Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BIÊN BẢN GHI NHỚ
GIỮA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ TÒA ÁN TỐI CAO NƯỚC CỘNG HÒA HUNGARY VỀ HỢP TÁC TƯ PHÁP
Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tòa án tối cao nước Cộng hòa Hungary (sau đây gọi tắt là các "Bên"):
Tôn trọng nguyên tắc chủ quyền quốc gia và tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;
Nhận thức rằng mối quan hệ giữa hai Bên là nhân tố cơ bản trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc hợp tác pháp luật;
Mong muốn tiếp tục tiến hành các bước tiếp theo để tăng cường hiểu biết lẫn nhau về luật pháp, hệ thống pháp luật và các cơ quan pháp luật nhằm thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau;
Thừa nhận rằng không quy định nào trong Biên bản ghi nhớ này có hoặc có ý định làm phát sinh các quan hệ pháp luật;
Phù hợp với pháp luật và các quy định hiện hành của mỗi quốc gia;
Hai Bên đồng ý thỏa thuận:
Điều 1. Mục tiêu
Hai Bên sẽ tiến hành các hoạt động hợp tác liên quan đến việc phát triển hệ thống tòa án, hoàn thiện thủ tục tố tụng và nâng cao hiểu biết về hệ thống pháp luật hiện hành vì lợi ích của hai Bên nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và đặc biệt nhằm:
a. Tạo nền tảng vững chắc cho các mối quan hệ hiện thời và trong tương lai giữa hai Bên;
b. Tăng cường hiểu biết lẫn nhau về pháp luật, văn hóa tư pháp, các chuẩn mực pháp lý quốc tế và phát triển trong khu vực cùng các vấn đề mới phát sinh có liên quan;
c. Tăng cường năng lực của Tòa án hai Bên để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của hai Bên.
Điều 2. Các hình thức hợp tác
Hàng năm hoặc định kỳ, hai Bên sẽ thảo luận và quyết định các hình thức hợp tác tư pháp phù hợp với các thủ tục hiện hành và những ưu tiên chiến lược của các Bên, đặc biệt tập trung vào các vấn đề dưới đây:
a. Hợp tác trợ giúp chuyên môn thường xuyên cho các thẩm phán, cán bộ hành chính và cán bộ tòa án;
b. Các cuộc thảo luận bàn tròn và những cuộc họp chuyên môn;
c. Trao đổi văn bản và các tài liệu pháp luật khác.
Điều 3. Nội dung chương trình hợp tác phát triển tư pháp
Những lĩnh vực hiện hành cần được trợ giúp sẽ được liệt kê cụ thể trong những Phụ lục của Biên bản ghi nhớ này. Những lĩnh vực này sẽ được cập nhật và thay đổi theo thời gian thông qua những Phụ lục được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chánh án Tòa án tối cao nước Cộng hòa Hungary đồng ý và ký kết. Các phụ lục là một phần không thể tách rời của Biên bản ghi nhớ này.
Điều 4. Các thỏa thuận về việc quản lý và thực hiện
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chánh án Tòa án tối cao nước Cộng hòa Hungary sẽ nỗ lực tham dự các cuộc trao đổi hàng năm để xem xét tiến trình thực hiện việc hợp tác theo Biên bản ghi nhớ này.
2. Trước khi các hoạt động được tiến hành, hai Bên sẽ giúp đỡ lẫn nhau trong việc chuẩn bị soạn thảo các hoạt động chi tiết, bao gồm cả việc xây dựng các mục tiêu hoạt động, chương trình làm việc và ngân sách.
Điều 5. Xem xét sửa đổi
1. Hai Bên cùng thỏa thuận thời gian đánh giá định kỳ các hoạt động và việc thực thi Biên bản ghi nhớ này cùng các Phụ lục kèm theo.
2. Bất cứ sửa đổi nào trong Biên bản ghi nhớ này được hai Bên đồng ý đều phải được thể hiện bằng văn bản và sẽ là một phần của Biên bản ghi nhớ này. Những sửa đổi như vậy sẽ có hiệu lực kể từ ngày do hai Bên xác định.
Điều 6. Bắt đầu và chấm dứt hiệu lực
1. Biên bản ghi nhớ này có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Mỗi Bên có thể chấm dứt hiệu lực của Biên bản ghi nhớ này bằng việc gửi thông báo bằng văn bản cho Bên kia và việc chấm dứt sẽ có hiệu lực sau 3 tháng, kể từ ngày Bên kia chính thức nhận được văn bản nói trên.
3. Việc chấm dứt hiệu lực của Biên bản ghi nhớ không làm ảnh hưởng đến việc hoàn tất các dự án hoặc các hoạt động đang tiến hành theo các điều khoản mà hai Bên đã cam kết.
4. Biên bản ghi nhớ này sẽ hết hiệu lực sau 5 năm kể từ ngày ký. Hai Bên có thể xem xét để ký kết một thỏa thuận khác.
5. Một bản sao của Biên bản ghi nhớ này sẽ được gửi đến các cơ quan liên quan tại mỗi quốc gia để các cơ quan này biết và hỗ trợ.
Điều 7. Thay đổi Hiến pháp nước Cộng hòa Hungary
Các Bên đều biết rằng Tòa án tối cao nước Cộng hòa Hungary sẽ được gọi là Tòa án Công lý từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 theo Điều 25 Luật cơ bản của nước Cộng hòa Hungary mới được ban hành gần đây.
Những người ký tên dưới đây là những người có thẩm quyền ký Biên bản ghi nhớ này.
Làm tại Hà Nội ngày 27 tháng 9 năm 2011, thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh, cả hai bản có giá trị pháp lý như nhau.
THAY MẶT TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | THAY MẶT TÒA ÁN TỐI CAO |
Biên bản ghi nhớ về hợp tác tư pháp giữa Việt Nam - Hungary
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 27/09/2011
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Hungary
- Người ký: Trương Hòa Bình, Baka András
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra