Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------

Số: 72/BC-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 7 năm 2009

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH SOẠN THẢO, BAN HÀNH VÀ KIỂM TRA XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NĂM 2008

I. TÌNH HÌNH SOẠN THẢO, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành:

Trong năm 2008 (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12), Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 137 văn bản quy phạm pháp luật (Xem Bảng A). Cụ thể:

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố: 12 văn bản

- Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố: 102 văn bản

- Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố  : 23 văn bản

Ở các quận - huyện, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện ban hành 393 văn bản. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã - phường, thị trấn ban hành 1.083 văn bản.

2. Tình hình chấp hành pháp luật trong công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

Căn cứ theo các quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Quyết định số 2173/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2008. Với kế hoạch xây dựng, soạn thảo và ban hành 77 văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2008, thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 21 văn bản trong Chương trình (đạt 27% so với kế hoạch năm).

Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng đến đời sống, quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đa số các cơ quan soạn thảo tuân thủ các quy định về công tác soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng điều chỉnh, lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan; 53/137 (38,5%) văn bản có gửi Sở Tư pháp thành phố để thẩm định; 137/137 văn bản (100%) sau khi ban hành đã được gửi đăng Công báo, công bố trên trang tin điện tử Công báo thành phố, gửi Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ để thực hiện việc kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền.

Tại các quận - huyện, quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được các đơn vị thực hiện ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều văn bản trước khi ban hành chưa được Phòng Tư pháp thẩm định và văn bản sau khi ban hành chưa được gửi đăng công báo, chưa gửi Sở Tư pháp thành phố để kiểm tra theo quy định. (thống kê cho thấy chỉ có 149/393- 38% văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện ban hành trong năm 2008 gửi đến Sở Tư pháp để kiểm tra).

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp phường - xã, thị trấn, chủ yếu là ban hành các nghị quyết kỳ họp của hội đồng nhân dân về nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội nên văn bản không chứa đựng nội dung quy phạm pháp luật.

3. Trong năm 2008, văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp tại thành phố ban hành đã kịp thời quyết định nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm thi hành các văn bản luật, văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên (như thi hành các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 có người Việt Nam ở nước ngoài tham gia; thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân; về thí điểm thành lập lực lượng Thanh tra xây dựng; về tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện,v.v…); quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh tại địa phương; quy định một số biện pháp nhằm ổn định, nâng cao đời sống nhân dân.

II. TÌNH HÌNH KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Về công tác tự kiểm tra

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ban hành; đồng thời phối hợp với các Sở - ngành tổ chức tự kiểm tra văn bản theo yêu cầu của các Bộ, ngành ở Trung ương. Trong đó, có 42 văn bản liên quan lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng.

Qua công tác tự kiểm tra, thành phố Hồ Chí Minh xác định 02 văn bản có nội dung không phù hợp gồm:

- Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2008 ban hành Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố. Văn bản này quy định thẩm quyền cấp phép dạy thêm không phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hiện đang được các cơ quan chức năng xem xét, kiến nghị xử lý theo quy định.

- Quyết định số 100/2003/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2003 quy định bề mặt hạn chế chướng ngại vật tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Văn bản này hiện không còn phù hợp với quy định của Luật Hàng không dân dụng về thẩm quyền ban hành. Do đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 5162/UBND-PCNC ngày 14 tháng 8 năm 2008 kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý chướng ngại vật hàng không để làm cở sở quy định về giới hạn bề mặt chướng ngại vật tại các sân bay. Trong giai đoạn hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục áp dụng Quyết định số 100/2003/QĐ-UBND để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay tại sân bay Tân Sơn Nhất.

2. Về công tác kiểm tra theo thẩm quyền:

Theo báo cáo của Sở Tư pháp thành phố, trong năm 2008, Sở Tư pháp đã nhận được 149 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện gửi đến để kiểm tra theo theo quy định. Qua kiểm tra, tuy không có các vi phạm về thẩm quyền hoặc nội dung trái pháp luật nhưng vẫn còn các sai sót về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản. Mặt khác, văn bản quy phạm pháp luật do cấp quận-huyện ban hành có chất lượng không cao. Cụ thể nhiều văn bản sao chép lại quy định của thành phố cũng như có nhiều nội dung cá biệt dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật.

3. Về một số nội dung khác:

a) Về tổ chức thí điểm tổng rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

Nhằm phục vụ cho việc trình Chính phủ và Quốc hội quyết định triển khai tổng rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam trên phạm vi cả nước theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có Kế hoạch tổ chức thí điểm tổng rà soát văn bản do các cấp chính quyền thành phố ban hành từ năm 1976 cho đến tháng 6 năm 2008. Sau khi kết thúc thí điểm, thành phố đã tiến hành tổng rà soát đối với 4.481 văn bản quy phạm pháp luật, xác định 2.010 văn bản hết hiệu lực; tiến hành bãi bỏ, công bố hết hiệu lực 896 văn bản. Cấp quận -huyện, phường - xã cũng đã thực hiện việc thu thập văn bản, tổ chức rà soát và xử lý các văn bản không còn phù hợp. Ủy ban nhân dân thành phố đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp về kết quả đợt thí điểm tổng rà soát tại Báo cáo số 06/BC-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2009.

b) Đề án xây dựng hệ cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật

Trong năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành Đề án xây dựng hệ cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho việc nâng cao năng lực công tác soạn thảo, ban hành văn bản, kiểm tra và xử lý văn bản. Hệ cơ sở dữ liệu bao gồm văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ 1977 cho đến nay (với trên 4.500 văn bản). Việc đưa vào sử dụng Hệ cơ sở dữ liệu văn bản giúp văn bản sau khi ban hành được công bố đúng thời hạn quy định; văn bản được thường xuyên rà soát và cập nhật hiệu lực; phục vụ miễn phí cho mọi đối tượng có nhu cầu trong việc tra cứu, tìm kiếm thông tin về văn bản quy phạm pháp luật của thành phố. Hiện nay hệ cơ sở dữ liệu văn bản là một thành phần của Trang thông tin điện tử Công báo thành phố.

III. ĐÁNH GIÁ NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ

1. Những mặt làm được và tồn tại:

Trong năm 2008, công tác soạn thảo, ban hành và kiểm tra xử lý văn bản tại thành phố có nhiều tiến bộ so với năm 2007, đặc biệt đối với văn bản cấp thành phố. Tuy nhiên bên cạnh đó tỷ lệ văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong Chương trình, Kế hoạch hàng năm đạt không cao, thể hiện công tác tham mưu lập kế hoạch, dự kiến Chương trình của Sở Tư pháp và các Sở-ngành chức năng là chưa khả thi, chưa sát với tình hình thực tế. Số văn bản được cơ quan tư pháp thẩm định trước khi ban hành thấp; văn bản sau khi ban hành chưa được gửi đúng tổ chức pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền kiểm tra văn bản theo ngành, lĩnh vực. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ có chỉ đạo, chấn chỉnh khắc phục tình trạng này trong thời gian sắp tới.

2. Phương hướng và biện pháp khắc phục:

- Tiếp tục thực hiện Chương trình hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2006 - 2010 trên điạ bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 131/2006/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, thành phố tập trung thực hiện 02 Đề án còn lại gồm: Đề án Xây dựng và kiện toàn tổ chức, pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Đề án tăng cường năng lực công tác soạn thảo văn bản của đội ngũ cán bộ, công chức các ngành, các cấp trực tiếp tham gia công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Chỉ đạo chấn chỉnh công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan soạn thảo, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; văn bản quy phạm pháp luật ban hành bởi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố cũng như cấp quận - huyện đều phải được gửi đầy đủ cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xử lý theo quy định.

3. Kiến nghị:

a) Hiện nay, theo quy định của pháp luật, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ban hành 2 loại văn bản cùng tên loại: nghị quyết, quyết định, chỉ thị cá biệt; và nghị quyết, quyết định, chỉ thị quy phạm pháp luật. Hai loại văn bản này chỉ khác nhau về số hiệu có năm ban hành hoặc không có năm ban hành. Điều này làm cho hệ thống văn bản của địa phương rất phức tạp, khó theo dõi, kiểm tra; khó xác định khi nào, vấn đề gì thì cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dưới hình thức nào; khi nào thì ban hành dưới hình thức nghị quyết, quyết định, chỉ thị cá biệt. Đặc biệt là khi xử lý các nghị quyết, quyết định, chỉ thị do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật (số ký hiệu có năm ban hành) nhưng không có nội dung quy phạm pháp luật; hoặc nghị quyết, quyết định, chỉ thị có nội dung quy phạm pháp luật, được ban hành đúng thẩm quyền, nhưng số ký hiệu không có năm ban hành.

Để khắc phục tình trạng trên, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân như đã quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Cụ thể thu gọn lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật địa phương, quy định Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân chỉ ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới một hình thức văn bản nhất định.

b) Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quy định nghị quyết bãi bỏ, hủy bỏ văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các văn bản tương tự không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung này phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhưng lại không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, cụ thể là văn bản quy phạm pháp luật chỉ được hủy bỏ, bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật do chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 91/2006/NĐ-CP theo hướng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân chỉ bị hủy bỏ, bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật.

c) Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị định về quản lý chướng ngại vật hàng không để làm cơ sở xử lý ban hành không còn phù hợp về thẩm quyền theo quy định của Luật Hàng không dân dụng.

Trên đây là báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tình hình soạn thảo, ban hành và kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật năm 2008./.

(Đính kèm Bảng A và Bảng B)

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- Ban Pháp chế - HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- Các Sở - ngành thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện;
- VPUB: CPVP;
- Các Phòng CV;
- Lưu:VT, (PC-TNh) H.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thành Tài

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo số 72/BC-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tình hình soạn thảo, ban hành và kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật năm 2008

  • Số hiệu: 72/BC-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/07/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thành Tài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản