Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 839/BC-BNN-VP

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2014

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC THÁNG 02 NĂM 2014 VÀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THÁNG 3 NĂM 2014 1

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ CÔNG TÁC THÁNG 02

I. Công tác chỉ đạo điều hành của Bộ

Trong tháng ngành Nông nghiệp đối mặt với dịch cúm gia cầm bùng phát trên nhiều địa phương trong cả nước và đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm gia cầm mới vào Việt Nam; Việc xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản gặp nhiều khó khăn...

Trước tình hình nêu trên, Bộ đã tập trung triển khai các nhiệm vụ như sau:

- Tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là việc ngăn chặn vi rút cúm gia cầm mới vào Việt Nam; về việc này, Bộ cũng đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương, tổ chức các đoàn đi kiểm tra ở các tỉnh biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam để chỉ đạo, chấn chỉnh công tác này.

- Tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong việc xuất khẩu cá Tra, đặc biệt là bám sát tình hình và đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường xuất khẩu cá tra vào thị trường Nga và Mỹ.

- Làm việc với các Hiệp hội, Doanh nghiệp để nắm những khó khăn, vướng mắc về thị trường đối với từng ngành hàng và đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để tháo gỡ. Tập trung vào các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam vào các thị trường lớn.

- Tăng cường chỉ đạo và thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô.

- Tiếp tục chỉ đạo việc xả nước đợt 3, đảm bảo đủ nước phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân ở các tỉnh miền Bắc.

- Nắm tình hình sản xuất vụ Đông Xuân năm 2014 và chuẩn bị các phương án tiêu thụ, tạm trữ và xuất khẩu lúa gạo.

- Tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Hậu Giang.

- Làm việc với các Tổng cục, Cục, Vụ để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong năm 2014.

II. Kết Quả sản xuất tháng 02

Trong tháng 2, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, dịch cúm gia cầm bùng phát tại nhiều địa phương, thị trường xuất khẩu nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn, sức mua trong nước cải thiện chưa nhiều đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành.

Bộ đã tập trung chỉ đạo đạt một số kết quả chính như sau:

 

Đơn vị

Thực hiện 15/02/2013

Thực hiện 15/02/2014

% so với C.kỳ 2013

1. Gieo cấy lúa đông xuân cả nước

1000 ha

2 824,0

2 723,9

96,5

Chia ra: - Miền Bắc

845,6

776,2

91,8

- Miền Nam

1 978,4

1 947,7

98,4

2. Thu hoạch lúa đông xuân ở miền Nam

449,8

250,4

55,7

Trong đó: - ĐB sông Cửu Long

448,3

250,3

55,8

3. Gieo trồng màu lương thực

405,7

409,5

100,9

4. Tổng sản lượng thủy sản

1000 tấn

752,6

767

101,9

5. Kim ngạch xuất khẩu

Tr.USD

3.963

4.337

109,4

1. Sản xuất nông nghiệp

1.1. Trồng trọt: Trọng tâm tháng 2 là tập trung thu hoạch các cây trồng vụ đông và gieo cấy, chăm sóc lúa vụ Đông xuân. Tính chung cả nước đã gieo cấy được 2.723,9 nghìn ha lúa Đông xuân, bằng 96,5% cùng kỳ năm trước.

Miền Bắc: Diễn biến phức tạp của thời tiết đầu vụ đã ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch gieo cấy lúa vụ Đông xuân 2013-2014, cụ thể: tại Thái Bình trên 10,5 nghìn ha lúa đã cấy và gieo thẳng bị ảnh hưởng, trên 1,8 nghìn ha có nguy cơ chết cao; Hải Dương bị ảnh hưởng 13,877 nghìn ha, có 5,475 nghìn ha nguy cơ chết cao; Yên Bái (trên 200 ha), Thanh Hóa (trên 500 ha), Hà Nam (300 ha), Hà Nội (200 ha),....

Tính đến 15/02, các địa phương gieo cấy đạt gần 776 ngàn ha lúa đông xuân, bằng 91,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng ĐBSH gieo cấy đạt hơn 308 ngàn ha, bằng 83,1%, vùng Bắc Trung bộ đạt gần 332 ngàn ha, tăng hơn năm trước gần 700 ha.

Miền Nam: đã cơ bản kết thúc xuống giống lúa đông xuân, đạt tổng diện tích gần 1,95 triệu ha, bằng 98,4% so với vụ trước; Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống đạt gần 1,57 triệu ha, bằng 98% và đã thu hoạch được hơn 250 ngàn ha lúa đông xuân sớm, bằng 55,8% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất bình quân ước đạt 65,6 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước trên 1 tạ/ha;

Đồng thời, các địa phương vùng ĐBSCL xuống giống lúa hè thu sớm đạt khoảng 60 ngàn ha, bằng 75% so với cùng kỳ năm trước.

* y màu vụ đông xuân: trong tháng cả nước gieo trồng đạt khoảng 410 ngàn ha, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích ngô đạt gần 244 ngàn ha, giảm 2,1%; khoai lang đạt 65,3 ngàn ha, xấp xỉ bằng năm trước; sắn đạt 86 ngàn ha, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

* Cây công nghiệp ngắn ngày: đạt 249,3 ngàn ha, bằng 93,4% cùng kỳ năm trước; trong đó: đậu tương đạt 47,1 ngàn ha, bằng 91,2%, lạc đạt 118 ngàn ha, bằng cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng rau, đậu các loại đạt khoảng 366 ngàn ha, bằng 96% so với cùng kỳ năm trước.

* Tình hình sâu bệnh

Trong tháng một số loại sâu bệnh gây hại giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: Sâu cuốn lá nhỏ gây hại 30,3 ngàn ha2; bệnh đạo ôn lá gây hại 58,8 ngàn ha và đạo c bông là 4.792 ha3; bệnh khô vằn gây hại 4.111 ha; Chuột gây hại hơn 9,7 ngàn ha.

Ngược lại, một số loại gây hại tăng: rầy các loại gây hại gần 97 ngàn ha4; sâu đục thân gây hại 3.388 ha; bọ trĩ gây hại trên 6 ngàn ha; bệnh bạc lá, đốm sọc nhiễm gần 13 ngàn ha; bệnh đen lép hạt gây nhiễm gần 8 ngàn ha; bệnh vàng lá nhiễm gần 10 ngàn ha. Nhìn chung, tập trung chủ yếu tại địa bàn các tỉnh miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

1.2. Chăn nuôi

Trong tháng, dịch cúm gia cầm bùng phát ở nhiều địa phương và hiện đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, rét đậm, rét hại xảy ra trên diện rộng cũng đã ảnh hưởng lớn đến phát triển đàn vật nuôi, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Bộ tập trung chỉ đạo và phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương phía Bắc đẩy mạnh triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi; tập trung chỉ đạo quyết liệt việc khoanh vùng, dập dịch và phát động ‘Tháng tiêu độc, khử trùng”.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết ngày 21/02/2014, tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là 63.611 con, toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa phương tiêu huỷ; trâu, bò chết đói, chết rét là 2.635 con (gồm trâu, bò, ngựa, dê), tăng 1.568 con so với tháng 1. Riêng đợt rét tuần vừa qua, Lào Cai có thêm 468 gia súc, gia cầm bị chết nâng tổng số vật nuôi bị chết trong đạt rét vụ Đông Xuân 2013-2014 lên 888 con, bị thiệt hại nặng nhất trên cả nước; tiếp theo là Sơn La (642 con bị chết) và Lai Châu (475 con bị chết).

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tháng 2 số lượng trâu của cả nước giảm khoảng hơn 2%; bò giảm khoảng hơn 1%; đàn lợn giảm nhẹ và tổng số gia cầm tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2013.

* Về thị trường nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm: so với tháng 01, trong tháng 02 giá một số nguyên liệu TĂCN tăng nhẹ như: ngô 6.615 đ/kg (tăng 1,6%); khô dầu đậu tương 14.700 đ/kg (tăng 1,4%), cám gạo 7.245 đ/kg (tăng 1,5%); sắn lát 5.355 đ/kg (tăng 2,0%). Một số khác có giá giảm nhẹ như: bột cá 26.250 đ/kg (giảm 2,0%); Methionine 78.750 đ/kg (giảm 1,3%); riêng Lysine (42.000 đ/kg) giảm 12,9%. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm không đổi: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà Broiler 11.602,5 đ/kg; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh lợn thịt giai đoạn từ 60kg đến xuất chuồng 10.489,5 đ/kg.

* Tình hình dịch bệnh: tính đến ngày 02/3/2014

- Cúm gia cầm (H5N1): cả nước còn 60 ổ dịch Cúm gia cầm H5N1 tại 21 tỉnh. Toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa phương tiêu huỷ.

- Lở mồm lóng móng (LMLM): cả nước có tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn có ổ dịch LMLM chưa qua 21 ngày.

- Dịch Tai xanh: toàn quốc không địa phương nào có dịch.

2. Lâm nghiệp

2.1. Công tác lâm sinh: Trong tháng 2, một số địa phương phía Bắc đã tiến hành trồng rừng tập trung, gieo ươm, chăm sóc cây giống. Kết quả 2 tháng đầu năm đã trồng mới rừng tập trung ước đạt 2.994 ha, tương đương so với cùng kỳ năm trước; trồng cây lâm nghiệp phân tán đạt 32.000 nghìn cây, tăng 0,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 672 nghìn m3, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

2.2. Công tác kiểm lâm:

Theo báo cáo của các địa phương, trong tháng 02, toàn quốc xảy ra 981 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, bằng 52%so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: 51 vụ phá rừng trái phép; 142 vụ khai thác rừng trái phép; 42 vụ vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; 02 vụ vi phạm quy định về sử dụng đất lâm nghiệp; 22 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ động vật hoang dã; 392 vụ vận chuyển, buôn bán trái pháp luật gỗ và lâm sản; 32 vụ vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản; 298 vụ vi phạm khác.

Tổng số vụ vi phạm đã được xử lý là 900 vụ, trong đó xử phạt hành chính 892 vụ; xử lý hình sự 08 vụ. Tịch thu 694 m3 gỗ các loại, bao gồm 418 m3 gỗ tròn và 276 m3 gỗ xẻ. Thu nộp ngân sách hơn 5 tỷ đồng. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng là 73,17 ha (giảm 80,6% so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 2 tháng diện tích bị thiệt hại là 129,16 (giảm 73% so với cùng kỳ năm 2013).

Hiện nay, thời tiết khô hanh kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm tại 13 tỉnh5. Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đã tăng cường cán bộ để cùng chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy.

3. Thủy sản

Trong tháng, thời tiết lạnh kéo dài ảnh hưởng xấu tới sản xuất thủy sản. Sản lượng thủy sản tháng 2 đạt 369 nghìn tấn, đưa tổng sản lượng cả 2 tháng đạt 767 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

3.1. Hoạt động khai thác

Hoạt động khai thác thủy sản khá thuận lợi, tại các vùng biển trên cả nước từ Thanh Hóa đến Bình Định...Kiên Giang ngư dân đang trúng mùa cá biển. Ước tính 2 tháng đầu năm sản lượng khai thác thủy sản đạt 444 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khai thác biển đạt 419 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

3.2. Nuôi trồng thuỷ sản

Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 2 ước đạt 141 ngàn tấn, giảm 1,4% so với cùng kì năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 323 ngàn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ.

Tình hình sản xuất một số loài cụ thể như sau:

+ Cá tra: tính đến ngày 20/02/2014 đã có gần 1.400 ha được thả mới (bằng 79% cùng kỳ 2013), sản lượng thu hoạch trong tháng là 70 nghìn tấn (tương đương cùng kỳ năm trước), năng suất khoảng 262 tấn/ha.

+ Tôm: Một số tỉnh đã bắt đầu thả giống, trong đó Kiên Giang đã thả nuôi được 47.495 ha; Sóc Trăng thả nuôi 4.494,6 ha với 1.657,1 triệu giống. Tính đến thời điểm báo cáo, ước tng diện tích tôm nước lợ cả nước đạt 180 nghìn ha (tôm thẻ chân trắng khoảng 12 nghìn ha), sản lượng thu hoạch 11,5 nghìn tấn.

3.3. Dịch bệnh thủy sản

Trong tháng 2, bệnh đốm trắng xảy ra tại 5 tỉnh6, tổng diện tích bị bệnh là 42,65ha; bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra trên tôm sú và tôm thẻ tại 2 tỉnh Bến Tre và Cà Mau với diện tích là 47,19 ha. Bệnh trên các loài thủy sàn khác: Ốc hương có hiện tượng sưng vòi, bỏ ăn nhưng chưa xác định được nguyên nhân; hiện tượng tôm hùm bị sữa, đỏ thân và đen mang vẫn xuất hiện tại Khánh Hòa

4. Sản xuất muối

Diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14.504 ha (muối thủ công đạt 10.865 ha; muối công nghiệp đạt 3.639 ha). Sản lượng muối ước đạt khoảng 102.085 tấn, tăng 21% so với cùng kỳ 2013, trong đó: muối thủ công ước đạt 76.279 tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ 2013; muối công nghiệp ước đạt 25.806 tấn, tăng 36% so với cùng kỳ 2013. Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất ước khoảng 55.095 tấn.

5. Xuất, nhập khẩu

5.1. Xuất khẩu nông, lâm và thủy sản

Sang tháng 2, xuất khẩu nông sản tiếp tục sụt giảm ước đạt 1,73 tỷ USD (bằng 79,5% so với cùng kỳ năm 2013) do sự giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu của 6 mặt hàng nông sản chính (sắn, cao su, cà phê, gạo, chè, tiêu). Do vậy, dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản, lâm sản và đồ gỗ tăng khá, lần lượt đạt 919 triệu USD (tăng 23,5%) và 837 triệu USD (tặng 7,8%) nhưng tổng giá trị xuất khẩu của ngành 2 tháng đầu năm vẫn giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2013, đạt gần 3,8 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt gần 1,4 tỷ USD, bằng 94,07% so với năm 2013.

Kết quả cụ thể một số mặt hàng chủ yếu như sau:

Gạo: xuất khẩu tháng 2 ước đạt 333 nghìn tấn với giá trị 154 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 702 nghìn tấn, tương đương 330 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Cà phê: xuất khẩu trong tháng ước đạt 136 nghìn tấn với giá trị đạt 254 triệu USD. Tổng xuất khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 279 nghìn tấn và 519 triệu USD, giảm 13,7% về khối lượng và giảm 23,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2013.

Cao su: Ước xuất khẩu tháng 2 đạt 38 nghìn tấn với giá trị 80 triệu USD, lũy kế 2 tháng đạt 104 nghìn tấn với giá trị đạt 215 triệu USD, giảm 25,4% về khối lượng và giảm 43,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Chè: lượng XK tháng 2 ước đạt 6 nghìn tấn với giá trị đạt 8 triệu USD, đưa khối lượng XK 2 tháng đầu năm ước đạt 15 nghìn tấn với giá trị đạt 24 triệu USD, giảm 18,9% về khối lượng và giảm 15,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Hạt điều: xuất khẩu tháng 2 ước đạt 9 nghìn tấn với giá trị 57 triệu USD, lũy kế 2 tháng đạt 28 nghìn tấn với 169 triệu USD, xấp xỉ năm ngoái về khối lượng nhưng tăng 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Tiêu: xuất khẩu trong tháng đạt 9 nghìn tấn, với giá trị đạt 63 triệu USD, đưa khối lượng XK 2 tháng đầu năm lên 19 nghìn tấn với giá trị 132 triệu USD, giảm 8,1% về khối lượng và giảm 5,5% về giá trị.

Sắn và các sản phẩm từ sắn: lượng xuất khẩu trong tháng ước đạt 343 nghìn tấn, với giá trị đạt 102 triệu USD đưa tổng khối lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 652 nghìn tấn với giá trị 206 triệu USD, giảm 32,7% về khối lượng và giảm 30,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2013.

m sản và đồ gỗ: Ước giá trị xuất khẩu tháng 2 đạt 275 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 2 tháng đạt 837 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Thuỷ sản: Giá trị xuất khẩu tháng 2 ước đạt 335 triệu USD, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 919 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2013.

5.2. Nhập khẩu

Giá trị nhập khẩu toàn ngành trong 2 tháng đầu năm 2014 ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 19% so với năm cùng kỳ năm 2013. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt khoảng 2,32 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:

Phân bón: khối lượng nhập khẩu các loại trong tháng đạt 286 nghìn tấn với giá trị 98 triệu USD, đưa khối lượng NK 2 tháng đầu năm đạt 487 nghìn tấn, kim ngạch nhập khẩu đạt 154 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 30,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Thuốc trừ sâu và nguyên liệu: trong tháng giá trị NK đạt 65 triệu USD, đưa kim ngạch 2 tháng đầu năm đạt 131 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2013.

Gỗ và sản phẩm gỗ: Ước giá trị NK tháng 2 đạt 132 triệu USD, đưa kim ngạch 2 tháng đạt 280 triệu USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước.

Lúa mì: khối lượng NK trong tháng 2 đạt 147 nghìn tấn với giá trị 47 triệu USD, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 307 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu đạt 98 triệu USD, tăng 32,3% về lượng và 14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Thức ăn gia súc và nguyên liệu: Giá trị nhập khẩu tháng 2 ước đạt 172 triệu USD, đưa kim ngạch NK 2 tháng đạt 375 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Thủy sản: ước giá trị NK tháng 2 đạt 75 triệu USD, đưa kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 175 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013.

6. Thực hiện vốn đầu tư XDCB

6.1 Vốn ngân sách tập trung do Bộ quản lý

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 của Bộ thuộc nguồn ngân sách tập trung được giao trong năm là 4.460,18 tỷ đồng, bao gồm 2.760,18 tỷ đồng vốn trong nước và 1.700 tỷ đồng vốn nước ngoài.

Khối lượng thực hiện 2 tháng ước đạt 577,8 tỷ đồng, đạt gần 13% kế hoạch TTCP giao và bằng 8,2% kế hoạch Bộ giao (bao gồm cả khối lượng thu hồi ứng trước). Trong đó: vốn ngoài nước đạt 142 tỷ đồng (bằng 8,4% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 2,9% kế hoạch Bộ giao); vốn trong nước đạt gần 477,8 tỷ đồng, bằng 17,3% kế hoạch.

- Vốn thực hiện dự án đạt 552,7 tỷ đồng bằng 14,1% kế hoạch năm, gồm:

+ Khối Thuỷ lợi: Ước đạt 470,8 tỷ đồng, bằng 19,9% kế hoạch;

+ Khối Nông nghiệp: Ước đạt 42 tỷ đồng, bằng 7,2% kế hoạch;

+ Khối Lâm nghiệp: Ước đạt 17,1 tỷ đồng, bằng 6,6% kế hoạch;

+ Khối Thuỷ sản: Ước đạt 7,2 tỷ đồng, bằng 2,8% kế hoạch;

+ Khối Giáo dục - Đào tạo: Ước đạt 8,5 tỷ đồng, bằng 4,2% KH;

+ Các ngành khác: Ước đạt 2,4 tỷ đồng, bằng 2,4% kế hoạch năm;

- Vốn thực hiện các chương trình mục tiêu: Ước đạt 22,7 tỷ đồng, 4,8% KH.

- Vốn chuẩn bị đầu tư: Ước đạt 900 triệu đồng, bằng gần 9,8% KH năm;

6.2. Vốn trái phiếu Chính phủ

Kế hoạch vốn được giao là 6.600 tỷ đồng, 2 tháng thực hiện ước đạt 1.200 tỷ đồng, tương đương 18,2% so với KH.

7. Phát triển nông thôn và sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp

Trong tháng, Bộ tiếp tục hoàn thiện dự thảo kết luận của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 26; tổng hợp và đề xuất phương án tiếp thu ý kiến góp ý của thành viên Ban Chỉ đạo sơ kết; tổ chức đoàn kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2013 tại 5 tỉnh7; phối hợp với Tổng cục Thống kê xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới năm 2013;

Tiếp tục xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; chuẩn bị tổ chức tập huấn cho các đơn vị, địa phương;

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, dân cư trú trong khu rừng đặc dụng.

Về Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La và Lai Châu: Lũy kế đến ngày 20/01/2014, Dự án di dân, tái định cư Thuỷ điện Sơn La đã giải ngân 18.312,55/19.118 tỷ đồng, đạt 95,58% kế hoạch giao; Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Lai Châu đã giải ngân vốn bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 401,58 tỷ đồng.

Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn tạm thời thực hiện Quyết định 2621/QĐ- TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 30a; xây dựng báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới về xoá đói, giảm nghèo trong nông thôn;

* Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp:

Triển khai kế hoạch sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp khối viện, trường; tiếp tục chỉ đạo các Tổng công ty thuộc Bộ xử lý các tồn tại tài chính, đất đai để thực hiện CPH theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Báo cáo tình hình sắp xếp đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ giai đoạn 2011-2015; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn Cao su VN, các Tcty thuộc Bộ theo Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Ban hành quyết định phê duyệt điều lệ của các Tổng công ty: Vật tư NN, Cà phê, Chè, Rau quả; rà soát, có ý kiến chỉnh sửa về phương án tái cơ cấu tài chính Tổng công ty Cà phê Việt Nam;

Phần thứ hai

NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THÁNG 3

1. Trồng trọt, BVTV

* Miền Bắc: tiếp tục chỉ đạo tiến độ gieo cấy lúa và theo dõi sát tình hình thời tiết, sâu bệnh để chỉ đạo hiệu quả sản xuất lúa, cây rau màu vụ Đông Xuân 2013-2014.

* Miền Nam: chỉ đạo công tác chăm sóc, thu hoạch lúa vụ Đông Xuân; theo dõi tiến độ gieo cấy lúa Hè Thu.

Tăng cường kiểm tra, theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, hướng dẫn phòng trừ kịp thời dịch hại cây trồng: diệt trừ chuột tại các tỉnh phía Bắc; rầy nâu, bệnh đạo ôn, ốc bươu tại phía Nam; đồng thời giám định mẫu để phát hiện và chỉ đạo phòng chống bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tại các tỉnh Nam bộ.

Tiếp tục triển khai thực hiện việc giám sát tình hình dịch hại di cư trên lúa tại điểm hợp tác điều tra giám sát dịch hại di cư tại 03 tỉnh Nam Định, Nghệ An và Quảng Nam; hoàn thành dự thảo Đề án “Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất rau an toàn”.

Hoàn thành rà soát Quy hoạch đất lúa và chỉ đạo chuyển đổi cây trồng trên đất lúa theo định hướng Tái cơ cấu ngành.

Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030; Đề án phát triển cà phê bền vững, Đề án phát triển điều; xây dựng Thông tư Quy định về công nhận cho áp dụng các tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt khác và tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ khác trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Nghị định thay thế Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Thông tư hướng dẫn Nghị định số 202/NĐ-CP của chính phủ về quản lý phân bón;

2. Chăn nuôi, thú y

Kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại tuyến cơ sở, tổ chức giám sát phát hiện kịp thời ổ dịch để xử lý triệt để (đặc biệt tại các địa bàn ổ dịch cũ, có nhiều thủy cầm, nơi có nguy cơ cao phát dịch,...); xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm phòng đợt I/2014 vắc xin cúm cho đàn gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao. Kiểm soát chất lượng vật tư chăn nuôi, đặc biệt là đối với thức ăn chăn nuôi; tiếp tục triển khai các phương án phòng chống rét, chống đói cho đàn trâu, bò.

Rà soát, củng cố tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan thú y đảm bảo nắm sát và phản ảnh kịp thời tình hình dịch bệnh trên vật nuôi tại các địa phương; thực hiện lấy mẫu và giải trình tự gen đối với virus cúm gia cầm.

Tiếp tục chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất giống có giải pháp tăng cường sản xuất, cung ứng đủ giống cho sản xuất và kiểm soát giá giống vật nuôi, nhất là giống gia cầm và lợn; triển khai chương trình hỗ trợ con giống cho các tỉnh miền núi phía Bắc và các địa phương trên cả nước, giảm thiểu tình trạng nhập lậu con giống qua biên giới;

Tiếp tục chỉ đạo triển khai chương trình ViepGAP trong chăn nuôi tại một số địa phương. Đồng thời chỉ đạo đôn đốc các địa phương đẩy mạnh công tác triển khai nhiệm vụ quy hoạch chăn nuôi.

Hoàn thiện và ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi”; Đề án "Tăng cường năng lực quản lý giống vật nuôi"; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định về Chính sách đổi mới chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014-2020;...

3. Lâm nghiệp

Tiếp tục chỉ đạo công tác bảo vệ rừng và PCCCR trong mùa khô, đặc biệt đối với vùng Tây Nguyên; thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng và trồng cây phân tán năm 2014, đặc biệt đối với các tỉnh phía Bắc.

Xây dựng kế hoạch hành động để rà soát đánh giá thực trạng chế biến lâm sản gắn với giải quyết vấn đề về thị trường lâm sản, chế biến dăm gỗ, đảm bảo nâng cao giá trị lâm sản.

Hoàn thành báo cáo tình hình thực hiện quản lý bảo vệ và phát triển rừng ven biển theo chỉ đạo của PTTg Hoàng Trung Hải; phối hợp với Ủy ban kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng”; chuẩn bị nội dung cho hội nghị ASEAN-WEN.

Tổ chức kiểm tra, xác minh đối với những diện tích rừng bị chết do đợt rét hại vừa qua ở Lào Cai và Hà Giang; tổng hợp, báo cáo và đề xuất giải pháp cụ thể để chỉ đạo các địa phương khắc phục

4. Thuỷ sản

Tổ chức xây dựng Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn 2030; rà soát Quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020 làm căn cứ chỉ đạo và tổ chức sản xuất8; giám sát tình hình chuẩn bị điều kiện nuôi và thả giống tại địa phương; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho năm 2014;

Tăng cường kiểm tra các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chất lượng thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và con giống; nghiên cứu giải pháp căn bản để xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh cá tra đảm bảo lợi ích của các bên, tháo gỡ khó khăn về vốn vay nuôi cá tra, tôm; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, thâm canh.

Tích cực triển khai các công việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến Luật Nông trại (Farm Bill) của Hoa Kỳ và đợt rà soát hành chính lần thứ 10 (POR 10) đối với mặt hàng cá tra xuất khẩu.

Tiếp tục theo dõi ảnh hưởng của giá xăng dầu; diễn biến thời tiết, tình hình sản xuất trên biển Đông để kịp thời chỉ đạo trong tình huống diễn biến phức tạp, rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân; khuyến khích, hướng dẫn ngư dân khai thác theo mô hình sản xuất tổ, đội để tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển xa; nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi một số nội dung trong chính sách để phù hợp với tình hình thực tế của ngành.

5. Chế biến, thương mại

Phối hợp với Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng Công ty theo dõi sát tình hình sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực; nghiên cứu đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiêu thụ nông sản kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp và người sản xuất; xây dựng kế hoạch tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân.

Tập trung hoàn thiện Đề án Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông, lâm, thủy sản thông qua chế biến sâu và giảm tổn thất sau thu hoạch; Đề án cơ giới hóa nông nghiệp đến 2020, tầm nhìn 2030; Dự án quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; triển khai các nhiệm vụ đã phê duyệt trong Kế hoạch XTTM năm 2014;

Xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Thương mại; Hoàn chỉnh Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg ngày 18/02/2011 của Thủ tướng Chính, phủ về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre; Xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;...

6. Quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm

Chỉ đạo triển khai kế hoạch hoạt động quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm năm 2014; duy trì lấy mẫu giám sát trên diện rộng kết hợp với thông tin vi phạm ATTP từ các nguồn khác nhau làm cơ sở đánh giá nguy cơ, xác định sản phẩm, công đoạn, địa bàn có nguy cơ cao và tổ chức thanh tra, điều tra nguyên nhân, xử lý vi phạm (kể cả thu hồi sản phẩm không an toàn);

Chủ động nắm bắt và phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ các rào cản kỹ thuật cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Hoàn thiện và ban hành Thông tư sửa đổi các biểu mẫu kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản còn bất cập theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT .

Hoàn thiện đề xuất thí điểm việc công khai kết quả xếp loại A, B, C tại cơ sở sản xuất, kinh doanh và thí điểm cấp giấy chứng nhận sản phẩm được sản xuất, kinh doanh theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn

Tổ chức, triển khai đánh giá chỉ định phòng thử nghiệm theo quy định Thông tư liên tịch số 20/2013/TTXT-BYT-BCT-BNNPTNT ngày 01/8/2013.

Tiếp tục thẩm tra hồ sơ đăng ký nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc động vật, thực vật của các nước nhập khẩu vào Việt Nam theo Thông tư 25, Thông tư 13. Giải quyết vướng mắc liên quan đến các quy định tại 2 Thông tư này;

7. Thủy lợi, đê điều, XDCB

Đôn đốc địa phương thực hiện kiểm tra an toàn các công trình thủy lợi; xây dựng khung chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý an toàn hồ, đập; tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện 03 đợt xả nước từ các hồ thuỷ điện phục vụ gieo cấy lúa Xuân ở các tỉnh trung du đồng bằng Bắc Bộ.

Kiểm tra thực hiện Quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và phát triển nông nghiệp bền vững vùng ven biển ĐBSCL; quy hoạch lũ vùng ĐBSCL giai đoạn đến 2020 và định hướng 2030;

Chỉ đạo các Sở, Ngành chức năng điều tra đánh giá hiệu quả hoạt động và quản lý vận hành của các công trình đã đầu tư, nhất là các công trình phân cấp cho huyện và xã đầu tư và quản lý khai thác.

Tiếp tục đôn đốc các Chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng và an toàn công trình; kiểm tra một số dự án đang thực hiện: các dự án TPCP, NSNN và đẩy nhanh tiến độ các dự án WB3, ADB5, WB5, RETA;

Rà soát, kiện toàn lại bộ máy ban chỉ huy PCLB các Bộ, ngành và các địa phương; đôn đốc các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch tu bổ đê điều thường xuyên; kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ để đưa vào phòng chống lụt bão;

Tiếp tục xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống thiên tai; Nghị định quy định về thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai;

8. Phát triển nông thôn và sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp

Tiếp tục chuẩn bị tổng kết thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW và Hội nghị sơ kết toàn quốc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu chí thu nhập năm 2013 (thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM); tổ chức đoàn công tác, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Chương trình năm 2014 tại một số địa phương;

Xây dựng kế hoạch phát triển các hình thức tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại; hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Giải quyết tình trạng dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam; tổ chức đoàn công tác liên Bộ đi kiểm tra, khảo sát cơ chế, chính sách tái định cư các Dự án thủy lợi, thủy điện tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên; chỉ đạo UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thành phần; triển khai xây dựng Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La”.

* Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp:

Tiếp tục chỉ đạo TCty thuộc Bộ xử lý các tồn tại tài chính, đất đai để thực hiện CPH theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phê duyệt phương án CPH TCty Xây dựng Nông nghiệp và PTNT; giá trị doanh nghiệp Công ty TNHH1TV Thủy sản Hạ Long.

Tiếp tục thực hiện những giải pháp nâng cao trách nhiệm chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch, triển khai kiểm tra giám sát đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp, các viên chức quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên và xếp loại doanh nghiệp.

9. Công tác kế hoạch, tài chính

Theo dõi và tổng hợp tình hình thực hiện Tái cơ cấu ngành, Chương trình hành động của Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2014.

Duyệt quyết toán 2013 các đơn vị trực thuộc Bộ; thông báo số dư chuyển 2014 và giao dự toán ngân sách năm 2014 đợt 2 sau khi có ý kiến hiệp y của Bộ Tài chính; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và xây dựng kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

10. Các công tác khác

Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư, khoa học công nghệ, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động cải cách hành chính, công tác tổ chức sắp xếp và đào tạo cán bộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ (Vụ KTN, Vụ TH);
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Sở NN&PTNT; (Websie: www.omard.gov.vn)
- Các đơn vị trực thuộc Bộ; (Websie: www.omard.gov.vn)
- Công đoàn ngành NN&PTNT; (Websie: www.omard.gov.vn)
- Đảng uỷ cơ quan Bộ; (Websie: www.omard.gov.vn)
- Công đoàn cơ quan Bộ; (Websie: www.omard.gov.vn)
- VP (TT TH); (Websie: www.omard.gov.vn)
- Lưu: VT, TH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

 



1 Nội dung đăng trên WWW.omard.gov.vn

2 Tp. Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang

3 các tỉnh miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long

4 Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang và Kiên Giang

5 Bắc Cạn, Bình Phước, Bình Thuận, Đăk Lắc, Đồng Nai, Đăk Nông, Gia Lai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tây Ninh

6 Tp Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và Cà Mau

7 Nghệ An, Bến Tre, TP. Cần Thơ, Phú Thọ, Thanh Hóa;

8 Quy hoạch cá tra đang triển khai, Quy hoạch tôm nước lợ đã phê duyệt hồ sơ mời thầu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 839/BC-BNN-VP về công tác tháng 02 năm 2014 và nhiệm vụ công tác tháng 3 năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 839/BC-BNN-VP
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/03/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Vũ Văn Tám
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản