Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-BYT

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH VÀ ĐẢM BẢO CÔNG TÁC Y TẾ DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN 2022

Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:

1. Thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022; các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

a) Xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022; tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron.

b) Phân công trực 24/24 giờ đối với Lãnh đạo đơn vị, nhân viên hợp lý, khoa học, hiệu quả; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định. Phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh; nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường ngay sau kỳ nghỉ Tết.

c) Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết theo quy định về tình hình dịch bệnh; tình hình khám, chữa bệnh, cấp cứu tai nạn; ngộ độc thực phẩm, cung ứng thuốc...; bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền.

d) Quan tâm, tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên đối với các cán bộ y tế công tác tại đơn vị.

2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Về công tác giám sát dịch bệnh

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán 2022. Chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các khu vực đông dân cư, đô thị lớn, khu công nghiệp; các thời điểm người dân, công nhân di chuyển về quê, trở lại thành phố lao động, sản xuất; giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút, không để lây lan ra cộng đồng.

- Cập nhật, triển khai có hiệu quả các hướng dẫn giám sát, cách ly phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an, nhất là tại tuyến cơ sở để thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao để có phương án đáp ứng, hỗ trợ kịp thời; tổ chức tiêm vét vắc xin phòng COVID-19; bảo đảm thực hiện nghiêm việc cách ly tại nơi cư trú, tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ Y tế.

- Phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết để theo dõi, báo cáo ngay khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, thực hiện nghiêm công tác báo cáo dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.

- Chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị, cơ sở vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

b) Về công tác khám, chữa bệnh

- Nâng cao năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh thông thường và điều trị, hồi sức tích cực COVID-19. Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện; kịp thời cập nhật các hướng dẫn, phác đồ điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Sẵn sàng ứng phó với kịch bản biến chủng mới Omicron làm gia tăng các trường hợp phải nhập viện.

- Nâng cao hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị; đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới. Củng cố năng lực vận chuyển cấp cứu, chuyển tuyến người bệnh từ cộng đồng, bệnh viện tuyến dưới lên tuyến trên và giữa các bệnh viện trên địa bàn.

- Huy động sự tham gia của các cơ sở tư nhân trong thu dung, điều trị người bệnh COVID-19; đội ngũ tình nguyện viên tham gia tư vấn, chăm sóc, điều trị, quản lý người bệnh ngay tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm điều kiện thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết trong hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, hỗ trợ theo dõi và quản lý người bệnh tại cộng đồng, điều phối chuyển tuyến.

- Quán triệt các nhân viên y tế nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc giao tiếp, ứng xử, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh và người nhà người bệnh khi đến khám, điều trị tại cơ sở y tế.

- Có các chế độ, chính sách động viên cán bộ y tế, nhất là đối với các y, bác sĩ, người tham gia công tác phòng, chống dịch dài ngày, làm việc trong khu điều trị COVID-19...Chỉ đạo các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch tổ chức chăm sóc tốt, thăm hỏi, chúc Tết người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách.

- Chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đủ lượng ô xy y tế; có phương án dự trữ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu.

c) Về công tác an toàn thực phẩm

- Phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, các Sở, ban, ngành liên quan triển khai phổ biến quy định, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm tiêu dùng phổ biến trong dịp Tết và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

- Triển khai tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm đến tận cơ sở, hộ gia đình bằng nhiều hình thức truyền thông đa dạng; cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết. Huy động sự tham gia của toàn xã hội trong phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.

- Thực hiện nghiêm công tác báo cáo, thống kê về an toàn thực phẩm theo quy định để kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện hoạt động.

d) Về công tác truyền thông

- Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện truyền thông, phổ biến kiến thức đến các đơn vị, người dân trên địa bàn về phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; nâng cao ý thức của người dân về việc tiêm đủ vắc xin, xét nghiệm, cách ly, điều trị, nhất là thực hiện nghiêm 5K trong phòng, chống dịch COVID-19; đảm bảo an toàn thực phẩm và tự giác thực hiện các hành vi nâng cao sức khỏe trong dịp Tết.

- Chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan báo chí tại địa phương để kịp thời thông tin về công tác y tế trong dịp Tết trên địa bàn tỉnh, thành phố.

3. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur

- Chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát yếu tố nguy cơ gây dịch. Phối hợp với các địa phương tiếp nhận mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến thể Omicron để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định.

- Chủ động nâng cao năng lực đội phản ứng nhanh và bảo đảm đủ vật tư, hóa chất, thiết bị chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ địa phương đáp ứng với các tình huống dịch bệnh.

4. Các Bệnh viện trực thuộc Bộ

- Thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly, đảm bảo công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tư vấn sức khỏe, đặt lịch khám và khám chữa bệnh từ xa.

- Tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực về thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 cho nhân viên y tế. Duy trì và tổ chức tốt đội cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời đơn vị tuyến dưới khi có dịch bệnh xảy ra.

- Chuẩn bị dự trữ đầy đủ ô xy y tế, cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; có phương án dự phòng, chuẩn bị cơ sở điều trị khi dịch xảy ra trên diện rộng; đảm bảo cấp cứu kịp thời các trường hợp tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm...

5. Cục Y tế dự phòng

- Theo dõi và bám sát tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh.

- Chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện nhập cảnh, quá cảnh và hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron.

- Chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán 2022; tổ chức diễn tập, nâng cao năng lực đội phản ứng nhanh để kịp thời đáp ứng, không để bị động, bất ngờ trước các tình huống dịch bệnh.

- Chỉ đạo công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đúng tiến độ, không bỏ sót, lọt đối tượng trong chỉ định tiêm; hướng dẫn tiêm khoa học, hợp lý, hiệu quả; phân bổ đủ vắc xin cho các địa phương.

- Chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, thực hiện dự trữ đủ vật tư, thiết bị, hóa chất, phương tiện đáp ứng yêu cầu chống dịch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu khi có dịch xảy ra.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát các đơn vị y tế dự phòng trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.

6. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu trong dịp Tết; tổ chức hiệu quả phân luồng, phân tuyến điều trị; chủ động xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ; đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa và điều trị người bệnh toàn diện.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác thu dung, điều trị người bệnh COVID-19; bảo đảm hoạt động hiệu quả của các bệnh viện dã chiến điều trị người bệnh COVID-19 trong dịp Tết; cập nhật, phổ biến các hướng dẫn chẩn đoán, phác đồ điều trị phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng phương án dự trữ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, nhất là ô xy y tế để sẵn sàng đáp ứng chống dịch và đảm bảo công tác điều trị.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

7. Cục An toàn thực phẩm

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai kế hoạch liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2022. Triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, tập trung kiểm soát tại các tỉnh có cửa khẩu, thành phố lớn đầu mối sản xuất, phân phối thực phẩm và các làng nghề; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm và tuyên truyền nội dung, kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến nhân dân.

- Kịp thời phát hiện, phối hợp với các cơ quan liên quan để ngăn chặn và xử lý nghiêm việc quảng cáo thực phẩm vi phạm quy định, công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

8. Cục Quản lý Dược

- Chỉ đạo các Sở Y tế tỉnh, thành phố, Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế và các công ty xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất thuốc có kế hoạch dự trữ thuốc phục vụ phòng, chống dịch bệnh và chữa bệnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết với chất lượng và giá thành hợp lý; không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, khan hiếm thuốc điều trị.

- Chỉ đạo các Sở Y tế tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý dược phẩm, mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi đầu cơ, tích trữ, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành.

9. Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để chỉ đạo việc bảo đảm nguồn cung cấp ô xy y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho các bệnh viện, các cơ sở y tế trong các tình huống dịch bệnh dịp Tết.

10. Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng

- Chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trong dịp Tết. Chú trọng đến các nội dung về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; phòng, chống dịch COVID-19, dịch bệnh mùa Đông - Xuân; tiêm mũi bổ sung và mũi tăng cường vắc xin phòng COVID-19; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là thực hiện 5K trong phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai các chương trình truyền thông về đón Tết an toàn, tiết kiệm; thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, không lạm dụng rượu bia.

- Triển khai có hiệu quả các chương trình truyền thông nhằm khơi dậy phong trào, động viên các cán bộ y tế hăng hái, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh. Vận động hiến máu tình nguyện, không để thiếu cơ số máu dự trữ trong dịp Tết Nguyên đán.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí để cung cấp thông tin; mời tham gia các hoạt động công tác y tế trong dịp Tết của Bộ Y tế; tổng hợp thông tin y tế hằng ngày, báo cáo Lãnh đạo Bộ để chủ động xử lý kịp thời khi cần thiết.

11. Văn phòng Bộ

- Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị; tổng hợp báo cáo về thực hiện công tác y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong dịp Tết Nguyên đán 2022; báo cáo Lãnh đạo Bộ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng theo đúng quy định.

- Đảm bảo thực hiện tốt công tác hậu cần, trực Tết tại cơ quan Bộ Y tế theo đúng quy định.

12. Công tác báo cáo trong dịp Tết Nguyên đán

a) Cục trưởng: Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Dược chỉ đạo việc tổ chức thường trực báo cáo, tổng hợp số liệu báo cáo từ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ và các đơn vị liên quan theo lĩnh vực chuyên môn và gửi về Văn phòng Bộ. Các nội dung báo cáo gồm:

- Cục Y tế dự phòng báo cáo về tình hình dịch bệnh tại các địa phương;

- Cục An toàn thực phẩm báo cáo về tình hình ngộ độc thực phẩm và các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm;

- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh báo cáo tình hình khám, cấp cứu tại các cơ sở y tế, tình hình cấp cứu các trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, tai nạn do cháy nổ, do pháo, ngộ độc...;

- Cục Quản lý Dược báo cáo về tình hình cung ứng thuốc cho công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết.

b) Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện Trung ương và địa phương tổng hợp các số liệu báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh, xử trí cấp cứu, dược gửi về các Cục chức năng của Bộ Y tế theo từng lĩnh vực quản lý.

c) Chánh Văn phòng Bộ chỉ đạo tổng hợp báo cáo nhanh và báo cáo đầy đủ, trình Lãnh đạo Bộ ký gửi Văn phòng Chính phủ đúng thời gian quy định.

Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; Văn phòng Bộ trực tiếp đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện, báo cáo theo quy định. Nếu có phát sinh vướng mắc, kịp thời phản ánh về Bộ Y tế để báo cáo Bộ trưởng xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/cáo);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để b/cáo);
- Thành viên BCĐQG phòng, chống dịch COVID-19;
- VP TW Đảng, VP Chủ tịch nước, VPQH, BTGTW;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Đ/c Thứ trưởng BYT;
- Vụ, Cục, Tổng Cục, Thanh tra BYT;
- Các đơn vị trực thuộc BYT;
- SYT tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Y tế các ngành;
- Lưu: VT, VPB1.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/CT-BYT về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022 do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 01/CT-BYT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/01/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thanh Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản