Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 382/BC-BTP

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2014

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH BAN HÀNH VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2014, NHIỆM VỤ NĂM 2015

Kính gửi: Chính phủ

Thực hiện nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 921/QĐ-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao trách nhiệm theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội(1) (Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 13/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Tư pháp xin báo cáo Chính phủ về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2014, nhiệm vụ năm 2015 như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2014

1. Về chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện

Triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong năm 2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (sau đây gọi tắt là luật, pháp lệnh) và ban hành văn bản quy định chi tiết. Bên cạnh việc tổ chức các Phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, ban hành 07 nghị quyết có nội dung chỉ đạo, đôn đốc công tác ban hành văn bản quy định chi tiết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch để triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 và Kế hoạch để triển khai Nghị quyết số 75/2014/QH13 của Quốc hội(2) và 03 quyết định chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với việc xây dựng, ban hành một số văn bản quy định chi tiết nhằm bảo đảm yêu cầu triển khai thi hành luật; yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ ưu tiên, tập trung bố trí nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, không phù hợp với thực tiễn và không khả thi; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết…

Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; lồng ghép, gắn kết công tác tiền kiểm (góp ý, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính) với công tác hậu kiểm (kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật); tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tổ chức rà soát luật, pháp lệnh, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết để đưa vào Chương trình, Kế hoạch xây dựng văn bản và tổ chức thực hiện. Ngoài việc trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc và phụ trách công tác pháp chế, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đều giao cho một Thứ trưởng trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật để chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng pháp luật.

Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên phối hợp theo dõi, đôn đốc(3), kiểm tra(4) tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; định kỳ hàng tháng, quý, 06 tháng báo cáo Chính phủ, đồng thời công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Tư pháp về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Để nâng cao chất lượng văn bản, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; tổ chức 02 phiên họp giao ban với Lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ về công tác thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; ban hành các văn bản về thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa các công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản với nhau(5).

2. Kết quả ban hành văn bản quy định chi tiết

a) Kết quả rà soát luật, pháp lệnh, xác định số lượng văn bản quy định chi tiết cần ban hành

Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và kết quả rà soát, theo dõi của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, trong năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 206 văn bản quy định chi tiết (87 nghị định, quyết định và 119 thông tư, thông tư liên tịch), trong đó:

- 71 văn bản (26 nghị định, 03 quyết định, 39 thông tư, 03 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 23 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ trước năm 2014 hoặc có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Đây là số văn bản nợ ban hành của năm 2013 chuyển sang;

- 135 văn bản (51 nghị định, 07 quyết định, 64 thông tư, 13 thông tư liên tịch) quy định chi tiết thi hành 22 luật, pháp lệnh phát sinh hiệu lực sau 01/01/2014, trong đó có 101/135 văn bản (34 nghị định, 05 quyết định, 50 thông tư, 12 thông tư liên tịch) quy định chi tiết thi hành 12 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015.

b) Kết quả ban hành văn bản (từ ngày 01/01/2014 đến ngày 27/12/2014)

- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 48/87 văn bản (42 nghị định, 06 quyết định), đạt 55,17%. Số chưa ban hành là 39/87 văn bản (35 nghị định, 04 quyết định), chiếm 44,83%, trong đó có 06 nghị định ở trong tình trạng “nợ đọng”.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 58/119 văn bản (55 thông tư, 03 thông tư liên tịch), đạt 48,74%. Số chưa ban hành là 61/119 văn bản (48 thông tư, 13 thông tư liên tịch), chiếm 51,26%, trong đó có 10 thông tư, 02 thông tư liên tịch đã ở trong tình trạng “nợ đọng”.

Như vậy, trong năm 2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 106/206 văn bản, đạt 51,46%. Theo đó, đã giải quyết được 56/71 văn bản nợ ban hành của năm 2013 và 50/135 văn bản phát sinh trong năm 2014 (xin xem Phụ lục I). Số chưa ban hành là 100/206 văn bản, chiếm 48,54% (xin xem Phụ lục II), trong đó có 18 văn bản ở trong tình trạng “nợ đọng”.

- Có thể phân loại 100 văn bản chưa được ban hành theo một số tiêu chí như sau:

Theo quy trình ban hành văn bản:

+ Đang soạn thảo và tổ chức lấy ý kiến: 59 văn bản (07 nghị định, 40 thông tư, 12 thông tư liên tịch);

+ Đã thẩm định và đang tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định: 09 văn bản (04 nghị định, 01 quyết định, 04 thông tư);

+ Đã trình cấp có thẩm quyền xem xét để ban hành: 32 văn bản (24 nghị định, 03 quyết định, 04 thông tư, 01 thông tư liên tịch).

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo:

TT

CƠ QUAN CHỦ TRÌ SOẠN THẢO

SỐ VĂN BẢN CẦN BAN HÀNH

SỐ VĂN BẢN CHƯA BAN HÀNH

Tổng số

Phân loại

TT

TTLT

1.

Bộ Tài nguyên và Môi trường

51

29

08

03

14

04

2.

Bộ Y tế

15

11

01

 

09

01

3.

Bộ Xây dựng

10

09

06

 

03

 

4.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

10

08

06

 

02

 

5.

Bộ Quốc phòng

16

08

02

 

03

03

6.

Bộ Lao động, Thương binh và XH

09

07

03

 

04

 

7.

Bộ Tài chính

12

06

03

01

01

01

8.

Bộ Tư pháp

09

05

03

 

02

 

9.

Bộ Giáo dục và Đào tạo

10

05

02

 

02

01

10.

Bộ Nông nghiệp và PTNT

12

05

 

 

03

02

11.

Bộ Công an

14

05

01

 

03

01

12.

Bộ Khoa học và Công nghệ

12

02

 

 

02

 

13.

Bộ Giao thông vận tải

09

00

 

 

 

 

14.

Ngân hàng Nhà nước

08

00

 

 

 

 

15.

Bộ Công Thương

03

00

 

 

 

 

16.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

02

00

 

 

 

 

17.

Bộ Nội vụ

02

00

 

 

 

 

18.

Bộ Ngoại giao

01

00

 

 

 

 

19.

Thanh tra Chính phủ

01

00

 

 

 

 

20.

Văn phòng Chính phủ

00

 

 

 

 

 

21.

Bộ Thông tin và Truyền thông

00

 

 

 

 

 

22.

Ủy ban Dân tộc

00

 

 

 

 

 

Tổng số

206

100

35

04

48

13

c) Về quy trình xây dựng, ban hành văn bản

Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết về cơ bản đã được thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các dự thảo văn bản quy định chi tiết đều được cơ quan chủ trì tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các cơ quan, đơn vị có liên quan; đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện đánh giá về thủ tục hành chính, góp ý, thẩm định văn bản. Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo văn bản, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã tích cực huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, các tổ chức xã hội; phát huy vai trò của tổ chức pháp chế và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án luật, pháp lệnh trong việc xây dựng văn bản quy định chi tiết, đảm bảo tính tiếp nối, thống nhất, phù hợp của văn bản quy định chi tiết với tinh thần của luật, pháp lệnh. Việc đánh giá về thủ tục hành chính đã được lồng ghép với quy trình góp ý, thẩm định văn bản và tập trung vào một đầu mối là Bộ Tư pháp hoặc tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, góp phần rút ngắn quy trình xây dựng, ban hành văn bản, đồng thời nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính và thẩm định văn bản. Các dự thảo nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đều được Văn phòng Chính phủ thẩm tra về mặt thủ tục và cho ý kiến về nội dung trước khi trình.

d) Về chất lượng của văn bản quy định chi tiết thông qua kết quả thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật

* Về công tác kiểm soát thủ tục hành chính và thẩm định văn bản

Thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 24/2009/NĐ-CP, Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP của Chính phủ, công tác góp ý, thẩm định và kiểm soát thủ tục hành chính đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được các Bộ, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện gắn với vai trò đầu mối của tổ chức pháp chế.

Trong năm 2014, tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã thực hiện đánh giá tác động 1.532 thủ tục hành chính tại 287 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tham gia ý kiến đối với 1.342 thủ tục hành chính quy định tại 303 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Riêng Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với 958 thủ tục hành chính quy định tại 108 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật(6), theo đó, đã đề nghị bỏ 109 và sửa đổi 276 thủ tục hành chính (chiếm 40% số TTHC quy định trong dự thảo); thẩm định 707 thủ tục hành chính tại 88 văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính(7) và đã đề nghị bỏ 108 và sửa đổi 378 thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý (chiếm 68,7% số thủ tục hành chính quy định tại văn bản). Bộ Tư pháp đã thẩm định 300 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh); tổ chức 14 phiên họp của Hội đồng tư vấn thẩm định của Chính phủ để cho ý kiến đối với 14 dự án luật, dự thảo báo cáo rà soát triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013(8) theo các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức pháp chế đã tổ chức thẩm định 831 dự thảo văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trong đó có các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.

* Về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật

Từ ngày 01/01/2014 đến tháng 12/2014, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 65 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh (gồm 59 thông tư, 06 thông tư liên tịch) được các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành từ ngày 26/12/2013 đến ngày 17/10/2014. Qua kiểm tra, phát hiện 07 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với pháp luật, trong đó có 01 văn bản sai về nội dung (Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam), còn lại 06 văn bản (04 văn bản được ban hành trong năm 2013 và 02 văn bản được ban hành trong năm 2014) có sai sót về thể thức và không ảnh hưởng đến nội dung cũng như đối tượng áp dụng của văn bản. Đối với Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước, ngay sau khi phát hiện có dấu hiệu sai về nội dung, Bộ Tư pháp đã họp, trao đổi trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước và đã thống nhất về phương án xử lý theo quy định của pháp luật (xin xem Phụ lục III). Đối với 06 văn bản sai sót về thể thức, Bộ Tư pháp đã trao đổi, thông báo tại các cuộc họp, hội nghị tập huấn về công tác kiểm tra văn bản để cơ quan ban hành văn bản được biết, tự kiểm tra, rút kinh nghiệm.

Qua công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, chất lượng các văn bản quy định chi tiết được ban hành trong năm 2014 đã được nâng lên đáng kể. Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản cụ thể, rõ ràng; các quy định về thủ tục hành chính đã được “sàng lọc”, tạo lập các quy định thủ tục hành chính đạt chất lượng; tình trạng chép lại nội dung của luật, pháp lệnh đã được khắc phục. Nội dung của các văn bản bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Việc tập trung các nhiệm vụ thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản và theo dõi thi hành pháp luật về một đầu mối là tổ chức pháp chế của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Bộ Tư pháp tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác tiền kiểm với công tác hậu kiểm, góp phần từng bước nâng cao chất lượng của văn bản quy định chi tiết, khả năng phát hiện sai sót và phản ứng chính sách được thực hiện kịp thời hơn. Các phản ánh, kiến nghị của dư luận, báo chí, các tổ chức, cá nhân về nội dung của văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản nghiên cứu nghiêm túc và có biện pháp xử lý kịp thời, từng bước khắc phục tình trạng văn bản có nội dung không phù hợp, gây bức xúc dư luận.

3. Đánh giá chung, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a) Về kết quả, trong năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Qua đó, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng văn bản ngày càng được nâng lên, cơ bản bảo đảm các yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản; trong số các văn bản quy định chi tiết đã ban hành trong năm 2014 thì không có văn bản nào có nội dung trái pháp luật hoặc không khả thi, gây bức xúc dư luận. Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh. Một số văn bản quy định chi tiết đã được ban hành kịp thời để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, chẳng hạn các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, một số văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Có thời điểm số lượng văn bản “nợ đọng” đã giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay, được Quốc hội ghi nhận tại các Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 (cuối tháng 12/2014 chỉ nợ 18 văn bản).

b) Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số tồn tại, hạn chế sau:

- Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản, còn có nhiều văn bản phải điều chỉnh về tiến độ soạn thảo, thời hạn trình, ban hành, đặc biệt là có một số văn bản phải điều chỉnh nhiều lần; tình trạng văn bản quy định chi tiết được ban hành không có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh còn diễn ra phổ biến;

- Một số văn bản chất lượng chưa cao, có nội dung thiếu tính khả thi hoặc chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, mới được ban hành nhưng đã có nội dung cần được sửa đổi, bổ sung như một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

- Công tác rà soát luật, pháp lệnh, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh tại nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành luật, pháp lệnh, chẳng hạn như việc một số Bộ, cơ quan ngang Bộ chậm rà soát, lập dự kiến Danh mục văn bản quy định chi tiết 18 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 cho dù ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã có văn bản đôn đốc(9).

- Tình trạng “nợ đọng” tuy đã giảm đáng kể, xuống chỉ còn 18 văn bản (06 Nghị định, 10 thông tư và 02 thông tư liên tịch), nhưng còn 82 văn bản (29 nghị định, 04 quyết định, 38 thông tư, 11 thông tư liên tịch) quy định chi tiết thi hành 12 luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015 chưa được ban hành. Kết quả này chưa đạt chỉ tiêu cam kết của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 “phấn đấu đến ngày 31/12/2014 hoàn thành việc ban hành các văn bản “nợ đọng” và ban hành cơ bản xong các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành các luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015” và dự báo đến ngày 01/01/2015, số văn bản “nợ đọng” sẽ tăng lên rất lớn (100 văn bản so với 71 văn bản nợ đọng đầu năm 2014).

c) Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân sau:

* Về mặt khách quan:

- Số lượng luật, pháp lệnh được ban hành hằng năm là tương đối lớn, trong đó có nhiều nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định chi tiết nên cần ban hành một số lượng lớn văn bản quy định chi tiết, riêng trong 06 tháng cuối năm 2014 đã phát sinh nhiệm vụ phải xây dựng, ban hành 101 văn bản để quy định chi tiết thi hành 12 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015.

- Một số quy định của luật, pháp lệnh là những vấn đề mới, khó, phức tạp, còn thiếu sự định hướng về nội dung, giải pháp về chính sách nên có nhiều ý kiến khác nhau, có nội dung không do Chính phủ đề xuất mà do các cơ quan của Quốc hội đề xuất, có trường hợp liên quan đến luật, pháp lệnh khác đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nên cần nhiều thời gian nghiên cứu, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm trong và ngoài nước dẫn đến việc kéo dài thời gian soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết(10).

- Nhiều quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, không còn phù hợp như quy định về quy trình, trình tự, thủ tục rút gọn, việc xác định thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật còn máy móc, chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Đặc biệt là trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra một số vấn đề phức tạp liên quan đến tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản(11).

- Bên cạnh việc tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, trong năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ còn phải tập trung nguồn lực cho công tác soạn thảo, hoàn thiện khối lượng lớn dự án luật, pháp lệnh nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng (trình Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua 26 dự án luật, pháp lệnh và cho ý kiến 09 dự án luật).

* Về mặt chủ quan:

- Một số Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt công tác soạn thảo, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan; chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình xây dựng, ban hành văn bản, đặc biệt việc bảo đảm thời gian tiến độ soạn thảo.

- Sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, giữa tổ chức pháp chế và các đơn vị chuyên môn trong quy trình soạn thảo, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản ở một số Bộ còn chưa thật chặt chẽ, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, sự tham gia tích cực của tổ chức pháp chế trong việc xây dựng, ban hành văn bản.

- Việc đầu tư thời gian, kinh phí và các nguồn lực cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, chưa phù hợp với vị trí, vai trò, yêu cầu, tính chất phức tạp của công việc này.

II. NHIỆM VỤ TRONG NĂM 2015

Dự báo trong năm 2015, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ là rất nặng. Theo đó các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ:

- Chỉnh lý, hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 100 văn bản chưa ban hành nêu tại Phụ lục II, trong đó có 39 văn bản (35 nghị định, 04 quyết định) thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Xây dựng và thực hiện các Kế hoạch triển khai thi hành 18 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8; đồng thời xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trên 100 văn bản (dự kiến khoảng 42 nghị định, 06 quyết định và 60 thông tư, thông tư liên tịch) quy định chi tiết 18 luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật để tổ chức triển khai thi hành đồng bộ, thống nhất. Mặt khác, cũng phải chuẩn bị tổ chức thi hành và xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến 11 dự án).

- Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng của văn bản; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, văn bản không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, không bảo đảm tính khả thi, không phù hợp với thực tiễn gây bức xúc dư luận.

- Phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ xây dựng báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ

- Khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 100 văn bản chưa ban hành quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực hoặc có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015 nêu tại Phụ lục II, đặc biệt là 39 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính.

- Tổ chức thi hành và xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết 18 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, theo đó phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp trong việc rà soát để xác định đầy đủ các nội dung được giao, lập dự kiến danh mục văn bản, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và đề xuất việc áp dụng các giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng của văn bản quy định chi tiết, sớm khắc phục tình trạng nợ chưa ban hành văn bản.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ

- Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

- Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra nhằm triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả 18 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, khẩn trương rà soát, lập danh mục thông tư, thông tư liên tịch quy định chi tiết để xây dựng, ban hành và gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, theo dõi.

- Các Bộ trong thời gian tới phải xây dựng, ban hành nhiều văn bản (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Tài chính) cần ưu tiên, tập trung nguồn lực, bố trí kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành văn bản; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, tăng cường phát huy vị trí, vai trò của tổ chức pháp chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.

- Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan trong quá trình soạn thảo, góp ý, thẩm định, thẩm tra văn bản nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ của văn bản; hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng văn bản.

- Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, cử cán bộ tham gia ngày từ đầu quá trình soạn thảo văn bản để rút ngắn thời gian thẩm tra; phối hợp, đôn đốc việc chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo văn bản sau khi đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Trên đây là Báo cáo tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2014, nhiệm vụ năm 2015, Bộ Tư pháp xin kính trình Chính phủ xem xét, chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo thực hiện);
- Ủy ban pháp luật của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ (để phối hợp);
- Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ;
- Vụ Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Bộ, Vụ PLHSHC, Vụ PLDSKT, Vụ PLQT, Cục KTrVBQPPL, Cục KSTTHC, Cục BTTP và Cục CNTT - Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, Vụ VĐCXDPL.

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đinh Trung Tụng

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 



1 Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2014 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

2 Nghị quyết số 75/2014/QH13 ngày 24/6/2014 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII,

3 Hàng tháng, Bộ Tư pháp đều có Công văn đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc xây dựng, ban hành ban hành văn bản quy định chi tiết.

4 Năm 2014, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Đoàn công tác liên ngành tiến hành 02 đợt kiểm tra (tháng 5 và tháng 7/2014) tại 10 Bộ, cơ quan ngang Bộ về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tổ chức thi hành luật, pháp lệnh và ban hành ban hành văn bản quy định chi tiết.

5 Quyết định số 1598/QĐ-BTP ngày 08/7/2014 về thẩm định dự án, dự thảo văn bản; Quyết định 1685/QĐ-BTP ngày 17/7/2014 về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong công tác theo dõi thi hành pháp luật.

6 17 dự án luật, 44 dự thảo nghị định, 10 quyết định và 37 dự thảo thông tư, thông tư liên tịch.

7 11 luật, 56 nghị định, 21 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

8 Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật ban hành VBQPPL (hợp nhất), Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tạm giữ, tạm giam, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp quy định của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Báo cáo kết quả rà soát quy định của pháp luật về quyền con người.

9 Công văn số 9452/VPCP-PL ngày 25/11/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật; Công văn số 5010/BTP-VDDCXDPL ngày 09/12/2014 về việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.

10 Chẳng hạn như vấn đề về tuổi nghỉ hưu (khoản 2, khoản 3 Điều 187 của Bộ luật lao động); tiêu chuẩn phân tầng và khung xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, quy định về chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học (Luật giáo dục đại học); hành lang bảo vệ nguồn nước; định mức, đơn giá, quy chuẩn kỹ thuật và hồ sơ quy hoạch tài nguyên nước (Luật tài nguyên nước); vấn đề ngạch, chức danh người làm việc trong tổ chức cơ yếu (quy định chi tiết Luật cơ yếu).

11 Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, trong khi đó một số luật, pháp lệnh đã được ban hành từ trước, nay cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp nhưng chưa kịp nên khi xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có vấn đề hợp hiến nhưng không hợp pháp hoặc hợp pháp nhưng không hợp hiến.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 382/BC-BTP tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 382/BC-BTP
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/12/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Đinh Trung Tụng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản