Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 01/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 01 năm 1991

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ NĂM 1990

Tài liệu về tình hình phát triển dân số thành phố là một căn cứ quan trọng để tính toán, phân tích các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Vì vậy, cuộc điều tra biến động dân số năm 1990 nhằm mục đích yêu cầu sau:

1/ Thu thập những thông tin về số nhân khẩu, lao động về các biến động của dân số như: sinh, chết, chuyển đi, chuyến đến nhằm đánh giá đúng tình hình phát triển dân số năm 1990 của thành phố.

2/ Làm cơ sở cho việc lập kế hoạch phát triển dân số và lập kế hoạch cho công tác kế hoạch hoá gia đình của thành phố cho những năm tới.

Cuộc điều tra biến động dân số năm 1990 sẽ tiến hành điều tra điển hình ở 98 địa bàn thuộc 98 phường xã gồm 10.000 hộ với 52.000 nhân khẩu ở 18 quận huyện trong toàn thành phố.

Đối tượng điều tra biến động dân số năm 1990 bao gồm tất cả các hộ gia đình trong các địa bàn mẫu đã được chọn sẵn trong kỳ tổng điều tra dân số 1- 4 -1989.

Điều tra biến động dân số năm 1990 tập trung vào những nội dung sau đây:

1 - Các câu hỏi phản ảnh về nhân khẩu, lao động trong hộ.

2 - Các câu hỏi về tình hình biến động trong hộ gia đình như : sinh, chết, chuyển đi, chuyển đến.

3 - Một số câu hỏi có liên quan đến vấn đề sinh đẻ có kế hoạch.

Thời điểm điều tra biến động dân số năm 1990 là 0 giờ ngày 01-01-1991.

Thời gian điều tra được tiến hành trong 1 tháng bắt đầu từ ngày 20-01-1991.

Về trách nhiệm :

- Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Cục Thống kê thành phố, thường trực cuộc điều tra, phối hợp với các ngành Lao động - Thương binh xã hội, Uỷ ban kế hoạch, Sở Tài chánh, Công an thành phố, Sở Y tế, Uỷ ban quốc gia dân số, Liên đoàn Lao động, Thành hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chỉ đạo cuộc điều tra. Nhiệm vụ cụ thể của Cục Thống kê là: lập phương án - kế hoạch điều tra, lập dự toán kinh phí, in ấn tài liệu điều tra, triển khai phương án điều tra, hướng dẫn nghiệp vụ và tổng hợp kết quả điều tra.

- Uỷ ban Kế hoạch thành phố chịu trách nhiệm cử cán bộ tham gia công tác điều tra. Giải quyết nhu cầu xăng dầu, giấy in tài liệu phiếu điều tra, tạo điều kiện thuận lợi về hậu cần cho cuộc điều tra.

- Sở tài chánh thành phố chịu trách nhiệm cấp phát kịp thời đầy đủ kinh phí và kiểm tra việc sử dụng kinh phí cuộc điều tra.

- Sở Lao động - Thương binh xã hội, Công an thành phố, Sở Y tế, Uỷ ban quốc gia dân số, Liên đoàn lao động, Thành hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc có nhiệm vụ cử cán bộ tham gia công tác điều tra.

Uỷ ban nhân dân các quận huyện có trách nhiệm phổ biến chỉ thị, giao trách nhiệm cho Uỷ ban nhân dân các phường xã có địa bàn điều tra và huy động lực lượng cán bộ Phòng kế hoạch - thống kê tham gia trực tiếp công tác điều tra cùng với tổ công tác của thành phố trên các địa bàn trong quận.

Phường xã, thị trấn là cấp chỉ đạo trực tiếp và thực hiện cuộc điều tra. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường xã, thị trấn trực tiếp tổ chức thực hiện kế hoạch điều tra theo phương án của thành phố, huy động cán bộ của phường xã như : thống kê, lao động - thương binh xã hội, y tế và các đoàn thể và lựa chọn điều tra viên theo đúng phương án hướng dẫn của thành phố.

Để tổ chức và thực hiện cuộc điều tra biến động dân số của thành phố đạt kết quả tốt, Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu các đồng chí thủ trưởng các ngành thống kê, kế hoạch, lao động - thương binh xã hội, tài chánh, Công an, y tế, Uỷ ban quốc gia dân số, Liên đoàn lao động, Thành hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Cục thống kê TP
- Uỷ ban kế hoạch TP
- Sở Lao động-TBXH
- Sở Tài chánh-Sở Y tế
- Uỷ ban quốc gia dân số
- Công an Thành phố
- Liên đoàn lao động
- Thành hội phụ nữ
- Mặt trận tổ quốc TP
- Chủ tịch UBND Quận Huyện (để thực hiện)
- VPUB (TM, TH)
- Lưu

T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Công Ái

 

PHƯƠNG ÁN

ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ NĂM 1990

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

Cuộc Điều tra biến động dân số năm 1990 nhằm mục đích yêu cầu sau:

1/ Thu thập những thông tin về số nhân khẩu lao động, về các biến động của dân số như : sinh, chết, chuyển đi, chuyến đến nhằm đánh giá đúng tình hình phát triển dân số năm 1990 của thành phố.

2/ Làm cơ sở cho việc lập kế hoạch phát triển dân số và lập kế hoạch cho công tác thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình của thành phố trong những năm tới.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ VÀ THỜI ĐIỂM ĐIỀU TRA:

1/ Phạm vi Điều tra :

Để đáp ứng được mục đích yêu cầu của cuộc điều tra, đảm bảo độ tin cậy của thông tin, đồng thời phù hợp với điều kiện tổ chức và khả năng kinh phí cho phép, phạm vi điều tra biến động dân số năm 1990 sẽ tiến hành điều tra ở 98 địa bàn mẫu trong tổng điều tra dân số 01-4-1989 với 10.000 hộ, 52.000 nhân khẩu ở 18 quận, huyện.

2/ Đối tượng điều tra:

Tiến hành thống kê toàn bộ số nhân khẩu thường trú tại thời điểm 0 giờ ngày 01-01-1991 và tất cả các biến động của dân số: sinh, chết, chuyển đi, chuyển đến của nhân khẩu thường trú xảy ra từ 0 giờ ngày 01-01-1990 đến 0 giờ 31-12-1990, của các hộ gia đình trong các địa bàn điều tra mẫu.

Nhân khẩu thường trú nói ở đây bao gồm số người đã được đăng ký hộ khẩu ở thành phố và những người tuy chưa được đăng ký hộ khẩu nhưng tính đến 01-01-1991 đã ở thành phố từ 6 tháng trở lên và những người đến ở chưa đủ 6 tháng nhưng có giấy chuyển đến công tác hoặc có giấy di chuyển hộ khẩu đến thành phố.

3/ Đơn vị điều tra:

Đơn vị điều tra là hộ gia đình: mỗi hộ gia đình trong diện điều tra điển hình là một đơn vị điều tra.

4/ Thời điểm điều tra:

Do dân số luôn luôn biến động, nên thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 01-01-1991.

III. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA:

Cuộc Điều tra biến động dân số lần này được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp.

Cán bộ điều tra đến từng gia đình trực tiếp phỏng vấn chủ hộ hoặc người hiểu biết trong gia đình để có được những thông tin theo nội dung các chỉ tiêu đã in sẵn trong phiếu điều tra.

IV. NỘI DUNG ĐIỀU TRA:

Điều tra biến động dân số năm 1990 tập trung vào những chỉ tiêu sau đây:

- Số nhân khẩu thường trú đã đăng ký hộ khẩu vả số nhân khẩu thường trú nhưng chưa được đăng ký hộ khẩu, nhân khẩu trong tuổi lao động; số phụ nữ từ 15 - 49 tuổi, trong đó số đã có chồng

- Các biến động dân số :

- Số trẻ em sinh từ 01-01-1990 đến 31-12-1990

- Số người chết từ 01-01-1990 đến 31-12-1990

- Số người chuyển đi nơi khác từ 01-01-1990 đến 31-12-1990

- Số người từ nơi khác chuyển đến từ 01-01-1990 đến 31-12-1990.

- Tình hình thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình.

V. CÔNG TÁC GHI MÃ SỐ VÀ TỔNG HỢP:

Việc ghi mã số và tổng hợp kết quả của cuộc điều tra biến động dân số năm 1990 do Trung tâm máy tính thống kê đảm nhiệm. Vì vậy, cán bộ điều tra cần ghi các tiêu thức điều tra theo đúng hướng dẫn, phải giữ gìn phiếu sạch sẽ, nguyên vẹn đảm bảo cho việc ghi mã số của thành phố được rõ ràng, chính xác.

Nội dung tổng hợp như sau:

- Tổng số dân, nhân khẩu trong tuổi lao động, nhân khẩu chưa được đăng ký hộ khẩu, số phụ nữ trong tuổi sinh đẻ.

- Dân số và biến động dân số năm 1990.

- Số trẻ em sinh ra chia theo độ tuổi và lần sinh của người mẹ.

- Số người chết theo tuổi và nguyên nhân.

- Tình hình thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình.

VI. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH CUỘC TRA:

Đây là cuộc tra được tiến hành định kỳ hàng năm, do vậy Uỷ ban nhân dân đã chỉ định cho ngành thống kê chủ trì, kết hợp với một số ngành liên quan như kế hoạch, y tế, công an, Lao động - thương binh xã hội, Uỷ ban quốc gia dân số, Tài chánh, các đoàn thể thực hiện. Vì vậy các bước tiến hình điều tra như sau:

1 - Công tác chuẩn bị :

Cục thống kê, chuẩn bị phương án điều tra. Lập dự trù kinh phí cho cuộc điều tra, in phiếu điều tra và tài liệu hướng dẫn.

2- Công tác triển khai phương án điều tra và tập huấn nghiệp vụ:

- Tổ chức hội nghị triển khai phương án và tập huấn nghiệp vụ điều tra cho các quận huyện, trong thời gian 2 ngày.

- Triển khai phương án điều tra và tập huấn nghiệp vụ điều tra cho phường, xã trong 2 ngày.

3 - Huy động lực lượng điều tra:

Lực lượng điều tra biến động dân số lần này sẽ huy động cán bộ ở phường xã, xóm ấp với số lượng là 200 cán bộ chính thức và 20 cán bộ dự phòng.

Các phường xã cần chọn cán bộ điều tra từ lực lượng công an khu vực, tổ trưởng, tổ phó dân phố. Cần chú ý chọn người có uy tính, có tinh thần trách nhiệm, có văn hoá khá. Cán bộ điều tra phải được hướng dẫn đầy đủ về nghiệp vụ điều tra để thực hiện điều tra không sai, sót, trùng lắp.

4 - Bước kê khai ghi phiếu điều tra:

Bước phỏng vấn chủ hộ để ghi vào phiếu điều sẽ thực hiện trong 7 ngày ở mỗi địa bàn điều tra. Bước kê khai thực hiện theo phương pháp “cuốn chiếu”. Số địa bàn điều tra sẽ được chia làm 3 nhóm. Vì vậy thời gian điều tra sẽ thực hiện trong 1 tháng bắt đầu từ ngày 20-01-1991.

Cán bộ điều tra phải đến từng hộ, trực tiếp gặp chủ hộ và các chị em phụ nữ từ 15 - 49 tuổi để thăm hỏi, động viên chủ hộ và chị em trả lời những câu hỏi trong phiếu một cách đầy đủ và ghi kết quả vào phiếu điều tra.

5 - Kiểm tra chất lượng ghi phiếu:

a) Cấp phường xã:

Phường, xã phải tổ chức kiểm tra 100% số phiếu điều tra. Cần kiểm tra, xem xét từng chỉ tiêu ghi trong phiếu điều tra có đầy đủ không. Nếu phiếu kê khai nào ghi không rõ ràng, thiếu chỉ tiêu, bị tẩy xoá hoặc không phù hợp với thực tế, khó đọc thì cán bộ điều tra phải đến phỏng vấn lại chủ hộ để ghi lại phiếu cho đầy đủ, rõ ràng rồi phường, xã mới thu nhận.

Việc kiểm tra phiếu tại phường, xã thực hiện đầy đủ nghiêm túc là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng của phiếu điều tra.

b) Cấp quận huyện và thành phố:

Đối với cấp quận, huyện cũng phải tổ chức kiểm tra 100% số phiếu điều tra. Sau khi quận, huyện đã kiểm tra và thu nhận xong phiếu của phường, xã thì giao nộp cho thành phố.

Thành phố tiếp nhận phiếu của quận, huyện sẽ tiến hành kiểm tra 100% số phiếu đã kê khai. Nếu phiếu điều tra nào không đạt yêu cầu sẽ trở lại quận, huyện để bổ sung hoặc sửa chữa cho đầy đủ rồi mới tiếp nhận và tổng hợp.

6 - Bảo quản phiếu và giao nộp phiếu:

Phiếu điều tra phải được giữ gìn, bảo quản cẩn thận, sạch sẽ. Phiếu điều tra phải để riêng từng địa bàn và sắp xếp theo thứ tự hộ đã có trong danh sách. Thời gian giao nộp phiếu thực hiện như sau :

- Phường, xã kiểm tra phiếu rồi giao nộp cho quận, huyện sau khi bước kê khai kết thúc 3 ngày.

- Quận, huyện kiểm tra phiếu và giao nộp lên Cục thống kê thành phố sau khi các phường, xã giao phiếu 3 ngày.

Toàn bộ phiếu điều tra của thành phố được bàn giao cho Trung tâm máy tính thống kê chậm nhất ngày 10-2-1991.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

Để triển khai và tiến hành tốt cuộc điều tra biến động dân số của thành phố, Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu các ngành chức năng, Uỷ ban nhân dân quận huyện và Uỷ ban nhân dân phường, xã tiến hành công tác tổ chức và thực hiện cuộc điều tra như sau :

1/ Cấp thành phố :

Uỷ ban nhân dân thành phố giao cho Cục thống kê phối hợp với Sở Lao động - Thương binh xã hội, Uỷ ban Kế hoạch, Sở Tài chánh, Sở y tế, Uỷ ban dân số quốc gia, Công an thành phố, Liên đoàn Lao động, Hội liên hiệp phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc thành phố để tổ chức chỉ đạo thực hiện cuộc điều tra biến động dân số của thành phố.

Cục Thống kê chịu trách nhiệm thường trực cuộc điều tra từ bước chuẩn bị đến khi kết thúc điều tra, cụ thể: Lập phương án kế hoạch điều tra, dự trù kinh phí, in ấn phiếu và tài liệu điều tra, hướng dẩn nghiệp vụ điều tra và tổng hợp kết quả điều tra để báo cáo với Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố.

Các ngành tổng hợp gồm Sở Lao động – Tương binh xã hội, Uỷ ban Kế hoạch, Sở Tài chánh, Sở y tế, Uỷ ban dân số kế hoạch hoá gia đình, Công an thành phố, Liên đoàn Lao động, Thành hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc có trách nhiệm tham gia việc kiểm tra đôn đốc cuộc điều tra và cử cán bộ có trình độ và năng lực vận động quần chúng để tham gia cuộc điều tra. Đề nghị các ngành chức năng cử số lượng cán bộ đến Cục thống kê để tham gia cuộc điều tra biến động dân số năm 1990 như sau :

1 - Cục Thống kê :

2 - Sở Lao động – Thương binh xã hội :

3 - Uỷ ban kế hoạch :

4 - Sở Y tế  :

5 - Uỷ ban quốc gia dân số và Trung tâm dân số KH hoá gia đình :

6 - Sở Tài chánh  :

7 - Liên đoàn lao động thành phố :

8 - Thành Hội phụ nữ :

9 - Mặt trận Tổ quốc :

10 - Công an thành phố :

12

5

5

2

5


1

3

2

2

3

40 người

2/ Cấp quận , huyện :

Phòng kế hoạch - thống kê quận huyện có trách nhiệm giúp Thường trực Uỷ ban nhân dân quận huyện triển khai, chỉ đạo thực hiện cuộc điều tra, biến động dân số quận huyện. Huy động cán bộ tham gia vào tổ điều tra và trực tiếp chỉ đạo cuộc điều tra ở phường, xã cho đến khi hoàn thành.

3/ Cấp phường, xã :

Phường, xã là cấp trực tiếp thực hiện cuộc điều tra này. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường, xã chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp cuộc điều tra. Giúp việc cho đồng chí Chủ tịch có cán bộ thống kê - kế hoạch, Lao động - Thương binh xã hội và các ban ngành đoàn thể của phường xã.

4/ Kinh phí chi cho cuộc điều tra :

Sở Tài chánh và Uỷ ban Kế hoạch có trách nhiệm cấp kinh phí và vật tư cho Cục thống kê thành phố để in ấn tài liệu, phiếu điều tra đủ cung cấp cho quận, huyện, phường xã. Cấp kinh phí để tổ chức triển khai và tổng hợp kết quả điều tra toàn thành phố.

Để tổ chức và thực hiện cuộc điều tra biến động dân số đạt kết quả tốt, Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu các đồng chí thủ trưởng các ngành thống kê, công an, kế hoạch, lao động thương binh xã hội, y tế, Uỷ ban dân số, các đoàn thể, Liên đoàn Lao động, Thành hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, các đồng chí Chủ tịch UBND quận huyện, phường xã kiểm tra thường xuyên, chỉ đạo chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc điều tra hoàn thành đúng theo phương án kế hoạch của thành phố.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/CT-UB năm 1991 về điều tra biến động dân số năm 1990 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 01/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/01/1991
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Công Ái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản