UỶ BAN THƯỜNG VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 758/BC-UBTVQH12 | Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 2011 |
BÁO CÁO
CÔNG TÁC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TỪ SAU KỲ HỌP THỨ CHÍN, QUỐC HỘI KHÓA XII ĐẾN KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XIII
Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội,
Thực hiện Luật tổ chức Quốc hội và chương trình công tác đã đề ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội kết quả hoạt động từ sau kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu đến cuối năm 2011 như sau:
Phần thứ nhất
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG TỪ SAU KỲ HỌP THỨ CHÍN, QUỐC HỘI KHÓA XII ĐẾN KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XIII
1. Về việc chủ trì cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII
Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành các công việc chuẩn bị, công bố và chủ trì cuộc bầu cử, giám sát việc bầu cử, góp phần quan trọng vào việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo công tác bầu cử; thông qua Nghị quyết về việc công bố ngày bầu cử và thành lập Hội đồng bầu cử gồm 21 thành viên, thành lập 3 tiểu ban phục vụ là: Tiểu ban chỉ đạo thông tin, tuyên truyền; Tiểu ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo và Tiểu ban chỉ đạo đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Sau khi Hội đồng bầu cử được thành lập, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Hội đồng bầu cử để chỉ đạo tiến hành các công việc lãnh đạo, chủ trì quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử.
Trong quá trình triển khai công tác bầu cử, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương kịp thời triển khai thực hiện, phục vụ cuộc bầu cử; chỉ đạo xây dựng kế hoạch và phân công các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiến hành kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử tại các địa phương; giao Uỷ ban quốc phòng và an ninh chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan giám sát công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Hội đồng bầu cử tiến hành kiểm tra, giám sát chuẩn bị bầu cử tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các Đoàn đã làm việc với Uỷ ban bầu cử, đại diện Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan hữu quan của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đi thị sát, kiểm tra, giám sát bầu cử ở một số đơn vị bầu cử. Qua các đợt kiểm tra, giám sát, các đoàn đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết hoặc có ý kiến kịp thời để giải quyết một số vấn đề vướng mắc của địa phương, cơ sở; trả lời, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của các địa phương về công tác bầu cử, bầu cử lại, bầu cử thêm;…
2. Về tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII
Sau khi kết thúc kỳ họp thứ chín, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã họp đánh giá kết quả kỳ họp, đồng thời cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII với nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và nhân sự cấp cao của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đối với hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian chỉ đạo việc chuẩn bị cả về nội dung, chương trình, cải tiến cách thức tiến hành, điều hành và các công tác bảo đảm khác, trong đó có việc tạo thuận lợi để các đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu đóng góp tích cực có hiệu quả, góp phần vào thành công của kỳ họp. Vì vậy, các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất đều đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến; chỉ đạo, điều hòa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đôn đốc việc chuẩn bị các nội dung, phối hợp với các cơ quan hữu quan chủ động chuẩn bị kỹ; tổ chức lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu trúng cử để hoàn thiện trình Quốc hội.
3. Về công tác xây dựng pháp luật
Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Đã chỉ đạo các cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị và xây dựng 2 dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ nhất là Luật tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật giáo dục đại học. Tuy nhiên, Chính phủ đã đề nghị và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, thống nhất lùi thời gian trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến 2 dự án luật trên sang kỳ họp thứ hai để có thêm thời gian chuẩn bị do còn nhiều vấn đề, ý kiến khác nhau, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giúp Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị Đề án trình Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 2 thảo luận, thống nhất về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn, phương châm và phương pháp tiến hành về việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, chỉ đạo chuẩn bị trình Quốc hội xem xét việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 2 khóa XI về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 về thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chủ động chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 để trình Quốc hội theo hướng đặt trọng tâm vào việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đại hội XI của Đảng, chú trọng các vấn đề về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy nhà nước; rà soát các dự án còn lại trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và cân đối với tổng thể Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII; ưu tiên cho các dự án thật sự cần thiết, được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị tốt và thực hiện đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, để nâng cao vai trò quan trọng của công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an toàn an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
4. Về hoạt động giám sát
Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tập trung vào tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề trong Chương trình giám sát của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội năm 2011, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết kiến nghị xác đáng của cử tri.
Về giám sát chuyên đề, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành xây dựng kế hoạch, chuẩn bị để Quốc hội khóa XIII tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề” tại kỳ họp thứ hai. Đồng thời, trực tiếp chỉ đạo việc tiến hành một bước giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu”. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức, thành lập nhiều Đoàn giám sát 2 chuyên đề trên; phân công các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội trực tiếp chỉ đạo và đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan tham gia. Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc với một số bộ, ngành và địa phương, cơ sở có liên quan trực tiếp. Đối với chuyên đề “Việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân”, mặc dù Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn giám sát nhưng do thời gian vừa qua các cơ quan hữu quan ở địa phương và trung ương đều phải tập trung cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 nên chưa có điều kiện tiến hành triển khai giám sát nội dung này. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ trực tiếp tiến hành giám sát 2 chuyên đề trên tại các phiên họp 6 tháng cuối năm 2011.
Về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, từ khi kết thúc kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban dân nguyện tiếp nhận, nghiên cứu, phân loại 4.107 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và đã chuyển 2.929 đơn, thư đến Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ban công tác đại biểu xử lý theo thẩm quyền; nghiên cứu, xử lý 455 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc trách nhiệm của Ban và đơn thư do lãnh đạo Quốc hội giao. Đã chỉ đạo Ban dân nguyện phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; đã tiếp 5.735 lượt người, đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về 1.290 vụ việc; trong đó tiếp công dân thường xuyên là 315 lượt người, tiếp công dân phục vụ bầu cử là 5420 lượt người.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo Ban dân nguyện tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII để báo cáo Hội đồng bầu cử; chỉ đạo việc phục vụ Tiểu ban chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử, tiếp nhận, xử lý 723 đơn thư của công dân gửi đến Hội đồng bầu cử và Tiểu ban; chuyển 314 đơn, thư đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đôn đốc việc giải quyết. Chỉ đạo việc phục vụ đoàn công tác của Tiểu ban chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử tại 06 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Nai.
Về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, từ sau kỳ họp thứ chín, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và chỉ đạo kịp thời công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử, xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhận được báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Quốc hội của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội; tiếp nhận, xử lý 732 đơn thư của công dân gửi đến Hội đồng bầu cử. Chỉ đạo Ban dân nguyện tổ chức nghiên cứu tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời 455 ý kiến, kiến nghị của cử tri; kịp thời gửi các ý kiến, kiến nghị này đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đôn đốc việc giải quyết. Đã nhận được 46 ý kiến trả lời của các cơ quan có thẩm quyền và chỉ đạo biên tập, in thành các tập tài liệu để gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.
5. Về công tác đối ngoại của Quốc hội
Trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2011, trong đó ưu tiên đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, các nước là đối tác có quan hệ thiết thực với nước ta, mở rộng địa bàn đối ngoại. Nổi bật là chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Quốc hội nước ta do Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần tăng cường, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trong khu vực. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức một số Đoàn đại biểu Quốc hội do các đồng chí thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội dẫn đầu đi thăm và làm việc một số nước ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới để trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội các nước.
Song song với việc cử các Đoàn đi thăm và làm việc ở các nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo tiếp đón nhiều Đoàn của Quốc hội các nước vào thăm và làm việc tại nước ta. Qua các cuộc tiếp đón này, chúng ta có dịp giới thiệu tình hình Việt Nam trong thời gian gần đây, những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm phát triển kinh tế bền vững, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội và nhấn mạnh Việt Nam luôn luôn coi trọng việc củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị và sự hợp tác nhiều mặt giữa Quốc hội, nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước.
Về quan hệ đối ngoại đa phương, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cử các Đoàn đại biểu Quốc hội tham dự, có nhiều đóng góp vào sự thành công của các hội nghị của các diễn đàn nghị viện đa phương như: Diễn đàn Liên nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tại Mông Cổ; Đại hội đồng IPU lần thứ 124 tại Panama; Liên minh nghị viện pháp ngữ (APF) tại Campuchia, Hội nghị AIFOCOM tại Campuchia và AIPAFOCUS tại Philippin; Hội nghị các nghị sỹ về WTO tại Singgapo…
6. Công tác hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; hướng dẫn và tạo điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã hướng dẫn việc tổ chức Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; phê chuẩn kịp thời 189 chức danh của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước; thực hiện chế độ, chính sách đối với Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội và Tổng Kiểm toán Nhà nước; tiến hành các thủ tục bổ nhiệm nhân sự giữ chức danh Phó Tổng kiểm toán Nhà nước
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã theo dõi, nắm tình hình hoạt động và đảm bảo các chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội, cán bộ chuyên gia thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đã chú trọng công tác hướng dẫn và tạo điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo việc nâng lương theo định kỳ, nâng lương trước hạn, nâng phụ cấp thâm niên vượt khung cho các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương, địa phương và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo công tác nhân sự đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở một số Đoàn đại biểu Quốc hội và tập trung chuẩn bị cho nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XIII. Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Ban công tác đại biểu mở một số lớp bồi dưỡng kỹ năng hoạt động đại biểu cho 333 đại biểu mới trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.
7. Xem xét, quyết định và cho ý kiến một số nội dung khác thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội
Thực hiện quy định của pháp luật, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011; phương án phân bổ số vượt thu và số dư dự toán chi ngân sách trung ương năm 2010; xem xét, cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số giải pháp về thuế nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế trong năm 2011 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII sắp tới (7/2011).
Theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; quyết định bổ nhiệm 1 phó Tổng kiểm toán nhà nước; quyết định thành lập thêm 4 đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực, 1 đơn vị Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và giao chỉ tiêu biên chế năm 2011, 2012 cho Kiểm toán Nhà nước; quyết định thành lập Viện kiểm sát quân sự Thủ đô Hà Nội; quyết định thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Để chuẩn bị cho Quốc hội khoá XIII quyết định về công tác nhân sự tại kỳ họp thứ nhất, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về công tác tổ chức và nhân sự Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã quan tâm chỉ đạo đổi mới công tác tổ chức và hoạt động của của Văn phòng Quốc hội; chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội rà soát, bổ sung quy chế hoạt động; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy tham mưu, giúp việc; củng cố việc quản lý tài chính, tài sản; tăng cường các phương tiện và điều kiện làm việc cho các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội...
Phần thứ hai
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU ĐẾN CUỐI NĂM 2011
Để thực hiện thắng lợi chương trình công tác đã đề ra, 6 tháng cuối năm 2011 Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện và tập trung chỉ đạo triển khai chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, sát thực, đổi mới, hiệu quả; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan; củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện đảm bảo. Cụ thể như sau:
1. Chuẩn bị, chủ trì và triệu tập kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII
Phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân để chuẩn bị, tiến hành kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIII. Thường xuyên đôn đốc triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ việc chuẩn bị nội dung, nhất là các dự án luật, bảo đảm gửi tài liệu kỳ họp đến các vị đại biểu Quốc hội đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu trình Quốc hội về việc cải tiến một số quy trình, cách thức tiến hành, điều hành kỳ họp.
2. Về công tác xây dựng pháp luật
Tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 nhất là các dự án chuẩn bị trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ hai vào tháng 10 năm 2011, bảo đảm chất lượng và tiến độ các dự án; chủ động báo cáo Quốc hội điều chỉnh chương trình khi thật cần thiết. Đồng thời, chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ 2011-2016; các nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Tiếp tục nghiên cứu, cải tiến cách thức thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật và xem xét, thông qua các pháp lệnh, bảo đảm chất lượng các dự án trình Quốc hội và nâng cao chất lượng cũng như số lượng văn bản pháp lệnh ban hành.
3. Về hoạt động giám sát
Tiếp tục triển khai chương trình hoạt động giám sát năm 2011 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thực hiện tốt việc điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội. Tiếp tục cải tiến nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chuẩn bị và tổ chức tốt hoạt động giám sát tại kỳ họp Quốc hội; tạo điệu kiện tổ chức để các Bộ trưởng, Trưởng ngành báo cáo, giải trình tại các phiên họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
4. Chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành các hoạt động khác thuộc trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội
Tiếp tục triển khai chương trình hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của Quốc hội. Tích cực tham gia và đóng góp có hiệu quả vào các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Tăng cường công tác hướng dẫn và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; hướng dẫn và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhất là các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Tiếp tục chỉ đạo việc chuẩn bị các dự án, báo cáo trình Quốc hội, nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét; nâng cao năng lực tổ chức phục vụ của bộ máy giúp việc, chuẩn bị, tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII.
*
* *
Trên đây là kết quả công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội từ sau kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu đến cuối năm 2011, xin trân trọng báo cáo Quốc hội.
Nơi nhận: | TM.ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
Báo cáo 758/BC-UBTVQH12 về công tác từ sau kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- Số hiệu: 758/BC-UBTVQH12
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 23/07/2011
- Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
- Người ký: Tòng Thị Phóng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/07/2011
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định