Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/BC-UBND

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2017

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VÀ RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NĂM 2016

Kính gửi: Bộ Tư pháp

Thực hiện Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/10/2016, như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC NĂM 2016

1. Công tác chỉ đạo, điều hành và các điều kiện đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL

a) Công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện:

Để tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2016, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định 7165/QĐ-UBND ngày 28/12/2015; Quyết định số 7173/QĐ-UBND ngày 28/12/2015 về Kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố năm 2016 và Quyết định số 6096/QĐ- UBND ngày 04/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Kế hoạch Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 6098/QĐ-UBND ngày 04/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Kế hoạch Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các Sở, ban, ngành có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tự kiểm tra văn bản của Thành phố. Trên cơ sở ủy quyền của Thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các văn bản thuộc lĩnh vực Tài Nguyên - Môi trường, Giao thông vận tải và một số địa bàn quận, huyện: Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông, Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên. Đồng thời, triển khai thực hiện việc rà soát thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND Thành phố ban hành, hệ thống hóa văn bản đang còn hiệu lực thi hành làm cơ sở cho việc áp dụng thống nhất trên địa bàn Thành phố.

Trên cơ sở Kế hoạch của UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của đơn vị mình làm cơ sở tổ chức thực hiện.

b) Tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí, cộng tác viên, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản QPPL:

Phòng Kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc Sở Tư pháp Hà Nội là phòng chuyên môn thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra, rà soát văn bản QPPL của Thành phố và tiến hành kiểm tra văn bản QPPL của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã theo thẩm quyền. Hiện nay, phòng có 05 biên chế thực hiện công tác này. Để thực hiện nhiệm vụ chung của Thành phố các Sở, ban, ngành đã kịp thời bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản. Duy trì và phát huy hoạt động phối hợp của gần 50 đồng chí tham gia Đoàn kiểm tra và Tổ rà soát văn bản của Thành phố. Nhìn chung, về cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn bản đã từng bước được kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nên đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trên địa bàn Thành phố số lượng cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm.

Về kinh phí hàng năm, Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành tiến hành xây dựng Kế hoạch và lập dự toán kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Trên cơ sở đó, UBND thành phố trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán ngân sách năm tới tại kỳ họp. Do đó, về kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản của Thành phố được đảm bảo kịp thời. Kinh phí hỗ trợ cho công tác văn bản cấp huyện nhìn chung đã được HĐND và UBND cấp huyện quan tâm. Tuy nhiên, kinh phí ở mỗi địa bàn là khác nhau, một số đơn vị cấp kinh phí cho công tác văn bản được phân bổ trong khoán chi của các đơn vị, chưa có kinh phí hỗ trợ riêng.

Thực hiện Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 12/01/2016 về triển khai việc cập nhập văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Tính đến hết tháng 10/2016, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tiến hành cập nhập 429 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia. Các văn bản được cập nhập lên được chia theo các lĩnh vực, loại văn bản giúp cho công tác tra cứu và kiểm tra, rà soát được thực hiện thuận lợi hơn.

c) Công tác tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ:

Trong năm 2016, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tổ chức 02 hội nghị tập huấn công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm phạm luật với đối tượng là các cán bộ làm công tác pháp chế và cán bộ làm công tác kiểm tra văn bản tại các Sở, ban, ngành và UBND quận huyện, thị xã; Thành phố cũng tổ chức 04 buổi tọa đàm về công tác kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 mới có hiệu lực. Theo đó, các Quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố cũng đã tổ chức được trên 40 cuộc họp, tập huấn, bồi dưỡng cho các cán bộ pháp chế và các phòng, ban chuyên môn về công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL như: Hoàng Mai, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mê Linh, Ba Vì, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng...

2. Về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật:

a) Công tác tự kiểm tra văn bản:

- Đối với Thành phố: Thực hiện Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu giúp UBND Thành phố tự kiểm tra văn bản do Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành. Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/10/2016, Ủy ban nhân dân Thành phố tiến hành tự kiểm tra 59 Quyết định quy phạm pháp luật. Qua kiểm tra cho thấy hầu hết văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, phù hợp với pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý Nhà nước trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, theo yêu cầu của các Bộ, ngành, UBND Thành phố đã thực hiện việc tự kiểm tra và gửi báo cáo đối với các lĩnh vực: Công Thương, Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Công an, Giáo dục - Đào tạo, Quốc phòng...

Đối với Quận, huyện, thị xã: UBND quận, huyện, thị xã đã thực hiện tự kiểm tra đối với 1.145 văn bản, trong đó có 193 văn bản quy phạm pháp luật. Qua kiểm tra phát hiện 115 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (43 văn bản quy phạm pháp luật và 72 văn bản có chứa quy phạm pháp luật). Mặc dù công tác tự kiểm tra văn bản của các quận, huyện, thị xã đã được tăng cường. Tuy nhiên, chưa phát hiện kịp thời các văn bản trái pháp luật. Sau khi Đoàn kiểm tra văn bản của Thành phố kiểm tra tại địa bàn phát hiện nhiều văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Nguyên nhân do một một số địa phương, lãnh đạo UBND chưa thực sự quan tâm đến công tác này, phụ thuộc nhiều vào sự chủ động của cơ quan Tư pháp; sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với cơ quan Tư pháp cùng cấp trong công tác kiểm tra còn hạn chế hoặc hình thức.

b) Công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền:

- Công tác kiểm tra văn bản gửi đến Sở Tư pháp: Sở Tư pháp đã tiếp nhận và kiểm tra 98 văn bản do HĐND và UBND quận, huyện, thị xã gửi đến. Qua kiểm tra các văn bản của quận, huyện, thị xã thấy hầu hết văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, phù hợp với pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý Nhà nước trên địa bàn. Tuy nhiên, còn một số văn bản ban hành sai nội dung, thể thức và kỹ thuật trình bày.

- Đối với cấp Huyện: Các Quận, huyện, thị xã đã thực hiện kiểm tra đối với 1.059 văn bản do HĐND, UBND xã, phường, thị trấn ban hành, trong đó: 995 văn bản quy phạm pháp luật. Qua kiểm tra đã phát hiện 172 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (gồm: 20 văn bản sai nội dung, 152 văn bản có những sai khác), Sở Tư pháp đã yêu cầu HĐND và UBND xã, phường, thị trấn ban hành văn bản xử lý.

c) Công tác kiểm tra theo địa bàn:

- Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác kiểm tra văn bản theo địa bàn, UBND Thành phố đã ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp thành lập Đoàn kiểm tra văn bản kiểm tra 06 quận, huyện như: Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông, Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên. Đã kiểm tra 472 văn bản, trong đó có 62 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 38 Nghị quyết, 18 Quyết định, 6 Chỉ thị) và 33 văn bản có chứa quy phạm pháp luật (gồm: 27 Quyết định, 06 Chỉ thị). Kết quả kiểm tra đã phát hiện một số văn bản trái về nội dung, thẩm quyền, căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật trình bày. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ quan ban hành văn bản xử lý các văn bản trái pháp luật.

d) Đánh giá tình hình thực hiện công tác kiểm tra:

- Ưu điểm: Thời gian qua công tác kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố đã được triển khai đồng bộ, tích cực và hoàn thành khối lượng công việc lớn, kịp thời thống nhất về cơ chế, chính sách, góp phần củng cố hoàn thiện hệ thống hóa pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý Nhà nước đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, tạo môi trường và hành lang pháp lý đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội thuận lợi, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân. Công tác kiểm tra, xử lý văn bản trên địa bàn Thành phố đã được các ngành, các cấp quan tâm và ngày càng đi vào nề nếp. Nhận thức của các ngành, các cấp về tầm quan trọng của công tác này được nâng lên. Trong hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Tư pháp với cơ quan chuyên môn, kết quả kiểm tra văn bản được xử lý theo quy định, các cơ quan ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật đã kịp thời xử lý sau khi có thông báo hoặc kết luận của Đoàn Kiểm tra.

- Những hạn chế và nguyên nhân: Quá trình thực hiện công tác kiểm tra văn bản trên địa bàn Thành phố còn gặp một số khó khăn như:

Đội ngũ làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản còn thiếu và không ổn định; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, tổ chức pháp chế của cơ quan chuyên môn thuộc UBND còn kiêm nhiệm nhiều nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong việc giúp Thủ trưởng cơ quan chuyên kiểm tra văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao cũng như việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành trong công tác tự kiểm tra văn bản còn hạn chế; địa bàn Thành phố rộng nên việc tổ chức kiểm tra theo địa bàn hàng năm không nhiều.

Kinh phí hỗ trợ cho công tác kiểm tra văn bản mặc dù đã được quy định trong văn bản pháp luật nhưng mức chi còn thấp nên chưa thu hút được đội ngũ chuyên gia tham gia cộng tác viên kiểm tra văn bản.

3. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật:

a) Kết quả rà soát thường xuyên:

Thực hiện Nghị định 16/2013/NĐ-CP ngày 06/3/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện việc tham mưu giúp giúp UBND Thành phố tiến hành rà soát 38 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 08 Nghị quyết và 30 Quyết định) do HĐND, UBND Thành phố ban hành. Sau khi tiến hành rà soát nhận thấy các văn bản đều phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

b) Rà soát theo căn cứ văn bản phát sinh năm 2016:

Trong năm 2016, do có nhiều văn bản quy phạm pháp luật thay đổi như: Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật, Luật Ngân sách Nhà nước (có hiệu lực kể từ năm ngân sách 2017), Luật Phí và Lệ phí (có hiệu lực ngày 01/01/2017) nên công tác rà soát văn bản của UBND Thành phố đã được Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành tổ chức thực hiện.

- Cấp Thành phố: Các Sở, ban, ngành Thành phố đã tổ chức rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND Thành phố ban hành. Tính đến ngày 10/5/2016 với tổng số 462 văn bản (gồm: 94 Nghị quyết, 368 Quyết định) và xác định: Văn bản hết hiệu lực toàn bộ 41 văn bản (trong đó: 18 Nghị quyết và 23 Quyết định); văn bản hết hiệu lực một phần: 03 Quyết định; còn hiệu lực thi hành: 418 văn bản (gồm: 76 Nghị quyết, 342 Quyết định); văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế: 227 văn bản (47 Nghị quyết, 180 Quyết định); văn bản cần bãi bỏ: 101 văn bản (03 Nghị quyết, 98 Quyết định).

- Cấp huyện: UBND quận, huyện, thị xã đã rà soát tổng số 1.394 văn bản, trong đó đã xử lý sau khi rà soát 45 văn bản.

c) Rà soát theo Chuyên đề, lĩnh vực:

Theo yêu cầu của các Bộ, ngành. Thành phố đã rà soát và gửi báo cáo đối với các lĩnh vực: Công an, Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Giáo dục - Đào tạo và Ngân hàng...

4. Công bố danh mục văn bản hết hiệu lực pháp luật:

Trên cơ sở kết quả rà soát, trong năm 2016, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 508/QĐ-UBND ngày 29/01/2016 về việc công bố Danh mục 33 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND thành phố Hà Nội ban hành đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần, trong đó: 27 Quyết định hết hiệu lực toàn bộ, 06 văn bản (01 Nghị quyết, 05 Quyết định) hết hiệu lực một phần; Quyết định số 2841/QĐ-UBND ngày 02/6/2016 của UBND Thành phố về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND thành phố Hà Nội ban hành đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần.

Tháng 01/2017 Thành phố công bố 83 văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong đó: 77 văn bản (06 Nghị Quyết, 71 Quyết định) hết hiệu lực toàn bộ; 06 văn bản (02 Nghị quyết và 04 Quyết định) hết hiệu lực một phần.

5. Đánh giá chung về kết quả công tác xây dựng, ban hành văn bản thuộc trách nhiệm rà soát hệ thống hóa:

Nhìn chung, văn bản quy phạm pháp luật do Thành phố ban hành đúng thẩm quyền, căn cứ pháp lý ban hành văn bản phù hợp với các quy định hiện hành và các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên. Tạo điều kiện và định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; các văn bản ban hành có tính thực tiễn, khả thi, phù hợp với các đối tượng được điều chỉnh. UBND Thành phố luôn coi công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản là một nhiệm vụ trọng tâm và thiết thực trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực hoạt động.

Trong năm qua, Thành phố đã quan tâm, chỉ đạo công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm nháp luật, thường xuyên rà soát văn bản để phát hiện những quy định không còn phù hợp với quy định của pháp luật để đảm bảo tính hợp lý, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập như: đội ngũ cán bộ công chức còn thiếu, kiêm nhiệm và một số bộ phận có sự thay đổi về vị trí công tác.

II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Để công tác kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL được thực hiện tốt, UBND Thành phố kiến nghị Bộ Tư pháp một số nội dung sau:

- Quan tâm đến các điều kiện đảm bảo thi hành của công tác kiểm tra, rà soát văn bản về: Cơ chế thu hút chuyên gia và cán bộ công chức giỏi am hiểu chuyên sâu trong lĩnh vực văn bản tham gia vào công tác kiểm tra, rà soát văn bản; đổi mới việc quản lý sử dụng kinh phí, cơ chế chính sách về tiền lương, phụ cấp trách nhiệm nghề...cho cán bộ làm công tác pháp chế, kiểm tra, rà soát văn bản ở cơ quan Tư pháp các cấp và cơ quan chuyên môn, nhằm thu hút các cán bộ, công chức có chuyên môn cao, kiến thức sâu về lĩnh vực này.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác kiểm tra văn bản như: Ban hành Thông tư hướng dẫn thống nhất về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện.

- Nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng các chức danh chuyên trách làm công tác kiểm tra văn bản nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này.

- Đổi mới cách thức và nâng cao nội dung về đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản, hướng dẫn chuyên sâu, tăng cường kỹ năng nghiệp vụ, tình huống cụ thể. Nội dung tập huấn cần được xây dựng dựa trên việc khảo sát về nhu cầu, tháo gỡ khó khăn về chuyên môn, bồi dưỡng những kỹ năng còn yếu của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trân trọng báo cáo Bộ Tư pháp về công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố năm 2016./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT TU, TT HĐND TP;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND TP;
- Ban pháp chế HĐND TP;
- Văn phòng ĐĐBQH và HĐND TP;
- Các Sở, ban, ngành TP;
- UBND Quận, huyện, thị xã;
- VP UBND TP: CVP, PCVP;
- Các phòng NC, TKBT, TH;
- Trung tâm tin học Công báo;
- Cổng giao tiếp điện tử TP;
- Lưu: VT, NC(B).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 18/BC-UBND năm 2017 tình hình công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 do thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 18/BC-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 25/01/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Hồng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản