Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 190/BC-BCĐXDĐSVH | Long An, ngày 18 tháng 10 năm 2016 |
TỔNG KẾT 15 NĂM THỰC HIỆN PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” (2000 - 2015)
Thực hiện công văn số 09/VPTTBCĐ ngày 29/3/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) về việc tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH; Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Long An báo cáo kết quả 15 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở địa phương giai đoạn (2000-2015) như sau:
KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHONG TRÀO TỪ NĂM 2000 ĐẾN NĂM 2015
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa thứ VII, VIII và IX, giai đoạn (2000 - 2015), tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh không ngừng phát triển, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, từ đó tác động tích cực đến các phong trào quần chúng, đặc biệt là phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng phát triển sâu rộng trong nhân dân. Thực hiện Chỉ thị số 64/CT.UB ngày 8/12/1994 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa, năm 1995 tỉnh Long An đã tổ chức nhiều phong trào quần chúng tác động trực tiếp đến công tác xây dựng đời sống văn hóa như: Phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”; phong trào gia đình an toàn, gia đình nông dân 06 chuẩn mực; phong trào lập lại trật tự các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và phòng chống tệ nạn xã hội;... Đến tháng 7/1999, các phong trào nói trên được tập hợp thống nhất thành 01 phong trào chung là phong trào TDĐKXDĐSVH, có hệ thống Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở nhằm tập trung nguồn lực hướng về cơ sở.
Từ đây, phong trào có bước phát triển mới, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tập hợp lực lượng, thống nhất về chỉ đạo và phối hợp hoạt động xây dựng phong trào TDĐKXDĐSVH với việc thực hiện các phong trào cụ thể như: Gương người tốt việc tốt; gia đình văn hóa; ấp, khu phố văn hóa; xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; huyện điểm điển hình về văn hóa; Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại,... Đến nay, các mô hình xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa và triển khai xây dựng huyện điểm điển hình về văn hóa (huyện Cần Đước) cơ bản đều đạt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX nhiệm kỳ (2010-2015) đã đề ra.
2. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào
Quán triệt chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; triển khai Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Thông tư số 12/2011/TT-BVTTTDL về quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục và hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa; “Thôn văn hóa”; “Làng văn hóa”; “Ấp văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa và tương đương và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. UBND tỉnh đã triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, bổ sung, thành lập lại Ban Chỉ đạo tỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn. Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành công văn số 1659/BCĐ ngày 10/12/2013 về hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo, Ban vận động, Văn phòng Thường trực, Quy chế tổ chức và hoạt động Ban Chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” ở cấp huyện và cấp xã. Ban chỉ đạo các cấp tham mưu cấp ủy, UBND đề ra phương hướng, nhiệm vụ, triển khai kế hoạch công tác hàng năm, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH.
UBND tỉnh đã ban hành: Quyết định số 3082/QĐ-UBND ngày 01/10/2012 của UBND tỉnh Long An về việc ban hành Quy chế công nhận các danh hiệu phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2012-2015; ban hành công văn số 650/UBND-VX ngày 28/02/2013 của UBND tỉnh về việc tập trung nâng cao chất Iượng công tác xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa; công văn số 3173/UBND-VX ngày 24/9/2014 về việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa; công văn số 218/BCĐ ngày 04/03/2015 về việc tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 và Thông tư số 02/2013/TT-BVHTTDL ngày 24/01/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Công tác tuyên truyền vận động
Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào, lồng ghép bằng nhiều hình thức với 05 nội dung tiêu chí cụ thể như: Xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp; vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, hệ thống đài, trạm truyền thanh, đội thông tin lưu động các huyện, thị xã, thành phố tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xây dựng, đời sống văn hóa, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương thông qua chương trình “Diễn đàn của bạn”, các chuyên mục, chuyên trang, tin, bài.
Các ban ngành, đoàn thể tỉnh cũng đã có những đóng góp thiết thực qua các phong trào cụ thể như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Bộ đội Biên phòng xây dựng phong trào “Điểm sáng văn hóa vùng biên giới”; ngành Công an với phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”; ngành Quân sự với phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người, xây dựng tổ chức, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”; Hội Nông dân có phong trào xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa”, phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; Liên đoàn Lao động với phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; Hội Cựu chiến binh với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào “5 không, 3 sạch”, phong trào “Phụ nữ 2 giỏi" gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, xây dựng gia đình hạnh phúc” “giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”; Hội Khuyến học với phong trào “Khuyến học, khuyến tài” gắn với mô hình “Xã hội học tập”, “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”; Công an với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Bộ Chỉ huy Quân sự với phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với phong trào “Xây dựng nông thôn mới”; ngành Giáo dục với phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và công tác phổ cập giáo dục đạt kết quả khá cao (119/192 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học, đạt 61,89%; vượt chỉ tiêu Đại hội tỉnh Đảng bộ đề ra); trường học đạt chuẩn quốc gia có 330/636 trường đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 51,89%; ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; ngành Y tế với phong trào “Làm theo lời Bác dạy”;... Song song đó, các sở, ngành còn phát động phong trào thi đua yêu nước ở ngành mình gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những phong trào nêu trên đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống xã hội, nhất là vùng nông thôn, tạo nên những chuyển biến tích cực rõ nét.
4. Công tác phối hợp tổ chức thực hiện
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh) phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới đã được ký kết ngày 06/02/2012 (Chương trình số 05/CTrPH-MTTQ- SVHTTDL), đặc biệt chú trọng công tác đăng ký, bình xét, quy trình thủ tục công nhận các danh hiệu văn hóa tại địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, hoạt động của Ban Chỉ đạo luôn có sự phối kết hợp thường xuyên với các phong trào thi đua yêu nước của các sở, ngành, đoàn thể là thành viên của Ban Chỉ đạo tỉnh, góp phần đảm bảo công tác triển khai, tổ chức thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH từ tỉnh đến cơ sở đạt hiệu quả. Hầu hết các phong trào thi đua yêu nước của các sở, ngành, đoàn thể đã đóng góp rất lớn trong việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH nhất là việc triển khai thực hiện mô hình xây dựng “cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp” đạt chuẩn văn hóa.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC PHONG TRÀO CỤ THỂ TRONG PHONG TRÀO TDĐKXDĐSVH
1. Kết quả thực hiện 5 nội dung phong trào
a) Đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo:
Các hoạt động chủ yếu được phát động thường xuyên, hiệu quả như: Giúp nhau làm kinh tế gia đình; xây dựng Quỹ Vì người nghèo, xây dựng công trình phúc lợi, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, nâng cấp lưới điện, xây dựng hệ thống nước hợp vệ sinh cho người dân nông thôn, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng ở cơ sở; chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc người già neo đơn, người khuyết tật, gia đình thương binh liệt sĩ; phát huy và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; lập lại trật tự an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ;...
b) Thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật:
Qua phong trào xây dựng ấp, khu phố văn hóa, nhân dân có điều kiện tham gia xây dựng mô hình tự quản xóm, ấp; tự hòa giải các mâu thuẫn nội bộ; giáo dục, cảm hóa người lầm lỡ; phòng chống tội phạm; đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, làm trong sạch địa bàn dân cư, góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, giữ vững kỷ cương, mọi người sống và làm việc theo pháp luật và quy ước cộng đồng. Song song đó, trên địa bàn dân cư có những thay đổi rõ rệt, ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng được cải thiện; các phong trào quần chúng đấu tranh phòng chống tội phạm gắn liền với mục tiêu 03 giảm (giảm tội phạm, giảm tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông) ở ấp, khu phố văn hóa thường xuyên được tăng cường, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, uống rượu say gây rối trật tự công cộng, tệ nạn ma túy, mại dâm, trộm cắp, mê tín dị đoan,...
c) Xây dựng môi trường văn hóa:
Thông qua các phong trào xây dựng gia đình văn hóa; ấp, khu phố văn hóa, xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đã tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, tạo cho người dân ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, có lối sống văn hóa, quan hệ hòa thuận trong gia đình; kỷ cương của xã hội được đề cao, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người; gắn kết mối quan hệ giữa văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa với vấn đề hình thành nhân cách và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh và thực hiện tốt phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng nếp nghĩ, nếp sống văn hóa trong từng cá nhân, từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng góp phần làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống, tạo sức đề kháng đối với các sản phẩm văn hóa độc hại.
d) Xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao:
Trong giai đoạn 2000-2015, UBND tỉnh đã bố trí vốn xây dựng cơ bản từ các nguồn để hỗ trợ, đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, nâng cấp cho 110/192 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng cấp xã với tổng số vốn đầu tư gần 243 tỷ đồng, trong đó có 96/192 xã phường, thị trấn được nhà nước đầu tư xây dựng mới (chiếm 50%) đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra. Hầu hết các Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng đã xây dựng mới đều được ngân sách tỉnh cấp trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, dụng cụ thể thao. Đối với một số Trung tâm chưa được cấp các thiết bị chuyên dùng, thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp trang thiết bị cho Trung tâm, mỗi nơi trị giá 40 triệu đồng, có nơi 100 triệu đồng. Riêng những Trung tâm thuộc các xã đạt chuẩn văn hóa được tặng thưởng thêm 50 triệu đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa - thể thao ở cơ sở.
Đến nay có 788/ 1.036 ấp có nhà văn hóa, trong đó 673 nhà kiên cố và 115 nhà bán kiên cố, đạt tỷ lệ 76,1%, đa số chỉ đảm bảo chức năng hội họp, sinh hoạt câu lạc bộ, đội nhóm. Diện tích đất sử dụng và xây dựng hội trường chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định. Với sự nỗ lực phấn đấu của các địa phương, cơ sở, một số xã đã từng bước tiến hành xây dựng mới hoặc cải tạo cơ sở cũ với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ đó Nhà văn hóa - Khu thể thao một số ấp, khu phố tương đối khang trang và tổ chức hoạt động hiệu quả như: Huyện Bến Lức, Đức Hòa, Châu Thành, Cần Đước, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, thành phố Tân An,...
Hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng mới hoặc cải tạo, tận dụng cơ sở cũ để đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả khá tốt. Ngày 06/5/2013, UBND tỉnh ban hành công văn số 1481/UBND-VX về việc tận dụng cơ sở vật chất để tổ chức sinh hoạt văn hóa, thể thao tại ấp, khu phố để giải quyết khó khăn về đất đai, kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao cho cơ sở. So với tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định thì hầu hết đều chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chính là việc quy hoạch đất đai cho thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa được quan tâm đầy đủ, việc đầu tư xây dựng mới hội trường đa năng 200 chỗ ngồi trở lên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã hoặc 100 chỗ ngồi trở lên cho Nhà Văn hóa ấp theo quy chuẩn là khó thực hiện vì nguồn vốn đầu tư cho phát triển thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở còn thấp. Mặt khác, quỹ đất dành cho các thiết chế này theo quy chuẩn còn hạn chế do nguồn kinh phí đền bù, giải tỏa, san lấp mặt bằng ở các huyện và xã, phường, thị trấn rất khó khăn.
đ) Giáo dục chính trị - tư tưởng:
Phong trào TDĐKXDĐSVH góp phần giáo dục chính trị - tư tưởng, truyền thống yêu nước, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh; đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống thông qua các loại hình tuyên truyền, giáo dục đa dạng, phong phú: Sinh hoạt động đồng, câu lạc bộ, đội, nhóm, tuyên truyền cổ động trực quan, xây dựng pa nô, áp phích, khẩu hiệu,...Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao sôi nổi tạo sân chơi bổ ích, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho nhân dân, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc và địa phương.
2. Kết quả thực hiện các phong trào
a) Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”:
Đến nay toàn tỉnh có 370.492/374.478 hộ gia đình đăng ký thực hiện gia đình văn hóa (chiếm 98,9%), được công nhận lại và công nhận mới 363.392 hộ (đạt 97%/tổng số), tăng 1% so với năm 2000 (96%). Các địa phương chỉ đạo hướng dẫn thực hiện bình xét gia đình văn hóa đúng quy trình, thời gian, công khai, dân chủ, đảm bảo 03 tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình; nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh nơi công cộng; thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên để xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tích cực phòng chống bạo lực gia đình; đoàn kết xóm làng, lương trợ giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất hoặc lúc gặp khó khăn, hoạn nạn; tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, nhân đạo từ thiện ở cộng đồng; xây dựng gia đình văn hóa còn góp phần giáo dục đạo đức lối sống tốt đẹp, phòng chống các tệ nạn xã hội,... Các nội dung, tiêu chuẩn công nhận “Gia đình văn hóa" đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Nhiều gia đình trước đây kinh tế còn khó khăn, mâu thuẫn, lục đục, diễn ra tình trạng bạo lực gia đình... đến nay đã có đời sống kinh tế ổn định, các thành viên biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ. Điều đó khẳng định xây dựng “Gia đình văn hóa" là phong trào có ý nghĩa văn hóa xã hội sâu sắc, thực sự là tổ ấm của các thành viên, là tế bào lành mạnh, nền tảng vững chắc của xã hội, là yếu tố quan trọng để xây dựng ấp, khu phố văn hóa; xã, phường, thị trấn văn hóa.
b) Phong trào xây dựng “Ấp, khu phố văn hóa” và “Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa”:
Đến nay có 1.026/ 1.036 ấp, khu phố đăng ký thực hiện mô hình ấp, khu phố văn hóa, được công nhận lại và công nhận mới 1.007 ấp, khu phố (đạt 97,2%/ tổng số), tăng 92.6% so với năm 2000 (4,6%). Hầu hết các ấp, khu phố văn hóa đều có Ban vận động, xây dựng quy ước, quy chế hoạt động gắn với việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; có trạm thông tin, cổng chào và trên 64% ấp, khu phố có Nhà Văn hóa - là nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, hội họp của người dân. Phong trào xây dựng ấp, khu phố văn hóa mang lại hiệu quả rõ rệt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội qua việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế; xây dựng các công trình phúc lợi, công trình văn hóa, giao thông nông thôn với phương châm xã hội hóa; người dân có điều kiện tham gia xây dựng mô hình tự quản xóm ấp, tự hòa giải các mâu thuẫn nội bộ, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh trật tự địa phương. Phong trào đã góp phần xây dựng xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên; xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm (cụ thể có 72/192 xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm, đạt 37,5% tính đến cuối năm 2015).
Phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa được tập trung đẩy mạnh thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX để đến cuối năm 2015 có 30% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa. Đến nay, Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh tiến hành phúc tra về đề nghị UBND tỉnh công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa đến cuối năm 2015, nâng tổng số xã, phường, thị trấn được công nhận lên 104/192 (chiếm tỷ lệ 54,6%/ tổng số), tăng 100% so với năm 2000. Việc xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ sở quan tâm, tập trung đầu tư kinh phí xây dựng nhiều công trình phục vụ nhân dân như: Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng cấp xã, Nhà Văn hóa - Khu Thể thao ấp (khu phố), trường chuẩn quốc gia, trạm y tế, cơ sở hạ tầng giao thông,... nhằm thực hiện đạt các tiêu chí xã văn hóa gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phong trào xây dựng mô hình xã văn hóa gắn với xây dựng xã nông thôn mới góp phần làm chuyển biến tích cực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là vùng nông thôn được nâng lên rõ rệt; văn hóa, giáo dục, y tế có bước phát triển, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; cảnh quan môi trường được cải thiện, hạn chế tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định, người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó.
c) Xây dựng huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh:
Tiến độ xây dựng huyện Cần Đước trở thành huyện điểm, điển hình về văn hóa của tỉnh được quan tâm đẩy mạnh, cơ bản thực hiện hoàn thành 31/31 tiêu chí, vừa được tỉnh phúc tra và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của huyện Cần Đước và các cấp, các ngành trong tỉnh. Lễ đón nhận danh hiệu huyện Cần Đước là huyện điểm điển hình về văn hóa được tổ chức long trọng vào ngày 30/8/2015 tại thị trấn cần Đước.
d) Phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”:
Đến nay có 1.337/1.391 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký thực hiện mô hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (chiếm 96,1%), trong đó có 1.293 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa (đạt 93%/ tổng số). Mô hình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động trong việc thực hiện nếp sống văn minh nơi làm việc, đề cao kỷ luật, kỷ cương, văn hóa ứng xử chuẩn mực, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Hệ thống tổ chức Liên đoàn Lao động từ tỉnh đến cơ sở quan tâm tổ chức triển khai thực hiện phong trào, đề ra kế hoạch và phân công cán bộ theo dõi, phụ trách. Liên đoàn lao động tỉnh, Công đoàn Viên chức tỉnh đã hướng dẫn các cấp Công đoàn phát động cuộc thi Tìm hiểu Công đoàn Việt Nam, Bộ luật Lao động, Hiến pháp 2013, Luật Công đoàn,... Phát huy truyền thống tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tích cực vận động cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Tấm lòng vàng, tham gia hoạt động về nguồn và các hoạt động xã hội từ thiện khác.
Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã phát triển sâu rộng, được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thực hiện Thông tư số 08/2014/TT-BVHTTDL ngày 24/9/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét và công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa", “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Liên đoàn Lao động cùng cấp triển khai thực hiện, rà soát và phát động đăng ký lại vào đầu năm 2015 để 02 năm sau được xét duyệt, công nhận lần đầu theo quy định của Bộ.
đ) Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”:
Phong trào luyện tập thể dục thể thao phát triển rộng khắp, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng phát huy hiệu quả, tiếp tục có những tiến bộ rõ nét. Số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên chiếm 31,3% tổng số, số hộ gia đình thể thao không ngừng tăng lên, nhất là trong khối cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh (có 22,4% gia đình thể thao). Thể dục thể thao trong trường học đi vào nề nếp, đảm bảo chương trình giảng dạy nội khóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác phối hợp liên tịch trong việc đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao ở các ngành ngày càng đồng bộ và có hiệu quả. Các giải thể thao cấp huyện và cơ sở được tổ chức liên tục, thu hút hàng ngàn lượt vận động viên tham gia. Phong trào góp phần hình thành các Liên đoàn và Hội thể thao ở nhiều bộ môn như: Bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh,... mở nhiều lớp bồi dưỡng năng khiếu thể thao đáp ứng; nhu cầu học tập, rèn luyện thân thể của nhân dân. Đặc biệt, công tác xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao được đẩy mạnh, huy động nguồn lực xã hội đóng góp xây dựng thiết chế thể thao, mở rộng sân chơi, bãi tập ở cơ sở ngày càng nhiều.
e) Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”:
Từ năm 2000 có 957/ 967 khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư tiên tiến, chiếm tỷ lệ 98,9%, đến nay có 1036/1036 đăng ký xây dựng khu dân cư tiên tiến đạt 100%. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy truyền thống tương thân, tương ái, tinh thần đoàn kết tương trợ, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cấp, các ngành, đoàn thể phối hợp chính quyền địa phương, cơ sở tổ chức hoạt động “Về nguồn”, ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các địa bàn dân cư trong toàn tỉnh, qua đó đảm bảo yêu cầu về nội dung, hình thức, tránh lãng phí; tuyên truyền củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tổ chức các loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Đáng chú ý là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức, đã tổ chức trên 66.000 cuộc với gần 1,9 triệu lượt người tham dự, cuộc vận động “ngày vì người nghèo” với kết quả vận động gần 87 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa 4,500 căn nhà đại đoàn kết,...
g) Phong trào học tập, lao động, sáng tạo:
Sở Khoa học và Công nghệ phát động phong trào và tổ chức các hội thi sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức trên địa bàn tỉnh và Hội thi tin học trẻ, Hội thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng; Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Hội thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông;...
Phong trào học tập, lao động, sáng tạo trong nhân dân ngày càng phát triển. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn thường xuyên mở các lớp hướng nghiệp, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, truyền đạt những kinh nghiệm mới trong chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh cho người dân, tạo sự chuyển biến tích cực bộ mặt nông thôn, góp phần thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động phối hợp tổ chức xây dựng một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt, bảo vệ môi trường có hiệu quả như: Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang hoa màu; mô hình thu gom, tập trung bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật để xử lý, trục vớt lục bình trên kênh mương nội đồng để khai thông dòng chảy, làm sạch nguồn nước, phục vụ tưới tiêu nông nghiệp;... Trong mỗi gia đình hiếu học, gia đình văn hóa, các thành viên ý thức được việc học, học thường xuyên, học suốt đời nên sự gắn kết gia đình hiếu học với gia đình văn hóa đã góp phần rất lớn trong phong trào xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, phong trào còn được thể hiện trong việc nêu cao ý thức học tập, lao động vươn lên, vượt qua nghèo khó, ổn định cuộc sống và từng bước khá giả, làm giàu chính đáng ở mỗi người, mỗi hộ gia đình.
Phong trào thi đua học tập, lao động, sáng tạo đã góp phần giải quyết việc làm, chăm lo cải thiện đời sống người lao động, nâng cao hiệu quả công tác của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
h) Phong trào xây dựng “Người tốt việc tốt”, các điển hình tiên tiến:
Qua việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt việc tốt trong các phong trào: Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, gương người con hiếu thảo, vượt khó học giỏi, tuổi trẻ sống đẹp, quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, tương thân tương ái, bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc, uống nước nhớ nguồn, giảm nghèo, đóng góp xây dựng Quỹ khuyến học, các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng; nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết ở địa phương,...đến nay có 5.949 cá nhân được biểu dương, khen thưởng trong các phong trào thi đua yêu nước của các ngành, các cấp.
Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được kết quả khá tốt, đặc biệt là phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới được các ngành, các cấp và các huyện, thị xã, thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đến nay đã có 104 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa đạt 54.16 % vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra: “Có 30% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa đến cuối nhiệm kỳ”. Phong trào được đông đảo quần chúng tích cực hưởng ứng tham gia, tạo ra hiệu quả chính trị - xã hội rộng lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhất là tạo chuyển biến bộ mặt nông thôn qua việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khang trang (điện, đường, trường, trạm,...), tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới. Phong trào làm chuyển biến nhận thức, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc như: Tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa, xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị ở địa phương vững mạnh.
* Nguyên nhân đạt được:
- Sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò quản lý, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự tham gia phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc thực hiện lồng ghép nội dung phong trào với các chương trình, dự án.
- Nhận thức về ý nghĩa, lợi ích, tầm quan trọng của phong trào trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân được nâng cao, tạo được sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng tham gia trong cộng đồng xã hội.
- Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, phối hợp đồng bộ, làm cho phong trào ngày càng đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả.
- Qua các phong trào quần chúng, phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu, tác động tích cực đến phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
- Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh để huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia phát triển phong trào.
- Một số ít Ban Chỉ đạo cấp huyện và cơ sở tuy đã được củng cố, kiện toàn nhưng chưa duy trì họp định kỳ; có phân công nhiệm vụ cho từng thành viên nhưng chưa theo dõi sâu sát; thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, thậm chí có biểu hiện buông lỏng khi đã được công nhận danh hiệu văn hóa, làm suy giảm chất lượng phong trào.
- Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện phong trào có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên và thiếu đồng bộ.
- Công tác triển khai đăng ký thi đua, bình xét công nhận các danh hiệu văn hóa ở một số nơi còn nặng tính hình thức, chạy theo thành tích, khen thưởng đa số là cán bộ, công chức, chưa ưu tiên đến người dân đã đóng góp lớn cho phong trào; sau khi được công nhận có biểu hiện thỏa mãn, buông lỏng các hoạt động nâng chất, thiếu quan tâm đến chất lượng phong trào.
- Công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế, chưa mang tính sáng tạo, đổi mới. Chất lượng tuyên truyền chưa cao, chưa sâu rộng.
* Nguyên nhân hạn chế, tồn tại:
- Nhận thức về ý nghĩa và hiệu quả của phong trào ở một vài địa phương chưa đầy đủ, dẫn đến thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
- Ban Chỉ đạo, cán bộ cơ sở một số nơi còn hạn chế về năng lực chưa thực hiện tốt vai trò tham mưu và chỉ đạo phong trào.
- Chưa phát huy được ý thức tự nguyện, tự giác của các tầng lớp nhân dân; nhận thức về mục tiêu, tác dụng của phong trào còn thiếu thống nhất; chưa phát huy được tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo và năng lực tự quản để khai thác các nguồn lực cộng đồng, để phong trào phát triển thực chất và bền vững.
- Kinh phí đầu tư thực hiện phong trào còn hạn chế so với yêu cầu thực tiễn, công tác xã hội hóa có nơi thực hiện chưa tốt nên việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho phong trào còn gặp khó khăn, nhất là Nhà Văn hóa ấp chưa được trang bị hoàn thiện, hoạt động chưa ổn định, thiếu sự quan tâm chỉ đạo hướng dẫn của chính quyền cơ sở và ngành chuyên môn.
- Một số văn bản chỉ đạo thực hiện phong trào của Trung ương còn chồng chéo, chưa bám sát cơ sở, thiếu tính khoa học, chưa hợp lý, gây lúng túng cho địa phương, cơ sở khi triển khai. Cụ thể như Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về mô hình “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” không sát thực tế ở địa phương, cơ sở; chồng chéo giữa tiêu chí xã nông thôn mới và xã đạt chuẩn văn hóa, làm cho công tác chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương gặp khó khăn (hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu cho UBND tỉnh văn bản kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi Thông tư nói trên).
* Bài học kinh nghiệm:
Từ kết quả và những hạn chế, tồn tại trong hơn 15 năm triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh nhà, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
- Những địa phương mà cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, phát huy đúng mức vai trò tham gia của người dân, thì nơi đó phong trào phát triển rộng mạnh và bền vững.
- Phải thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, nhất là đối với cơ sở để đảm bảo thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện phong trào trong nhân dân.
- Phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của lực lượng nòng cốt ở cơ sở là: Cán bộ, Đảng viên, đoàn viên, hội viên,... trong việc tích cực tham gia phong trào.
- Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, làm cho mọi người, mọi nhà hiểu biết và thực hiện các nội dung tiêu chí của phong trào. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đi đôi với công tác kiểm tra, phúc tra thường xuyên sẽ làm chuyển biến nhận thức của mọi người, mọi nhà và của cả cộng đồng dân cư.
- Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao; phát huy mọi nguồn lực trong nhân dân đóng góp xây dựng phong trào ngày càng sâu rộng và bền vững, nhất là xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở xã, ấp, khu phố. Thực tế cho thấy nơi nào đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì nơi đó hình thành các thiết chế văn hóa như: nhà văn hóa ấp, khu phố, sân bãi thể thao,... và thực hiện được nhiều công trình phúc lợi khác, phục vụ cho đời sống nhân dân ở cơ sở.
- Quan tâm tổ chức sơ, tổng kết phong trào, kịp thời phát hiện, động viên, tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến xuất sắc là các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong phong trào. Đây cũng là việc làm có tác động tích cực, thúc đẩy phong trào lan tỏa sâu rộng.
PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ GIAI ĐOẠN 2015-2020
1. Chỉ tiêu phấn đấu nâng cao chất lượng phong trào
- Vận động 100% hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, giữ vững và công nhận mới trên 95% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa.
- Giữ vững và công nhận mới trên 90% ấp, khu phố văn hóa so với tổng số ấp, khu phố trong toàn tỉnh, trong đó có 40% ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020; 100% ấp, khu phố có thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó có 30% đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Tiếp tục vận động 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” và công nhận trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
- Trên 80% xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng được xây dựng kiên cố, khang trang đạt chuẩn.
- Trên 90% người dân được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về văn hóa.
- Phấn đấu 60% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 30% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020.
- Thu hút 50% trở lên số người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao thường xuyên ở cơ sở (30% đối với vùng khó khăn).
2. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp gắn với Ban Chỉ đạo Chương trình đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới đề ra kế hoạch công tác cụ thể, có phân công nhiệm vụ đối với các thành viên, duy trì hội họp, kịp thời chỉ đạo hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện phong trào.
- Tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng phong trào, nhất là phong trào xây dựng gia đình văn hóa; ấp, khu phố văn hóa; xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu, theo đó, Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở đề ra kế hoạch cụ thể triển khai công tác kiểm tra, phúc tra công nhận các danh hiệu, chấm điểm thi đua phong trào theo định kỳ, kiên quyết không công nhận mới hoặc công nhận lại các danh hiệu văn hóa chưa đủ chuẩn cũng như các trường hợp vi phạm quy định.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, sinh động, vận động trực tiếp qua các cuộc hội họp đoàn thể, lễ phát động xây dựng các phong trào văn hóa,... Khắc phục tư tưởng chủ quan, buông lỏng trong chỉ đạo, điều hành. Xác định mục tiêu chủ yếu là nâng cao chất lượng để đảm bảo phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng đi vào chiều sâu, mang tính bền vững, tránh chạy theo thành tích, số lượng. Tiếp tục gắn phong trào với việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, cơ sở. Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa, dịch vụ; bài trừ các tệ nạn xã hội; chú trọng kiềm chế tội phạm, tai nạn giao thông trên một số địa bàn trọng điểm của tỉnh, tình trạng tăng mức sinh và sinh con thứ 3 trở lên ở cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 18/6/2013 của UBND tỉnh.
- Bám sát mục tiêu xây dựng xã văn hóa gắn với xây dựng xã nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi đua thực hiện phong trào, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế ở địa phương, tránh chồng chéo, trùng lắp, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương và cơ sở thực hiện phong trào đạt hiệu quả.
- Duy trì, phát triển các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở; chú trọng hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn, Nhà Văn hóa ấp, khu phố. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ cơ sở.
- Xem xét điều chỉnh nâng cao tiêu chí thi đua thực hiện phong trào cho phù hợp tình hình thực tế. Tổ chức tốt các hình thức phát động, đăng ký thi đua, bình xét công khai, dân chủ. Quan tâm tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, sơ, tổng kết phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp, kịp thời khen thưởng, động viên, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, cách làm hay, có ý nghĩa tích cực, đóng góp cho sự phát triển bền vững của phong trào.
- Tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách để thực hiện phong trào, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực đóng góp cho phong trào phát triển bền vững. Thực hiện lồng ghép phong trào TDĐKXDĐSVH với các chương trình, dự án khác của địa phương để đạt hiệu quả cao.
Trên cơ sở các nhiệm vụ, chỉ tiêu nêu trên, Ban Chỉ đạo phong trào TĐKXDĐSVH tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh, các sở ngành, đoàn thể tỉnh, UBND và Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tùy theo tình hình thực tế ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện đạt kết quả cao phong trào TDĐKXDĐSVH trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra./.
| TRƯỞNG BAN |
- 1Chỉ thị 07/2013/CT-UBND về đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 2Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2016 về truyền thông phát triển phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Ninh Bình đến 2020, định hướng 2030
- 3Kế hoạch 155/KH-UBND năm 2016 thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 4Quyết định 24/QĐ-BCĐPT năm 2017 ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các ngành thành viên do Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành
- 1Chỉ thị 11-CT/TW năm 2007 về tăng cường lãnh đạo của đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập do Bộ Chính trị ban hành
- 2Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL hướng dẫn về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 3Quyết định 1780/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 17/2011/TT-BVHTTDL hướng dẫn về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 5Luật Công đoàn 2012
- 6Bộ Luật lao động 2012
- 7Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2013 thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội do tỉnh Long An ban hành
- 8Hiến pháp 2013
- 9Chỉ thị 07/2013/CT-UBND về đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 10Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 11Thông tư 08/2014/TT-BVHTTDL quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận "Cơ quan đạt chuẩn văn hóa", "Đơn vị đạt chuẩn văn hóa", "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa" do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 12Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2016 về truyền thông phát triển phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Ninh Bình đến 2020, định hướng 2030
- 13Kế hoạch 155/KH-UBND năm 2016 thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 14Quyết định 24/QĐ-BCĐPT năm 2017 ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các ngành thành viên do Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành
Báo cáo 190/BC-BCĐXDĐSVH năm 2016 tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (2000-2015) do tỉnh Long An ban hành
- Số hiệu: 190/BC-BCĐXDĐSVH
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 18/10/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Long An
- Người ký: Lê Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra