Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND | Đồng Tháp, ngày 19 tháng 01 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM CHI PHÍ ĐẦU TƯ VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Trong thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển tích cực, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư còn bộc lộ một số hạn chế dẫn đến lãng phí, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng công trình.
Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này; đồng thời hướng đến mục tiêu tiết giảm hợp lý chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư công trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các chủ đầu tư công trình, dự án có sử dụng vốn đầu tư công, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là Ban quản lý dự án), các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công thực hiện tốt những nội dung sau đây:
1. Tuân thủ nghiêm túc những quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
2. Trước khi trình cấp thẩm quyền xem xét, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, chủ đầu tư phải nghiên cứu, phân tích, đề xuất phương án tối ưu nhất về quy mô đầu tư, quy hoạch vị trí xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, công năng sử dụng, không gian chiều cao, hạn chế tối đa diện tích chiếm đất, bảo đảm chọn phương án đầu tư tiết kiệm, tối ưu nhất cho từng dự án.
3. Tùy theo quy mô nhóm dự án, Hội đồng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư khảo sát, kiểm tra thực tế vị trí quy hoạch đầu tư, đề xuất chọn phương án đầu tư phù hợp nhất, thuận lợi kết nối hạ tầng và các điều kiện kinh tế - xã hội khác.
4. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm:
- Kiểm soát chặt chẽ các bước đầu tư dự án, bao gồm công tác lập, thẩm định hồ sơ khảo sát, thiết kế, đấu thầu, giám sát thi công xây dựng, quản lý dự án... Tăng cường công tác kiểm tra, nêu cao vai trò, trách nhiệm tự kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý những bất hợp lý trong đầu tư, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế sử dụng, tránh lãng phí.
- Thực hiện giám sát chặt chẽ công tác khảo sát địa hình, địa chất, thí nghiệm địa chất đối với các công trình có thực hiện công tác này và nghiệm thu hồ sơ, kết quả thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Tùy theo quy mô công trình xây dựng, chủ đầu tư nghiên cứu, quyết định việc sử dụng hồ sơ khảo sát địa chất đã được nghiệm thu của các công trình xây dựng lân cận.
5. Về giải pháp thiết kế kiến trúc công trình:
- Khai thác hợp lý ánh sáng và thông gió tự nhiên.
- Tận dụng tối đa diện tích và công năng sử dụng của từng bộ phận công trình, các phòng họp phải được nghiên cứu bố trí hợp lý, tiết kiệm, có thể xem xét, thiết kế tích hợp chung thành một phòng họp lớn, sử dụng vách ngăn nhẹ hoặc vách ngăn di động để phục vụ linh hoạt theo nhu cầu sử dụng; phòng làm việc hành chính tại các trụ sở cơ quan, trường học...ưu tiên thiết kế phòng lớn, phân chia không gian làm việc bằng vách ngăn nhẹ hoặc vách lửng, hạn chế vách ngăn tường gạch xây kiên cố.
- Hạng mục hàng rào các công trình, ưu tiên thiết kế bằng cây xanh hoặc kết hợp với trụ bê tông cốt thép và lưới B40 hoặc kẻm gai; hạn chế thiết kế sân đan bêtông, tăng cường sử dụng sân trồng cỏ, cây xanh.
6. Giải pháp thiết kế kết cấu, dự toán công trình: Chủ đầu tư phải yêu cầu đơn vị tư vấn tính toán chính xác và lựa chọn giải pháp thiết kế kết cấu móng, kết cấu khung hợp lý, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả kinh tế nhất cho công trình.
7. Giải pháp sử dụng vật liệu, thiết bị, hệ thống kỹ thuật trong thiết kế: Sử dụng vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất đảm bảo chất lượng, tiết kiệm, phổ biến trên thị trường với giá thành hợp lý, ưu tiên dùng hàng trong nước sản xuất phù hợp công năng, sử dụng thiết bị tiết kiệm điện; thực hiện tốt Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước.
8. Công tác lựa chọn nhà thầu: tuân thủ nghiêm quy định của Nhà nước về công tác đấu thầu, xem xét chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín cho các bước đầu tư dự án; người đứng đầu cơ quan được giao làm chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về năng lực của nhà thầu được chọn.
9. Quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng:
- Chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án phải thực hiện nghiêm túc quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng và tiến độ công trình; thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ giám sát, cán bộ quản lý dự án, hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa công tác giám sát, quản lý dự án.
- Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiểm tra, nghiệm thu theo đúng quy định của Nhà nước; trong thời gian bảo hành, chủ đầu tư và đơn vị quản lý sử dụng có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thường xuyên diễn biến chất lượng công trình, kịp thời khắc phục, sửa chữa các hư hỏng, khiếm khuyết trong thời gian bảo hành.
- Chủ đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn đơn vị khai thác, sử dụng công trình thực hiện tốt công tác bảo trì, tuân thủ đúng quy định của Nhà nước về công tác bảo trì công trình xây dựng.
10. Đối với các công trình cải tạo, sửa chữa phải thực hiện tốt việc bảo quản và tận dụng tối đa những cấu kiện, vật liệu còn sử dụng được, nhằm tiết kiệm chi phí.
11. Giao nhiệm vụ thực hiện:
- Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án: thực hiện nghiêm quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư xây dựng; định kỳ vào cuối năm các Ban quản lý dự án và chủ đầu tư báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị, thông qua Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Giao Sở Xây dựng:
+ Rà soát, sắp xếp, tổ chức khoa học các Phòng chuyên môn, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu công tác, nhất là chất lượng và tiến độ thẩm định hồ sơ.
+ Thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin cho các đơn vị có hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh về các thành tựu khoa học được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng như: giải pháp công nghệ, sử dụng vật liệu xây dựng, phương tiện thi công, phương pháp thi công mới hoặc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng...
+ Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nội dung về lành mạnh hóa trong quản lý, đầu tư xây dựng, bảo đảm khắc phục được các nhược điểm còn tồn tại và ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công trình xây dựng.
+ Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về lập và áp dụng thực hiện hồ sơ thiết kế mẫu một số loại công trình xây dựng, bảo đảm tính đa dạng, phong phú, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sử dụng.
+ Chủ trì, phối hợp với các Sở ban ngành tỉnh liên quan, theo định kỳ hàng năm đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, để kiểm tra công tác quản lý, sử dụng, bảo trì công trình xây dựng và các trang thiết bị của công trình.
- Giao Sở Giao thông Vận tải tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về việc lập hồ sơ thiết kế mẫu một số loại công trình giao thông để áp dụng thực hiện.
- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về việc lập hồ sơ thiết kế mẫu một số loại công trình nông nghiệp, thủy lợi để áp dụng thực hiện.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị sử dụng công sở có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này; trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, báo cáo bằng văn bản, thông qua Sở Xây dựng tổng hợp, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
- 1Nghị quyết 18/2015/NQ-HĐND về danh mục lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương do Quỹ Đầu tư phát triển Đồng Tháp thực hiện đầu tư trực tiếp và cho vay giai đoạn 2016 - 2020
- 2Quyết định 02/2016/QĐ-UBND về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 3Quyết định 05/2016/QĐ-UBND về quy định danh mục lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương do Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đồng Tháp thực hiện đầu tư trực tiếp và cho vay giai đoạn 2016 - 2020
- 4Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2015 về giảm số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc họp, hội nghị tại Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp
- 1Chỉ thị 494/CT-TTg năm 2010 về sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết 18/2015/NQ-HĐND về danh mục lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương do Quỹ Đầu tư phát triển Đồng Tháp thực hiện đầu tư trực tiếp và cho vay giai đoạn 2016 - 2020
- 3Quyết định 02/2016/QĐ-UBND về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 4Quyết định 05/2016/QĐ-UBND về quy định danh mục lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương do Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đồng Tháp thực hiện đầu tư trực tiếp và cho vay giai đoạn 2016 - 2020
- 5Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2015 về giảm số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc họp, hội nghị tại Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp
Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2016 thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí đầu tư và sử dụng hiệu quả công trình xây dựng do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- Số hiệu: 01/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 19/01/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Người ký: Nguyễn Văn Dương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/01/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra