Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

An Giang, ngày 03 tháng 02 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ VÀ ĐIỀU TRA CƠ SỞ HÀNH CHÍNH NĂM 2021 TỈNH AN GIANG

Thực hiện Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và Quyết định số 1096/QĐ- BNV ngày 23/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tổ chức Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 (sau đây gọi chung Tổng điều tra), Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2397/QĐ-UBND ngày 14/10/20220 thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 tỉnh, do ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

Cuộc Tổng điều tra này thuộc chương trình điều tra thống kê quốc gia, 5 năm tổ chức một lần, và đây là cuộc Tổng điều tra có quy mô lớn, phạm vi rộng, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức hội, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; đồng thời, phương pháp thu thập thông tin đổi mới so những kỳ Tổng điều tra trước, hầu hết các đối tượng điều tra tự cập nhật thông tin vào phiếu điện tử và áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả các khâu.

Kết quả Tổng điều tra năm nay có ý nghĩa rất quan trọng, trước hết là cơ sở để hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; căn cứ đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; đồng thời là nền tảng thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như từng địa phương. Những thông tin quan trọng qua Tổng điều tra nhận biết được đó là:

(1) Sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, nhà nước, các sở, ngành và địa phương.

(2) Số cơ sở hành chính; số lượng, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức đang làm việc, kết quả thu chi của cơ sở hành chính nhằm tính toán chỉ tiêu GRDP, cơ sở Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, đào tạo nguồn nhân lực.

(3) Tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu GDP, GRDP năm 2020 theo Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia.

(4) Cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế-xã hội; làm dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành Thống kê, các sở, ngành và địa phương.

Với tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra, để tổ chức thực hiện cuộc Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các các cấp khẩn trương xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt cuộc Tổng điều tra trên địa bàn được phân công.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các xã phường, thị trấn xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, cần phải tập trung, quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm cung cấp cho Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Cục Thống kê, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và Sở Nội vụ, cơ quan chịu trách nhiệm về Điều tra cơ sở hành chính), danh sách các đơn vị trực thuộc ngành đang quản lý để lập danh sách điều tra chính xác và đầy đủ.

4. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh-Truyền hình; Báo An Giang và các cơ quan báo chí trên địa tỉnh tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, kế hoạch Tổng điều tra để các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, phối hợp với lực lượng điều tra viên kê khai đúng, đầy đủ các nội dung điều tra theo yêu cầu.

5. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Tổng Giám đốc, Giám đốc các Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, các công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ phần có vốn nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân và cơ sở kinh tế thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước; cơ quan đảng, tổ chức chính trị xã hội, cơ sở hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức hội, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có trách nhiệm cử người tham dự tập huấn, phối hợp lực lượng điều tra viên kê khai phiếu điều tra đầy đủ, chính xác, đúng thời gian quy định.

6. Cục Thống kê là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh, phối hợp Sở Nội vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra theo đúng các Phương án của Ban Chỉ đạo Trung ương và Kế hoạch thực hiện Tổng điều tra của tỉnh; đôn đốc các sở, ban, ngành, các huyện, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác Tổng điều tra trên địa bàn; thường xuyên báo cáo tình hình, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Tổng điều tra.

7. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Cục Thống kê lập kế hoạch phát động phong trào thi đua trong thực hiện Tổng điều tra. Kết thúc Tổng điều tra đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong Tổng điều tra.

8. Ban Chỉ đạo tỉnh phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về kinh phí hỗ trợ công tác Tổng điều tra (kinh phí cho các công việc phục vụ công tác chỉ đạo, tuyên tuyền, hội nghị). Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ yêu cầu công tác Tổng điều tra trên địa bàn có thể xem xét hỗ trợ kinh phí cho một số khâu công việc (hội nghị, công tác phí, tuyên truyền, in ấn tài liệu, tổng hợp báo cáo).

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính các cấp; Giám đốc các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể, chỉ đạo sâu sát, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này nhằm đảm bảo cho cuộc Tổng điều tra đạt kết quả tốt.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh (qua Cục Thống kê) để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ KH&ĐT (TCTK);
- Bộ Nội vụ;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các TCCT xã hội cấp tỉnh;
- Văn phòng TU, các Ban Đảng trực thuộc TU;
- Các CQ ngành dọc TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐ VPUBND tỉnh;
- Đài PT-TH AG, Báo AG;
- Phòng TH;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/CT-UBND về tổ chức thực hiện tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 01/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 03/02/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản