Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2007/CT-UBND

Phan Thiết, ngày 22 tháng 01 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ MÁY PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN

Trong thời gian gần đây, mạng lưới thông tin vô tuyến điện ở tỉnh ta phát triển khá nhanh với nhiều loại thiết bị hiện đại và tiện dụng. Các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đưa công tác quản lý tần số và máy phát vô tuyến điện đi vào nề nếp, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, việc kinh doanh, lắp đặt thiết bị phát vô tuyến điện, đặc biệt là điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) còn rất phức tạp. Đa số các thiết bị trên đều là thiết bị nhập lậu chưa được Chi cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực II kiểm định. Các thiết bị thông tin vô tuyến điện (máy bộ đàm) trang bị trên tàu cá khai thác thủy sản chưa chấp hành đúng theo quy định của Nhà nước về sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.

Sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các quy định của Nhà nước cũng như việc kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện còn thiếu đồng bộ, dẫn đến kém hiệu quả, gây lãng phí phổ tần số.

Tình trạng trên đã gây can nhiễu mạng thông tin chuyên dùng và các mạng dùng riêng của các cơ quan chức năng, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tới an toàn thông tin, an ninh quốc phòng.

Nhằm chấn chỉnh, kịp thời khắc phục tình hình trên, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tần số và máy phát vô tuyến điện, đảm bảo thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14/01/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Quản lý và sử dụng điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao):

a) Các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, lắp đặt và sử dụng điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) không thuộc thiết bị vô tuyến điện sử dụng có điều kiện, phải có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng và phải đăng ký cấp phép sử dụng theo quy định tại khoản 6, Điều 18 của Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14/01/2004 của Chính phủ. Nghiêm cấm việc tàng trữ, kinh doanh và sử dụng các thiết bị điện thoại không dây không thuộc danh mục tiêu chuẩn ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông hoặc không áp dụng đầy đủ các quy định về nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là các thiết bị có tần số sử dụng thuộc băng tần lưu động hàng không (108 - 137 MHz);

b) Chỉ được sử dụng các thiết bị điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) có tần số thuộc các băng tần sau: 43 - 44 MHz; 46 - 50 MHz; 72 - 73,5 MHz; 261,5 - 262,5 MHz; 263,5 - 264,5 MHz; 387,5 - 388,5 MHz; 389,5 - 390,5 MHz;

c) Các thiết bị điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao): trước khi đưa vào sử dụng phải đăng ký với Sở Bưu chính, Viễn thông hoặc Trung tâm Kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực VII;

d) Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh mua bán, sản xuất thiết bị, thử nghiệm hoặc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước về bưu chính, viễn thông. Mọi trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

2. Quản lý, sử dụng máy bộ đàm đặt trên các tàu thuyền khai thác thủy sản (sau đây gọi tắt là phương tiện nghề cá):

a) Nghiêm cấm việc sử dụng máy bộ đàm đặt trên phương tiện nghề cá không có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện (trừ trường hợp máy bộ đàm hoạt động ở băng tần số từ 26,96 - 27,41 MHz thuộc loại thiết bị sử dụng có điều kiện không cần có giấy phép, nhưng khi sử dụng phải tuân thủ các quy định đã được ban hành kèm theo Quyết định số 09/2006/QĐ-BBCVT ngày 10/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông);

b) Việc sử dụng máy bộ đàm trên biển phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về tần số liên lạc, phương thức khai thác của các cơ quan có thẩm quyền.

3. Quản lý và sử dụng thiết bị phát sóng phát thanh, truyền hình:

a) Khi trang bị sử dụng thiết bị phát sóng phát thanh, truyền hình phải tuân thủ quy hoạch phân bổ kênh tần số cho truyền hình tương tự mặt đất băng tần VHF/UHF đến năm 2010 theo Quyết định số 192/2003/QĐ-BBCVT ngày 22/12/2003 và phát thanh FM băng tần 87 - 108 MHz đến năm 2010 theo Quyết định số 35/2005/QĐ-BBCVT ngày 21/12/2005 của Bộ Bưu chính, Viễn thông;

b) Chỉ được sử dụng thiết bị phát sóng phát thanh, truyền hình khi đã được cấp phép và các thiết bị đảm bảo chỉ tiêu chất lượng.

4. Giao cho các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Sở Bưu chính, Viễn thông:

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan phổ biến các quy định pháp luật về viễn thông và tần số vô tuyến điện; tổ chức tập huấn hướng dẫn đăng ký và cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Trung tâm Kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực VII tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định.

b) Công an tỉnh: hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ, nội quy bảo mật; phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến an ninh thông tin;

c) Sở Thương mại: chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông, Công an tỉnh kiểm tra các vi phạm trong việc dự trữ, kinh doanh các thiết bị điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) và các máy phát vô tuyến điện nhập lậu trên địa bàn tỉnh;

d) Sở Thủy sản:

- Phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn ngư dân về các thủ tục và nơi đăng ký giấy phép tần số vô tuyến điện;

- Chỉ cấp, cấp lại “Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá” cho các tàu cá nằm trong trường hợp bắt buộc phải có giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá khi đã có Giấy phép ấn định tần số của Cục tần số vô tuyến điện;

- Phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông đưa nội dung huấn luyện về sử dụng thiết bị thông tin vô tuyến điện trong chương trình đào tạo của ngành.

đ) Các cơ quan khác:

- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về sử dụng máy phát vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá cho các ngư dân tại các đồn, trạm biên phòng, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả các băng tần số đã được phân bổ;

- Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận phối hợp với các địa phương và Sở Bưu chính, Viễn thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị này để nhân dân biết và thực hiện;

- Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận lưu ý thực hiện theo nội dung nói ở điểm 3 của Chỉ thị này.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 18/2002/CT-UBBT ngày 22/04/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và phổ biến đến các cán bộ, công chức và nhân dân thuộc đơn vị, địa phương mình quản lý./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/2007/CT-UBND tăng cường công tác quản lý tần số và máy phát vô tuyến điện do tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 01/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/01/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 05/02/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản