Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/1999/CT-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 1 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN LỊCH TRÌNH GIẢM THUẾ NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM THEO HIỆP ĐỊNH VỀ CHƯƠNG TRÌNH ƯU ĐÃI THUẾ QUAN CÓ HIỆU LỰC CHUNG CEPT.

Ngay sau khi trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN) tháng 7/1995, Chính phủ Việt Nam đã tham gia Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT), cam kết giảm dần thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hoá của ASEAN. Việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết bắt đầu được thực hiện từ năm 1996 và phải hoàn thành vào năm 2006; giảm dần và thôi áp dụng các biện pháp bảo hộ phi quan thuế; tăng cường hợp tác về Hải quan nhằm tạo thuận lợi nhất cho giao lưu hàng hoá, trao đổi thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên, hình thành Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).

Chính phủ đã thông qua lịch trình giảm thuế suất thuế nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN cho giai đoạn 10 năm (1996 - 2006) và đã ban hành danh mục hàng hoá thực hiện CEPT đến hết năm 1998. Song, qua gần 3 năm thực hiện việc giảm thuế theo CEPT, các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước, nhất là doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được hết khó khăn thách thức, tính cạnh tranh gay gắt của việc mở cửa thị trường hội nhập kinh tế khu vực, chưa có sự điều chỉnh cần thiết để thực hiện lịch trình giảm thuế nhập khẩu với ASEAN mà vẫn tiếp tục đầu tư, sản xuất theo cơ cấu cũ; và còn nhiều doanh nghiệp kiến nghị được bảo hộ như trước đây.

Nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chủ động thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường trong điều kiện ta đã và đang giảm dần thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hoá của ASEAN, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị :

1. Các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần tổ chức triển khai quán triệt chủ trương của Nhà nước về lịch trình giảm thuế Nhập Khẩu tới doanh nghiệp; kịp thời thông báo danh mục mặt hàng đưa vào giảm thuế CEPT hàng năm để từng doanh nghiệp có hướng phấn đấu cụ thể; và xác định rõ việc thực hiện giảm thuế nhập khẩu với ASEAN là nghĩa vụ của nước thành viên, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta thâm nhập mở rộng thị trường, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

2. Các Bộ, ngành và địa phương khi xây dựng, xét duyệt hoặc trình phê duyệt các dự án đầu tư (cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài); doanh nghiệp khi xem xét, quyết định quy mô đầu tư, kế hoạch sản xuất - kinh doanh của mình, ngoài việc tính toán kỹ các yếu tố kinh tế - kỹ thuật, còn cần căn cứ vào lịch trình giảm thuế nhập khẩu đối với ASEAN để xem xét tính khả thi của dự án, đặc biệt lưu ý khả năng tiêu thụ sản phẩm, khả năng cạnh tranh so với sản phẩm, mặt hàng cùng loại của ASEAN theo lịch trình giảm thuế nhập khẩu của mặt hàng đó.

3. Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ và nắm vững lịch trình giảm thuế nhập khẩu; danh mục thực hiện CEPT hàng năm, chủ động tiếp cận thị trường trong nước cũng như thị trường ASEAN, tính toán và quyết định việc thay đổi quy mô sản xuất, cơ cấu đầu tư; đổi mới công nghệ, thay đổi mẫu mã; đa dạng hoá các loại hình kinh doanh, dịch vụ; phấn đấu làm chủ thị trường trong nước dần dần vươn ra thị trường ASEAN và thế giới.

4:: Căn cứ lịch trình giảm thuế nhập khẩu và danh mục hàng hoá thực hiện CEPT do Chính phủ ban hành, các Bộ quản lý Nhà nước về ngành kinh tế, kỹ thuật, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Trung ương Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội công thương các địa phương hướng dẫn và cung cấp thông tin về ngành hàng, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, nếu xét thấy việc giảm thuế nhập khẩu sẽ gây tác động bất lợi tới mặt hàng, sản phẩm của doanh nghiệp hoặc địa phương mình.

5. Bộ Thương mại chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng và hoàn thiện đề án chiến lược hội nhập tổng thể, bao gồm cả Lịch trình cắt giảm các biện pháp phi thuế quan thực hiện Hiệp định CEPT.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có kế hoạch cụ thể, định kỳ tổ chức các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp; nắm chắc thông tin phản hồi và định kỳ hàng quý, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Nguyễn Mạnh Cầm

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/1999/CT-TTG thực hiện lịch trình giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam theo Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung CEPT do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 01/1999/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/01/1999
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Cầm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 19/01/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản