Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2008/CT-NHNN

Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ AN NINH, AN TOÀN TÀI SẢN, PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ TRONG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Trong những năm gần đây công tác bảo vệ an toàn tài sản, kho tàng, cũng như phòng cháy, chữa cháy tại các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước luôn được Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước quan tâm đúng mức. Tuy nhiên theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội gần đây có những diễn biến mới đáng chú ý với sự hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự, đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, số đối tượng trong các băng ổ nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” bị xử lý trước đây có dấu hiệu hoạt động trở lại ở một số thành phố lớn. Nhiều băng nhóm cướp giật, trộm cắp hoạt động tinh vi và liều lĩnh hơn, nhiều vụ tấn công cướp tiền đã xảy ra đối với một số Ngân hàng thương mại. Về tình hình cháy nổ trong năm 2007, theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an trong cả nước xảy ra 2.628 vụ cháy. Nắm bắt kịp thời những diễn biến của các loại hình tội phạm cũng như tình hình cháy nổ trên cả nước, năm 2007 Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý.

Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay và thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống khủng bố trong tình hình mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện một số công việc sau:

1. Phát động toàn thể cán bộ công chức, viên chức tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc và phòng chống khủng bố. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác của cán bộ, đảng viên; không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc gây hoang mang, ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước; đồng thời hướng dư luận đấu tranh, lên án, vạch trần âm mưu, thủ đoạn phá hoại an ninh và hoạt động khủng bố của kẻ địch và phần tử xấu.

Công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn tài sản, kho tàng của cơ quan và công tác phòng chống khủng bố phải lấy phòng ngừa là chính, chủ động nắm chắc tình hình; phát hiện âm mưu từ sớm, dự báo được các tình huống, các khả năng có thể xảy ra để xây dựng phương án đấu tranh, xử lý, vô hiệu hóa kế hoạch khủng bố, phá hoại, không để bị động bất ngờ.

2. Giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm bố trí đủ biên chế số người làm công tác bảo vệ chuyên trách, bao gồm cả số người bố trí làm thay cho những người nghỉ theo chế độ và ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ phép hàng năm.

Việc phân công lực lượng bảo vệ thường trực tuần tra canh gác hàng ngày do Thủ trưởng các đơn vị chủ động bố trí, sao cho đủ khả năng bảo vệ an ninh, an toàn tài sản, kho tàng của cơ quan, đơn vị, trong thời gian 24/24 giờ hàng ngày. Không được bố trí bảo vệ làm việc thông ca, nối ca, mỗi ca làm việc không quá 08 giờ. Trường hợp cần thiết có thể bố trí làm thêm, nhưng không quá 04 giờ/ một ngày và phải thanh toàn tiền công theo chế độ làm thêm giờ. Không bố trí công chức, viên chức không có chuyên môn nghiệp vụ bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ.

Thủ trưởng các đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc lực lượng bảo vệ thực hiện tốt công tác tuần tra, canh gác, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra/vào cơ quan, bảo vệ an ninh, an toàn tài sản kho tàng cơ quan; chú trọng tăng cường vào những khoảng thời gian ngoài giờ hành chính, những ngày nghỉ, ngày lễ và ngày tết. Nhắc nhở cán bộ công chức sắp xếp hồ sơ tài liệu gọn gàng, cắt điện, khóa và niêm phong két, cửa kho, cửa phòng làm việc trong những ngày lễ, tết. Nghiêm cấm cán bộ tổ chức nấu ăn, thắp hương, nến, thờ cúng trong phòng làm việc.

3. Hoàn thiện các nội quy, quy định, các phương án về công tác bảo vệ an toàn cơ quan; phòng cháy, chữa cháy (PCCC); phòng chống thiên tai, tai nạn thương tích. Củng cố lực lượng PCCC tại chỗ đảm bảo chủ động thực hiện và giải quyết các vấn đề về an toàn PCCC tại cơ sở. Xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa các thành viên Ban chỉ đạo PCCC; quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Đội PCCC cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức phải được học tập huấn luyện về nghiệp vụ PCCC, biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện chữa cháy.

Trước khi xây dựng mới hoặc sửa chữa cải tạo các công trình trong cơ quan và khi nghiệm thụ đưa vào sử dụng, phải có đại diện đơn vị PCCC cơ sở tham gia góp ý kiến và nghiệm thu.

4. Tổ chức kiểm tra các điều kiện về an toàn PCCC, phát hiện và khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót, những vi phạm về PCCC có thể dẫn đến cháy, nổ. Cần chú ý kiểm tra các biện pháp an toàn về PCCC trong quản lý, sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt, các vật tư hàng hóa dễ cháy, nổ. Tiến hành kiểm tra số lượng, chất lượng các hệ thống PCCC, các thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ đã trang bị đồng thời bổ sung, sửa chữa và thay thế kịp thời những phương tiện, thiết bị còn thiếu hoặc hư hỏng không đảm bảo chất lượng, đảm bảo khi có cháy, nổ xảy ra thì bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ có thể xử lý kịp thời hiệu quả.

5. Phối hợp với công an và chính quyền địa phương bố trí nơi ở của lực lượng cảnh sát bảo vệ mục tiêu ra ngoài trụ sở cơ quan, xây vọng gác cho lực lượng cảnh sát bảo vệ mục tiêu ra phía ngoài hàng rào cơ quan theo mẫu do Bộ Công an quy định. Không bố trí vị trí trực của bảo vệ cơ quan và cảnh sát bảo vệ mục tiêu cùng một địa điểm. Xây dựng phương án phối hợp bảo vệ an ninh trật tự, an toàn tài sản, kho tàng cơ quan giữa lực lượng cảnh sát bảo vệ mục tiêu và lực lượng bảo vệ cơ quan.

6. Thủ trưởng các đơn vị Ngân hàng Nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư liên bộ số 14/TTLB ngày 04/11/1992 của Ngân hàng Nhà nước – Nội vụ “về công tác bảo vệ an ninh và tài sản Nhà nước do ngành Ngân hàng quản lý và bảo quản” (Thông tư liên bộ số 14/TTLB), tổ chức tổng kết đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư liên bộ số 14/TTLB, kiến nghị những điểm cần bổ sung sửa đổi, gửi báo cáo về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 15/4/2008 (Cục Quản trị) để tổng hợp báo cáo liên bộ.

7. Giao Cục Quản trị Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng với các Vụ, Cục chức năng tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương làm đầu mối phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an tổng hợp ý kiến của các đơn vị, xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư liên bộ số 14/TTLB, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước ngày 30/5/2008.

8. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ (02 bản);
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Bộ Công an (để phối hợp);
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN (để t/h);
- Lưu VP, PC, QT.

THỐNG ĐỐC




Nguyễn Văn Giàu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/2008/CT-NHNN về tăng cường công tác bảo vệ an ninh, an toàn tài sản, phòng chống cháy nổ trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 02/2008/CT-NHNN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/03/2008
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Văn Giàu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 175 đến số 176
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản