Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/LĐTBXH-CT

Hà Nội, ngày 20 tháng 1 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỐNG TIÊU CỰC, THAM NHŨNG TRONG NGÀNH LAO ĐỘNG -THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Mấy năm qua thi hành các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước về chống tiêu cực tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh và thu được những kết quả bước đầu. Từ cơ quan Bộ đến địa phương và cơ sở cho đến nay chưa để xảy ra những vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn nghiêm trọng, Bộ đã phổ biến và tập huấn đầy đủ các quy định của Nhà nước cho nên số vụ việc tiêu cực tham nhũng giảm đáng kể so với các năm trước đây. Một số cơ chế, chính sách đã được nghiên cứu bổ sung sửa đổi, quy chế quản lý tài chính, tiền vốn, chương trình, dự án được phân cấp cho địa phương và quy định chặt chẽ về cơ chế quản lý. Bộ, ngành đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo pháp luật một số vụ viện xẩy ra và đã thu hồi số tiền thất thoát cho công quỹ.

Tuy nhiên, tình hình tiêu cực tham nhũng trong ngành vẫn còn xảy ra. Qua báo cáo của 53 tỉnh, thành phố, trong năm 1996 vẫn còn 33 tỉnh, thành phố có những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; số tiền thất thoát ở một số vụ cũng lên đến hàng trăm triệu đồng, có nơi qua thanh tra đã thu hồi cho công quỹ gần bảy trăm triệu đồng. Mặt khác, trong một số lĩnh vực công tác của ngành còn để xảy ra những vụ việc tiêu cực tham nhũng phát triển như trong việc xét duyệt hưởng chính sách thương binh, liệt sĩ, nâng hạng thương tật thương binh; xét duyệt chương trình, dự án vay vốn giải quyết việc làm, đầu tư xây dựng cơ bản v.v...

Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chống tham nhũng trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo vệ uy tín và vị thế của ngành, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ yêu cầu các đồng chí thủ trưởng đơn vị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách, chế độ, các quy chế quản lý, nhất là quy chế quản lý tài chính để soát xét các thủ tục hồ sơ đối với các đối tượng hưởng chính sách đang quản lý, vì lý do nào đó chưa được thẩm duyệt kỹ càng, đồng thời kiểm tra, thẩm định chặt chẽ những hồ sơ mới trước khi quyết định cho đối tượng hưởng chính sách, chế độ. Mặt khác cần báo cáo ngay với Bộ những vướng mắc, bất hợp lý trong chính sách, chế độ đã ban hành để Bộ xem xét bổ sung, sửa đổi kịp thời.

2. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chấp hành đúng nguyên tắc quản lý tài chính, vật tư, tiền vốn theo Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng. Các chương trình, dự án thuộc ngành quản lý được Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương giao cho đơn vị phải xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ, quy trình vận hành của chương trình, dự án đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao. Đặc biệt chú ý những khoản kinh phí ngoài ngân sách theo đúng nguyên tắc quản lý tài chính.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của ngành theo pháp luật lao động và Pháp lệnh thanh tra, trước hết coi trọng công tác thanh tra nội bộ các đơn vị cơ sở, đặc biệt thanh tra, kiểm tra chế độ chi tiêu các nguồn kinh phí tài trợ và không thuộc ngân sách Nhà nước cấp để ngăn chặn, phát hiện những sai sót, xử lý kịp thời và nghiêm minh những vi phạm. Kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng nể nang, né tranh và bao che, coi đây là hành vi tiếp tay cho kẻ tiêu cực tham nhũng phải được xử lý nghiêm khắc.

4. Kiện toàn sắp xếp lại tổ chức cán bộ đối với những lĩnh vực, công việc dễ nẩy sinh tiêu cực tham nhũng như làm công tác thụ lý hồ sơ xét duyệt chính sách chế độ, chương trình dự án vay vốn giải quyết việc làm v.v... Cần chú ý lựa chọn và bổ nhiệm những cán bộ có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực tương xứng với nhiệm vụ được giao.

5. Các đơn vị từ cơ quan Bộ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố phải xây dựng chương trình, kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm ngăn ngừa tiêu cực tham nhũng trong đơn vị. Hàng năm tiến hành "đăng ký không để xảy ra tiêu cực tham nhũng trong đơn vị" thuộc lĩnh vực phụ trách.

Chống tiêu cực tham nhũng là công việc khó khăn phức tạp nên đích thân thủ trưởng đơn vị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo chặt chẽ, phải tiến hành thường xuyên và liên tục để phát hiện ngăn chặn sớm và xử lý kịp thời những vụ việc xẩy ra và chịu trách nhiệm về những vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong đơn vị, địa phương mình. Phải thường xuyên báo cáo và xin ý kiến sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng.

Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố phải tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này, tháng 6 và cuối mỗi năm, báo cáo kết quả chống tiêu cực, tham nhũng với Bộ. Những vụ việc tiêu cực tham nhũng từ 100 triệu đồng trở lên sau khi phát hiện Sở báo cáo ngay về Bộ.

 

 

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/LĐTBXH-CT năm 1997 về tăng cường công tác chống tiêu cực, tham nhũng trong ngành lao động- thương binh và xã hội do Bộ lao động Thươnng binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 01/LĐTBXH-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/01/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản