Hệ thống pháp luật

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 16/BC-UBTVQH13

Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2011

 

BÁO CÁO

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU Ý KIẾN CỦA CÁC VỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HIẾN PHÁP NĂM 1992 VÀ THÀNH LẬP UỶ BAN DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Ngày 04 tháng 8 năm 2011, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Tờ trình số 11/TTr-UBTVQH13 ngày 02/8/2011 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Về cơ bản, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với nội dung Tờ trình và cho rằng, Tờ trình đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; diễn đạt ngắn gọn, súc tích; xác định rõ mục đích, yêu cầu, quan điểm và những định hướng lớn của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đóng góp vào một số nội dung cụ thể trong Tờ trình.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ngay sau phiên họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Uỷ ban thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội như sau:

1. Về sự cần thiết và mục đích, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

Nhìn chung, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết và mục đích, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 được nêu trong Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung mục đích sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế và bổ sung yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung là phải tiến hành thận trọng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, những vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu, đã được thể hiện trong Tờ trình tại các mục 1.1, 2.1, 2.5, 2.6,… Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như Tờ trình về sự cần thiết và mục đích, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

2. Về quan điểm sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992

Về cơ bản, ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã nêu trong Tờ trình. Có ý kiến đề nghị việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải dựa trên cơ sở tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây để có sự kế thừa, phát triển.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, vấn mà đại biểu nêu là cần thiết và hợp lý nhưng đã được thể hiện tại mục 2.1 của Tờ trình.

3. Về một số định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

- Có ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là sửa đổi, bổ sung một số điều hay sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện để định hướng cho Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, khi chưa tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan, cũng như khi chưa nghiên cứu xây dựng dự thảo thì việc xác định ngay phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều hay sửa đổi toàn diện lúc này là chưa hợp lý. Vấn đề này sẽ được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội khi xem xét, cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp (Dự thảo 1).

- Có ý kiến đề nghị phạm vi sửa đổi Hiến pháp lần này chủ yếu tập trung vào vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương. Ngược lại, nhiều ý kiến khác lại đề nghị cần nghiên cứu một cách toàn diện tất cả các chế định trong Hiến pháp để có sự đề xuất, kiến nghị phù hợp.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, như đã nêu ở Tờ trình việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là để thể chế hóa kịp thời đường lối, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh chính trị và các văn kiện khác của Đại hội Đảng lần thứ XI chứ không chỉ tập trung chủ yếu vào vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước.

- Về một số chế định trong Hiến pháp được đề cập tại Tờ trình, các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ghi nhận và chuyển đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp để nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ khi xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

4. Về tổ chức thực hiện

Nhìn chung, các ý kiến đều tán thành với việc tổ chức thực hiện việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp như trong Tờ trình. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc thời gian để tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và thời gian trình Quốc hội dự thảo lần thứ nhất, vì cho rằng thời gian như vậy là quá ngắn.

Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo kế hoạch sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 thì các cơ quan, tổ chức hữu quan có 8 tháng (từ tháng 8/2011 đến tháng 3/2012) để tiến hành việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và hơn một năm (từ tháng 8/2011 đến tháng 10/2012) để chuẩn bị dự thảo lần thứ nhất trình Quốc hôi. Với sự chuẩn bị nghiêm túc, tích cực và khẩn trương của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các cơ quan hữu quan, sự tham gia của nhân dân cả nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng có thể bảo đảm tiến độ như đã dự kiến.

5. Về Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với thành phần, số lượng Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp như Tờ trình. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung đại diện một số cơ quan, tổ chức tham gia vào Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp như Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam và một số đại biểu Quốc hội tiêu biểu thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã bổ sung đại diện Uỷ ban tư pháp, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam vào thành phần Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nâng tổng số thành viên Uỷ ban này lên 30 người. Số lượng này cũng phù hợp với những lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trước đây (thường khoảng từ 15 đến 30 người, có trường hợp chỉ gồm 7 người như Uỷ ban dự thảo Hiến pháp năm 1946). Với cơ cấu này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thấy rằng về cơ bản đã bảo đảm sự cân đối nhất định giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cũng như giữa các nhà quản lý và các chuyên gia, các nhà khoa học. Đồng thời, Uỷ ban dự thảo Hiến pháp sẽ thành lập Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp giúp việc cho Uỷ ban với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học đại diện cho các giới, ngành, nghề khác nhau vào quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

6. Về dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Đa số ý kiến phát biểu đều tán thành với dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bên cạnh đó, có một số đại biểu Quốc hội có ý kiến về một số nội dung cụ thể, đó là:

- Có ý kiến đề nghị sắp xếp tên các vị tham gia Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong dự thảo Nghị quyết theo đúng thứ tự trong Tờ trình Quốc hội và gồm cả chức danh của từng vị.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý lại tên, chức danh, chức vụ của các vị tham gia Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp như trong dự thảo Nghị quyết.

- Có ý kiến đề nghị dự thảo Nghị quyết cần thể hiện rõ quan điểm, định hướng lớn của việc nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992 để có cơ sở pháp lý khi thực hiện.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý lại như trong dự thảo Nghị quyết.

Ngoài những nội dung được giải trình, tiếp thu trên đây, các vị đại biểu Quốc hội còn đóng góp ý kiến về một số vấn đề thuộc nội dung và kỹ thuật cụ thể khác, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin ghi nhận và chuyển đến Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp.

*

* *

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Uỷ ban thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

 

Nơi nhận:
- Các vị ĐBQH;
- Lưu: HC, PL.

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Uông Chu Lưu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 16/BC-UBTVQH13 giải trình, tiếp thu ý kiến của vị đại biểu quốc hội về triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 16/BC-UBTVQH13
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 06/08/2011
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Uông Chu Lưu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản