Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 198/BC-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 11 năm 2013 |
BÁO CÁO
SƠ KẾT 03 NĂM THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 17/2010/NĐ-CP NGÀY 04 THÁNG 3 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 04 tháng 3 năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ- CP về bán đấu giá tài sản. Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ra đời đã khắc phục những hạn chế, bất cập qua 05 năm thi hành Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ, tạo tiền đề quan trọng để chuyên nghiệp hóa và tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản, phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Quyết định số 1088/QĐ-BTP ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức sơ kết 03 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả như sau:
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI NGHỊ ĐỊNH SỐ 17/2010/NĐ-CP TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định số 17/2010/NĐ- CP và các văn bản hướng dẫn thi hành
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành được thành phố quan tâm thực hiện nghiêm túc.
- Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, thành phố đã khẩn trương tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến và quán triệt nội dung của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ chủ chốt của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp và các Sở, ngành có liên quan,
Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức thích hợp.
- Để công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về bán đấu giá tài sản sâu rộng đến công dân, tổ chức và doanh nghiệp, Sở Tư pháp đăng tải và cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản cũng như các văn bản pháp luật có liên quan, thông tin về các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về bán đấu giá tài sản trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đ ã phối hợp với Đài Truyền hình thành phố sản xuất chương trình “10 phút tiếp dân” phát trên một số kênh của Đài Truyền hình thành phố nhằm phổ biến các quy định pháp luật và những thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bán đấu giá tài sản; tham mưu cho Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố biên soạn và phát hành các tài liệu tuyên truyền về bán đấu giá tài sản.
- Ngoài ra, Sở Tư pháp đã chủ động tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật thành phố những kiến thức pháp luật về bán đấu giá tài sản để lực lượng này tiếp tục phổ biến, quán triệt những quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản tại các cơ quan, tổ chức.
2. Công tác ban hành các văn bản có liên quan để triển khai Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành
- Căn cứ Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan và thực tiễn tại thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành:
+ Quyết định số 77/2011/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2011 về giải thể Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất thành phố, Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất các quận, huyện và quy định về xử lý chuyển tiếp đối với các khu đất đấu giá.
+ Chỉ thị số 18/2011/CT-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2011 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để chỉ đạo việc phối hợp thi hành đồng bộ, thống nhất các quy định của Nghị định, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố.
+ Ủy ban nhân dân thành phố đã trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2012 về ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, mức thu phí đấu giá tài sản và tỷ lệ phần trăm trích lại trên số tiền thu phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2012 ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, mức thu phí đấu giá tài sản, chế độ quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, với sự chấp thuận của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân thành phố đã chấp thuận mức khoán chi phí tổ chức bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản nhằm đảm bảo hạn chế sự xung đột pháp lý, đồng thời thanh toán nhanh gọn, kịp thời hơn cho Trung tâm để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn của công tác này trên địa bàn thành phố.
- Tham gia góp ý đối với các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp; báo cáo thực tiễn thi hành Bộ luật Dân sự 2005 trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản; tổng hợp kết quả đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có một số nội dung liên quan đến bán đấu giá quyền sử dụng đất;...
II. TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
1. Đánh giá chung
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của hoạt động bán đấu giá tài sản trong nền kinh tế thị trường cũng như sự đóng góp tích cực của hoạt động này cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Sở Tư pháp và các c ơ quan, tổ chức có liên quan của thành phố chủ động, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; quan tâm hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức bán đấu giá tài sản.
Qua 03 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt đ ược những kết quả nhất định, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động mua bán hàng hóa thêm đa dạng, phong phú; việc bán đấu giá tài sản nói chung và bán đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng đã tăng đáng kể nguồn thu ngân sách Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Việc xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản được đẩy mạnh. Tuy nhiên, hoạt động bán đấu giá tài sản của các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản còn mang tính nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp do các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản chưa quan tâm đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất cũng như nhân sự cho hoạt động này nên chưa tạo được thương hiệu có uy tín cao trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
2. Về đội ngũ đấu giá viên
Tính đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2013, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 70 đấu giá viên đang hành nghề tại 29 tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp; các đấu giá viên đều có trình độ chuyên môn từ cử nhân trở lên thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó số lượng đấu giá viên có chuyên môn về luật là 36/70 đấu giá viên, chiếm tỷ lệ 51,43%.
3. Về tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện
Tính đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2013, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 29 tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và 24 Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện. Cụ thể như sau:
a) Về tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp:
- Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, được thành lập theo Quyết định số 7620/QĐ-UB-NC ngày 18 tháng 12 năm 1997 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban nhân dân thành phố bảo đảm về biên chế, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho Trung tâm theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp có thu. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên và thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định.
+ Về nhân sự: Trung tâm có 10 đấu giá viên (tất cả đấu giá viên đều có trình độ từ cử nhân Luật trở lên) và 15 nhân viên khác.
+ Về cơ sở vật chất: Trung tâm có trụ sở mới xây tại số 19/5 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình; kho tài sản tại số 32 Lê Lai, phường 3, quận Gò Vấp và cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết khác bảo đảm tốt cho hoạt động bán đấu giá tài sản.
- Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản: 23 doanh nghiệp và 05 chi nhánh doanh nghiệp, trong đó có:
+ Về ngành nghề kinh doanh: 06 doanh nghiệp và 02 chi nhánh doanh nghiệp bán đấu giá (chuyên doanh); 17 doanh nghiệp và 03 chi nhánh doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản.
+ Về hình thức doanh nghiệp: 13 công ty cổ phần, 09 công ty trách nhiệm hữu hạn từ 2 thành viên trở lên, 01 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; 04 chi nhánh công ty cổ phần và 01 chi nhánh công ty trách nhiệm hữu hạn từ 2 thành viên trở lên(Phụ lục 1).
b) Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện: có 24 Hội đồng bán đấu giá tài sản tại 24 quận - huyện. Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận – huyện quyết định thành lập để bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan cấp huyện trở xuống ra quyết định tịch thu theo quy định pháp luật. Hội đồng có thành phần gồm đại diện của cơ quan có thẩm quyền quyết định tịch thu tài sản, Phòng Tài chí nh Kế hoạch, Phòng Tư pháp và đại diện các cơ quan có liên quan.
c) Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt: trong 03 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, trên địa bàn thành phố chưa có trường hợp nào phải thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.
4. Về tình hình hoạt động bán đấu giá tài sản
Tính từ ngày Nghị định số 17/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành - ngày 01 tháng 7 năm 2010 đến ngày 30 tháng 6 năm 2013, 29 tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp và 24 Hội đồng bán đấu giá tài sản quận – huyện trên địa bàn thành phố đã tổ chức 3.111 cuộc bán đấu giá thành với tổng giá trị tài sản khởi điểm là 4.751.255.186.074 đồng và tổng giá trị tài sản bán được là 4.981.855.738.565 đồng, tỷ lệ tăng thêm giữa giá bán so với giá khởi điểm là 4,85% (Phụ lục 2). Trong đó:
- Trung tâm: đã tổ chức 711 cuộc bán đấu giá thành với tổng giá trị tài sản khởi điểm là 2.302.252.234.521 đồng và tổng giá trị tài sản bán được là 2.417.941.450.474 đồng, tỷ lệ tăng thêm giữa giá bán so với giá khởi điểm là 5,03% (Phụ lục 2A).
- Các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản (tổng cộng 23 doanh nghiệp và 05 chi nhánh doanh nghiệp) : đã tổ chức 1.283 cuộc bán đấu giá thành với tổng giá trị tài sản khởi điểm là 2.329.889.336.641 đồng và tổng giá trị tài sản bán được là 2.436.265.172.452 đồng, tỷ lệ tăng thêm giữa giá bán so với giá khởi điểm là 4,57% (Phụ lục 2B). Trong đó:
+ 08 doanh nghiệp chuyên doanh bán đấu giá tài sản (gồm 06 doanh nghiệp và 02 chi nhánh doanh nghiệp bán đấu giá): đã tổ chức 607 cuộc bán đấu giá thành với tổng giá trị tài sản khởi điểm là 1.071.242.257.480 đồng và tổng giá trị tài sản bán được là 1.130.579.090.589 đồng, tỷ lệ tăng thêm giữa giá bán so với giá khởi điểm là 5,54%.
+ 20 doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản (gồm 17 doanh nghiệp và 03 chi nhánh doanh nghiệp): đã tổ chức 676 cuộc bán đấu giá thành với tổng giá trị tài sản khởi điểm là 1.258.647.079.161 đồng và tổng giá trị tài sản bán được là 1.305.686.081.863 đồng, tỷ lệ tăng thêm giữa giá bán so với giá khởi điểm là 3,74%.
Qua số liệu tổ chức và hoạt động cho thấy các doanh nghiệp chuyên doanh bán đấu giá tài sản hoạt động hiệu quả hơn, có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cũng như nhân sự hơn. Hoạt động bán đấu giá tài sản của các doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản chỉ là một lĩnh vực bổ sung cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chính vì thế hoạt động bán đấu giá tài sản của loại hình doanh nghiệp này còn mang tính nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp.
- 24 Hội đồng bán đấu giá tài sản quận, huyện: đã tổ chức 1.117 cuộc bán đấu giá thành (ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tổ chức này cử đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu g iá tài sản của Hội đồng) với tổng giá trị tài sản khởi điểm là 119.113.614.912 đồng và tổng giá trị tài sản bán được là 127.649.115.639 đồng, tỷ lệ tăng thêm giữa giá bán so với giá khởi điểm là 7,17% (Phụ lục 2C).
5. Về tình hình chuyển giao bán đấu giá quyền sử dụng đất
Thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 77/2011/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2011 về giải thể Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất thành phố, Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất các quận, huyện và quy định về xử lý chuyển tiếp, cụ thể như sau:
- Giải thể các Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất thành phố và quận, huyện được thành lập theo Quyết định số 100/2002/QĐ-UB ngày 12 tháng 9 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất và Quyết định số 76/2008/QĐ-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về phân cấp cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
- Trung tâm Phát triển quỹ đất hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện khi tổ chức thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng các khu đất do Ủy ban nhân dân thành phố giao phải ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất.
- Quy định về xử lý một số vấn đề chuyển tiếp sau khi giải thể các Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất.
6. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
6.1. Về thực hiện nội dung quản lý nhà nước theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan
- Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Ban hành các văn bản có liên quan để triển khai Nghị định số 17/2010/NĐ- CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Công tác hướng dẫn nghiệp vụ, hướng dẫn các vấn đề có liên quan đến bán đấu giá tài sản cho các cơ quan, tổ chức có liên quan:
+ Sở Tư pháp, Sở Tài chính và các Sở, ngành có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công đã quan tâm, kịp thời hướng dẫn hoặc phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ và các vấn đề có liên quan đến bán đấu giá tài sản cho Trung tâm, các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan, đảm bảo hoạt động bán đấu giá được tiến hành đúng với các quy định pháp luật cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Đồng thời, chủ động báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cũng như các Bộ, ngành có liên quan về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn.
+ Sở Tư pháp đã tổ chức giao ban công tác bán đấu giá tài sản trong năm 2010, 2011, 2012 và các hội nghị khác có liên quan để trao đổi với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc nhằm có những giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoạt động bán đấu giá tài sản được thuận lợi, hiệu quả hơn cũng như kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn khắc phục những thiếu sót trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
- Củng cố, kiện toàn Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản:
Ủy ban nhân dân thành phố đảm bảo biên chế, tạo điều kiện để Trung tâm xây dựng trụ sở làm việc, kho tài sản và trang bị các trang thiết bị cần thiết bảo đảm tốt cho hoạt động bán đấu giá tài sản và đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản - đơn vị được phân loại đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên.
Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án về lộ trình chuyển đổi Trung tâm sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
- Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê:
Thành phố thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về tổ chức và hoạt động và báo cáo thống kê về bán đấu giá tài sản định kỳ cho Bộ Tư pháp theo quy định và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, như: báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc liên quan đến quá trình xét xử, thi hành án, bán đấu giá và bàn giao tài sản liên quan đến nhà, đất số 36 Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3.
- Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; giải quyết khiếu nại và tố cáo về tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố:
Cuối năm 2009, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành bán đấu giá tài sản tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản và 14 doanh nghiệp/chi nhánh doanh nghiệp bán đấu giá tài sản tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp có Kết luận thanh tra số 01/KL-TTR ngày 25 tháng 02 năm 2010 (trước khi Nghị định số 17/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) .
Căn cứ Kết luận tranh tra số 01/KL-TTR, Sở Tư pháp đã chủ động tăng cường công tác quản lý nhà nước, chấn chỉnh những thiếu sót và hạn chế trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố; đồng thời, theo dõi, đôn đốc Trung tâm và các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản thực hiện Kết luận thanh tra. Trung tâm và các doanh nghiệp đã tiến hành rút kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót nêu tại Kết luận thanh tra.
Qua 03 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố, định kỳ hàng năm, Sở Tư pháp có kế hoạch kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố. Sở Tư pháp đã tổ chức thanh tra chuyên ngành 19 doanh nghiệp/chi nhánh doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, qua đó phát hiện và xử lý như sau:
+ Xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền đối với 06 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 13.000.000 đồng (các hành vi vi phạm: không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; không lập, quản lý hoặc sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu theo quy định; thực hiện không đúng quy định về việc niêm yết việc bán đấu giá tài sản; thu các chi phí không đúng quy định của pháp luật).
+ Nhắc nhở, rút kinh nghiệm nhiều doanh nghiệp có thiếu sót trong nghiệp vụ, phổ biến là việc lưu trữ hồ sơ bán đấu giá tài sản.
+ Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, lao động, bảo hiểm xã hội đối với một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn tiếp nhận và xử lý theo quy định pháp luật 16 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị có liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản, hầu hết là khiếu nại, phản ánh về việc chậm giao tài sản đã bán đấu giá là tài sản thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá.
Ngoài ra, trong tháng 7 năm 2013, Sở Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tư pháp kiểm tra về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, 02 doanh nghiệp bán đấu giá và 01 Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện.
- Công tác khác:
+ Thành phố đang xây dựng Hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp trên địa bàn thành phố (Hệ thống thông tin hậu kiểm) , đồng thời xây dựng quy chế quản lý, cung cấp, chia sẻ thông tin trong Hệ thống này để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, trong đó có doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.
+ Để đảm bảo tính pháp lý cũng như công khai, minh bạch trong việc giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục đăng ký danh sách đấu giá viên và việc thay đổi, bổ sung danh sách đấu giá viên, Sở Tư pháp đã ban hành Quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại Sở Tư pháp (trong đó có tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký danh sách đấu giá viên và việc thay đổi, bổ sung danh sách đấu giá viên). Đồng thời, Sở Tư pháp có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp bán đấu giá tài sản thực hiện việc đăng ký danh sách đấu giá viên theo quy định. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã mở Sổ đăng ký danh sách đấu giá viên nhằm quản lý đội ngũ đấu giá viên đang hành nghề trên địa bàn thành phố.
+ Thực hiện rà soát, đánh giá năng lực đội ngũ đấu giá viên và tổ chức bán đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố.
+ Cung cấp thông tin về bán đấu giá tài sản khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
6.2. Sự phối kết hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ban ngành có liên quan trong quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản
Để tạo cơ sở pháp lý và cơ chế hiệu quả cho việc phối hợp thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP trên địa bàn thành phố được đồng bộ, thống nhất, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số 18/2011/CT-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2011. Trên cơ sở Chỉ thị này, Sở Tư pháp và các Sở, ban ngành có liên quan đã phối hợp quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản trong các nội dung sau:
- Phối hợp sơ kết, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành để kiến nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành p hố sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp với những quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.
- Phối hợp trong việc tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Thông tư số 23/2010/TT-BTP và các văn bản liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản.
- Phối hợp tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố đảm bảo về biên chế, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho Trung tâm theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp có thu.
- Phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ bán đấu giá tài sản cho các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp, quan tâm và kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố.
- Phối hợp kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản theo quy định pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm p háp luật trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản.
- Phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin về doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phục vụ công tác quản lý nhà nước, như: Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp cho Sở Tư pháp tài khoản truy cập Hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để Sở Tư pháp chủ động rà soát, kiểm tra thông tin về doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.
- Phối hợp xử lý hoặc tham mưu xử lý một số vấn đề phát sinh có liên quan đến bán đấu giá tài sản, như: phối hợp thống nhất phương án xử lý một số vướng mắc phát sinh trong việc bán đấu giá tài sản nhà nước để đẩy nhanh tiến độ bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Nhà nước trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
- Phối hợp tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về việc khoán chi phí bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản.
6.3. Bấp cập, hạn chế phát sinh qua thực tiễn thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua 03 năm thực hiện, một số quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP không còn phù hợp với thực tiễn bán đấu giá tài sản, đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như sau:
- Nghị định số 17/2010/NĐ-CP chưa có quy định về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của đấu giá viên nên chưa thực hiện được nguyên tắc quản lý hữu hiệu là kết hợp quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Một số quy định chưa tạo được sự thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước như: cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, đăng ký danh sách đấu giá viên, cấp thẻ đấu giá viên,...
- Một số quy định chưa rõ ràng, gây lúng túng trong quá trình thực hiện, chưa được hướng dẫn kịp thời nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, như: tổ chức thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, việc bán đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá đối với tài sản nhà nước được xử lý bằng bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên; chuyển đổi Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp;...
- Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn bán đấu giá tài sản, đơn cử như các quy định về niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản, thỏa thuận hủy kết quả đấu giá, phương thức bán đấu giá tài sản, tiêu chuẩn đấu giá viên,...
- Một số quy định còn thiếu, như: chế độ lưu trữ hồ sơ bán đấu giá tài sản; quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động bán đấu giá tài sản hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp đối với doanh nghiệp bán đấu giá tài sản; quy định về việc góp vốn của thành viên là tổ chức của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần bán đấu giá tài sản; hình thức cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản của tổ chức bán đấu giá tài sản nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP chưa có cơ chế hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi của người mua tài sản bán đấu giá, đặc biệt là tài sản thi hành án, tài sản bảo đảm. Trên thực tế, việc giao tài sản đã bán đấu giá là tài sản thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá thường bị chậm trễ, kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản, cũng như uy tín của các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp.
III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Từ thực trạng tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản và những bất cập, hạn chế phát sinh qua 03 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị Bộ Tư pháp một số nội dung sau:
1. Phối hợp các Bộ, ngành có liên quan rà soát những chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản để sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu việc sửa đổi, bổ sung cho thống nhất, đồng bộ; kịp thời hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập, đặc biệt là cơ chế trao đổi, phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước.
Để hoàn thiện thể chế pháp lý về bán đấu giá tài sản, đề nghị nghiên cứu xây dựng Luật Bán đấu giá tài sản theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề của đấu giá viên phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam, tăng cường công tác quản lý nghề nghiệp, đổi mới công tác quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản.
2. Có các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, xây dựng quy tắc đạo đức nghề đấu giá nhằm nâng cao trách nhiệm, đạo đức , chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ đấu giá viên.
3. Có các giải pháp đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý chuyên ngành đối với hoạt động này, như: đổi mới mô hình giám sát doanh nghiệp theo hướng phát huy vai trò của xã hội và của các chủ thể khác nhằm hỗ trợ Nhà nước trong quản lý, giám sát doanh nghiệp (thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên); nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức thanh tra chuyên ngành, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn của cán bộ quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản ở địa phương.
4. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hợp tác quốc tế về bán đấu giá tài sản. Nghiên cứu, xây dựng các hệ tiêu chí nhằm đánh giá, khen thưởng và biểu dương các cá nhân, tổ chức nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản và có thành tích, đóng góp trong hoạt động bán đấu giá tài sản./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 33/2013/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 2Quyết định 43/2013/QĐ-UBND quy định tỷ lệ (%) chi phí khoán cho việc tổ chức bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 3Quyết định 1627/QĐ-UBND năm 2013 xếp hạng lại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang
- 4Quyết định 1079/QĐ-UBND năm 2013 bãi bỏ Quyết định 2550/QĐ-UBND năm 2010 và Quyết định 1634/QĐ-UBND năm 2011 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 1Bộ luật Dân sự 2005
- 2Quyết định 100/2002/QĐ-UB thành lập Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Luật Đất đai 2003
- 4Nghị định 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản
- 5Quyết định 76/2008/QĐ-UBND về phân cấp cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 6Nghị định 60/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp
- 7Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản
- 8Thông tư 23/2010/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp ban hành
- 9Chỉ thị 18/2011/CT-UBND triển khai thực hiện Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 10Quyết định 77/2011/QĐ-UBND giải thể Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất thành phố, quận, huyện và quy định về xử lý chuyển tiếp đối với khu đất đấu giá do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 11Nghị quyết 11/2012/NQ-HĐND về mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản và tỷ lệ phần trăm trích lại trên số tiền thu phí đấu giá tài sản, tham gia đấu giá tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 12Quyết định 42/2012/QĐ-UBND về mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, mức thu phí đấu giá tài sản, chế độ quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 13Quyết định 33/2013/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 14Quyết định 43/2013/QĐ-UBND quy định tỷ lệ (%) chi phí khoán cho việc tổ chức bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 15Quyết định 1627/QĐ-UBND năm 2013 xếp hạng lại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang
- 16Quyết định 1088/QĐ-BTP năm 2013 về Kế hoạch sơ kết 03 năm thi hành Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 17Quyết định 1079/QĐ-UBND năm 2013 bãi bỏ Quyết định 2550/QĐ-UBND năm 2010 và Quyết định 1634/QĐ-UBND năm 2011 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
Báo cáo 198/BC-UBND năm 2013 sơ kết 03 năm thi hành Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 198/BC-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 14/11/2013
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Hứa Ngọc Thuận
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra