Hệ thống pháp luật
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
Số: 02/2005/CT-BGTVT Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI 

Hút thuốc lá là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm đối với con người, đặc biệt là bệnh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh khác.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 4,9 triệu người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu tình hình hút thuốc như hiện nay không được ngăn chặn thì trong những năm 2020 - 2030 ước tính sẽ có khoảng 10 triệu người chết mỗi năm do các bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó có khoảng 7 triệu người tại các nước đang phát triển. 

Việc hút thuốc lá của những người làm việc ở các ngành nghề có liên quan đến giao thông vận tải vẫn còn ở mức cao. Theo điều tra Y tế quốc gia năm 2001 - 2002 về việc hút thuốc lá đối với 8631 người hút thuốc lá làm việc trong 12 nhóm nghề thì tỷ lệ hút thuốc lá ở nhóm nam lái phương tiện giao thông là 70% cao thứ tư trong số các ngành nghề.

Hút thuốc lá không chỉ có tác hại đối với bản thân người hút mà còn có tác hại đối với những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Theo điều tra y tế những năm gần đây cho thấy những người thường xuyên hít phải khói thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 26% so với những người không hít phải khói thuốc, trẻ em sống trong môi trường có khói thuốc thường mắc các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi, hen suyễn và dễ mắc bệnh tim khi trưởng thành.

Ngoài những tác hại đối với sức khỏe, hút thuốc lá còn làm giảm giá trị văn minh nơi công cộng, công sở, làm lãng phí thời gian lao động, tăng nguy cơ mất an toàn lao động, an toàn giao thông khi hút thuốc lá trong lúc làm việc, điều khiển phương tiện giao thông, gây ra những tổn thất lớn về kinh tế cho cá nhân, gia đình và toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống, tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

Để giảm những thiệt hại do việc hút thuốc lá gây ra, ngày 14 tháng 8 năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP về "Chính sách quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá" trong giai đoạn 2000 - 2010 với mục tiêu chung là giảm nhu cầu sử dụng, tiến tới kiểm soát và giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá nhằm giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, để tránh những thiệt hại do thuốc lá gây ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong ngành Giao thông vận tải và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện ngay các nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức thông tin, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cho mọi đối tượng thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức.

2. Thực hiện không hút thuốc lá tại những nơi sau đây:

a) Trong phòng làm việc, phòng tiếp khách, phòng họp, nơi tập trung đông người của cơ quan, tổ chức;

b) Tại các phòng chờ cho khách ở nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng; 

c) Trên các phương tiện giao thông công cộng;

d) Ở những nơi hội họp, tập trung đông người khác.

3. Treo biển "CẤM HÚT THUỐC LÁ" hoặc biển hình tròn nền trắng viền đỏ, trong đó vẽ điếu thuốc lá đang cháy có một vạch đỏ chéo đè lên hình điếu thuốc lá tại những nơi quy định không hút thuốc lá.

4. Bố trí khu vực dành cho người hút thuốc lá tại trụ sở cơ quan, tổ chức, nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng. Khu vực dành cho người hút thuốc lá phải được ngăn cách hoàn toàn với khu vực không hút thuốc lá và phải được thông khí.

5. Không cho phép các tổ chức, cá nhân tiếp thị, quảng cáo, bán thuốc lá trong trụ sở của cơ quan, tổ chức; trong nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng (trừ trong các cửa hàng miễn thuế) và trên các phương tiện giao thông công cộng. Các cơ quan, tổ chức không được chi tiền mua thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào, không được nhận tài trợ từ các công ty thuốc lá để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và các hoạt động khác.

6. Thực hiện cam kết giữa cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành giao thông vận tải có trách nhiệm vận động người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp không hút thuốc lá, khuyến khích những người đang hút thuốc lá giảm và tiến tới bỏ hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho những người xung quanh.

7. Sở y tế Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp tuyên truyền, giáo dục việc thực hiện không hút thuốc lá ở các nơi quy định tại điều khoản 2 của Chỉ thị.

8. Lực lượng thanh tra giao thông vận tải, Giám đốc các Cảng vụ hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa thực hiện nghiêm việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật.

9. Văn phòng Bộ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này tại trụ sở cơ quan Bộ Giao thông Vận tải.

10. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, các cơ quan, tổ chức trong ngành Giao thông vận tải phải báo cáo Bộ Giao thông vận tải (qua Văn phòng Bộ) việc thực hiện Chỉ thị này trong phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức mình. Văn phòng Bộ có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Bộ trưởng tình hình thực hiện Chỉ thị.

Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong ngành Giao thông vận tải và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiệm túc Chỉ thị này. 

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI




Đào Đình Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/2005/CT-BGTVT về tăng cường công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 02/2005/CT-BGTVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/01/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đào Đình Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 11 đến số 12
  • Ngày hiệu lực: 27/01/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản