năm 2016 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Kon Tum
- 5Nghị quyết 41/2016/NQ-HĐND về Đề án thành lập, quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Bình Định
- 6Quyết định 32/QĐ-UBND năm 2017 về Quy chế tổ chức, hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Ninh Bình
- 7Quyết định 1505/QĐ-UBND về kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội năm 2017
- 8Chỉ thị 03/CT-UBND về công tác tìm kiếm cứu nạn năm 2017 do thành phố Hà Nội ban hành
- 9Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Chỉ thị 02/CT-CTUBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 do tỉnh Sơn La ban hành
- Số hiệu: 02/CT-CTUBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 12/01/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
- Người ký: Lò Minh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/01/2017
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực