Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

Số: 368/BC-BGDĐT

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 2009

 

BÁO CÁO

GIẢI TRÌNH TIẾP THU Ý KIẾN CỦA CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THẢO LUẬN TẠI CÁC TỔ VỀ ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CƠ CHẾ TÀI CHÍNH GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2009-2014

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội tại thảo luận ở các tổ đối với Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014. Bộ Giáo dục và Đào tạo xin được tiếp thu và báo cáo giải trình làm rõ thêm về một số nội dung theo yêu cầu của các vị đại biểu Quốc hội như sau:

1. Mục tiêu của Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009-2014 và cam kết chất lượng giáo dục

Đề án do Chính phủ trình Quốc hội là Đề án Đổi mới Cơ chế Tài chính giáo dục 2009-2014 chứ không phải là Đề án nâng cao chất lượng giáo dục, vì vậy Đề án chỉ đề cập đến các giải pháp tài chính để nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô giáo dục, còn nhiều giải pháp khác để nâng cao chất lượng giáo dục đã và sẽ được ngành thực hiện đồng thời với Đề án Đổi mới Cơ chế Tài chính giáo dục.

Mặc dù vậy, mục tiêu của Đề án liên quan trực tiếp đến chất lượng giáo dục và các giải pháp quản lý tài chính để nâng cao chất lượng giáo dục.

Đề án Đổi mới Cơ chế Tài chính giáo dục 2009-2014 mà Chính phủ trình Quốc hội ngày 20 tháng 5 năm 2009 có 2 mục tiêu tổng quát đó là:

- Xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục, nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng và tăng quy mô giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực sự coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu.

- Xây dựng hệ thống các chính sách để tiến tới mọi người ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng ngày càng cao.

Có thể diễn giải cụ thể hơn mục tiêu thứ nhất của Đề án như sau:

Mục tiêu 1: Xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục (gồm 8 nội dung đã xác định trong Đề án)

Như vậy nâng cao chất lượng chính là 1 trong 2 mục tiêu cuối cùng, bên cạnh việc tăng quy mô giáo dục và Đề án đề cập đến các giải pháp về mặt quản lý tài chính, quản lý nhà nước để nâng cao chất lượng.

Hiện nay, ngành giáo dục đang triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng như:

- Xây dựng, công bố chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng, thực hiện việc giáo viên các trường phổ thông đánh giá hàng năm hiệu trưởng. Ở đại học thực hiện việc sinh viên đánh giá giảng viên.

- Biên soạn tài liệu hướng dẫn và tổ chức giới thiệu điển hình giáo viên ở các tỉnh có sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện phương châm: Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các trường phổ thông, các trường đại học, cao đẳng tự đánh giá chất lượng và sau đó là kiểm định chất lượng (đánh giá ngoài) bởi các tổ chức chức năng hợp pháp. Đến nay 63/63 tỉnh/thành phố đã có Phòng Khảo thí và đánh giá chất lượng ở các Sở Giáo dục và Đào tạo, 80% các trường đại học, cao đẳng đã và đang thực hiện đánh giá trong chất lượng của mình. Đến hết năm 2010, 100% số trường đại học, cao đẳng phải thực hiện đánh giá và tiến tới kiểm định chất lượng.

Thực hiện các giải pháp Đổi mới Cơ chế Tài chính giáo dục đã nêu trong Đề án như:

- Sự tham gia chủ động của Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động và kế hoạch ngân sách cho giáo dục ở tỉnh/thành phố;

- Cấp bù cho các trường phần học phí được miễn giảm cho các đối tượng chính sách;

- Thực hiện chính sách cho giáo viên hợp lý hơn;

- Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục phải “đảm bảo sự tương quan giữa chất lượng đào tạo và nguồn tài chính sử dụng (ngân sách, học phí, tài trợ)”, công bố mục tiêu chất lượng cam kết và đánh giá chất lượng thực tế, công bố nguồn lực của cơ sở và thu chi của cơ sở (3 công khai), gửi báo cáo tài chính về các cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, và

- Thực hiện Nhà nước giám sát, phụ huynh giám sát, sinh viên và công nhân viên của cơ sở giám sát về tài chính;

chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, như đã được khẳng định trong báo cáo Đánh giá tác động của Đề án và Báo cáo tóm tắt Đề án đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Ngày 07 tháng 5 năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT về Quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Khi Đề án Đổi mới Cơ chế Tài chính giáo dục 2009-2014 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành Nghị định để thực hiện, trong đó có việc yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo hàng năm phải công bố cam kết tiến bộ về chất lượng cùng việc sử dụng các nguồn lực để đạt được cam kết đó (3 công khai).

2. Xác định mức học phí và chi giáo dục khả thi của các hộ gia đình không quá 6% như thế nào? Mức 6% có là khá cao không?

Khi xác định học phí ở các trường công lập thì nhà nước phải có quan điểm rõ ràng: học phí có phải đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo không hay chỉ là một sự chia sẻ của người học với nhà nước để chi phí đào tạo đạt một mức cần thiết nhất định. Ở nước ta từ 1975 đến nay, thực tế học phí ở các trường công lập chưa bao giờ bù đắp chi phí đào tạo.

Năm 2006, chi phí đào tạo cả nước ở các trường công lập là 64.305 tỷ đồng, trong đó học phí là 4.329 tỷ đồng, chiếm 6,7%, chi từ ngân sách là 54.798 tỷ đồng, chiếm 85,2%, còn từ các nguồn khác như trái phiếu Chính phủ, xổ số kiến thiết, đóng góp tự nguyện… chiếm 8,1% (biểu 17, trang 26, Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014). Tổng chi lương và các khoản có tính chất như lương là 34.833 tỷ đồng, chiếm 86,7% chi thường xuyên của ngành giáo dục (Biểu 18, trang 30, Đề án). Như vậy, chi ngân sách 54.798 tỷ đồng lớn hơn tổng chi lương và các khoản có tính chất như lương trong toàn ngành gần 20.000 tỷ đồng.

Vậy đề án chọn quan điểm gì khi xác định học phí mầm non và phổ thông và học phí đào tạo nghề nghiệp ở các trường công lập. Căn cứ vào chi phí đào tạo, thu nhập của người dân và kinh nghiệm quốc tế, đề án đã đề xuất cách xác định học phí theo 2 nguyên tắc sau:

- Với giáo dục mầm non và phổ thông, học phí chỉ là sự đóng góp khả thi của người dân vào chi phí đào tạo, không liên quan gì đến chi phí đào tạo thực tế cần có. Ví dụ năm 2008, chi phí thường xuyên tối thiểu đối với giáo dục mầm non là 284.000 đồng/tháng thì con em thuộc xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135, con của chiến sĩ, hạ sĩ quan quân đội, công an không phải đóng học phí, nhà nước phải chi đủ 284.000 đồng/tháng cho một cháu. Còn nếu gia đình phải đóng học phí 15.000 đồng/tháng như ở huyện miền núi, nhà nước chi 269.000 đồng/tháng, hoặc gia đình đóng 80.000 đồng/tháng như ở thành thị thì nhà nước phải bù 204.000 đồng/tháng.

Như vậy, câu hỏi đặt ra với học phí giáo dục mầm non và phổ thông là: đóng bao nhiêu thì là vừa sức, khả thi, không gây áp lực tài chính cho gia đình học sinh (chứ không theo nguyên tắc chi phí thực tế càng cao thì phải đóng càng nhiều). Cho đến nay, trong các văn bản pháp luật của ta không có văn bản nào hướng dẫn căn cứ vào đâu để xác định mức đóng học phí của mầm non và phổ thông là khả thi.

- Với đào tạo nghề nghiệp, học phí là sự chia sẻ chi phí đào tạo giữa người học và nhà nước, khi chi phí đào tạo cần tăng để đảm bảo chất lượng tối thiểu nhất định thì học phí sẽ tăng. Tuy nhiên, việc học phí chiếm bao nhiêu phần trăm chi phí đào tạo cần có định hướng rõ ràng, khi tăng phải có lộ trình và các ngành học cần được khuyến khích thì học phí phải thấp hơn là khi không được khuyến khích. Theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) thì học phí ở các cơ sở đào tạo phải bù đắp chi phí tiền lương, tiến tới từng bước bù đắp chi phí thường xuyên các cơ sở đào tạo.

Trong 10 năm qua, 1998-2008, khung học phí mầm non, phổ thông và đại học không đổi, trong khi:

- Chỉ số giá cả tiêu dùng tăng 2 lần (học phí đại học 180.000 đồng/tháng năm 2008 chỉ có sức mua bằng 90.000 đồng/tháng năm 1998).

- Ngân sách chi của nhà nước cho giáo dục tăng 5,8 lần.

- Lương tối thiểu tăng 1,86 lần.

- Tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người (GDP/người) tăng 4,7 lần.

Khung học phí 10 năm không thay đổi dẫn đến hậu quả tổng nguồn lực của đất nước huy động cho giáo dục đào tạo vẫn rất hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, gây bất hợp lý thêm trong hệ thống giáo dục:

- Năm 2006, chi bình quân cho 1 học sinh, sinh viên ở nước ta là 723 USD (quy đổi sức mua tương đương), chỉ bằng 1/4 của Thái Lan (3.170 USD) và Malaysia (3.031 USD), bằng 1/8 của Hàn Quốc (5.733 USD), chưa bằng 1/10 của Đức (7.368), của Nhật (7.789 USD) và chỉ bằng 1/16 của Mỹ (12.023 USD).

- Năm 2001, tổng thu học phí ở tất cả các cấp giáo dục công lập từ mầm non đến đại học chiếm 8,2% tổng chi cho giáo dục (gồm chi từ ngân sách và từ học phí), năm 2005 là 7,3%, năm 2006 là 6,7%, năm 2008 là 5,5% và nếu khung học phí hiện nay vẫn giữ đến 2011 thì tỷ lệ này chỉ còn 4%. Tức là càng ngày đóng góp của học phí vào tổng chi đào tạo ở các trường càng giảm, năm 2011 chỉ bằng 1/2 năm 2001.

Để xác định mức học phí mầm non và phổ thông và mức chi cho giáo dục khả thi của các hộ gia đình, đề án cho rằng cần xác định tỷ lệ phần trăm (%) thu nhập của hộ gia đình dành cho giáo dục nên là bao nhiêu thì người dân sẵn sàng chi, mà không kêu chi phí học tập quá cao.

Qua nghiên cứu số liệu chi tiêu hộ gia đình ở các nước, cho thấy chi cho giáo dục so với thu nhập hộ gia đình nằm trong khoảng từ 2% đến 10%, bình quân từ 4,5% đến 5,7%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thực tế ở nước ta năm 2002 là 6,1%, năm 2004 là 6,3%, năm 2006 là 6,4% và năm 2008 khoảng 6,6%.

Từ các số liệu nước ngoài và trong nước nói trên, đề án chọn mức chi khả thi cho học tập của hộ gia đình là không quá 6% thu nhập và điều này rõ ràng là hợp lý.

Chi phí cho học tập của hộ gia đình bao gồm học phí đóng cho nhà trường và chi phí học tập khác để mua sắm sách vở, cặp sách, bút mực, giày dép, đồng phục, tiền gửi xe đạp cho con em mình. Vì học phí chỉ là một phần trong chi phí học tập khả thi (không quá 6% thu nhập bình quân hộ gia đình), sau khi đã trừ chi phí học tập cần thiết khác cho con em họ (khoảng 67.000 đồng/tháng năm 2009, hàng năm tăng thêm do trượt giá khoảng 8%), với các hộ có thu nhập thấp, nếu 6% thu nhập chưa bảo đảm chi đủ cho các nhu cầu học tập cần thiết khác thì ngoài việc miễn học phí con em các hộ này được Nhà nước hỗ trợ thêm. Như vậy, học phí không thể là gánh nặng tài chính đối với hộ gia đình và không thể là khá cao được.

Ví dụ trường hợp của Thành phố Hồ Chí Minh theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Thành phố, tỷ lệ chi cho giáo dục so với thu nhập bình quân một người 1 tháng qua các năm như sau:

 

1997

1998

1999

2000

2004

Bình quân 1997-2004

Toàn thành phố

6,9%

7,1%

7,1%

7,0%

7,7%

7,16%

- Vùng đô thị

7,1%

7,3%

7,2%

7,2%

7,8%

7,32%

- Vùng nông thôn

6,2%

6,4%

6,5%

5,6%

6,7%

6,28%

Số liệu trên cho thấy, ở Thành phố Hồ Chí Minh, chi cho học tập chiếm từ 6,9% năm 1997 đến 7,7% năm 2004, bình quân là 7,16%. Tỷ lệ này ở vùng đô thị cao hơn vùng nông thôn: bình quân đô thị là 7,32%, bình quân nông thôn là 6,28%.

Như vậy, chọn bình quân 6% là rất phù hợp cho các vùng miền của địa phương trong cả nước, đảm bảo chi phí học tập là khả thi, không gây quá tải cho gia đình. Về nguyên tắc, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố có thể quyết định mức chi trả học tập khả thi là trên hoặc dưới 6%, tùy theo điều kiện thu nhập trong tương quan chi cho giáo dục hoặc ý thức đầu tư cho giáo dục của người dân trong tỉnh. Đề án chọn mức bình quân 6% cho cả nước để có cơ sở lập kế hoạch ngân sách chi cho giáo dục.

Học phí đào tạo nghề nghiệp không liên quan đến 6% thu nhập hộ gia đình, mà phụ thuộc vào tỷ lệ học phí chiếm bao nhiêu phần trăm chi phí đào tạo và các chính sách nhà nước hỗ trợ đào tạo.

Nếu chỉ bù sự mất giá đồng tiền thì học phí 180.000 đồng/tháng năm 1998 sẽ là 360.000 đồng/tháng năm 2008. Đề án cho rằng tăng như vậy là quá cao trong vòng 1 năm và đề nghị chỉ tăng 75.000 đồng/tháng, do đó học phí đại học 2009 là 255.000 đồng/tháng (chứ không phải là 360.000 đồng/tháng).

Các năm sau đề án đề xuất lộ trình trần học phí các năm được tăng thêm, nhưng đảm bảo tỷ lệ phần trăm so với chi phí đào tạo thường xuyên theo một tỷ lệ chấp nhận được. Ví dụ, các ngành nông lâm thủy sản thì trần học phí năm 2010: 290.000 đồng/tháng; năm 2011: 350.000 đồng/tháng (tăng 21% so với 2010); năm 2012: 410.000 đồng/tháng (tăng 17% so với 2011); năm 2013: 480.000 đồng/tháng (tăng 18% so với 2012); năm 2014: 550.000 đồng/tháng (tăng 15% so với 2013).

Đề án đã xác định: Sinh viên gia đình nghèo, khó khăn được vay để học, trong đó khi học phí tăng thì mức vay được tăng tương ứng, không gây khó khăn cho người học. Vì vậy, về tổng thể, học phí dự kiến trong đề án là khả thi, không quá cao. Qua góp ý của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức học phí dự kiến khối dạy nghề cho phù hợp với yêu cầu chất lượng và tương quan với học phí đại học.

Để vừa thu hút đóng góp của gia đình người học cho đào tạo nghề, vừa thể hiện sự khuyến khích của Nhà nước với các ngành đào tạo khác nhau, Biểu 58, trang 108 của Đề án đã trình bày:

- Đối với các ngành xã hội nhân văn, kinh tế, luật: học phí chiếm 50% chi phí đào tạo thường xuyên vào năm 2009, tăng lên 52% vào năm 2014.

- Đối với ngành nông – lâm – ngư: do cần được khuyến khích nên học phí chiếm 34% chi phí đào tạo thường xuyên năm 2009, tăng lên 35% năm 2014.

- Đối với ngành thể dục thể thao, nghệ thuật: do cũng cần được khuyến khích nên học phí chiếm 27% chi phí đào tạo thường xuyên vào năm 2009, tăng lên 33% năm 2014.

3. Cách xác định học phí và hỗ trợ người học mầm non, phổ thông ở các tỉnh, thành phố như thế nào?

Theo nguyên tắc học phí phù hợp với khả năng chi trả (học phí và chi phí học tập khác không vượt quá 6% thu nhập bình quân hộ gia đình trong mỗi vùng), trong một tỉnh có các vùng với mức thu nhập bình quân khác nhau, thì có mức học phí khác nhau. Học phí đại trà cho một vùng (các quận, một số huyện đồng bằng, các huyện miền núi…) được xác định theo công thức sau:

Học phí đại trà

=

Mức chi trả khả thi bình quân cho một học sinh đi học (tương ứng 6% thu nhập bình quân hộ gia đình)

-

Chi phí học tập khác bình quân cho 1 học sinh

Mức chi trả khả thi bình quân cho 1 học sinh đi học

=

Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng trong vùng x 4 người (gia đình) x 6%

2 (con đi học)

(Chi phí học tập khác bao gồm: chi phí cho sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập và một phần cho quần áo, giày dép, gửi xe).

Ở đây, mức chi trả khả thi và mức học phí được tính dựa trên mô hình gia đình bình quân có 4 người, trong đó có 2 con đi học mầm non hoặc phổ thông.

Việc học phí ở địa phương là bao nhiêu là do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố quyết định, sẽ khác nhau giữa các trường mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông đại trà và các trường và các trường công lập chất lượng cao. Đối với các trường mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông đại trà, tùy theo thu nhập của dân cư vùng đô thị (các quận, thị xã) và ngoại thành (các huyện) mức học phí đại trà sẽ khác nhau.

Để xác định được mức học phí đại trà một vùng, trước hết phải căn cứ vào thu nhập bình quân hộ gia đình theo các vùng kinh tế - xã hội tiêu biểu của tỉnh (số liệu do Cục thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp có thể dựa trên số liệu điều tra dân số và mức sống 2 năm một lần hoặc điều tra mẫu và ước tính cho các vùng). Số các vùng trên địa bàn tỉnh do địa phương quyết định (thông thường, một tỉnh có thể có 2 vùng: thành thị và nông thôn hoặc 3 vùng: thành thị, nông thôn, miền núi).

Sau khi đã có số liệu thu nhập bình quân hộ gia đình của từng vùng, các Sở Giáo dục và Đào tạo xác định mức học phí đại trà của mỗi vùng theo công thức trên.

Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố sẽ quyết định mức học phí đại trà ở các quận, thị xã và các huyện, dựa trên thu nhập bình quân của các quận, thị xã, huyện; đồng thời có thể quyết định các mức học phí được giảm hoặc miễn học phí cho các hộ nghèo, gia đình chính sách theo quy định của Nhà nước và sự vận dụng của địa phương như việc đưa ra chuẩn nghèo riêng của tỉnh, thành phố.

Thực hiện yêu cầu: miễn học phí cho học sinh các hộ nghèo, giảm học phí cho học sinh cận nghèo thì, những học sinh thuộc hộ nghèo theo chuẩn quốc gia (thu nhập bình quân 200.000 đồng/người/tháng đối với vùng nông thôn và 260.000 đồng/người/tháng đối với vùng đô thị) được miễn học phí, những học sinh thuộc hộ gia đình cận nghèo (có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 130% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo) thì được giảm 50% học phí.

Với mức thu nhập 260.000 đồng/người/tháng thì khả năng chi trả cho việc học hành theo yêu cầu không vượt quá 6% thu nhập chỉ là 31.000 đồng/tháng/học sinh. Như vậy, để chi được 60.000 đồng/tháng cho chi phí học tập khác, các hộ nghèo này phải được hỗ trợ xấp xỉ 30.000 đồng/tháng cho mỗi con đi học.

Vì vậy, các hộ nghèo ở đô thị cần được hỗ trợ 30.000 đồng/tháng/học sinh hay 300.000 đồng/năm/học sinh. Đối với những địa phương, khi ngân sách cho phép thì Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố có thể ra nghị quyết hỗ trợ cao hơn, ví dụ: 50.000 đồng/tháng hay 100.000 đồng/tháng/học sinh tức là 500.000 đồng hoặc 1.000.000 đồng/năm/học sinh.

Như vậy, với nguyên tắc và cách xác định học phí hay mức hỗ trợ học tập theo công thức nói trên, thì việc quy định học phí và mức hỗ trợ việc đi học của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố cho các vùng theo thu nhập bình quân trở nên đơn giản, dễ dàng hơn và có căn cứ khoa học. Chỉ cần có mức thu nhập bình quân theo vùng là xác định được mức học phí đại trà của vùng đó. Học sinh các trường công lập đại trà học ở quận, thị xã, huyện nào thì đóng học phí theo mức học phí đại trà của quận, thị xã, huyện đó.

Theo nguyên tắc trên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hòa Bình đã tính và đề xuất học phí ở tỉnh như ở 2 bảng (đính kèm).

Từ thực tế thu học phí dự kiến của 2 tỉnh ta thấy tác dụng của cách thu học phí mới rất rõ ràng:

- Vùng đô thị sẽ đóng nhiều hơn trước, nhưng vẫn nằm trong khả năng chi trả của hộ gia đình.

- Vùng đồng bằng cơ bản đóng như cũ, hoặc được hỗ trợ thêm để đi học.

- Vùng miền núi, hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn không phải đóng học phí mà còn được hỗ trợ, trong khi trước kia vẫn phải đóng học phí.

4. Ngân sách cho giáo dục được sử dụng thế nào, có thể miễn phí cho trung học cơ sở và mầm non được không?

Đề án đã trình bày các nguồn chi cho giáo dục và cơ cấu chi NSNN cho giáo dục theo 2 bảng sau đây:

Bảng 1: Các nguồn tài chính cho giáo dục

Đơn vị: Tỷ đồng

TT

Nội dung

2001

2003

2005

2006

2007

2008

A

GDP (giá thực tế)

481.295

613.443

839.211

973.791

1.269.127

1.453.911

B

Tổng chi NSNN

127.675

181.183

239.470

297.232

367.379

407.095

1

Nguồn tài chính cho GD-ĐT (Tổng chi xã hội cho GD-ĐT) (2+3+4+5+6)

23.344

34.789

52.691

64.305

79.683

95.197

 

Tỷ lệ so với GDP

4,9%

5,7%

6,3%

6,6%

6,3%

6,5%

2

Ngân sách NN cho GD-ĐT (2.1+2.2+2.3)

19.747

28.951

42.943

54.798

69.802

81.419

 

Tỷ lệ so với GDP

4,1%

4,7%

5,1%

5,6%

5,5%

5,6%

 

Tỷ lệ so với tổng chi xã hội cho GD-ĐT

84,6%

83,2%

81,5%

85,2%

87,6%

85,5%

 

Tỷ trọng trong tổng chi NSNN

15,5%

16,0%

17,9%

18,4%

19,0%

20,0%

2.1

Chi thường xuyên

15.981

23.917

35.369

44.359

54.713

62.010

 

Tỷ trọng trong tổng chi NSNN cho GD-ĐT

80,9%

82,6%

82,4%

81,0%

78,4%

76,2%

 

Trong đó:

- Nguồn ODA

4.260

4.340

4.640

1.200

2.200

2.300

 

- Chương trình MTQG-GDĐT

690

970

1.770

2.970

3.380

3.480

2.2

Chi đầu tư

3.665

4.789

7.226

10.000

14.584

18.844

 

Tỷ trọng trong tổng chi NSNN cho GD-ĐT

18,6%

16,5%

16,8%

18,2%

16,8%

18,2%

2.3

Chi nghiên cứu khoa học

101

245

348

439

348

439

 

Tỷ trọng trong tổng chi NSNN cho GD-ĐT

0,51%

0,85%

0,81%

0,80%

0,49%

0,53%

3

Thu học phí

1.904

2.593

3.870

4.329

4.762

5.238

 

Tỷ trọng trong tổng chi xã hội cho GD-ĐT

8,2%

7,5%

7,3%

6,7%

6,0%

5,5%

4

Nguồn Công trái GD và xổ số kiến thiết

1.470

2.848

5.300

4.441

4.220

7.442

 

Tỷ trọng trong tổng chi xã hội cho GD-ĐT

6,3%

8,2%

10,1%

6,9%

5,3%

10,8%

 

- Công trái GD

-

658

2.120

771

500

2800

 

- Xổ số kiến thiết

1.470

2.190

3.180

3.670

3.720

4.642

5

Thu dịch vụ Khoa học Công nghệ

64,37

165,4

235,2

298,9

374

467

 

Tỷ trọng trong tổng chi xã hội cho GD-ĐT

0,28%

0,48%

0,45%

0,46%

0,47%

0,49%

6

Thu khác (đóng góp tự nguyện, quyên tặng ở các trường)

157,9

231,6

343,5

438,4

525,6

630,7

 

Tỷ trọng trong tổng chi xã hội cho GD-ĐT

0,68%

0,67%

0,65%

0,68%

0,66%

0,67%

Nguồn số liệu Bộ Tài chính

Bảng 2: Cơ cấu chi NSNN theo cấp học và trình độ đào tạo

Cấp học, trình độ đào tạo

2001

2004

2006

2008

Cơ cấu

Chi NSNN (tỷ đồng)

Cơ cấu

Chi NSNN (tỷ đồng)

Cơ cấu

Chi NSNN (tỷ đồng)

Cơ cấu

Chi NSNN (tỷ đồng)

Tổng chi NSNN cho GD&ĐT

 

19.747

 

34.872

 

54.798

 

81.419

Mầm non

6,88%

1.359

7,31%

2.550

7,47%

4.096

8,5%

6.920

Tiểu học

32,31%

6.380

29,40%

10.253

31,21%

17.105

28,5%

23.204

Trung học cơ sở

21,29%

4.204

21,73%

7.577

21,59%

11.833

23,5%

19.133

Trung học phổ thông

10,88%

2.149

10,35%

3.609

10,33%

5.663

11,2%

9.118

Cộng chi GDMN và GDPT

71,36%

14.092

68,79%

23.989

70,62%

38.697

71,7%

58.375

Dạy nghề

4,9%

968

6,2%

2.162

6,7%

3.671

9,8%

7.979

TCCN

3,18%

627

2,16%

752

2,62%

1.434

3,8%

3.093

Cao đẳng, đại học

9,11%

1.798

9,45%

3.294

8,91%

4.881

10,75%

8.752

Cộng chi đào tạo

17,18%

3.393

17,80%

6.208

18,22%

9.986

24,3%

19.824

Chi GD-ĐT khác

11,45%

2.262

13,41%

4.675

11,16%

6.115

4,0%

3.220

Tổng chi

100%

19.747

100%

34.872

100%

54.798

100%

81.419

Nguồn số liệu Bộ Tài chính

Đề án đã đánh giá kết quả thực hiện các dự án ODA và chương trình mục tiêu quốc gia (từ trang 31 đến 36 của Đề án).

Xét về nguồn thì các năm gần đây, chi của Nhà nước từ ngân sách là nguồn chủ yếu để phát triển giáo dục như năm 2008 chiếm 85,5%, bảng 1. ODA có vai trò quan trọng, song chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn: ODA năm 2008 cho giáo dục là 2.300 tỉ, bằng 2,4% tổng chi ngân sách giáo dục. Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2008 chi 3.840 tỷ đồng, bằng 4,3% tổng chi ngân sách cho giáo dục. Nghị quyết 41/2000/QH10 ngày 09/12/200 về phổ cập THCS đã xác định “tiếp tục thực hiện thu học phí ở THCS, đồng thời miễn giảm học phí cho hộ nghèo,…”. Do đó, ý kiến cho rằng “phổ cập THCS mà thu học phí là sai, là không có cơ sở pháp lý”.

Trong điều kiện chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đã chiếm 20% tổng ngân sách (năm 2008, bảng 1), không thể chi hơn đáng kể (vì phải còn phải chăm lo cho các lĩnh vực khác như y tế, giao thông nông thôn, văn hóa, thể thao…), thì việc giảm, miễn học phí THCS sẽ làm giảm nguồn chi 2.046 tỷ đồng, tương đương với chi phí học tập của 852.000 học sinh THCS. Các em này sẽ không đi học được.

Do số lượng học sinh tiểu học và THSC rất đông (12,25 triệu năm 2008), chiếm 53,5% số học sinh sinh viên cả nước, nên 52% ngân sách cũng phải dành ra cho 2 cấp học này.

Mặc dù tỷ lệ chi ngân sách giáo dục mầm non đã tăng từ 6,88% năm 2001 lên 8,5% năm 2008 song mức chi ngân sách 6.927 tỷ đồng cho giáo dục mầm non cũng chỉ đủ đưa 1,517 triệu trẻ đến các trường công lập, 1,671 triệu trẻ phải học ở các trường ngoài công lập. Riêng ở mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, năm 2008 có 2,77 triệu cháu, chiếm tỷ lệ hơn 70% trẻ trong độ tuổi.

Trong điều kiện chi phí cho một học sinh sinh viên ở ta chỉ bằng 1/4 của Thái Lan, 1/8 của Hàn Quốc, 1/10 của Đức và 1/16 của Mỹ, thì tỷ lệ trẻ mẫu giáo đi học hơn 70% như vậy là khá cao.

Ở Trung Quốc (2002), tỷ lệ trẻ 3-6 tuổi đi học là 36,2%; ở Cu Ba (2003) là 100%, trong đó 30% là đến mẫu giáo tập trung, 70% ở nhà nhưng được nhà nước hướng dẫn hỗ trợ chăm sóc; ở Hàn Quốc (2003) chỉ có trẻ 5 tuổi được đi mẫu giáo, tỷ lệ đi học là 77%; ở Mỹ (2001) trẻ 3-5 tuổi đi mẫu giáo là 61,3%, ở Đức (2001) là 100%.

Tuy nhiên, hiện nay ngân sách không thể chi tăng đáng kể cho mầm non vì vẫn phải duy trì phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, phát triển THPT, dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng. Nếu đặt mục tiêu 100% trẻ mầm non đến trường và nhà nước bao cấp hoàn toàn, không đóng học phí, thì sẽ cần ít nhất 15.360 tỷ đồng từ ngân sách, đây là đòi hỏi hiện nay không thể thực hiện được (ngân sách chi cho mầm non năm 2008 là 6.920 tỷ đồng).

Trên đây là ý kiến tiếp thu và giải trình bổ sung một số ý kiến theo yêu cầu của các vị đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ đóng góp cho Đề án Đổi mới cơ chế Tài chính giáo dục năm 2009-2014 sáng ngày 03/6/2009.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Đoàn đại biểu Quốc hội (báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội (báo cáo);
- Ủy ban VHGD, TNTN NĐ Quốc hội (báo cáo);
- Bộ trưởng (báo cáo);
- VPCP;
- Lưu, Vụ KHTC, VP;

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Vũ Luận

 


UBND TỈNH HÒA BÌNH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

 

DỰ KIẾN MỨC THU HỌC PHÍ MỚI CỦA TỈNH HÒA BÌNH

(Theo đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009 – 2014 của Bộ GD&ĐT)

Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo

ĐVT: Đồng

Cấp học

Học phí cũ

Học phí mới

So sánh

Thành phố

Các huyện

Nội thị Thành phố (Phường): TNBQ: 1.150.000 đồng/ng/tháng

Các huyện

Thành phố

Thị trấn

Các xã nông thôn

Các xã đặc biệt KK

Thị trấn

Các xã còn lại

Thị trấn TNBQ: 760.000 đồng/ng/tháng

Các xã nông thôn (có cả các xã của TP): TNBQ 602.000 đồng/ng/tháng

Các xã đặc biệt KK: TNBQ: 330.000 đồng/ng/tháng

Mức thu

Tỷ lệ

Mức thu

Tỷ lệ

Mức thu

Tỷ lệ

Mức thu

Tỷ lệ

Nhà trẻ

30.000

18.000

12.000

78.000

6,0%

31.000

6,0%

12.000

6,0%

(20.000)

6,0%

48.000

13.000

0

-33.000

Mẫu giáo

20.000

12.000

8.000

66.000

5,5%

23.000

5,5%

6.000

5,5%

(20.000)

6,0%

46.000

11.000

(2.000)

-29.000

THCS

7.000

5.000

32.000

4,0%

16.000

5,0%

0

5,0%

(20.000)

6,0%

25.000

11.000

-5.000

-26.000

THPT

20.000

12.000

55.000

5,0%

31.000

6,0%

12.000

6,0%

(20.000)

6,0%

35.000

19.000

0

-33.000

Hòa Bình, ngày 02 tháng 6 năm 2009

 

UBND TỈNH QUẢNG NINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

 

DỰ KIẾN MỨC THU HỌC PHÍ MỚI

(Theo Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009 – 2014 của Bộ GD&ĐT)

Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thực hiện yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh dự kiến mức thu học phí mới các trường công lập theo Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 – 2014 như sau:

Đơn vị: đồng (VND)

Cấp học

Học phí cũ

Dự kiến học phí mới (học 1 buổi/ngày)

So sánh học phí mới và cũ

Thành phố, thị xã

Trung du, đồng bằng

Miền núi, hải đảo

Thành phố, thị xã (TNBQ: 1.089.000 đồng/người/tháng)

Trung du, đồng bằng (TNBQ: 677.000 đồng/người/tháng

Miền núi, hải đảo (TNBQ: 426.000 đồng/người/tháng)

Thành phố, thị xã

Trung du, đồng bằng

Miền núi, hải đảo

Mức thu

Tỷ lệ

Mức thu

Tỷ lệ

Mức thu

Tỷ lệ

Nhà trẻ

55.000

20.000

15.000

70.000

6,0%

20.000

6,0%

-10.000

6%

+15.000

-

-25.000

Mẫu giáo

55.000

20.000

15.000

60.000

5,6%

20.000

6,0%

-10.000

6%

+5.000

-

-25.000

Tiểu học

Không thu

Không thu

 

THCS

20.000

10.000

8.000

26.000

4,0%

13.000

5,5%

-10.000

6%

+6.000

+3.000

-18.000

THPT

35.000

25.000

15.000

48.000

5,0%

20.000

6,0%

-10.000

6%

+13.000

-5.000

-25.000

 

Ghi chú:  

- Tỷ lệ: là tỷ lệ giữa học phí + các khoản phục vụ cho học tập so với thu nhập của gia đình.

- Mức thu <0: Miễn học phí, ngoài ra Nhà nước hỗ trợ chi phí cho việc học tập.

Hạ Long, ngày 3 tháng 6 năm 2009
GIÁM ĐỐC

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 368/BC-BGDĐT giải trình tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội thảo luận tại các tổ về đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 368/BC-BGDĐT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 05/06/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Phạm Vũ Luận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/06/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản