Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2008/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 01 tháng 4 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG CÁC GIẢI PHÁP KINH TẾ - CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI ĐỂ PHỤC VỤ MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ GIẢM NGHÈO VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM NĂM 2008

Thời gian qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và giải quyết việc làm (GN-VL) đã được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đã được triển khai đến tận cơ sở giúp cho người nghèo có điều kiện làm ăn và ổn định cuộc sống. Cuối năm 2007, toàn tỉnh còn 4.895 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,5%.

Năm 2008, năm thứ 3 thực hiện chuẩn nghèo mới theo tiêu chí của tỉnh giai đoạn 2006-2010, cũng là năm Bình Dương phấn đấu được công nhận là tỉnh thoát nghèo trước thời hạn 02 năm.

Tuy nhiên tình hình kinh tế lại có những khó khăn nhất định: lạm phát tăng làm cho giá các mặt hàng tiêu dùng tăng nhanh trong 02 tháng đầu năm, đây là một khó khăn, thách thức rất lớn; dự báo về thời tiết, khí hậu trong năm cũng có nhiều diễn biến phức tạp, có thể hạn hán kéo dài, dịch cúm gia cầm tái phát tại các tỉnh miền Tây có nguy cơ lan rộng trên phạm vi cả nước, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi của nông dân, đặc biệt là dân nghèo của tỉnh sẽ phải gánh chịu những mất mát đáng kể như mất mùa, thất thu, dịch bệnh…

Để thực hiện Chỉ thị số 04/2008/CT-TTg ngày 25/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các Chương trình giảm nghèo, đồng thời phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Quốc gia về giảm nghèo và giải quyết việc làm đã đề ra, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính người dân nhằm tạo cho họ có ý chí quyết tâm vượt nghèo làm giàu chính đáng, khắc phục tình trạng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

2. Công tác chỉ đạo và điều hành phải hướng vào vùng nghèo, hộ nghèo, xã, phường, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo cao để góp phần giảm nghèo bền vững.

Tăng cường nguồn lực, các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào các dân tộc thiểu số; cần có chính sách hỗ trợ tín dụng, công nghệ đào tạo thông qua sự giúp đỡ, hướng dẫn để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

3. Nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm GN-VL hiệu quả. Nếu xét thấy bộ phận dân cư nơi thực hiện mô hình có trình độ dân trí thấp, thiếu khả năng, thì Chương trình phải hỗ trợ theo hướng cầm tay chỉ việc.

4. Tăng cường công tác giám sát và điều hành đối với Chương trình GN-VL, đồng thời tham gia chỉ đạo, huy động sự kết hợp các Chương trình lồng ghép có hiệu quả của các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể để giúp các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Định kỳ có báo cáo cho Thường trực Ban Chủ nhiệm Chương trình GN-VL tỉnh.

5. Kiện toàn tổ chức cán bộ làm công tác GN-VL từ tỉnh đến cơ sở, không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ này. Các xã, phường, thị trấn phải bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác GN-VL để hướng dẫn, giúp đỡ cho người dân biết cách làm ăn, khắc phục khó khăn nhằm thoát nghèo bền vững.

6. Thực hiện tốt chính sách bảo lưu đối với hộ vừa thoát nghèo theo tiêu chí của tỉnh theo tinh thần Công văn số 6975/UBND-VX ngày 28/12/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

7. Những nhiệm vụ cụ thể:

a) Ngân hàng Chính sách Xã hội:

- Đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn 100% theo kế hoạch đề ra.

- Nghiên cứu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh mở rộng đối tượng cho vay với mục đích và phương châm: “Cho hộ nghèo vay để vươn lên thoát nghèo, cho hộ thoát nghèo vay để khá lên, cho những hộ cận nghèo vay để chống tái nghèo”.

- Đối với nợ quá hạn: Tích cực đôn đốc thu hồi. Tuy nhiên cần chú trọng đối với những hộ trong diện làm ăn thua lỗ do bị dịch cúm gia cầm, cây trồng bị hư, kém năng suất do hạn hán kéo dài, cần xem xét khoanh nợ, hoặc tiếp tục cho gia hạn. Những hộ không chịu làm ăn, thâm hụt vốn, địa phương cần quan tâm giáo dục và có những biện pháp thích ứng buộc thu hồi vốn thông qua các hình thức chế tài từ các khoản thu nhập khác của đối tượng vay.

- Có hình thức khen thưởng đối với những hộ chấp hành đúng các quy định của ngân hàng – trả nợ trước thời hạn…

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

- Cùng với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn quy định thời hạn và định mức vốn vay cho từng vật nuôi, cây trồng phù hợp với từng thời điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xây dựng quy trình kiểm tra công nhận xã, phường, thị trấn thoát nghèo theo tiêu chí của tỉnh giai đoạn 2006 – 2008, theo đó phối hợp với Cục Thống kê, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tham mưu trình Uỷ ban nhân dân ban hành chuẩn nghèo mới theo tiêu chí của tỉnh năm 2009 - 2010.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ cây trồng, con giống, bao tiêu các mặt hàng nông – súc sản đối với các hộ nghèo, khuyến khích và tăng cường các hình thức giúp vốn, cho vay không tính lãi. Tạo mọi điều kiện tốt để nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo được tiếp cận các phương tiện sản xuất tiến bộ nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất. Có kế hoạch cụ thể phòng và chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có nguy cơ tái phát trong phạm vi tỉnh.

d) Sở Tư pháp:

Phối hợp cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ quan có liên quan tăng cường hướng dẫn cho các địa phương thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, các xã thuộc vùng khó khăn của tỉnh, địa phương có người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; nghiên cứu tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

e) Sở Tài chính

Cân đối đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện các Chương trình GN-VL của tỉnh.

g) Sở Giáo dục và Đào tạo:        

Phối hợp cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng các chính sách hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; miễn, giảm các khoản học phí, tăng cường trợ giúp sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho các học sinh ở vùng sâu, vùng xa.

h) Sở Y tế:

Tăng cường các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, chú trọng đến các đối tượng là người nghèo, đặc biệt là người nghèo thuộc vùng khó khăn của tỉnh, người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Phối hợp cùng Sở Tài chính, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội mua và cấp thẻ Bảo hiểm y tế đầy đủ, kịp thời cho người nghèo, tạo điều kiện thuận lợi để dân nghèo tiếp cận với các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh miễn phí, phát thuốc miễn phí giúp người nghèo yên tâm phấn đấu thoát nghèo bền vững.

i) Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:

Phối hợp cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch tổ chức vận động kêu gọi lòng hảo tâm của các mạnh thường quân, các nhà doanh nghiệp, các tổ chức xã hội từ thiện tham gia chương trình gây quỹ “Vì người nghèo”, “Ngày vì người nghèo” của tỉnh. Vận động xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.

k) Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:

Tiếp tục củng cố Ban Chủ nhiệm Chương trình GN-VL tại địa phương, tập trung chỉ đạo cho các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, khảo sát hộ thoát nghèo giai đoạn 2006 – 2008, có phân loại theo từng khu, ấp theo hướng dẫn của Thường trực Ban Chủ nhiệm Chương trình GN-VL tỉnh; tập trung chỉ đạo cho xã, phường, thị trấn bố trí cán bộ làm công tác GN-VL (Quyết định số 178/2006/QĐ-UBND ngày 20/7/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về chế độ tuyển dụng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn). Phối hợp cùng các thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình GN-VL tỉnh phụ trách trên địa bàn đẩy mạnh các chính sách lồng ghép có hiệu quả tại các địa phương.

l) Ban Chủ nhiệm Chương trình GN-VL từ tỉnh đến cơ sở:

Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, phối hợp cùng các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể xây dựng chương trình hành động của đơn vị mình có sự lồng ghép các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống cho người nghèo. Đặc biệt, Ban Chủ nhiệm Chương trình GN-VL xã, phường, thị trấn tiếp tục khẳng định vai trò có tính quyết định đối với sự thành công của Chương trình; cần đề ra những biện pháp hữu hiệu, thích hợp, cụ thể sát với tình hình thực tế ở địa phương để có hướng hỗ trợ thiết thực đối với bà con hộ nghèo.

8. Giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Thường trực Ban Chủ nhiệm Chương trình GN-VL tỉnh) giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, cuối năm tổng hợp tình hình báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Để Chương trình mục tiêu giảm nghèo – giải quyết việc làm đạt được chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2006 – 2010. Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể cùng phối hợp thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/2008/CT-UBND về tập trung các giải pháp kinh tế - chính trị - xã hội để phục vụ mục tiêu Chương trình Quốc gia về giảm nghèo và giải quyết việc làm năm 2008 do Tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 02/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/04/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Nguyễn Văn Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản