Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/BC-BTTTT | Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2011 |
Nhằm thực hiện tốt Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới nâng cao năng suất lao động, thực hành tiết kiệm, ngày 03/12/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước (Chỉ thị). Thực hiện nhiệm vụ được giao về việc đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị, ngày 23/02/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 476/BTTTT-ƯDCNTT gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đôn đốc các cơ quan đẩy mạnh triển khai các nội dung Chỉ thị và đề nghị báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị, ngày 28/10/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông có Công văn số 3609/BTTTT- ƯDCNTT gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đánh giá tình hình ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước năm 2010 trong đó có nội dung sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được báo cáo của 28 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Căn cứ các báo cáo nhận được, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp và báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị như sau:
I. Đánh giá chung về hiện trạng ứng dụng hệ thống thư điện tử trong các cơ quan nhà nước
1. Các điều kiện bảo đảm triển khai hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước
a) Về hạ tầng kỹ thuật:
Hiện nay, hầu hết các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đến cấp đơn vị trực thuộc đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã tận dụng cơ sở hạ tầng CNTT hiện có để triển khai hệ thống thư điện tử. Trong đó, tỷ lệ các đơn vị đã triển khai hệ thống thư điện tử trong công việc tương đối cao, đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đạt 90%; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt tỷ lệ trung bình khoảng 93% (mô tả ở hình 1).
Hình 1. Tỷ lệ các cơ quan đã xây dựng hệ thống thư điện tử
Mặc dù số đơn vị triển khai hệ thống thư điện tử tương đối cao, tuy nhiên do đã được đầu tư từ lâu, hoặc do kinh phí đầu tư hạn chế, nên tại nhiều đơn vị hạ tầng CNTT chưa bảo đảm các nhu cầu công việc. Cụ thể, theo báo cáo, 35% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (đến cấp đơn vị trực thuộc), 47% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) báo cáo hạ tầng CNTT chưa đáp ứng nhu cầu ứng dụng thư điện tử trong công việc, cụ thể như: chất lượng kết nối Internet băng rộng không ổn định (mất tín hiệu, chậm), nhiều đơn vị chưa kết nối mạng diện rộng WAN, các mạng cục bộ (LAN), máy tính của các cán bộ, công chức lạc hậu, cấu hình thấp (Mô tả ở hình 2).
Hình 2. Tỷ lệ các cơ quan có hạ tầng CNTT chưa bảo đảm triển khai hệ thống thư điện tử theo nhu cầu công việc
Đối với các cơ quan đã triển khai sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc, việc tạo lập hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức đã được quan tâm. Do đó, tỷ lệ cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử sử dụng trong công việc tương đối cao, trung bình đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (đến cấp đơn vị trực thuộc) đạt tỷ lệ 85%; với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) đạt tỷ lệ 75% (tỷ lệ cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử tại các cơ quan được nêu chi tiết trong Bảng 1, Bảng 4 của Phụ lục). Một số cơ quan tiêu biểu, cung cấp hộp thư điện tử cho 100% cán bộ, công chức như các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông,...; các tỉnh như: Thái Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hưng Yên. Bên cạnh đó vẫn còn một số cơ quan chưa đủ điều kiện tạo lập hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức của đơn vị mình, như tại tỉnh Phú Yên có 9% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước sử dụng hộp thư điện tử có tên miền phuyen.gov.vn, trên 50% cán bộ, công chức sử dụng các hộp thư điện tử có tên miền khác, một số tỉnh như Hà Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang hệ thống thư điện tử vẫn đang trong quá trình xây dựng và thử nghiệm nên số lượng cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử chính thức của cơ quan còn nhiều hạn chế.
Hình 3: Tỷ lệ cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử
Song song với việc xây dựng hệ thống thư điện tử, một số cơ quan đã bắt đầu chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống thư điện tử. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (đến cấp đơn vị trực thuộc) có đến 90% hệ thống thư điện tử được trang bị phần mềm quét, lọc thư rác; Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) tỷ lệ này là 63%.
Hình 4: Tỷ lệ các cơ quan đã trang bị phần mềm quét, lọc thư rác cho hệ thống thư điện tử
Các phần mềm chống thư rác được sử dụng như Mailclean Antispam & Antivirus theo công nghệ mã nguồn mở, phần mềm Untispam Symantec, Mdaemon SecurityPlus Unlimited, Antispam Gateway; các phần mềm phòng, chống virut được sử dụng như Symantec, Endpoin Protection, Kapersky,... Bên cạnh đó, một số cơ quan đã đầu tư các thiết bị tường lửa, hệ thống lưu trữ, sao lưu dự phòng dữ liệu, hệ thống máy chủ thư điện tử như SAN, UPS, Storage, máy chủ dự phòng, NetApp FAS 2020,... Một số đơn vị có cán bộ theo dõi và quản lý hệ thống thư điện tử 24/24h trong ngày, xử lý ngay khi có sự cố để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, liên tục, như tại tỉnh Quảng Ninh cán bộ theo dõi 24/24h trong ngày; tại tỉnh Hà Nam định kỳ 3 ngày sao lưu số liệu thư điện tử toàn tỉnh; tại tỉnh Vĩnh Phúc dữ liệu được sao lưu hàng ngày. Một số đơn vị điển hình trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống thư điện tử như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao,...; các tỉnh, thành phố như: Kon Tum, An Giang, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nam.
Bên cạnh các cơ quan đã chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thư điện tử, nhiều cơ quan vẫn chưa thực hiện tốt công tác này. Các hệ thống tường lửa đang sử dụng chủ yếu là hệ thống tường lửa sẵn có của hệ điều hành, phần mềm diệt virut chủ yếu là phần mềm miễn phí. Theo thống kê, có 29% các Bộ, cơ quan ngang Bộ (đến cấp đơn vị trực thuộc), 50% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) chưa ban hành văn bản quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Có đến 10% các Bộ, cơ quan ngang Bộ (đến cấp đơn vị trực thuộc), 27% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) chưa đầu tư, trang bị phần mềm quét, lọc thư rác cho hệ thống thư điện tử.
Hình 5: Tỷ lệ các cơ quan chưa ban hành văn bản bảo đảm an toàn, an ninh thông tin
b) Về nguồn nhân lực CNTT:
Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thành thạo hệ thống thư điện tử trong công việc ngày càng cao. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (đến cấp đơn vị trực thuộc) đạt tỷ lệ trung bình khoảng 85%; đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) đạt tỷ lệ trung bình khoảng 65%. Điển hình tại một số cơ quan, gần 100% cán bộ, công chức sử dụng thành thạo hệ thống thư điện tử trong công việc như các Bộ: Giáo dục và Đào tạo (100%), Công Thương (99%), Thanh tra Chính phủ (100%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (100%), Thông tin và Truyền thông (100%); các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng (100%), Bình Phước (100%), Bạc Liêu (95%), Thanh Hóa (100%),.... Một số đơn vị đã tổ chức nhiều khóa đào tạo tin học, trong đó có nội dung về quản lý, sử dụng thư điện tử cho cán bộ, công chức toàn hệ thống, điển hình như tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỉnh Đồng Tháp.
Hình 6: Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thành thạo hệ thống thư điện tử
Mặc dù phần lớn cán bộ, công chức có kỹ năng sử dụng thư điện tử trong công việc, tuy nhiên chính yếu tố con người vẫn là cản trở chính trong việc ứng dụng hiệu quả hệ thống thư điện tử trong công việc, với các nguyên nhân chính sau:
- Người đứng đầu tại một số đơn vị chưa có sự chỉ đạo quyết liệt nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống thư điện tử trong công việc, chưa gương mẫu sử dụng thư điện tử trong công tác quản lý, điều hành.
- Nhiều cán bộ, công chức chưa có thói quen ứng dụng CNTT trong công việc, ngại thay đổi lề lối làm việc.
- Chưa có chính sách khuyến khích, đãi ngộ cán bộ chuyên trách về CNTT phù hợp, nên đội ngũ cán bộ chuyên trách, chuyên gia CNTT trong các cơ quan nhà nước còn thiếu và yếu, khó đáp ứng nhiệm vụ duy trì hoạt động, phát triển các hệ thống thông tin, hướng dẫn, đào tạo các cán bộ, công chức ứng dụng CNTT.
c) Về môi trường pháp lý:
Có thể nói trong thời gian qua nhiều văn bản của Nhà nước được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng CNTT nói chung và ứng dụng hệ thống thư điện tử trong các cơ quan nhà nước nói riêng. Cụ thể, ở tầm vĩ mô, Luật Giao dịch điện tử, Luật CNTT, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP đã có những quy định nhằm bảo đảm tính pháp lý, khuyến khích trao đổi chia sẻ, thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước qua môi trường mạng; tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008, giai đoạn 2009-2010 và giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008; Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009, Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010), đều xác định rõ một trong các nhiệm vụ quan trọng nhằm ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước chính là ứng dụng hệ thống thư điện tử. Đặc biệt, ngày 03/12/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp, các cán bộ, công chức trong việc bảo đảm các điều kiện, tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc.
Ngày 09/7/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 2125/BTTTT-ƯDCNTT gửi các Bộ, ngành, địa phương nhằm hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan nhà nước thực hiện Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đã hướng dẫn khung nội dung quy chế sử dụng hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước để các cơ quan tham khảo xây dựng quy chế riêng của mình, đây là nội dung quan trọng, giúp các cơ quan nhà nước xây dựng các quy định, quy chế cụ thể để ứng dụng hệ thống thư điện tử trong công việc.
Trên cơ sở các văn bản ở trên, cho đến nay, phần lớn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các văn bản nhằm tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử. Cụ thể, 86% các Bộ, cơ quan ngang Bộ (đến cấp đơn vị trực thuộc), 82% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) đã xây dựng quy chế sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước theo Công văn hướng dẫn số 2125/BTTTT-ƯDCNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, tiêu biểu như các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Tư pháp, Giao thông vận tải,...; các tỉnh, thành phố như: Tiền Giang, Kon Tum, Bà Rịa –Vũng Tàu, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Cần Thơ,...
Hình 7: Tỷ lệ các cơ quan đã ban hành quy định về quản lý, sử dụng hệ thống thư điện tử
Bên cạnh việc xây dựng quy chế quy định về quản lý, sử dụng hệ thống thư điện tử, các cơ quan còn ban hành văn bản quy định về quy trình trao đổi, xử lý văn bản điện tử trong nội bộ cơ quan và các đơn vị trực thuộc. Cụ thể như: 71% các Bộ, cơ quan ngang Bộ (đến cấp đơn vị trực thuộc), 53% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) đã ban hành văn bản quy định về quy trình trao đổi, xử lý văn bản điện tử trong nội bộ cơ quan và các đơn vị trực thuộc. Điều này làm tăng lượng giấy tờ, văn bản trao đổi qua hệ thống thư điện tử, làm giảm bớt chi phí, thời gian chuyển văn bản.
Hình 8: Tỷ lệ các cơ quan đã ban hành văn bản quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trong nội bộ các cơ quan.
Bên cạnh các cơ quan đã ban hành nhiều loại văn bản thúc đẩy, khuyến khích tăng cường sử dụng thư điện tử trong công việc thì vẫn còn một số cơ quan chưa xây dựng, ban hành các văn bản cần thiết nhằm thúc đẩy sử dụng hệ thống thư điện tử, cụ thể còn 14% các Bộ, cơ quan ngang Bộ (đến cấp đơn vị trực thuộc), 18% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) chưa ban hành quy chế sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của mình. Điều này làm giảm đáng kể hiệu quả ứng dụng thư điện tử trong công việc, vì nếu không có những quy định cụ thể, xác định rõ quy trình, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai hệ thống thư điện tử thì việc ứng dụng thư điện tử nặng về tự giác, phong trào.
2. Hiệu quả sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc
Nhìn chung các cán bộ, công chức đã thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (đến cấp đơn vị trực thuộc) đạt tỷ lệ trung bình khoảng 79%; đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) đạt tỷ lệ trung bình khoảng 62% (tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc của các cơ quan được nêu chi tiết trong các Bảng 2, Bảng 5 trong Phụ lục). Điển hình tại một số cơ quan, phần lớn cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc như các Bộ: Giáo dục và Đào tạo (100%), Ngoại giao (90%), Công Thương (90%), Thông tin và Truyền thông (100%); các tỉnh, thành phố như: Hà Nội (100%), Đà Nẵng (100%), Bình Thuận (94%), Bà Rịa – Vũng Tàu (90%), Lâm Đồng (90%), Bắc Giang (85%).
Hình 9: Tỷ lệ CBCC thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc
Trong quy chế sử dụng hệ thống thư điện tử do các cơ quan nhà nước ban hành thường quy định rõ danh mục các văn bản, tài liệu được gửi, nhận qua hệ thống thư điện tử. Các văn bản, tài liệu thường được quy định bắt buộc gửi, nhận qua hệ thống thư điện tử gồm: Lịch công tác, giấy mời họp, thông báo, báo cáo tuần, tháng, quý, dự thảo văn bản, các tài liệu trao đổi phục vụ công việc, tài liệu phục vụ các cuộc họp, những văn bản gửi đến những cơ quan để biết, để báo cáo. Trong thực tế, các loại văn bản được gửi, nhận nhiều nhất qua hệ thống thư điện tử là: Công văn, báo cáo, giấy mời họp, thông báo, văn bản trao đổi công việc không thuộc dạng mật.
Tuy nhiên, tỷ lệ văn bản được trao đổi qua hệ thống thư điện tử nói chung vẫn còn thấp, nhiều văn bản vẫn phải gửi đồng thời qua cả 2 đường: văn bản điện tử qua thư điện tử, văn bản giấy qua văn thư. Theo thống kê, tỷ lệ trung bình văn bản được gửi qua thư điện tử đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (đến cấp đơn vị trực thuộc) đạt khoảng 40%; đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) đạt khoảng 30% (tỷ lệ văn bản được trao đổi qua hệ thống thư điện tử tại các cơ quan được nêu chi tiết trong các Bảng 3, Bảng 6 trong Phụ lục). Một số đơn vị điển hình trong việc trao đổi văn bản qua hệ thống thư điện tử là: Bộ Thông tin và Truyền thông (100%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (80%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (75%), Bộ Xây dựng (100% đối với cơ quan Bộ); các tỉnh: Thái Nguyên (75%), Yên Bái (85%), Thanh Hóa (70%), Hậu Giang (75%).
Hình 10: Tỷ lệ văn bản được trao đổi qua hệ thống thư điện tử
II. Đánh giá chung tình hình thực hiện Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg
Căn cứ tổng hợp tình hình sử dụng hệ thống thư điện tử trong các cơ quan nhà nước như ở trên, có thể thấy rằng đa số các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có những nỗ lực, nghiêm túc trong việc thực hiện Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống thư điện tử đã được sử dụng rộng rãi trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, bước đầu đã làm tăng năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, tiết kiệm chi phí. Có thể điểm qua những kết quả chính đã đạt được so với những nội dung Chỉ thị đề ra, đó là:
- Bước đầu đã bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho triển khai hệ thống thư điện tử trong các cơ quan nhà nước; nhiều cán bộ, công chức đã được cung cấp hộp thư điện tử để sử dụng.
- Phần lớn cơ quan nhà nước đã ban hành quy chế về quản lý, sử dụng hệ thống thư điện tử, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cán bộ, công chức khi sử dụng thư điện tử trong công việc.
- Nhiều văn bản đã được các cơ quan nhà nước trao đổi qua hệ thống thư điện tử, bước đầu minh chứng rõ hiệu quả của việc sử dụng thư điện tử, tạo lòng tin, quyết tâm sử dụng thư điện tử trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn bộc lộ rõ các hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới đó là:
- Hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa bảo đảm nhu cầu thực tế công việc. Đặc biệt là vấn đề an toàn, an ninh thông tin.
- Một số cơ quan chưa xây dựng quy chế về quản lý, sử dụng hệ thống thư điện tử, hoặc đã xây dựng nhưng chưa quy định rõ quy trình công việc khi ứng dụng thư điện tử, các loại văn bản bắt buộc được gửi qua hệ thống thư điện tử.
- Nhiều lãnh đạo cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức chưa có ý thức, quyết tâm sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc.
Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan và đánh giá chung về tình hình thực hiện Chỉ thị, Bộ Thông tin và Truyền thông xin đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nội dung nhằm tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Cụ thể:
1. Trong các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước các cấp, cần xác định rõ mục tiêu, nội dung triển khai hệ thống thư điện tử trong công việc.
2. Nâng cấp, mở rộng hạ tầng kỹ thuật bảo đảm ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung và ứng dụng hệ thống thư điện tử nói riêng. Chú trọng vấn đề an toàn, an ninh thông tin, đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước.
3. Xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp trong việc triển khai ứng dụng CNTT tại cơ quan mình.
4. Tăng cường công tác đào tạo CNTT cho cán bộ, công chức nhà nước các cấp. Đồng thời ban hành các quy định, quy chế có tính bắt buộc ứng dụng CNTT nói chung và sử dụng thư điện tử nói riêng nhằm nâng cao năng suất lao động, thực hành tiết kiệm.
5. Có cơ chế chính sách phù hợp nhằm bảo đảm thu hút đủ nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ quan chuyên trách CNTT các cấp.
Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông kính trình./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
CÁC BẢNG SỐ LIỆU HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG HỆ THỐNG THƯ ĐIỆN TỬ TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Báo cáo số 22/BC-BTTTT ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông)
Bảng 1: Tỷ lệ cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử sử dụng trong công việc
STT | Tên Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ | Tỷ lệ CBCC được cung cấp hộp thư điện tử sử dụng trong công việc |
1 | Bộ Giáo dục và Đào tạo | 100% |
2 | Bộ Khoa học và Công nghệ | 100% |
3 | Bộ Ngoại giao | 100% |
4 | Bộ Tư pháp | 100% |
5 | Bộ Nội vụ | 100% |
6 | Bộ Thông tin và Truyền thông | 100% |
7 | Thanh tra Chính phủ | 100% |
8 | Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội | 92% |
9 | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | 91% |
10 | Bộ Công Thương | 90% |
11 | Bộ Giao thông vận tải | 83% |
12 | Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam | 83% |
13 | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | 82% |
14 | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | 80% |
15 | Bộ Tài chính | 80% |
16 | Bộ Y tế | 80% |
17 | Ủy ban Dân tộc | 80% |
18 | Bộ Xây dựng | 80% |
19 | Bảo hiểm xã hội Việt Nam | 74% |
20 | Bộ Tài nguyên và Môi trường | 66% |
21 | Đài Truyền hình Việt Nam | 60% |
22 | Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch | 60% |
23 | Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh | 50% |
24 | Thông tấn xã Việt Nam | 40% |
25 | Bộ Quốc phòng | 10% |
26 | Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh | Chưa có hệ thống thư điện tử |
27 | Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam | Chưa có hệ thống thư điện tử |
Bảng 2: Tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc
STT | Tên Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ | Tỷ lệ CBCC thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc |
1 | Thông tấn xã Việt Nam | 100% |
2 | Bộ Giáo dục và Đào tạo | 100% |
3 | Bộ Thông tin và Truyền thông | 100% |
4 | Đài Truyền hình Việt Nam | 90% |
5 | Bộ Công Thương | 90% |
6 | Bộ Ngoại giao | 90% |
7 | Bộ Giao thông vận tải | 87% |
8 | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông | 86% |
9 | Bộ Tư pháp | 83% |
10 | Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội | 83% |
11 | Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam | 83% |
12 | Bộ Tài chính | 80% |
13 | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | 80% |
14 | Bộ Nội vụ | 80% |
15 | Bộ Khoa học và Công nghệ | 80% |
16 | Bộ Y tế | 80% |
17 | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | 80% |
18 | Bộ Xây dựng | 80% |
19 | Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh | 80% |
20 | Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam | 80% |
21 | Bộ Tài nguyên và Môi trường | 75% |
22 | Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch | 60% |
23 | Ủy ban Dân tộc | 60% |
24 | Bảo hiểm xã hội Việt Nam | 50% |
25 | Bộ Quốc phòng | 30% |
26 | Thanh tra Chính phủ | 30% |
27 | Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh | Còn hạn chế |
Bảng 3: Ước lượng tỷ lệ văn bản được trao đổi qua hệ thống thư điện tử
Xếp hạng | Tên Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ | Ước lượng tỷ lệ văn bản được trao đổi qua hệ thống thư điện tử |
1 | Bộ Thông tin và Truyền thông | 100% |
2 | Bộ Xây dựng | 100% |
3 | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | 80% |
4 | Bộ Giáo dục và Đào tạo | 75% |
5 | Bộ Tư pháp | 75% |
6 | Bộ Khoa học và Công nghệ | 70% |
7 | Bộ Ngoại giao | 70% |
8 | Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh | 70% |
9 | Đài Truyền hình Việt Nam | 70% |
10 | Bộ Nội vụ (tại khối cơ quan Bộ) | 60% |
11 | Bộ Công Thương | 50% |
12 | Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội | 45% |
13 | Thanh tra Chính phủ | 40% |
14 | Bộ Giao thông vận tải | 40% |
15 | Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam | 35% |
16 | Bộ Y tế | 30% |
17 | Bộ Tài chính (tại trụ sở Bộ) | 30% |
18 | Ủy ban Dân tộc | 30% |
19 | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | 25% |
20 | Bảo hiểm xã hội Việt Nam | 10% |
21 | Bộ Quốc phòng | 5% |
22 | Thông tấn xã Việt Nam | Chưa báo cáo |
23 | Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh | Chưa báo cáo |
24 | Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam | Chưa báo cáo |
II. Hiện trạng sử dụng hệ thống thư điện tử tại các địa phương (thống kê đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện)
Bảng 4: Tỷ lệ cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử sử dụng trong công việc
STT | Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Tỷ lệ CBCC được cung cấp hộp thư điện tử sử dụng trong công việc
|
1 | Bắc Ninh | 100% |
2 | Bình Thuận | 100% |
3 | Đà Nẵng | 100% |
4 | Hải Phòng | 100% |
5 | Hà Nam | 100% |
6 | Hưng Yên | 100% |
7 | Nghệ An | 100% |
8 | Thái Bình | 100% |
9 | Thái Nguyên | 100% |
10 | Thanh Hóa | 100% |
11 | Thừa Thiên Huế | 100% |
12 | Bắc Kạn | 100% |
13 | Bắc Giang | 99% |
14 | Bà Rịa- Vũng Tàu | 98% |
15 | Quảng Bình | 95% |
16 | Ninh Bình | 95% |
17 | Long An | 95% |
18 | Quảng Ngãi | 95% |
19 | TP Hồ Chí Minh | 91.6% |
20 | Khánh Hòa | 91% |
21 | Cần Thơ | 90% |
22 | Đắk Lắk | 90% |
23 | Tây Ninh | 90% |
24 | Bến Tre | 88% |
25 | Quảng Ninh | 88% |
26 | Hà Tĩnh | 87% |
27 | Tiền Giang | 82% |
28 | Đồng Nai | 80% |
29 | Kiên Giang | 80% |
30 | Gia Lai | 80% |
31 | Vĩnh Long | 80% |
32 | Bình Dương | 77% |
33 | Trà Vinh | 77% |
34 | An Giang | 75% |
35 | Nam Định | 75% |
36 | Quảng Trị | 75% |
37 | Lào Cai | 74% |
38 | Lâm Đồng | 71% |
39 | Hòa Bình | 70% |
40 | Lạng Sơn | 70% |
41 | Ninh Thuận | 70% |
42 | Phú Thọ | 70% |
43 | Quảng Nam | 70% |
44 | Điện Biên | 70% |
45 | Yên Bái | 70% |
46 | Bình Định | 70% |
47 | Kon Tum | 68% |
48 | Vĩnh Phúc | 68% |
49 | Hậu Giang | 67% |
50 | Bình Phước | 65% |
51 | Đồng Tháp | 61.5% |
52 | Sóc Trăng | 60% |
53 | Hải Dương | 58% |
54 | Cà Mau | 56% |
55 | Hà Nội | 43% |
56 | Sơn La | 42% |
57 | Bạc Liêu | 40.2% |
58 | Tuyên Quang (chưa có hệ thống thư điện tử chính thức) | 40% |
59 | Đắk Nông(chưa có hệ thống thư điện tử chính thức) | 40% |
60 | Lai Châu (chưa có hệ thống thư điện tử chính thức) | Cung cấp 210 tài khoản thư điện tử |
61 | Cao Bằng | 20% |
62 | Phú Yên | - 9% hộp thư tên miền phuyen.gov.vn - 50% hộp thư tên miền khác |
63 | Hà Giang (chưa có hệ thống thư điện tử chính thức) | Chưa báo cáo |
Bảng 5: Tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc
STT | Tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Tỷ lệ CBCC thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc |
1 | Hà Nội | 100% |
2 | Đà Nẵng | 100% |
3 | Bình Thuận | 94% |
4 | Bà Rịa – Vũng Tàu | 90% |
5 | Lâm Đồng | 90% |
6 | Nghệ An | 90% |
7 | Bắc Giang | 85% |
8 | Đồng Tháp | 83.4% |
9 | Quảng Ninh | 81% |
10 | Tiền Giang | 80% |
11 | Bắc Ninh | 80% |
12 | Bạc Liêu | 80% |
13 | Quảng Nam | 80% |
14 | Thái Nguyên | 80% |
15 | Thanh Hóa | 80% |
16 | Trà Vinh | 77% |
17 | Thừa Thiên Huế | 76% |
18 | Đắk Lắk | 75% |
19 | Thái Bình | 75% |
20 | Vĩnh Phúc | 75% |
21 | Bình Dương | 73% |
22 | Bến Tre | 73% |
23 | An Giang | 72% |
24 | Khánh Hòa | 72% |
25 | Lào Cai | 71% |
26 | Phú Thọ | 70% |
27 | Ninh Thuận | 70% |
28 | Lạng Sơn | 70% |
29 | Hải Phòng | 70% |
30 | Kiên Giang | 70% |
31 | Nam Định | 70% |
32 | Quảng Ngãi | 70% |
33 | Cần Thơ | 68% |
34 | Bắc Kạn | 60% |
35 | Đồng Nai | 60% |
36 | Long An | 60% |
37 | Vĩnh Long | 60% |
38 | TP Hồ Chí Minh | 57.4% |
39 | Ninh Bình | 56% |
40 | Hà Tĩnh | 55% |
41 | Sơn La | 55% |
42 | Quảng Bình | 50% |
43 | Phú Yên | 50% |
44 | Cà Mau | 50% |
45 | Bình Định | 50% |
46 | Hà Nam | 50% |
47 | Tây Ninh | 50% |
48 | Tuyên Quang | 50% |
49 | Yên Bái | 50% |
50 | Hậu Giang | 45% |
51 | Đắk Nông | 40% |
52 | Hòa Bình | 40% |
53 | Lai Châu | 40% |
54 | Quảng Trị | 40% |
55 | Kon Tum | 40% |
56 | Hưng Yên | 30% |
57 | Gia Lai | 30% |
58 | Sóc Trăng | 30% |
59 | Hải Dương | 28% |
60 | Điện Biên | 23% |
61 | Cao Bằng | 20% |
62 | Hà Giang | Chưa báo cáo |
63 | Bình Phước | Chưa báo cáo |
Bảng 6: Ước lượng tỷ lệ văn bản được trao đổi qua hệ thống thư điện tử
Xếp hạng | Tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Ước lượng tỷ lệ văn bản được trao đổi qua hệ thống thư điện tử |
1 | Yên Bái | 85% |
2 | Hậu Giang | 75% |
3 | Thái Nguyên | 75% |
4 | Bình Thuận | 70% |
5 | Thanh Hóa | 70% |
6 | An Giang | 60% |
7 | Bắc Giang | 60% |
8 | Cần Thơ | 60% |
9 | Đồng Tháp | 60% |
10 | Ninh Thuận | 60% |
11 | Quảng Bình | 55% |
12 | Tây Ninh | 55% |
13 | Bạc Liêu | 50% |
14 | Trà Vinh | 50% |
15 | TP HCM | 46% |
16 | Thái Bình | 45% |
17 | Cà Mau | 43.5% |
18 | Ninh Bình | 42% |
19 | Bến Tre | 40% |
20 | Lào Cai | 40% |
21 | Lạng Sơn | 40% |
22 | Nam Định | 40% |
23 | Nghệ An | 40% |
24 | Quảng Nam | 40% |
25 | Quảng Trị | 40% |
26 | Thừa Thiên Huế | 40% |
27 | Tuyên Quang | 40% |
28 | Vĩnh Phúc | 38% |
29 | Đồng Nai | 35% |
30 | Bắc Ninh | 30% |
31 | Bình Định | 30% |
32 | Bắc Kạn | 30% |
33 | Đắk Lắk | 28.5% |
34 | Lai Châu | 27% |
35 | Bình Dương | 25% |
36 | Đà Nẵng | 25% |
37 | Lâm Đồng | 25% |
38 | Hải Phòng | 20% |
39 | Kon Tum | 20% |
40 | Sơn La | 20% |
41 | Tiền Giang | 20% |
42 | Quảng Ngãi | 17% |
43 | Hà Nam | 15% |
44 | Hòa Bình | 15% |
45 | Quảng Ninh | 15% |
46 | Bà Rịa – Vũng Tàu | 10% |
47 | Hải Dương | 10% |
48 | Kiên Giang | 6.1% |
49 | Cao Bằng | 5% |
50 | Gia Lai | 5% |
51 | Khánh Hòa | 5% |
52 | Điện Biên | Rất thấp |
53 | Bình Phước | Rất thấp |
54 | Hà Giang | Rất thấp |
55 | Đắk Nông | Chưa báo cáo |
56 | Long An | Chưa báo cáo |
57 | Phú Thọ | Chưa báo cáo |
58 | Hưng Yên | Chưa báo cáo |
59 | Phú Yên | Chưa báo cáo |
60 | Sóc Trăng | Chưa báo cáo |
- 1Công văn 7822/VPCP-KGVX thực hiện Chỉ thị 34/2008/CT-TTg tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 2129/BTTTT-ƯDCNTT báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 34/2008/CT-TTg do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 3Công văn 3497/VPCP-KGVX báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 34/2008/CT-TTg và 15/CT-TTg do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 25/2016/TT-BCT quy định hệ thống điện truyền tải do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 1Luật Giao dịch điện tử 2005
- 2Luật Công nghệ thông tin 2006
- 3Nghị định 64/2007/NĐ-CP về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước
- 4Quyết định 43/2008/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 34/2008/CT-TTg về tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 48/2009/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009 – 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Công văn số 2125/BTTTT-ƯDCNTT về việc tăng cường sử dụng thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 8Quyết định 1605/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Công văn 7822/VPCP-KGVX thực hiện Chỉ thị 34/2008/CT-TTg tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10Công văn 2129/BTTTT-ƯDCNTT báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 34/2008/CT-TTg do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 11Công văn 3497/VPCP-KGVX báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 34/2008/CT-TTg và 15/CT-TTg do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 12Thông tư 25/2016/TT-BCT quy định hệ thống điện truyền tải do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Báo cáo 22/BC-BTTTT tình hình thực hiện Chỉ thị 34/2008/CT-TTg tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- Số hiệu: 22/BC-BTTTT
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 18/04/2011
- Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
- Người ký: Nguyễn Minh Hồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra