Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 367/BC-BNN-KTHT

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2011

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ KHẢO SÁT VỀ THỰC HIỆN DI DÂN VÀ HẬU DI DÂN CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN TAM HIỆP, TRUNG QUỐC

Kính gửi:

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La.

 

Được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Công văn số 7309/VPCP-KTN ngày 13/10/2010 của Văn phòng Chính phủ về việc khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất bền vững sau tái định cư tại Dự án nhà máy thủy điện Tam Hiệp, Trung Quốc và nhận lời mời của Văn phòng Ủy ban xây dựng công trình thủy điện Tam Hiệp Quốc vụ viện Trung Quốc;

Đoàn công tác gồm: đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng làm trưởng đoàn đi khảo sát, học tập kinh nghiệm thực hiện hậu di dân, tái định cư tại Dự án nhà máy thủy điện Tam Hiệp - Trung Quốc từ ngày 03/01/2011 đến ngày 09/01/2011; Đoàn đã làm việc với Ủy ban Quốc vụ viện Tam Hiệp, Lãnh đạo chính quyền, Cục di dân thành phố Nghi Xương, chính quyền thị trấn Tam Lầu Bình thuộc thành phố Nghi Xương, Lãnh đạo khu Hợp Xuyên và Sở Ngoại vụ thành phố Trùng Khánh, Đoàn đã tiếp xúc, phỏng vấn một số hộ tái định cư đô thị tại thị trấn Tam Lầu Bình thuộc thành phố Nghi Xương và một số hộ tái định cư nông nghiệp tại thôn Tiến Thất - khu Hợp Xuyên - thành phố Trùng Khánh;

Qua quá trình làm việc với các cơ quan và tiếp xúc với các hộ tái định cư trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả khảo sát, học tập kinh nghiệm của Đoàn về kết quả thực hiện di dân và hậu di dân công trình thủy điện Tam Hiệp - Trung Quốc, với nội dung chủ yếu sau:

I. Khái quát về công trình thủy điện Tam Hiệp, Trung Quốc

Công trình thủy điện Tam Hiệp, Trung Quốc là công trình trọng điểm Quốc gia, có quy mô lớn nhất thế giới và đa mục tiêu. Ngoài ý nghĩa phòng lụt, phát điện và vận chuyển hàng hóa đường thủy, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp; công trình Tam Hiệp còn có ý nghĩa tạo vành đai phát triển kinh tế dọc theo sông Trường Giang góp phần phát triển hiện đại hóa Trung Quốc và có ý nghĩa chiến lược nâng cao sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc, được Trung Quốc đánh giá đây là công trình: “Công tại đương đại. Lợi tại thiên thu”;

Ý tưởng xây dựng công trình Tam Hiệp có từ năm 1919 do Tiến sĩ Tôn Dật Tiên nhà cách mạng dân chủ của Trung Quốc khởi xướng; mặc dù qua một thời gian dài có nhiều sự thay đổi về chế độ nhưng việc chuẩn bị xây dựng công trình vẫn được triển khai. Tháng 3 năm 1949, ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc đã xác định ngay nhiệm vụ xây dựng công trình Tam Hiệp; tháng 3 năm 1958, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định 3 phương châm đối với công trình Tam Hiệp, đó là:

- Vừa tích cực vừa thận trọng;

- Không được làm ngập thành phố Trùng Khánh;

- Mức dâng nước hồ chứa không được quá 200m, đồng thời phải nghiên cứu phương án thấp hơn.

Để chuẩn bị tập dượt xây dựng công trình Tam Hiệp, vào thập kỷ 70 Chính phủ Trung Quốc đã cho xây dựng Nhà máy thủy điện Cát Châu Bá tại thành phố Nghi Xương với công suất 2.715MW nằm ở hạ lưu đập Tam Hiệp 40 km. Năm 1983 Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua kế hoạch xây dựng đập Tam Hiệp. Năm 1992 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc họp tại Bắc Kinh đã thông qua và giao cho Quốc vụ viện thực hiện với 3 mục tiêu cơ bản là:

- Chống lũ cho trung du và hạ du sông Trường Giang;

- Cung cấp nguồn điện;

- Cải thiện điều kiện giao thông đường thủy dài 660km từ Nghi Xương đến Trùng Khánh.

Vào năm 1994, sau 75 năm kể từ khi đề xuất Dự án, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức khởi công xây dựng công trình Tam Hiệp; đến năm 2010 đã hoàn thành lắp đặt 26 tổ máy nổi với công suất lắp máy là 18.200 MW, hàng năm sản xuất được 84,7 tỷ kwh; cộng với 6 tổ máy đang được lắp đặt ngầm dưới đất (dự kiến hoàn thành trong năm 2012) sẽ nâng tổng công suất lắp máy lên 22.400 MW; dung tích hồ chứa 39,3 tỷ m3 nước, di dời toàn bộ 21 thành phố, huyện trong tỉnh Hồ Bắc và thành phố Trùng Khánh, với 1,13 triệu người và 1.630 nhà máy.

II. Về thực hiện di dân và hậu di dân công trình thủy điện Tam Hiệp

1. Vị trí, nguyên tắc thực hiện di dân tái định cư

Công tác di dân tái định cư công trình thủy điện Tam Hiệp được xác định ngang tầm với việc xây dựng nhà máy; Đảng, Quốc vụ viện Trung Quốc xác định: “Sự thành công hay thất bại của công trình thủy điện Tam Hiệp điều chủ chốt là vấn đề di dân. Đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm liên quan đến toàn bộ các vấn đề xã hội, đến tập quán, tâm lý, tâm linh của từng người dân. Nếu tổ chức di dân không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng nhà máy thủy điện Tam Hiệp”. Vì vậy, Đảng, Quốc vụ viện, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Luật di dân công trình thủy điện Tam Hiệp từ năm 1993; đến ngày 21/02/2001 Luật trên đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành gồm 64 Điều, theo những nguyên tắc nhất quán là:

- Dân đến nơi ở mới phải sớm ổn định đời sống, có mức sống bằng và hơn nơi ở cũ;

- Bảo đảm tính bền vững và phát triển (khai thác tiềm năng về lao động và tài nguyên vùng dân đến);

- Trong thực hiện di dân bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai (công khai cả nơi dân phải di dời, cả nơi dân đến tái định cư và mức đền bù để mọi người dân được biết).

2. Giải pháp thực hiện di dân

Để thực hiện những nguyên tắc nhất quán trên, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra 5 giải pháp chính về di dân tái định cư:

- Một là Đảng và Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng và quan tâm lãnh đạo đảm bảo những yếu tố cơ bản để tiến hành thuận lợi trong công tác xây dựng Tam Hiệp. Chính phủ đã ban hành các chính sách phù hợp, tổ chức bộ máy làm công tác di dân tái định cư đủ năng lực từ Trung ương đến cơ sở;

- Hai là kiên trì phương châm di dân là phát triển, luôn điều chỉnh các chính sách thích hợp. Không ngừng tìm kiếm khai thác các lối thoát cho bố trí di dân. Tạo điều kiện cho người dân yên tâm lâu dài ở nơi định cư mới. Phương châm bố trí di dân theo quan điểm lấy dân làm gốc. Đảm bảo đủ đất canh tác, không ngừng cải thiện các điều kiện cho nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng của đất. Kiên trì lợi dụng các ưu thế của nguồn vốn và phát huy các sản phẩm đặc sản của địa phương. Nâng cao năng lực sản xuất và năng lực thích ứng của nền kinh tế thị trường. Nâng cao cơ sở hạ tầng và hoàn thiện các thành phố vùng lòng hồ, đồng thời phát huy tác dụng của cơ cấu thị trường, thu hút nguồn vốn xã hội, phát triển mức thích hợp. Đối với các xí nghiệp phải di dời thì thực hiện không di dời nguyên mẫu mà phải cải thiện và nâng cao, đảm bảo an toàn về môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến phát triển kinh tế khu vực;

- Ba là di dân thực hiện theo pháp lệnh, tăng cường quản lý, không ngừng nâng cao việc sử dụng nguồn vốn di dân có hiệu quả. Tích cực bảo vệ quyền lợi của người dân tái định cư. Bảo đảm công tác di dân theo quỹ đạo của pháp chế. Các cơ cấu quản lý của di dân phải đảm bảo mục tiêu thực hiện được quy hoạch, kế hoạch, nghiệm thu công trình. Xây dựng các chính sách, chế độ và giám sát chất lượng thực hiện các công trình;

- Bốn là thống nhất về tư tưởng trong cả nước, phát huy mạnh mẽ tinh thần xã hội chủ nghĩa. Trong suốt quá trình thực hiện công tác di dân đã kiên trì thực hiện phương châm 16 chữ: “Ưu thế cùng bổ sung, cùng hưởng lợi ích, hợp tác trường kỳ, cùng nhau phát triển”. Phát huy tính ưu việt của xã hội chủ nghĩa kết hợp với quy luật của kinh tế thị trường, phát huy các thành quả chi viện của cả nước, của các ngành thực hiện di dân có hiệu quả nhất;

- Năm là kiên trì phương châm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Hướng dẫn phương thức canh tác trên đất dốc và sườn núi để thay đổi truyền thống canh tác cũ. Dựa trên cơ sở nền kinh tế thị trường để thay đổi nền nông nghiệp truyền thống chuyến sang nền nông nghiệp hiện đại và quy mô hóa. Bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững; bảo vệ tính đa dạng sinh học, xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên trên mặt nước cũng như trên mặt đất đảm bảo vùng lòng hồ phát triển hài hòa về xã hội và môi trường.

3. Cơ cấu tổ chức chỉ đạo điều hành thực hiện công tác di dân và hậu di dân

Công tác di dân xây dựng công trình Tam Hiệp và hậu di dân thực hiện sự lãnh đạo thống nhất, tỉnh (thành phố trực thuộc) phụ trách, lấy huyện là đơn vị quản lý cơ sở;

Ủy ban xây dựng công trình Tam Hiệp Quốc vụ viện là cơ quan chỉ đạo công tác di dân xây dựng công trình Tam Hiệp và hậu di dân;

Cơ quan quản lý di dân Ủy ban xây dựng công trình Tam Hiệp Quốc vụ viện phụ trách công tác di dân xây dựng công trình Tam Hiệp và hậu di dân;

Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Bắc, thành phố Trùng Khánh phụ trách công tác di dân xây dựng công trình Tam Hiệp và hậu di dân trong khu vực hành chính của mình và thiết lập cơ quan quản lý di dân và hậu di dân xây dựng công trình Tam Hiệp;

UBND khu vực, huyện, thị vùng sắp xếp di dân và vùng chứa nước công trình Tam Hiệp phụ trách công tác di dân xây dựng công trình Tam Hiệp và hậu di dân; đồng thời, có thể căn cứ vào nhu cầu để thiết lập cơ quan quản lý di dân xây dựng công trình Tam Hiệp và hậu di dân trong khu vực hành chính của mình.

4. Huy động nguồn vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư tĩnh của dự án phê duyệt tháng 5 năm 1993 là 90,09 tỷ nhân dân tệ (trong đó: vốn đầu tư xây dựng công trình nhà máy là 50,09 tỷ nhân dân tệ) do các biến động về giá cả thay đổi lãi suất ngân hàng và tỷ giá hối đoái, nâng tổng vốn đầu tư lên 180 tỷ nhân dân tệ (trong đó: vốn xây dựng nhà máy khoảng 95 tỷ nhân dân tệ, vốn dành cho di dân khoảng 85 tỷ nhân dân tệ).

Các kênh gây quỹ (chiếm 58% tổng số nhu cầu vốn) được xuất phát từ ba nguồn chủ yếu sau:

- Quỹ xây dựng công trình: theo quyết định của Quốc vụ viện bắt đầu từ năm 1992 trở đi, tất cả mọi hộ dùng lưới điện quốc gia thì phải nộp tiền điện để đóng góp cho quỹ xây dựng công trình Tam Hiệp (trừ những vùng nghèo và điện dùng cho tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp); mỗi kwh điện thu 0,003 nhân dân tệ/hộ, năm 1994 tăng lên 0,004 nhân dân tệ/hộ, từ năm 1996 tăng lên 0,007 nhân dân tệ/hộ;

- Nguồn thu nhập của trạm phát điện Cát Châu Bá: với lượng phát điện bình quân hàng năm là 15,7 tỷ kwh, một phần lợi nhuận của trạm phát điện này được chi cho công trình Tam Hiệp;

- Thu nhập trong thi công Nhà máy thủy điện Tam Hiệp: kể từ khi nhà máy thủy điện bắt đầu phát điện năm 2003, thu nhập tiền điện sẽ dần dần tăng lên và kinh phí dành cho công cuộc kiến thiết hậu kỳ công trình chủ yếu lấy từ nguồn này;

Phần còn lại được vay từ Ngân hàng Phát triển Trung ương, các quỹ tín dụng xuất khẩu ra nước ngoài và các quỹ gây dựng được qua việc phát hành các trái phiếu doanh nghiệp;

Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc còn kêu gọi, yêu cầu các tỉnh, thành phố có tiềm lực kinh tế hỗ trợ thêm 80 tỷ nhân dân tệ để thực hiện di dân; như vậy, tổng vốn đầu tư thực hiện di dân công trình thủy điện Tam Hiệp là 165 tỷ nhân dân tệ;

Nhờ cơ chế huy động nguồn vốn trên, trong suốt thời gian xây dựng, yêu cầu về vốn cho dự án không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân của Trung Quốc, cũng như không làm ảnh hưởng đến các dự án đang trong quá trình phân bổ nguồn vốn khác.

5. Cơ chế quản lý di dân

- Công tác di dân tái định cư được tiến hành trước một bước so với công trình. Kể từ những năm 1990, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra chính sách và giải pháp hữu hiệu thực hiện di dân tái định cư. Chính phủ Trung Quốc cũng đã xây dựng quy chế quản lý vốn di dân tái định cư rất chặt chẽ, trong đó quy định vốn này không được sử dụng vào các mục đích khác, đồng thời thành lập cơ quan giám sát xây dựng thủy điện Tam Hiệp trực thuộc Quốc vụ viện;

- Tổng công ty khai thác Tam Hiệp thống nhất quản lý vốn di dân tái định cư do Nhà nước cấp hàng năm, chuyển vốn di dân theo quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, định mức do Trung ương quy định đến Cục di dân tái định cư các tỉnh, thành phố, huyện, khu. Các Cục di dân tái định cư có trách nhiệm quản lý chặt chẽ nguồn vốn này, đồng thời giải quyết nguồn vốn kịp thời theo tiến độ, kế hoạch đã được duyệt;

- Công tác di dân tái định cư được quản lý theo 3 cấp: Trung ương lãnh đạo thống nhất; các tỉnh chịu trách nhiệm; lấy huyện làm đơn vị quản lý cơ sở.

6. Quản lý và giám sát sử dụng quỹ di dân

- Cơ quan quản lý di dân Ủy ban xây dựng công trình thủy điện Tam Hiệp Quốc vụ viện căn cứ vào quy hoạch sắp xếp di dân xây dựng công trình Tam Hiệp đã phê duyệt, tổ chức xây dựng kế hoạch hàng năm quỹ di dân, trình Quốc vụ viện phê chuẩn;

- Cơ quan quản lý di dân UBND địa phương cấp huyện trở lên hoặc bộ phận phụ trách công tác quản lý di dân tổ chức xây dựng kế hoạch hàng năm quỹ di dân của khu vực hành chính của mình, sau khi được UBND cấp đó phê chuẩn đồng ý trình lên cơ quan quản lý di dân UBND cấp trên phê duyệt;

- Quỹ di dân được hạch toán riêng, gửi trong tài khoản riêng ở Ngân hàng do cơ quan quản lý di dân Ủy ban xây dựng công trình Tam Hiệp Quốc vụ viện hoặc cơ quan quản lý di dân UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc chỉ định. Bộ phận quản lý quỹ di dân của Quốc vụ viện hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc xác định phải căn cứ vào phương án khoán, kế hoạch và tiến độ hàng năm quỹ di dân kịp thời chi quỹ di dân;

- Tiền lãi của thời gian gửi quỹ di dân phải nộp vào quỹ di dân, không được dùng vào việc khác;

- Quỹ di dân được sử dụng trong các hạng mục sau:

+ Bồi thường sắp xếp di dân ở nông thôn;

+ Bồi thường di chuyển xây dựng ở thành thị;

+ Bồi thường di chuyển xây dựng cho các doanh nghiệp;

+ Xây dựng lại các công trình cơ sở hạ tầng;

+ Bảo vệ môi trường;

+ Các hạng mục khác có liên quan đến di dân do cơ quan quản lý di dân Ủy ban xây dựng công trình Tam Hiệp Quốc vụ viện quy định;

- Nhà nước thực hiện chế độ kiểm tra đối với việc quản lý, chi trả và sắp xếp sử dụng quỹ di dân. Thực hiện chế độ kiểm tra trách nhiệm kinh tế vào bất kỳ thời gian nào đối với UBND các địa phương và người phụ trách của cơ quan, bộ phận có liên quan về việc quản lý chi trả và sắp xếp sử dụng quỹ di dân

7. Thành lập quỹ hỗ trợ hậu di dân

- Nhà nước lấy ra một khoản tiền nhất định từ thu nhập giá điện của trạm điện Tam Hiệp thành lập quỹ hỗ trợ thời hậu di dân khu Tam Hiệp, phân chia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc tiếp nhận di dân, dùng để hỗ trợ thời kỳ hậu di dân. Biện pháp cụ thể do các ban ngành liên quan của Quốc vụ viện quy định, thực hiện sau khi trình Quốc vụ viện phê duyệt;

- Phần thuế dành cho địa phương theo quy định của pháp luật thu sau khi trạm điện Tam Hiệp đi vào sản xuất, chia cho UBND tỉnh Hồ Bắc, thành phố Trùng Khánh, dùng để hỗ trợ xây dựng khu hồ chứa Tam Hiệp và bảo vệ môi trường sinh thái. Biện pháp cụ thể do các ban ngành liên quan của Quốc vụ viện quy định, thực hiện sau khi trình Quốc vụ viện phê duyệt.

8. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện di dân tái định cư

Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể của Trung Quốc đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó có chung nhận thức, quan điểm và cùng hành động thực hiện tốt công tác di dân tái định cư. Vì vậy, ngoài phần hỗ trợ được Nhà nước chi trả theo chính sách chung, hầu hết các hộ tái định cư đều đóng góp công sức, tiền của của mình để làm nhà, mở mang cải tạo ruộng đất, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và yên tâm tái định cư trên quê hương mới.

9. Thực hiện chính sách di dân

+ Công tác bồi thường (về đất đai, cây trồng, nhà ở và các tài sản bị thiệt hại khác), hỗ trợ (như: san ủi mặt bằng xây dựng nhà ở, lương thực ăn trong 1 năm với mức 300kg/người) để thực hiện di dân tái định cư công trình thủy điện Tam Hiệp được Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm chỉ đạo, đảm bảo cho người dân tái định cư không bị thiệt thòi; đồng thời, thực hiện công khai cả nơi dân phải di dời, cả nơi dân đến tái định cư và mức đền bù, hỗ trợ để mọi người dân tái định cư được biết;

+ Hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, như: điện, đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, các công trình công cộng được đầu tư đồng bộ và thực hiện hoàn thành trước khi chuyển dân đến tái định cư, đáp ứng được nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất và ổn định đời sống của người dân;

+ Ngoài ra, người dân tái định cư còn được Nhà nước cấp đất ở, vườn là 80m2/người, đất sản xuất tối thiểu 1,5 mẫu/người (mỗi mẫu = 666m2); hỗ trợ làm nhà ở (tại thời điểm năm 1992 là: 180 nhân dân tệ/m2 xây dựng nhà kiên cố, 80 nhân dân tệ/m2 xây dựng nhà bán kiên cố, đối với những hộ nghèo ngoài được hưởng chính sách hỗ trợ làm nhà theo quy định thì Nhà nước còn áp dụng chính sách riêng để giúp các hộ đó làm nhà ở); miễn một số loại thuế; khuyến khích và hỗ trợ 1.000 nhân dân tệ/hộ cho những hộ dân thực hiện xây dựng hầm Bioga; mua Bảo hiểm xã hội trong 20 năm với kinh phí là 17.000 đến 18.000 nhân dân tệ/người và được hưởng chế độ hưu khi nữ đủ 50 tuổi và nam đủ 60 tuổi và được hỗ trợ 600 nhân dân tệ/người/năm trong 20 năm tính từ khi người tái định cư di chuyển đến nơi ở mới;

+ Đối với những lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề và giới thiệu việc làm... ; qua khảo sát thực tế cho thấy: Chính phủ Trung Quốc đã tạo nguồn vốn nhất định để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho những người tái định cư trong 18 năm qua, từ năm 1993 đến năm 2010 (như: một số hộ tái định cư tại thị trấn Tam Lầu Bình thuộc thành phố Nghi Xương và tại thôn Tiến Thất - khu Hợp Xuyên - thành phố Trùng Khánh, trước đây đều là hộ sản xuất nông nghiệp; sau khi thực hiện di dân tái định cư công trình thủy điện Tam Hiệp, được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, đến nay các lao động trên đều có việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp, có thu nhập ổn định, cuộc sống về vật chất và tinh thần tốt hơn nơi ở cũ) và tiếp tục có chính sách hỗ trợ đào tạo lâu dài cho những người tái định cư trong những năm tiếp theo (giai đoạn 2011 - 2020);

+ Để tạo điều kiện phát triển sản xuất cho người dân tái định cư nông nghiệp, Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện lựa chọn khu đất sản xuất có chất lượng tốt để giao cho người dân; đối với những nơi đất xấu thì được cải tạo thuần thục trước khi giao cho người dân và người dân được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; trường hợp đất sản xuất đã cải tạo và giao cho dân mà người dân sản xuất kém hiệu quả và có ý kiến phản ánh lên, thì Nhà nước có chính sách tiếp tục cải tạo diện tích khu đất đó đảm bảo chất lượng tốt để giao lại cho người dân phát triển sản xuất;

+ Đất canh tác dùng để xây nhà ở cho di dân nông thôn, được miễn trưng thu thuế chiếm dụng đất canh tác. Đất canh tác dùng để xây dựng khu ngập nước và khu đập công trình Tam Hiệp, trưng thu thuế chiếm dụng đất canh tác bằng 40% mức thuế phải nộp. Đất canh tác dùng để xây dựng lại cơ sở hạ tầng và thành thị, đơn vị sự nghiệp doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước phải nộp thuế chiếm dụng đất canh tác. Toàn bộ thuế chiếm dụng đất canh tác thu được dùng để sắp xếp di dân nông thôn khu hồ chứa Tam Hiệp;

+ Các ban ngành hữu quan của Quốc vụ viện và các tỉnh, thành phố trực thuộc có liên quan phải theo nguyên tắc bổ sung cho nhau, cùng có lợi, hợp tác lâu dài, cùng phát triển; áp dụng nhiều hình thức khuyến khích các doanh nghiệp đến khu Tam Hiệp đầu tư xây dựng nhà máy và trực tiếp giúp đỡ di dân khu hồ chứa Tam Hiệp về các mặt như: giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nhân tài, quản lý, thông tin, vật tư…;

+ Các công trình xây dựng của Nhà nước ở khu hưởng lợi từ công trình Tam Hiệp và khu hồ chứa Tam Hiệp phải ưu tiên tạo việc làm cho người dân tái định cư;

+ Nhà nước giảm, miễn thuế nông nghiệp, thuế đặc sản nông nghiệp, thuế doanh thu doanh nghiệp đối với đất đai di dân nông thôn khai phá và doanh nghiệp mới thành lập;

+ Ngoài những chính sách trên do Chính phủ Trung Quốc ban hành, thì các địa phương có dân đến tái định cư còn có thêm những chính sách riêng để thực hiện hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân tái định cư phát triển sản xuất với sản lượng cao hơn, chất lượng tốt hơn và có tính cạnh tranh cao trên thị trường, nhằm giúp người dân tái định cư nâng cao thu nhập, ổn định đời sống lâu dài, bền vững và tiến tới làm giàu trên quê hương mới;

+ Sau 18 năm (1993-2010) thực hiện hoàn thành công tác di dân tái định cư, đến nay đã có 30% số dân tái định cư có cuộc sống cả về vật chất và tinh thần tốt hơn nơi ở cũ, 50% số dân tái định cư có cuộc sống cả về vật chất và tinh thần bằng nơi ở cũ và 20% số dân tái định cư có cuộc sống cả về vật chất và tinh thần thấp hơn nơi ở cũ.

10. Thực hiện chính sách hậu di dân

a) Chính sách hậu di dân: để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống của người dân vùng tái định cư công trình thủy điện Tam Hiệp, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đầu tư cho giai đoạn hậu tái định cư theo một số chính sách sau:

- Tiếp tục mua Bảo hiểm xã hội cho những người tái định cư trong thời gian 20 năm theo quy định;

- Tiếp tục hỗ trợ 600 tệ/năm/người trong thời gian 20 năm (50 tệ/tháng/người) theo quy định;

- Đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng đã xuống cấp sau 18 năm thực hiện di dân và đầu tư xây dựng những công trình mới cần thiết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư;

- Hỗ trợ cải tạo đất sản xuất xấu thành đất sản xuất tốt (cải tạo đến khi đất thuần thục) để giao cho người dân tái định cư nông nghiệp;

- Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp vùng cho các hộ tái định cư,

- Đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho những người tái định cư có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp;

- Miễn, giảm một số loại thuế sản xuất kinh doanh cho người dân tái định cư phi nông nghiệp;

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng tái định cư bằng các hình thức như: hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, vay vốn ưu đãi, miễn giảm một số loại thuế...;

..........................................................................................................................................

b) Nguồn vốn thực hiện chính sách hậu di dân:

Chính phủ Trung Quốc đã tính toán tổng vốn thực hiện chính sách hậu di dân trên là 120 tỷ nhân dân tệ trong 10 năm (giai đoạn 2011-2020); số vốn trên được trích từ thu nhập giá điện hàng năm của công trình thủy điện Tam Hiệp (0,005 nhân dân tệ/kwh, 0,003 nhân dân tệ/m3 nước) và phần thuế dành cho địa phương theo quy định của pháp luật.

III. Đánh giá chung

Công trình thủy điện Tam Hiệp có quy mô lớn nhất Trung Quốc và thế giới và được nghiên cứu hết sức công phu, tỷ mỷ, khoa học với thời gian dài trên 70 năm. Qua khảo sát, học tập nghiên cứu, Đoàn công tác đánh giá chung như sau:

- Công trình thủy điện Tam Hiệp có ý nghĩa to lớn nhằm đạt được các lợi ích kinh tế và xã hội nổi bật, cùng với sự cải thiện rõ rệt môi trường địa phương; đồng thời, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội dài hạn của Trung Quốc;

- Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác tổ chức di dân, đảm bảo ổn định đời sống của người dân và phát triển kinh tế các vùng tái định cư; do đó hệ thống chỉ đạo và tổ chức thực hiện Dự án được hình thành thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa Ủy ban xây dựng công trình thủy điện Tam Hiệp Quốc vụ viện Trung Quốc và các cấp chính quyền địa phương có liên quan;

- Hệ thống các văn bản về cơ chế, chính sách thực hiện di dân Dự án thủy điện Tam Hiệp được xây dựng và ban hành đồng bộ, phù hợp lòng dân, đảm bảo cho người dân tái định cư theo hướng phát triển, được nhân dân đồng tình ủng hộ;

- Huy động được mọi người dân trong cả nước tham gia đóng góp vào việc xây dựng công trình Tam Hiệp thông qua phụ thu từ mỗi kwh/hộ sử dụng điện để lập quỹ Quốc gia tạo nguồn vốn xây dựng công trình; đồng thời, kêu gọi, yêu cầu các địa phương có tiềm lực kinh tế có trách nhiệm giúp đỡ những địa phương có dân phải di dời tái định cư theo hướng phát triển;

- Bảo đảm tính đồng bộ các mặt hoạt động để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược đề ra trong quá trình xây dựng công trình Tam Hiệp. Chính quyền các địa phương từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách của Chính phủ, đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai;

- Các vùng tái định cư được quy hoạch tỷ mỷ, chi tiết; đồng thời, hoàn thành xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng (như: điện, đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, các công trình công cộng ...) và điều kiện sản xuất mới đưa dân đến, nên đáp ứng được nhu cầu đi lại, sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế và ổn định đời sống của các hộ tái định cư;

- Việc thực hiện chính sách hậu tái định cư công trình thủy điện Tam Hiệp đã được Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm và tiếp tục đầu tư với số vốn lớn (120 tỷ nhân dân tệ trong 10 năm, giai đoạn 2011-2020); số vốn này được trích từ thu nhập giá điện hàng năm của công trình thủy điện Tam Hiệp (0,005 nhân dân tệ/kwh, 0,003 nhân dân tệ/m3 nước) và phần thuế dành cho địa phương theo quy định của pháp luật.

Kết quả khảo sát trên là những nội dung và cơ sở thực tiễn cần được nghiên cứu, xem xét vào điều kiện thực tế, cụ thể của nước ta và tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện, bền vững cho các xã có điểm tái định cư và các hộ tái định cư trong nhiều năm sau tái định cư Dự án thủy điện Sơn La trong thời gian tới.

IV. Một số đề xuất, kiến nghị

Với những kinh nghiệm, khảo sát, học tập được từ công tác di dân tái định cư xây dựng công trình thủy điện Tam Hiệp - Trung Quốc. Đồng thời, để tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện, bền vững cho các xã có điểm tái định cư và các hộ tái định cư trong nhiều năm sau tái định cư Dự án thủy điện Sơn La, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 775/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 20/4/2009; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù trên theo một số định hướng sau:

- Về nguồn vốn để thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện, bền vững trong nhiều năm sau tái định cư Dự án thủy điện Sơn La:

+ Trích từ thu nhập giá điện hàng năm của nhà máy thủy điện Sơn La (500 đồng/kwh) và từ thuế tài nguyên nước (300 đồng/m3 nước) để lập quỹ;

+ Kế hoạch hỗ trợ đầu tư hàng năm do UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu lập, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định làm cơ sở để Bộ Tài chính chuyển kinh phí cho các tỉnh thực hiện.

- Về định hướng nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện, bền vững trong nhiều năm sau tái định cư Dự án thủy điện Sơn La:

+ Mua bảo hiểm xã hội cho người dân tái định cư tính từ thời điểm di chuyển đến nơi ở mới, để người dân tái định cư được hưởng chế độ hưu khi nữ đủ 55 tuổi và nam đủ 60 tuổi;

+ Hỗ trợ mỗi nhân khẩu tái định cư hợp pháp một khoản kinh phí phù hợp trong thời gian 10 năm để tái sản xuất sức lao động;

+ Đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng đã xuống cấp sau khi thực hiện hoàn thành di dân, cũng như đầu tư xây dựng một số công trình mới cần thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư. Đặc biệt là đầu tư các trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao để hỗ trợ cho các hộ tái định cư nông nghiệp phát triển sản xuất;

+ Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao và chuyển giao công nghệ cho các hộ tái định cư nông nghiệp;

+ Khai thác quỹ đất có khả năng sản xuất và hỗ trợ cải tạo thuần thục những khu đất sản xuất xấu thành đất sản xuất tốt cho các hộ tái định cư nông nghiệp phát triển sản xuất;

+ Hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho những lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp;

+ Miễn, giảm một số loại thuế sản xuất kinh doanh đối với những hộ tái định cư phi nông nghiệp;

+ Hỗ trợ (xây dựng nhà xưởng, vay vốn ưu đãi, miễn giảm một số loại thuế...) cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại các vùng tái định cư, để thúc đẩy người dân tái định cư phát triển sản xuất với sản lượng cao, chất lượng tốt và có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La kết quả khảo sát về thực hiện di dân và hậu di dân công trình thủy điện Tam Hiệp - Trung Quốc và xin ý kiến chỉ đạo tiếp./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TC, KH&ĐT. CT;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- UBND các tỉnh: Sơn La, Điện Biên;
- Lưu: VT, KTHT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hồ Xuân Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 367/BC-BNN-KTHT kết quả khảo sát thực hiện di dân và hậu di dân công trình thủy điện Tam Hiệp, Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 367/BC-BNN-KTHT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/02/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hồ Xuân Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản