Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 163/BC-CP | Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2010 |
BÁO CÁO QUỐC HỘI
NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC TẬP ĐOÀN KINH TẾ VÀ TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC
Thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27/11/2009 của Quốc hội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác xây dựng cơ chế, chính sách; công tác chỉ đạo điều hành và định hướng của Chính phủ trong công tác quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước như sau:
I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN NHÀ NƯỚC.
1. Công tác xây dựng chính sách, pháp luật.
a) Theo quy định của Hiến pháp, căn cứ vào chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, thời gian vừa qua Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật quy định việc quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước như: Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Chứng khoán...
b) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể các văn bản pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vốn tài sản đối với doanh nghiệp nhà nước như:
Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định về: quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước; chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước theo mô hình công ty mẹ - công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; thí điểm tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước; quy định cơ chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; quy định chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty cổ phần; chính sách về tiền lương đối với công ty nhà nước; chính sách về giải quyết lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ... (Phụ lục đính kèm).
c) Thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27/11/2009 của Quốc hội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 23/02/2010 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội nêu trên. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát và triển khai tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý, quản trị doanh nghiệp, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó:
- Nghị định của Chính phủ về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thay thế Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20/10/2005 và Nghị định số 86/2006/NĐ-CP ngày 21/8/2006 của Chính phủ.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đã triển khai nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo và đã lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty; đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì đã trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định. Chính phủ dự kiến lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và ban hành trong Quý IV/2010.
- Nghị định của Chính phủ về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bao gồm việc quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cơ chế quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp là vấn đề đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đi kèm với nó sẽ là cơ chế quản lý tài chính đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trong khi đó cơ chế quản lý tài chính lại gắn với quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc quyết định tỷ lệ huy động vốn; đầu tư vốn; mua, bán tài sản của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đang trong quá trình xây dựng, thảo luận trước khi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Chính phủ dự kiến sau khi ban hành Nghị định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, sẽ xem xét đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định này và dự kiến ban hành trong Quý I/2011.
- Nghị định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần thay thế Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đã gửi dự thảo và sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty; đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo trước khi Chính phủ lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Dự kiến Chính phủ ban hành trong Quý IV/2010.
- Nghị định về tổ chức, hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đã gửi dự thảo và sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty; đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo trước khi Chính phủ lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Dự kiến Chính phủ ban hành trong Quý IV/2010.
- Nghị định của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng.
Sau quá trình nghiên cứu, soạn thảo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2010/NĐ-CP ngày 11/10/2010 về tổ chức quản lý và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng.
- Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; chế độ tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp đối với người quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Cơ quan chủ trì soạn thảo sau khi đã tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty và hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo trước khi Chính phủ lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Dự kiến Chính phủ ban hành trong Quý IV/2010.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Cơ quan chủ trì soạn thảo sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty đã đề nghị Bộ Tư pháp thực hiện thẩm định theo đúng trình tự. Dự kiến Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo để cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quý I/2011.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế đấu thầu đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về những khó khăn, vướng mắc để hoàn chỉnh dự thảo trước khi lấy ý kiến chính thức về nội dung từ các Bộ, ngành, địa phương và thẩm định của Bộ Tư pháp. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quý I/2011.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; Cơ chế giám sát tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn; Quy định cụ thể chế độ báo cáo và công khai, minh bạch kết quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty trước khi đề nghị Bộ Tư pháp thực hiện thẩm định theo đúng trình tự. Dự kiến Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo để cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quý I/2011.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Cơ quan chủ trì soạn thảo sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty và ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ đã hoàn thiện đề án trình Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quý IV/2010.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn để lựa chọn nhân sự quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đang triển khai lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty trước khi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Dự kiến cơ quan chủ trì soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành trong Quý I/2011. Đồng thời với quy định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn để lựa chọn nhân sự quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cơ quan chủ trì cũng đang hoàn chỉnh để trình Chính phủ sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về Nghị định hướng dẫn áp dụng Luật Cán bộ, công chức, trong đó Nghị định quy định về quyền hạn, trách nhiệm, lợi ích, chế tài xử lý vi phạm, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp.
- Về phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ đã và tiếp tục phê duyệt phương án tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Các đề án về cơ chế chính sách nêu trên sau khi được ban hành sẽ tạo cơ sở hoàn thiện khung khổ pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ; các doanh nghiệp an ninh, quốc phòng, cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
2. Công tác chỉ đạo điều hành.
a) Định kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ quản lý ngành tổng hợp, phân tích đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hàng năm, Chính phủ tổ chức hội nghị làm việc trực tiếp với một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, then chốt để chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các tập đoàn, tổng công ty; định hướng hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty; chấn chỉnh công tác quản lý, trong đó đặc biệt là công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn. Đồng thời, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát, hỗ trợ các địa phương nghèo phát triển kinh tế; nâng cao trách nhiệm của tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc kích cầu đầu tư chống suy giảm kinh tế. Chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý đầu tư sử dụng vốn ngân sách, vốn vay, vốn viện trợ...; cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như các loại hình doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
b) Thực hiện ý kiến của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp nghe và xử lý các vấn đề vướng mắc của tập đoàn, tổng công ty. Đã kiên quyết chỉ đạo việc sắp xếp, tổ chức lại các tập đoàn, tổng công ty kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ như: sáp nhập Tổng công ty Xây dựng miền Trung vào Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp; Tổng công ty Muối vào Tổng công ty Lương thực miền Bắc; xử lý các vấn đề liên quan đến Tập đoàn Vinashin... Rà soát, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty cắt giảm các dự án đầu tư ngoài ngành, tập trung vốn đầu tư vào những lĩnh vực thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính
c) Chỉ đạo công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp gắn với việc xây dựng và phát triển thị trường tài chính, thị trường chứng khoán. Đến 30/9/2010, cả nước đã sắp xếp được 5.839 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá 3.943 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Qua công tác sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, dự kiến đến cuối năm 2010, cả nước còn khoảng 1.200 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chủ yếu thuộc lĩnh vực độc quyền của Nhà nước; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích; doanh nghiệp an ninh, quốc phòng; các doanh nghiệp là nông, lâm trường hoặc các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thiết yếu cho xã hội. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổng kết 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
d) Chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh; công tác cổ phần hoá, ngăn ngừa thất thoát tài sản nhà nước tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
đ) Đã tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị về mô hình tập đoàn kinh tế; cơ chế, chính sách ngăn ngừa thất thoát tài sản nhà nước; chính sách bán cổ phần cho người lao động tại doanh nghiệp cổ phần hoá và đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước sau cổ phần hoá; Đề án “Tiếp tục đổi mới, củng cố phát huy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước”.
Bộ Chính trị đã có Kết luận số 45-KL/TW ngày 10/4/2009 về việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế và cơ chế, chính sách ngăn ngừa thất thoát tài sản nhà nước; cơ chế chính sách bán cổ phần cho người lao động tại doanh nghiệp cổ phần hoá và đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước sau cổ phần hoá và Kết luận số 78-KL/TW ngày 26/7/2010 về báo cáo kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khoá IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và về đề án tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Theo đó, Bộ Chính trị nhất trí với các giải pháp cần được quan tâm trong báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ như: nâng cao chất lượng công tác xác định giá trị doanh nghiệp; đổi mới chính sách bán cổ phần cho người lao động; tăng cường công tác quản lý các doanh nghiệp sau cổ phần hoá; tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước để hình thành những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đủ mạnh chi phối nền kinh tế; giãn tiến độ cổ phần hoá cho phù hợp, không nhất thiết phải tập trung hoàn thành trong 2 năm 2009- 2010; hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đầy đủ và đồng bộ; đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục củng cố mô hình Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Nhìn chung trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cố gắng để thực hiện tốt việc quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp đều bám sát chủ trương đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước của Đảng, phù hợp với các văn bản pháp luật đã được Quốc hội ban hành, hình thành hệ thống khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ đảm bảo cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh.
II. TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH VÀ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2009 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2010 CỦA CÁC TẬP ĐOÀN KINH TẾ, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC.
Theo số liệu báo cáo từ 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (không bao gồm Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam – Vinashin) tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh như sau:
1. Về quy mô vốn và bảo toàn vốn nhà nước:
a) Vốn chủ sở hữu năm 2009 tại 81 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (sau đây gọi là các tập đoàn, tổng công ty) đạt 554.895 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2008. Trong đó các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặc biệt chiếm 87,1% tổng số vốn chủ sở hữu.
Đến 30/6/2010, vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty là 572.582 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 3,8% so với thực hiện năm 2009.
b) Tổng tài sản năm 2009 tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt 1.450.113 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2008. Trong đó các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặc biệt chiếm 85,8% tổng số tài sản.
Đến 30/6/2010, giá trị tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty là 1.518.999 tỷ đồng, tăng khoảng 4,8% so với thực hiện năm 2009.
2. Về nợ phải trả:
Nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty năm 2009 là 813.435 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu, bằng 0,58 lần so với tổng tài sản. Nhìn tổng thể các tập đoàn, tổng công ty đảm bảo tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (1,5 lần so với quy định 3 lần).
3. Về kết quả kinh doanh:
a) Về Doanh thu:
- Tổng doanh thu năm 2009 của các tập đoàn, tổng công ty đạt: 1.099.288 tỷ đồng, bằng 115% so với kế hoạch năm 2009, tăng 18,9% so với năm 2008. Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặc biệt đạt 863.851 tỷ đồng, vượt 14,5% kế hoạch năm và tăng 15,1% so với năm 2008.
- Doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty đến 30/6/2010 đạt 732.761 tỷ đồng, bằng 58,6% so với kế hoạch năm 2010. Trong đó 10 tập đoàn đạt 490.140 tỷ đồng và 11 tổng công ty đặc biệt đạt 112.679 tỷ đồng.
b) Về lợi nhuận:
- Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2009 của các tập đoàn, tổng công ty đạt: 97.622 tỷ đồng, bằng 109% so với kế hoạch năm 2009, tăng 10% so với thực hiện năm 2008. Trong đó các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặc biệt lợi nhuận đạt 82.751 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch năm 2009 và chiếm 84,7% tổng lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty.
- Lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty đến 30/6/2010 đạt 43.865 tỷ đồng, bằng 51% so với kế hoạch năm 2010. Trong đó 10 tập đoàn đạt 33.021 tỷ đồng và 11 tổng công ty đặc biệt đạt 4.664 tỷ đồng.
c) Về thu nộp ngân sách nhà nước:
- Tổng nộp ngân sách năm 2009 của các tập đoàn, tổng công ty đạt: 189.467 tỷ đồng (bao gồm tiền thu từ dầu thô hơn 66 nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), bằng 142% so với kế hoạch năm 2009 (nếu loại số tiền thu dầu thì tăng 151% so với kế hoạch), tăng 4% so với thực hiện năm 2008. Trong đó các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt đạt 147.286 tỷ đồng, bằng 144% kế hoạch năm 2009.
- Tổng số thu nộp ngân sách 6 tháng đầu năm 2010 của các tập đoàn, tổng công ty là 97.671 tỷ đồng, bằng 58,2% so với kế hoạch năm 2010.
4. Về kim ngạch xuất nhập khẩu:
a) Về xuất khẩu:
- Suy thoái kinh tế toàn cầu cuối năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, nhiều tập đoàn, tổng công ty bị khách hàng huỷ hợp đồng dẫn đến sản lượng, doanh thu xuất khẩu giảm.. Năm 2009 giá trị kim ngạch xuất khẩu của các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạt 14,227 tỷ USD, giảm 20% so với thực hiện năm 2008.
- Giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2010 của các tập đoàn, tổng công ty đạt 7,937 tỷ USD, bằng 58,2% so với kế hoạch năm.
b) Về nhập khẩu:
- Cùng với sự suy thoái của kinh tế thế giới, sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn, tiêu dùng chưa khởi sắc.. việc nhập khẩu máy móc thiết bị, hàng hoá của các tập đoàn, tổng công ty năm 2009 cũng giảm đáng kể so với thực hiện năm 2008. Theo số liệu báo cáo từ 38 tập đoàn, tổng công ty thực hiện nhập khẩu, hàng hoá, máy móc thiết bị, giá trị kim ngạch nhập khẩu năm 2009 là: 7.163 tỷ USD, giảm 5% so với kế hoạch năm và giảm 36,6% so với thực hiện năm 2008.
Hàng hoá, máy móc, thiết bị phụ trợ được nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu hàng dệt may; xăng, dầu; hoá chất; nguyên liệu phụ trợ sản xuất thép, xi măng, hoá mỹ phẩm; thuốc...
- 6 tháng đầu năm 2010, kim ngạch nhập khẩu các tập đoàn, tổng công ty là 5,174 tỷ USD, bằng 52,1% kế hoạch năm.
5. Về đầu tư ra nước ngoài:
Theo báo cáo tính đến 31/12/2009, có 16 tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra nước ngoài với giá trị là 3.888 triệu USD (tương đương khoảng 69.612 tỷ đồng Việt Nam theo tỷ giá tạm tính bình quân là 17.900 đồng/1USD), trong đó có 07 tập đoàn đầu tư là 3.859 triệu USD (khoảng 69.078 tỷ đồng Việt Nam), chiếm 99,2% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của 16 tập đoàn, tổng công ty.
Lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn là: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Nga, Trung đông và Châu Phi, Venezuela (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam); đầu tư phát triển mạng lưới viễn thông ở Lào, Camphuchia (Tập đoàn Viễn thông quân đội); đầu tư dịch vụ viễn thông ở Hông Kông, đầu tư sản xuất vật tư, thiết bị viễn thông ở Lào (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam); đầu tư phát triển trồng cây cao su ở Lào, Camphuchia (Tập đoàn Cao su Việt Nam); đầu tư khai thác khoáng sản tại Lào, Camphuchia (Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam); đầu tư vào lĩnh vực điện ở Lào (Tập đoàn Sông Đà)...
Tính đến 30/6/2010, đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty là 3.987 triệu USD (khoảng 71.380 tỷ đồng Việt Nam), tăng 128 triệu USD (khoảng 1.768 tỷ đồng Việt Nam) so với 31/12/2009. Trong đó có 07 tập đoàn đầu tư là 3.897 triệu USD (khoảng 69.764 tỷ đồng Việt Nam), chiếm 97,7% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của 16 tập đoàn, tổng công ty. Giá trị tăng thêm chủ yếu do Tổng công ty Hàng không Việt Nam đầu tư góp vốn thành lập hãng hàng không quốc gia tại Camphuchia.
III. VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VỐN, TÀI SẢN NHÀ NƯỚC CỦA CÁC TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC.
Hiện nay, cả nước có 91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có 11 tập đoàn kinh tế nhà nước, 11 tổng công ty đặc biệt. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giữ vai trò quan trọng, là nòng cốt trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Thời gian qua, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có sự đổi mới về năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động, giữ được vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa thực hiện sản xuất kinh doanh cạnh tranh theo pháp luật vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao.
1. Về thực hiện nhiệm vụ chính trị:
Để giữ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo giữ chi phối, bảo đảm việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế đối với một số lĩnh vực như: điện, than, xăng dầu, xi măng, thép, lương thực…
Các tập đoàn, tổng công ty đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định xã hội, ngăn ngừa sự suy giảm kinh tế, giữ vững tăng trưởng kinh tế. Các tập đoàn, tổng công ty góp phần chủ lực bảo đảm an sinh xã hội, duy trì việc làm cho người lao động, không để xảy ra đình công, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Các tập đoàn, tổng công ty cũng chú trọng đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ công ích ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (như Tây Nguyên, Tây Bắc, Miền Trung,...), hỗ trợ các địa phương nghèo. Các tập đoàn, tổng công ty tích cực tham gia trong việc triển khai hỗ trợ khó khăn cho các huyện nghèo trên cả nước.
Các tập đoàn, tổng công ty thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao đầu tư những dự án trọng điểm, quan trọng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội dài hạn của đất nước, những dự án lớn hoặc hiệu quả về kinh tế thấp nhưng ý nghĩa chính trị và hiệu quả về xã hội lớn mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không làm hoặc không có đủ khả năng làm, đặc biệt những dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển dịch, thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế vùng miền theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước như Tập đoàn Dầu khí đầu tư vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Quãng Ngãi; Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư thuỷ điện Sơn La, Lai Châu, đầu tư phát triển mạng lưới điện ở Tây Nguyên và các tỉnh miền núi, khó khăn; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội phát triển hệ thống thông tin liên lạc về các vùng sâu vùng xa…
2. Về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước:
Hệ thống cơ chế, chính sách quản lý tài chính đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện nay cơ bản đã thống nhất và bình đẳng với các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực Nhà nước đang áp dụng chung chính sách thuế, đầu tư, tín dụng. Các tập đoàn, tổng công ty được nâng cao quyền chủ động sử dụng vốn nhà nước và các loại vốn khác vào hoạt động kinh doanh; chịu trách nhiệm về bảo toàn, phát triển vốn, hiệu quả sử dụng vốn. Cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng hướng các tập đoàn, tổng công ty tập trung vốn vào các lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính, hạn chế việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao. Những kết quả đạt được về nhiệm vụ chính trị nói riêng và hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung trong những năm vừa qua đã khẳng định các tập đoàn, tổng công ty giữ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế, là công cụ của Chính phủ để điều tiết nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động của hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có hiệu quả, đóng góp cho ngân sách nhà nước, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tỷ suất lợi nhuận (trước thuế) trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2009 là 17,5%; nộp ngân sách nhà nước tăng 4% so với thực hiện năm 2008; vốn chủ sở hữu năm 2009 tăng 19% so với năm 2008.
Quy mô hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty được nâng cao dần qua các năm. Trước năm 2006 khi chưa hình thành mô hình tập đoàn kinh tế, năng lực tài chính cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của các Tổng công ty 91 chưa cao (vốn chủ sở hữu khoảng 180 – 200 nghìn tỷ đồng; tài sản khoảng 500 – 550 nghìn tỷ đồng; doanh thu khoảng 320 – 360 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế khoảng 38 – 40 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách từ 50 – 55 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên từ năm 2006 đến nay, năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn và các tổng công ty đặc biệt đã lớn mạnh. Tính đến năm 31/12/2009, vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt là 483 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 140% so với trước năm 2006; tổng tài sản đạt 1.242 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 125%; doanh thu đạt 863 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 139%; lợi nhuận 82 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 105%; nộp ngân sách 148 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 141%.
3. Những hạn chế, tồn tại:
Chức năng đại diện chủ sở hữu vốn còn phân tán, chồng chéo nên trách nhiệm trong quản lý cũng chưa rõ ràng. Những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước thường được phát hiện sau khi thanh tra, kiểm tra tại các tập đoàn, tổng công ty hoặc có khiếu nại, tố cáo. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty cũng còn chồng chéo phần nào đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty.
Công tác quản lý, điều hành của nhiều tập đoàn, tổng công ty còn có sự hạn chế; chậm thay đổi để phù hợp so với yêu cầu quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và xu thế hội nhập; trong quản trị doanh nghiệp còn mang tính chủ quan, duy ý chí, quan liêu. Nhiều tập đoàn, tổng công ty chậm đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, chưa thực sự năng động trong việc cạnh tranh, tiếp cận thị trường đối với hàng hoá, sản phẩm của mình, chưa chú trọng phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có tay nghề cao. Quy mô và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu tại một số tổng công ty nhỏ và chậm, vẫn còn một số tổng công ty hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, kinh doanh thua lỗ.
Nhiều dự án, công trình xây dựng theo chỉ đạo của Nhà nước sử dụng vốn ngân sách để thực hiện, nhưng chậm được thanh toán, trong khi vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh phải đi vay nên hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả. Hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với quy mô đầu tư của Chính phủ, còn để tình trạng lãng phí trong đầu tư như chậm hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm tại các lĩnh vực năng lượng, giao thông, cảng biển,...
Do yêu cầu chống lạm phát cũng như chống suy giảm kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống của nhân dân, nhiều mặt hàng chưa được thực hiện mua, bán theo giá thị trường nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty.
Việc huy động quá nhiều vốn để thực hiện đầu tư, đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh, thành lập nhiều công ty con, công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề của một số tập đoàn, tổng công ty trong khi năng lực quản lý và khả năng tài chính có hạn đã dẫn tới hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cao, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân hiện tại của các tập đoàn, tổng công ty thấp hơn mức 3 lần theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên vẫn có một số tập đoàn, tổng công ty huy động số vốn lớn để đầu tư các dự án nên có tỷ lệ huy động vốn (nợ) trên vốn chủ sở hữu cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo toàn vốn theo quy định của Chính phủ.
Một số tập đoàn, tổng công ty trong những năm vừa qua tham gia góp vốn vào ngân hàng thương mại cổ phần, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản với số tiền khá lớn. Tính đến cuối năm 2009, tỷ lệ đầu tư vào những lĩnh vực này đã dần đảm bảo theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư trong những lĩnh vực này chưa thực sự hợp lý khi nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính còn hạn chế. Mặt khác việc đầu tư vào những tổ chức này chủ yếu là đầu tư dài hạn nên không hiệu quả trong ngắn hạn, nhất là trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu từ nửa cuối năm 2008 cho đến nay.
Việc tuân thủ các quy định của Nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại nhiều tập đoàn, tổng công ty chưa cao, biểu hiện ở chế độ báo cáo thường xuyên, định kỳ chưa đầy đủ, không đúng thời gian quy định. Chất lượng không đảm bảo yêu cầu, thiếu chỉ tiêu để thực hiện so sánh, đánh giá việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vẫn còn dàn trải, chưa tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính hoặc chủ yếu.
Chưa có đầy đủ chế tài và chưa kiên quyết xử lý những doanh nghiệp không báo cáo đầy đủ, kịp thời hoặc nhiều năm liên tục có sai sót trong công tác quản lý, điều hành, bị xếp loại doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ, làm giảm hiệu lực pháp lý của các chế tài đã được Nhà nước quy định. Đồng thời chưa thực sự gắn năng lực lãnh đạo với vị trí công tác nên một số tổng công ty kinh doanh thua lỗ liên tục, kéo dài nhưng Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc không bị xử lý trách nhiệm, miễn nhiệm hoặc bị cách chức.
IV. CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC.
1. Về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
- Chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trước mắt, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về quản lý tài chính bao gồm cả việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Sau một thời gian thực hiện, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết, rút kinh nghiệm để nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Chỉ đạo các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển và các giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả và vị trí của doanh nghiệp nhà nước.
- Thống nhất cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Phân định rõ và tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, các địa phương.
- Chỉ định một cơ quan làm đầu mối chịu trách nhiệm chính, thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.
- Chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tài chính để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
- Chỉ đạo đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích, đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân có sai phạm.
- Chấn chỉnh tình trạng tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư, mở rộng ngành nghề mới không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính.
- Kiên quyết sắp xếp, xử lý doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài; đối với doanh nghiệp tạm thời khó khăn có phương án củng cố, cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính để ổn định và phát triển.
- Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có quy mô lớn; các doanh nghiệp còn lại thực hiện cổ phần hoá hoặc các hình thức sắp xếp khác thích hợp. Kiên quyết giải thể, phá sản các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, mất vốn Nhà nước.
2. Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước:
- Tiếp tục xác định vị trí, vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; công ty mẹ; các doanh nghiệp an ninh, quốc phòng, cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có trách nhiệm sản xuất, cung ứng các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững.
- Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và phương án sản xuất kinh doanh hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Rà soát lại ngành nghề kinh doanh, danh mục đầu tư, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động để điều chỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ chính được giao và chiến lược phát triển của tập đoàn, tổng công ty.
- Tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình trọng điểm để phát huy tối đa hiệu quả các dự án, công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Cắt giảm hoặc dừng việc mua, xây dựng trụ sở mới, đất đai, bất động sản, phương tiện, thiết bị phục vụ gián tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh để tập trung nguồn lực cho các dự án có hiệu quả, cần thiết cho xã hội. Hàng năm đánh giá hiệu quả sử dụng vốn (bao gồm cả vốn vay) để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh đối với những trường hợp sử dụng vốn không có hiệu quả.
- Thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Củng cố năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng cường kiểm soát rủi ro tài chính để kịp thời có biện pháp phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Chủ động đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
- Đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có trình độ, tay nghề cao, quản lý giỏi; có chế độ thu hút người giỏi tham gia điều hành doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung Báo cáo của Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC CHÍNH SÁCH VỀ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
I. DANH MỤC CHÍNH PHỦ BAN HÀNH:
1. Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20/10/2005 về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước; Nghị định số 86/2006/NĐ-CP ngày 21/8/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20/10/2005;
2. Nghị định số 180/2004/NĐ-CP ngày 28/10/2004 về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước;
3. Nghị định số 111/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước theo hình thức công ty mẹ - công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;
4. Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 5/11/2009 thí điểm tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước;
5. Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/02/2009 ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác;
6. Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;
7. Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước;
8. Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;
9. Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11/3/2005 về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
10. Nghị định 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước;
11. Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước;
12. Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 quy định quản lý lao động, tiền lương và thu nhập trong các công ty nhà nước;
13. Nghị định số 207/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 quy định chế độ tiền lương, tiền thưởng và chế đọ trách nhiệm đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty nhà nước;
II. DANH MỤC THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH:
1. Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20/3/2007 về ban hành tiêu chí, phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước;
2. Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 6/10/2006 về ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước;
3. Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 9/11/2006 ban hành Quy chế đấu thầu đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích;
4. Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 về thành lập Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước;
5. Quyết định số 113/2008/QĐ-TTg ngày 18/8/2008 về thành lập và ban hành Quy chế quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương;
- 1Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017
- 2Công văn 10285/VPCP-ĐMDN năm 2016 thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 14735/BTC-QLCS năm 2017 về triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ Tài chính ban hành
- 1Nghị định 132/2005/NĐ-CP về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước
- 2Luật Đầu tư 2005
- 3Luật Doanh nghiệp 2005
- 4Luật Chứng khoán 2006
- 5Nghị định 86/2006/NĐ-CP sửa đổi nghị định 132/2005/NĐ-CP về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước
- 6Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần
- 7Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp 2003
- 8Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008
- 9Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008
- 10Nghị quyết 42/2009/QH12 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Quốc hội ban hành
- 11Nghị quyết 10/NQ-CP năm 2010 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 42/2009/QH12 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Chính phủ ban hành
- 12Nghị định 104/2010/NĐ-CP về tổ chức, quản lý và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh
- 13Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017
- 14Công văn 10285/VPCP-ĐMDN năm 2016 thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 15Công văn 14735/BTC-QLCS năm 2017 về triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ Tài chính ban hành
Báo cáo 163/BC-CP về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 163/BC-CP
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 01/11/2010
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Vũ Văn Ninh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra