Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ SẢN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/CT-BTS

Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, TÌM KIẾM CỨU NẠN, ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI VÀ TÀU CÁ HOẠT ĐỘNG THUỶ SẢN NĂM 2007

Năm 2006, 10 cơn bão với cường độ mạnh, các đợt gió mùa Đông Bắc kéo dài và các hiện tượng thời tiết bất thường khác đã tác động đáng kể đến hoạt động thuỷ sản và gây ra thiệt hại cho người và tàu cá hoạt động trên biển, đặc biệt cơn bão số 1 (Chanchu) gây thiệt hại rất lớn cho ngư dân khai thác vùng biển xa bờ và những bài học cần rút ra từ hậu quả khi bão số 9 (Durian) đổ bộ vào bờ. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương và sự cố gắng khắc phục khó khăn của ngư dân, cùng với việc rút kinh nghiệm sâu sắc từ hậu quả bão số 1, triển khai hiệu quả hơn công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và phối hợp tìm kiếm cứu nạn các cấp của ngành Thuỷ sản nên về cuối năm đã giảm đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra.

Để chủ động đối phó với bão, lụt đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu cá hoạt động thuỷ sản trong năm 2007, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của Bộ,  Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Giám đốc các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý nhà nước về thuỷ sản (sau đây gọi chung là các Sở Thuỷ sản), Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, thực hiện nghiêm túc các việc sau đây :

1. Khẩn trương hoàn thành việc tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai năm 2006; xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2007 cụ thể, sát với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của từng địa phương, đơn vị.

Kiện toàn tổ chức Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn từ Bộ đến các địa phương, đơn vị, nâng cao năng lực và trách nhiệm trong chỉ đạo và chỉ huy, chủ động đối phó với mọi tình huống thiên tai, bảo đảm an toàn về tính mạng ngư dân và tài sản của nhân dân và của Nhà nước, đảm bảo duy trì sản xuất trên biển kết hợp với phòng tránh thiên tai. Với các địa phương ven biển Giám đốc Sở Thuỷ sản phải làm Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn thuỷ sản tại địa phương.

2. Có giải pháp hữu hiệu để thực hiện Chỉ thị số 22/2006/CT-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ, công điện số 01/BTS-CĐ ngày 31/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về chấn chỉnh công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Các tàu thuộc diện đăng kiểm phải được đăng kiểm xong trước 30/4/3007, đồng thời cũng đến thời hạn này phải hoàn thành việc kiểm tra an toàn kỹ thuật với tất cả các tàu cá để được phép ra biển hoạt động.

3. Các Sở Thuỷ sản phải tổ chức để nắm được thông tin đầy đủ, rõ ràng, cụ thể về tàu cá, đặc biệt là tàu cá hoạt động xa bờ. Các tàu cá khai thác hải sản xa bờ phải đảm bảo về an toàn kỹ thuật, trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa và phải luôn được kiểm tra việc thực hiện quy định về liên lạc với đất liền.

Phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiên quyết không cho tàu cá ra biển hoạt động khi không đảm bảo các điều kiện an toàn được quy định trong Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ.

4. Giao Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện các nhiệm vụ sau đây :

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Rà soát lại các văn bản liên quan đến công tác PCLB&TkCN để tập hợp và biên soạn thành tài liệu, tổ chức tuyên truyền, tập huấn, giảng dạy trong các chương trình đào tạo nghiệp vụ cho thuyền trưởng, máy trưởng và ngư dân; phổ biến đến các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá hiểu rõ trách nhiệm của mình quy định trong các điều 5, 6, 7, 8 của Nghị định số 66/2005/NĐ-CP.

- Chủ trì cùng Vụ Kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân tổ chức sơ kết công tác thành lập tổ đội sản xuất trên biển cho tàu cá, từ đó rút kinh nghiệm xây dựng mô hình sản xuất tổ, đội có quy mô, phù hợp với từng loại nghề và tập quán của ngư dân; kết hợp mô hình sản xuất, dịch vụ hậu cần trên biển với phòng chống thiên tai và cứu nạn trên biển.

 - Hướng dẫn các Sở Thuỷ sản ngay từ đầu năm khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp các tàu cá và neo đậu một cách nhanh chóng, an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới; tuỳ theo địa hình cụ thể từng bến cá, nơi neo đậu ở địa phương mình.

- Chịu trách nhiệm chủ yếu triển khai dự án quản lý thông tin nghề cá trên biển để đưa vào sử dụng trong năm 2007. Đưa trước phần trang bị trực canh trên tàu và hoạt động phục vụ báo bão trong năm; khẩn trương thành lập Trung tâm quản lý tàu cá đưa vào hoạt động để kịp thời phục vụ cho công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2007.

5. Vụ Kế hoạch tài chính rà soát lại quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão, sớm có đề xuất điều chỉnh bổ sung. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu neo đậu tàu cá đang triển khai.

Hoàn chỉnh chính sách về hỗ trợ ngư dân khắc phúc hậu quả thiên tai khôi phục sản xuất trình Bộ trưởng vào đầu tháng 4/2007 để Bộ xử lý trình Thủ tướng Chính phủ.

6. Vụ Pháp chế chủ trì cùng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương hoàn chỉnh Thông tư hướng dẫn và quy định cụ thể thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP, trình Bộ trưởng ký ban hành trước 30/4/2007. Phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức tuyên truyền Thông tư này đến ngư dân và các cấp, các ngành liên quan, đồng thời soạn thảo Quy chế về phòng, tránh bão cho tàu thuyền hoạt động trên biển, quy trình hướng dẫn tàu cá di chuyển tránh bão theo các tình huống khác nhau, quy trình đảm bảo an toàn cho các vùng nuôi tôm cá, nuôi lồng bè trên biển, trên sông, khu vực đăng đáy.

7. Vụ Nuôi trồng thuỷ sản cùng Vụ Kế hoạch Tài chính tiến hành rà soát lại quy hoạch các vùng nuôi thuỷ sản nội địa, nuôi biển và chỉ đạo mùa vụ nuôi, thu hoạch, phù hợp với việc phòng, chống bão, lũ, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ để hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra.

8. Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ theo chức năng nhiệm vụ được giao phải hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão được phân công, đồng thời giúp Bộ trưởng tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Thuỷ sản triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả, cùng với các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra nhằm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển sản xuất.

9. Trên cơ sở Chỉ thị này, Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Thuỷ sản xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, đồng thời kiểm tra, đôn đốc các Sở Thuỷ sản và các đơn vị trực thuồc Bộ triển khai thực hiện các nội dung nêu trên, trước ngày 30/4/2007 phải hoàn thành mọi việc chuẩn bị cho công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của năm 2007.

10. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thủ trưởng các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ; Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Thuỷ sản; Giám đốc Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý nhà nước về thuỷ sản, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN
 
 


Tạ Quang Ngọc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/CT-BTS năm 2007 về công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản năm 2007 do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 01/CT-BTS
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/03/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Tạ Quang Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/03/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản