Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2005/CT-BYT

Hà Nội, ngày 19 tháng 1 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ PHỤC VỤ Y TẾ TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT DẬU 2005

Thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 30/12/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 48/2004/CT-TTg, ngày 24-12-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đón Tết Ất Dậu, để đảm bảo đón xuân mới an toàn, tiết kiệm và phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong dịp Tết, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị cho lãnh đạo các vụ, cục, Thanh tra, Văn phòng, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và y tế các ngành trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, phải tổ chức triển khai thực hiện thật tốt những việc sau đây:

1. Tổ chức đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh và triệt để tiết kiệm. Không được lợi dụng dịp Tết để tổ chức ăn uống lãng phí hoặc sử dụng tiền, tài sản của tập thể hoặc có nguồn gốc từ ngân sách, từ công quỹ không đúng với chế độ quy định của Nhà nước.

2. Chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh viêm phổi cấp do Virut H5N1 và các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác. Tăng cường việc kiểm tra vệ sinh môi trường, khống chế các ổ dịch cũ; tập trung kiểm tra và phối hợp với các ngành tại địa phương để làm tốt vệ sinh môi trường tại các bến xe, nhà ga, bến tàu là nơi hay bị ô nhiễm do tập trung đông người dễ phát sinh dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm nhất là tại các chợ, các nơi bán thực phẩm phục vụ Tết. Hệ thống giám sát dịch phải bố trí người trực thường xuyên trước, trong và sau các ngày nghỉ Tết nhằm phát hiện sớm, cách li và điều trị kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nếu có dịch phải báo cáo ngay tới các cơ quan y tế cấp trên và báo cáo về Bộ, phải tiến hành ngay các biện pháp khoanh vùng dập tắt kịp thời, không để dịch lan rộng.

3. Tổ chức tốt việc khám bệnh và chữa bệnh trong dịp Tết. Các cơ sở y tế phải bố trí các kíp trực có đủ khả năng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, sinh đẻ trong các ngày Tết, không được từ chối hoặc để chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào; nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế khác sau khi đã giải thích kỹ cho người bệnh và người nhà cùng đi. Tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết. Phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh, hết sức chú ý đến cách giao tiếp, ứng xử ân cần, hoà nhã, thực hiện đúng các quy định về chuyên môn kỹ thuật. Bố trí chăm sóc, phục vụ chu đáo mọi người bệnh còn nằm lại điều trị tại các bệnh viện hoặc người bệnh vào cấp cứu trong các ngày Tết cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt là người bệnh thuộc diện chính sách và người nghèo. Bộ giao cho Vụ Điều trị lập kế hoạch cùng Lãnh đạo Bộ tổ chức kiểm tra các bệnh viện trong dịp Tết.

4. Các Bệnh viện, công ty dược trung ương, địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng đủ thuốc chữa bệnh với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo. Nghiêm cấm việc bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc quá hạn sử dụng và tăng giá thuốc tại các hiệu thuốc của Nhà nước cũng như tư nhân trong dịp Tết. Sẵn sàng cung cấp thuốc khi có cấp cứu hàng loạt hoặc dịch bệnh xẩy ra, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng vừa xẩy ra thiên tai trong năm qua. Phải công bố tên, địa chỉ các hiệu thuốc thường trực bán thuốc cả ngày và đêm trong các ngày nghỉ Tết để nhân dân biết.

5. Phối hợp với các lực lượng bảo vệ trật tự trị an tại địa phương để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đơn vị trong các ngày nghỉ Tết. Phải kiểm tra kỹ hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống điện, kho xăng dầu, niêm phong, cắt cầu dao điện các kho tàng và phòng làm việc trước khi về nghỉ Tết. Các đơn vị tổ chức trực đơn vị theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hậu cần và trực bảo vệ – tự vệ; niêm yết danh sách cán bộ trực công khai hàng ngày để lãnh đạo đơn vị đi kiểm tra, đôn đốc khi cần thiết.

6. Các đơn vị phải nhanh chóng đi vào hoạt động bình thường ngay sau Tết. Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp số liệu báo cáo nhanh về Bộ trong ngày 6 Tết; các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng tại Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh (cả trung ương và địa phương) tập hợp các số liệu về khám bệnh và xử trí cấp cứu, về dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết báo cáo Bộ Y tế trước 10 giờ sáng mồng 6 tết, tức ngày 14/02/2005 (Vụ Điều trị, Cục Y tế dự phòng và Phòng chống HIV/AIDS và Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm đối với khu vực Hà Nội; Phòng Quản trị Hành chính II đối với các đơn vị đóng tại thành phố Hồ Chí Minh). Vụ Điều trị, Cục Y tế dự phòng và Phòng chống HIV/AIDS, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm và Văn phòng Bộ cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết và thông báo sớm kế hoạch này đến các đơn vị để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này, đồng thời, thu thập đủ thông tin, số liệu, tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ để báo cáo Chính phủ theo quy định.

Lãnh đạo các vụ, cục, Thanh tra, Văn phòng, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và y tế các bộ, ngành có trách nhiệm tổ chức và triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Trần Thị Trung Chiến

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/2005/CT-BYT về phục vụ y tế trong dịp Tết nguyên đán Ất Dậu 2005 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 01/2005/CT-BYT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/01/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Trần Thị Trung Chiến
  • Ngày công báo: 01/02/2005
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 16/02/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 07/10/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản