Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2014/CT-UBND

Lâm Đồng, ngày 08 tháng 01 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong thời gian qua, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hoạt động theo dõi thi hành pháp luật là công tác mới, có phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhưng cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ và rõ ràng; việc bố trí biên chế, kinh phí ở một số cơ quan, đơn vị để thực hiện công tác này chưa tương xứng nên hiệu quả của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế.

Để tháo gỡ những vướng mắc nói trên và tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật, tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành; phối hợp với Sở Tư pháp trong việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với các vấn đề, lĩnh vực có liên quan; gắn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.

b) Củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế để thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo đúng tiến độ được xác định tại Quyết định số 2095/QĐ-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013 - 2015.

c) Tổ chức tiếp nhận, tổng hợp, đánh giá và xử lý các thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực quản lý do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp; cung cấp các thông tin, báo cáo liên quan đến đánh giá, sơ kết, tổng kết thi hành pháp luật của ngành, lĩnh vực gửi Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp theo thời gian quy định.

d) Lập dự toán kinh phí theo dõi thi hành pháp luật hàng năm gửi Sở Tài chính thẩm định, trình duyệt theo quy định.

2. Sở Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

b) Hàng năm, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, lựa chọn một số lĩnh vực có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, đang được dư luận xã hội quan tâm, để phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

c) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, địa phương trong việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh với Bộ Tư pháp.

d) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh;

3. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật hàng năm trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện (thông qua Sở Tư pháp).

b) Chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với các cơ quan chuyên môn cùng cấp, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý tại địa phương.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo nội dung tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và kế hoạch của UBND cấp trên tại địa phương; bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn quản lý.

d) Tổ chức tiếp nhận, tổng hợp, đánh giá và xử lý các thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi địa phương quản lý do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn quản lý cung cấp; thường xuyên cung cấp thông tin và định kỳ báo cáo đánh giá, sơ kết, tổng kết thi hành pháp luật trên địa bàn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp.

đ) Bảo đảm về kinh phí và các điều kiện khác cho việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương theo quy định hiện hành.

5. Đề nghị Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; định kỳ 6 tháng, hàng năm cung cấp thông tin, số liệu, báo cáo về kết quả điều tra, truy tố, xét xử trên địa bàn cho cơ quan tư pháp cùng cấp để tổng hợp tình hình thi hành pháp luật chung của địa phương.

6. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức, đoàn thể và nhân dân tham gia vào các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn; kịp thời thông tin, phản ánh đến các cơ quan chức năng về những việc đã làm được, chưa làm được của các cơ quan chức năng; góp phần đưa công tác theo dõi thi hành pháp luật đi vào nề nếp và nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi pháp luật của các tổ chức và cá nhân.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên. Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình và kết quả thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Tòa án tỉnh, VKSND tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh; Báo Lâm Đồng;
- UBND các huyện, thành phố;
- Cổng thông tin Điện tử tỉnh;
- Website VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Tiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/2014/CT-UBND tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 01/2014/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/01/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Xuân Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản