Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2007/CT-BXD

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

SỐ 01/2007/CT-BXD BỘ XÂY DỰNG VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ SỨC CẠNH TRANH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP THUỘC BỘ XÂY DỰNG TRONG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ 

Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, các doanh nghiệp ngành Xây dựng đã và đang chủ động, tích cực tham gia vào tiến trình chung của cả nước trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Ngày 7/11/2006, Việt Nam đã được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sự kiện này đã đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập, mở ra cả cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế cả nước nói chung và các doanh nghiệp ngành Xây dựng nói riêng.

Việc Việt Nam gia nhập WTO đem lại cho doanh nghiệp ngành Xây dựng cơ hội mở rộng thị trường, thu hút, tiếp nhận và chuyển dịch các nguồn lực đầu tư, tài chính; tiếp cận nhanh chóng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hiện đại và học tập những kinh nghiệm, kỹ năng quản lý tiên tiến từ các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành Xây dựng cũng phải đối mặt với không ít các thách thức khi nước ta gia nhập WTO, đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài. So với các nước trong khu vực và thế giới, các doanh nghiệp ngành Xây dựng còn bị hạn chế về năng lực tài chính, trình độ quản lý điều hành dự án, trình độ cán bộ quản lý, kỹ thuật, đặc biệt là hiểu biết về pháp luật và các thông lệ quốc tế, thiếu công nghệ thiết bị tiên tiến, thiếu thông tin về thị trường khu vực và thế giới, trình độ tổ chức thi công còn hạn chế; khả năng sử dụng nguồn lực, thiết bị, máy móc, nhân công chưa cao, sự hợp tác giữa các nhà thầu trong nước chưa chặt chẽ, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm vật liệu xây dựng còn kém so với các sản phẩm nhập ngoại về mẫu mã, chất lượng và giá bán sản phẩm, một số sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài nhưng khối lượng chưa nhiều, chưa thường xuyên...Một số doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng và chuẩn bị thật tốt cho việc nghiên cứu thị trường, phân tích đánh giá đúng năng lực và khả năng cạnh tranh của đơn vị mình để xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đảm bảo cho sự phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh . 

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành Xây dựng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực hiện các cam kết gia nhập WTO nói riêng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ thị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Tổng công ty, Công ty mẹ trong mô hình Công ty mẹ - Công ty con; Giám đốc các công ty độc lập và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp sau: 

1. Nghiên cứu, quán triệt chiến lược và các cam kết cụ thể có liên quan đến ngành Xây dựng của Việt Nam với WTO. Từng đơn vị phải nắm bắt một cách cơ bản và hệ thống các mục tiêu, nguyên tắc, lộ trình thực hiện các cam kết liên quan đến Ngành và các lĩnh vực hoạt động của đơn vị mình trong WTO, nhận thức rõ những cơ hội và thách thức khi gia nhập WTO để từ đó xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của đơn vị mình cho phù hợp với tình hình mới. 

2. Đánh giá lại năng lực thực tế, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của đơn vị mình, có tính đến thị trường khu vực và thế giới, xây dựng chiến lược đầu tư công nghệ mới, hoàn thiện hệ thống quản lý phù hợp cho từng giai đoạn từ nay đến năm 2010 và 2020.

3. Xây dựng chiến lược và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ đầu đàn, quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới. Những cán bộ này phải được trang bị ngoại ngữ và am hiểu sâu về công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn xây dựng và luật pháp quốc tế. Đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn để ổn định đội ngũ thợ có tay nghề bậc cao, tăng năng suất lao động, sản phẩm làm ra có uy tín về chất lượng và được công nhận trình độ quốc tế.

4. Các đơn vị phải chủ động nắm bắt và vận dụng các quy luật của kinh tế thị trường trong quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác tiếp thị, thông tin thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó đặc biệt coi trọng việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp; tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các đơn vị sản xuất với các hộ tiêu thụ lớn.

Tăng cường công tác thông tin khoa học công nghệ, các kiến thức về kinh tế, thị trường quốc tế; đầu tư trang thiết bị đủ mạnh đặc biệt là các thiết bị chuyên ngành, có chương trình phần mềm ở trình độ cao, được quản lý chặt chẽ.

5. Đa dạng hoá các hình thức đầu tư và hình thức sở hữu trong đầu tư xây dựng, nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng; tăng cường huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư, chống khép kín trong đầu tư xây dựng.

6. Đẩy mạnh sự  liên kết giữa các công ty, tổng công ty, giữa các doanh nghiệp thuộc các khối sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí và xây lắp để tiến tới hình thành các Tập đoàn công nghiệp xây dựng lớn, có tiềm lực đủ mạnh, đủ sức mạnh cạnh tranh với nhà thầu nước ngoài đồng thời với việc chú trọng tới khả năng liên doanh, liên kết với các nhà thầu nước ngoài để tiếp cận, mở rộng thị trường tại các nước trong khu vực và trên thế giới, tiếp thu các kỹ thuật, công nghệ mới và các nguồn tài chính quốc tế.

7.  Đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng:

Các đơn vị phải tiến hành đánh giá lại toàn diện thực trạng về công nghệ sản xuất, quản lý và mạng lưới tiêu thụ sản phẩm; mức độ chủ động các yếu tố đầu vào nhất là đối với nguồn cung cấp nguyên vật liệu; rà soát, tính toán lại giá thành sản phẩm.

Mở rộng và đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh để đảm bảo lợi nhuận và thị phần.

Tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu chuyển đổi, áp dụng công nghệ mới.

Đối với sản phẩm clinker và xi măng: tiến tới loại bỏ công nghệ lò quay sản xuất bằng phương pháp ướt trước năm 2010; thực hiện tốt lộ trình chuyển đổi các cơ sở sản xuất bằng lò đứng sang lò quay trước năm 2020; nâng cao chất lượng xi măng; tập trung sản xuất các loại xi măng mác cao, giảm dần tỷ trọng xi măng PCB30.

Các nhà máy xi măng phải nghiên cứu áp dụng phương án sử dụng nhiệt thừa để tự phát điện phục vụ cho sản xuất xi măng nhằm giảm chi phí điện năng, hạ giá thành sản xuất kết hợp xử lý môi trường triệt để hơn. Giao Viện Vật liệu xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn các đơn vị áp dụng công nghệ này, tiến tới phổ cập cho toàn Ngành.

Đối với các sản phẩm gạch ốp lát, ceramic, granit, Cotto: các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư chiều sâu về công nghệ, đầu tư cho công tác thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ trang trí mới để tạo ra các sản phẩm có giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng sức cạnh tranh.

Đối với các sản phẩm sứ vệ sinh và kính xây dựng: chú trọng đầu tư chiều sâu về công nghệ, có kế hoạch đào tạo cán bộ, thuê thêm chuyên gia giàu kinh nghiệm về quản lý vận hành và thiết kế mẫu mã sản phẩm mới để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước và xuất khẩu sang nước khác

8. Đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp để lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp, chủ động kiểm soát dòng tiền; đối chiếu, rà soát và phân loại các khoản nợ phải thu, các khoản nợ phải trả đặc biệt là nợ vay đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng (sứ vệ sinh, gạch ceramic, granit, các dự án xi măng,…); tập trung xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi, các sản phẩm, vật tư bị tồn kho, ứ đọng; xây dựng và tổ chức triển khai các phương án cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp, các phương án huy động vốn hợp lý, có hiệu quả nhất. Tận dụng tối đa lợi thế kinh doanh về vị trí địa lý, đất đai, thương hiệu để mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh khác; tổ chức thực hiện việc giải thể hoặc bán đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không có hiệu quả .

9. Thực hiện triệt để việc chuyển đổi hoạt động của các Tổng công ty sang mô hình Công ty mẹ - Công ty con; kiện toàn tổ chức, cán bộ, xây dựng mới Điều lệ tổ chức và hoạt động của các Công ty mẹ. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ giai đoạn 2007-2010.

Để thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, yêu cầu các đơn vị phải xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể  đối với từng nội dung, báo cáo Bộ trước ngày 30/3/2007  .

Giao các Vụ:  Kế hoạch - Thống kê, Vật liệu xây dựng, Kinh tế tài chính, Tổ chức cán bộ, Hợp tác quốc tế theo chức năng được giao, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp tình hình báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Tổng công ty, Công ty mẹ trong mô hình Công ty mẹ – Công ty con, Giám đốc các công ty độc lập và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- TCT Xi măng Việt Nam
- Các đơn vị, DN thuộc Bộ XD;
- VPCP
- Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Vụ PC, VLXD, KTTC, TCCB, HTQT
- Lưu VP, KHTK.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/2007/CT-BXD về một số giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng trong hội nhập kinh tế quốc tế do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 01/2007/CT-BXD
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 16/01/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 59 đến số 60
  • Ngày hiệu lực: 12/02/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản