- 1Luật Phòng, chống ma túy 2000
- 2Nghị định 163/2003/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
- 3Nghị định 135/2004/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người thành niên, người tự nguyện vào cở sở chữa bệnh
- 4Nghị định 43/2005/NĐ-CP về việc đưa người nghiện ma tuý, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh
- 5Luật phòng, chống ma túy sửa đổi 2008
- 6Chỉ thị 21-CT/TW năm 2008 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới do Bộ Chính trị ban hành
- 7Nghị quyết liên tịch số 01/2008/NQLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTTDL-UBTƯMTTQVN về việc ban hành "Các tiêu chí phân loại, chấm điểm đánh giá và biểu thống kê báo cáo về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm" do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Công an - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành
- 8Nghị định 94/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống ma túy sửa đổi về quản lý sau cai nghiện ma túy
- 9Nghị định 94/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng
- 10Quyết định 3122/2010/QĐ-BCA ban hành tiêu chí phân loại và mức hỗ trợ kinh phí cho xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn ma túy trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- 11Luật phòng, chống mua bán người năm 2011
- 12Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA hướng dẫn Nghị định 94/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế - Bộ Công an ban hành
- 13Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 14Quyết định 10/2013/QĐ-UBND về Quy định quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 15Công văn 692/TTg-KGVX tổ chức hoạt động trong "Tháng hành động phòng, chống ma túy" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 141/BC-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 08 năm 2013 |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ TUYÊN TRUYỀN HƯỞNG ỨNG "THÁNG HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG MA TÚY" VÀ "NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG, CHỐNG MA TÚY 26 THÁNG 6" NĂM 2013
Thực hiện Công văn số 692/TTg-KGVX ngày 21 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức các hoạt động trong "Tháng hành động phòng, chống ma túy" và Công văn số 711-CV/TU ngày 12 tháng 6 năm 2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về tổ chức hiệu quả "Tháng hành động phòng, chống ma túy"; Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả triển khai thực hiện như sau:
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 2410/KH-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2013 về tuyên truyền hưởng ứng "Tháng hành động phòng, chống ma túy" và "Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26 tháng 6" năm 2013 trên địa bàn thành phố, Công văn số 2601/UBND-VX ngày 31 tháng 5 năm 2013 về tổ chức các hoạt động trong "Tháng hành động phòng, chống ma túy".
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện đã đồng loạt xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng với nhiều nội dung, biện pháp đa dạng, có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trực thuộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, báo cáo chuyên đề về các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm, tệ nạn ma túy trong nhân dân và thân nhân gia đình người sau cai nghiện ma túy; đồng thời, tăng cường quản lý giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan tổ chức tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn ma túy và tệ nạn xã hội, đẩy nhanh tiến độ đưa đối tượng tái nghiện vào cơ sở chữa bệnh.
Bên cạnh đó, các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đã chủ động xây dựng kế hoạch của từng đơn vị với các chương trình hoạt động bám sát tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Các đơn vị đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền với nhiều loại hình sáng tạo, sinh động góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục học viên; tăng cường các biện pháp quản lý học viên không để xảy ra tình trạng bỏ trốn, thẩm lậu vật cấm vào đơn vị. Đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ cho người sau cai, phối hợp các địa phương tổ chức tốt việc bàn giao, tiếp nhận phục vụ công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng tại nơi cư trú, phòng chống tái nghiện.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy
Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố các Sở - ngành, quận huyện đã tổ chức 1.497 buổi tuyên truyền về tác hại của tệ nạn ma túy, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Luật phòng, chống ma túy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật phòng, chống mua bán người; Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2009 và Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10 tháng 02 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng; các Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố như: Quyết định số 3571/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2012 về phê duyệt đề án "Dạy nghề và giải quyết việc làm cho người đang cai và sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố", Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2013 ban hành Quy định về quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh... với hơn 85.660 lượt cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, công nhân và người dân tham dự, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao. Các đơn vị đã tổ chức 1.773 buổi họp mặt, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề thu hút 103.907 người tham dự và có 3.928 ý kiến tham gia; qua đó đã cung cấp cho lực lượng Công an 2.767 nguồn tin, trong đó có 1.380 tin có giá trị giúp lực lượng Công an xác minh làm rõ 385 vụ việc, bắt 547 đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng ma túy.
Trong tháng cao điểm phòng, chống ma túy, các cơ quan báo, đài phát thanh, truyền hình, các trang mạng internet... đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thiết thực, hiệu quả để mọi người dân nâng cao ý thức cảnh giác và tích cực tham gia tố giác bài trừ tệ nạn ma túy, cụ thể đã tổ chức 1.520 buổi phát thanh tuyên truyền (Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, hệ thống loa phóng thanh tại các phường - xã, thị trấn...), 22 chuyên mục phát thanh, 102.006 bản tin về tình hình tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố. Biên soạn và phát hành 136.424 tờ gấp, tờ bướm tuyên truyền về Cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng; 8.000 sổ tay về công tác Phòng, chống tệ nạn mại dâm; 400 cuốn Sổ tay giúp bạn cai nghiện thành công; 450 cuốn sổ tay liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS...
Các quận - huyện đã kẻ, vẽ và làm mới 2.262 panô; treo 1.169 băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường, tuyến đường giao thông, các khu dân cư trên địa bàn phường - xã, thị trấn; tổ chức 81 buổi mít-tinh, diễu hành, xe hoa cổ động trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy với nhiều hình thức, phương tiện đa dạng như xe loa cổ động, xe hoa, xe mô tô, xe đạp với hơn 22.375 lượt người dân nhiệt tình tham gia nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về ngày 26/6, tiêu biểu như: quận 2, quận 4, quận 5, quận 8, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn. Ngoài các hình thức tuyên truyền nói trên, một số địa phương còn tổ chức tuyên truyền thông qua các phiên tòa lưu động, phiên tòa giả định để đưa các vụ án về tệ nạn ma túy ra xét xử công khai trong cộng đồng dân cư, đây là hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động và mang tính răn đe, giáo dục cao.
Trong tháng cao điểm, các Sở - ngành thành phố và chính quyền địa phương đã tổ chức 1.170 hội thi, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ... thu hút hơn 83.243 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Kế hoạch phát động trong cán bộ, viên chức và người dân tham gia sáng tác tiểu phẩm, panô, áp phích tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố năm 2013; đồng thời tổ chức khen thưởng cho 177 cá nhân, 38 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Ngoài ra, các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tiếp xúc đối thoại, tư vấn cho thân nhân học viên và người sau cai nghiện đồng thuận trong giáo dục con em mình, ngăn ngừa, phòng chống thẩm lậu ma túy, các chất gây nghiện, các vật cấm và các hành vi bỏ trốn đơn vị; đồng thời hỗ trợ tâm lý, chuẩn bị những điều kiện thuận lợi cho học viên tái hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện. Kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt, động viên khen thưởng học viên, người sau cai nghiện có nhiều thành tích trong học tập, lao động.
Qua các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống ma túy, tiếp tục huy động sức mạnh của các hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư tích cực tham gia phong trào phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm ma túy, kéo giảm tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tác hại của tệ nạn ma túy, nhất là tác hại của các loại ma túy tổng hợp và các chất gây nghiện khác đã và đang phát sinh tại thành phố, lồng ghép với tuyên truyền phòng, chống mại dâm và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, từ đó có giải pháp tự phòng ngừa; nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình, trường học, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư và toàn xã hội về công tác phòng, chống ma túy; tạo sự chuyển biến về ý thức trách nhiệm đón nhận, giúp đỡ người nghiện ma túy xóa bỏ mặc cảm, tìm kiếm việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, thân thiện.
2. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy
Công an thành phố tập trung triển khai tấn công tội phạm về ma túy, nắm tình hình, xác minh, thu thập tài liệu, đấu tranh truy xét mở rộng các vụ án điểm, các đối tượng có biểu hiện nghi vấn trong đường dây mua bán vận chuyển trái phép các chất ma túy từ các tỉnh vào thành phố tiêu thụ; tăng cường công tác truy bắt số đối tượng phạm tội về ma túy đang bị truy nã, số trốn các trung tâm, trường cai nghiện; rà soát, xác minh các tụ điểm, địa bàn giáp ranh, tuyến địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm như: khách sạn, nhà nghỉ, quán bar, vũ trường, nhà hàng karaoke trá hình ... có biểu hiện nghi vấn mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Phối hợp các cơ quan chức năng tại địa phương đẩy mạnh công tác quản lý số đối tượng hồi gia, giải quyết việc làm, phòng ngừa tái nghiện, tái phạm tội; đấu tranh chuyển hóa các địa bàn, tụ điểm phức tạp tại các quận trọng điểm.
Kết quả trong tháng cao điểm đã điều tra khám phá 176 vụ, bắt 389 tên (so với tháng trước tăng 62 vụ, tỉ lệ 54,38%và 168 tên, tỉ lệ 51,69%), gồm: 135 vụ, 267 tên mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy và 41 vụ, 122 tên tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; thu giữ: 5.341,2676 gram heroin; 6.038,8046 gram ma túy tổng hợp; 271,9422 gram cần sa, 9 cân tiểu ly, 5 xe ô tô, 123 xe, 194 điện thoại di động, 597.614.000 đồng, 40.000 USD, 6 sổ tiết kiệm (khoảng 19,3 tỷ đồng), 1 khẩu súng tự chế cùng nhiều công cụ, phương tiện phạm tội khác.
Một số vụ điển hình như: Phòng PC47 phối hợp với C47 - Bộ Công an và Công an quận 8 đấu tranh chuyên án 413Q, 513A (bắt quả tang tại Tân Bình, khám xét và bắt mở rộng tại quận 8) với 25 đối tượng. Tang vật thu giữ 5.079,06 g heroin, 05 xe ô tô, 02 xe gắn máy, 7.104.000 đồng cùng một số tang vật liên quan đến vụ án; Công an quận 11 phối hợp Phòng PC47 khám phá chuyên án 313M bắt 05 đối tượng, thu giữ 222,9903 g heroin, 0,4712g ma túy tổng hợp, 02 xe gắn máy, 03 điện thoại di động.
Trong đợt cao điểm, Hội đồng tư vấn các quận, huyện đã thông qua 277 hồ sơ xử lý theo Nghị định số 135/2004/NĐ-CP , lập 169 hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 163/2003/NĐ-CP , lập 75 hồ sơ xử lý theo Nghị định số 43/2005/NĐ-CP và lập hồ sơ xử lý 02 đối tượng không nơi cư trú vào Trung tâm bảo trợ xã hội. Lực lượng Công an tiến hành gọi hỏi, răn đe 488 đối tượng thanh thiếu niên chưa ngoan có biểu hiện nghi vấn liên quan đến ma túy; tổ chức thử test tìm chất ma túy đối với 250 đối tượng, kết quả có 66 đối tượng dương tính. Bên cạnh đó, ngành Công an cũng đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức tuần tra, chốt chặn và bắt 76 đối tượng tụ tập gây rối trật tự công cộng và tiến hành xử phạt hành chính với tổng số tiền là 68.010.000 đồng, bắt 18 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy và tiến hành thông báo cho các địa phương nơi đối tượng cư trú phối hợp quản lý.
Công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng, người sau cai nghiện quản lý tại nơi cư trú và các đối tượng tù tha về địa phương được quan tâm đẩy mạnh. Các cán bộ chuyên trách, Tổ cán sự xã hội tình nguyện tại cơ sở tăng cường công tác vãng gia, tư vấn, thăm hỏi các đối tượng thanh thiếu niên có biểu hiện hư hỏng, chưa ngoan, góp phần hạn chế tỷ lệ tái nghiện và vi phạm pháp luật trong các đối tượng này. Lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an phường, xã, thị trấn tiến hành rà soát, giám sát chặt chẽ kết hợp với công tác quản lý nhân hộ khẩu, lập hồ sơ xử lý các đối tượng tái nghiện và vi phạm pháp luật nhằm giữ vững tình hình an ninh trật tự tại địa bàn.
3. Công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy
Qua rà soát, phân loại địa bàn phường, xã, thị trấn trọng điểm về ma túy theo Quyết định số 3122/QĐ-BCA ngày 09 tháng 8 năm 2010 của Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố, trên cơ sở tham mưu của Công an thành phố, đã phân loại địa bàn như sau: địa bàn trọng điểm loại 1 là 05 đơn vị; địa bàn trọng điểm loại 2 là 35 đơn vị; địa bàn trọng điểm loại 3 là 164 đơn vị; địa bàn có tệ nạn ma túy là 115 đơn vị và địa bàn không có tệ nạn ma túy là 03 đơn vị.
Trong tháng cao điểm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chọn ra 12 phường - xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm thuộc 10 quận - huyện để hỗ trợ kinh phí thực hiện chuyển hóa địa bàn làm nền tảng xây dựng phường - xã, thị trấn lành mạnh theo các nội dung quy định tại Nghị quyết liên tịch số 01/2008/NQLT của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Công an và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên cơ sở đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công an thành phố (Phòng PC47, PC45, PV28) tổ chức Đoàn liên ngành đến làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội của 12 đơn vị nêu trên về triển khai kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm trong năm 2013.
Bên cạnh đó, các quận - huyện đã đồng loạt ra quân truy quét các đối tượng liên quan đến ma túy; một số quận - huyện đã chọn các phường - xã, thị trấn làm điểm chuyển hóa về tệ nạn ma túy, ra quân truy quét, tổ chức tuần tra chốt chặn và đấu tranh trấn áp các loại tội phạm ma túy, làm trong sạch địa bàn dân cư nhằm hưởng ứng tích cực tháng cao điểm. Cụ thể như: quận 10 chọn phường 12 (khu phố 4); quận 12 chọn phường Thạnh Lộc (khu phố 5A) và phường Trung Mỹ Tây (khu phố 2, 3 và 3A); quận Bình Thạnh chọn phường 3, phường 12 và phường 26.
Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành viên của quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ An ninh tổ quốc trong thời kỳ mới" trong công tác đấu tranh chuyển hóa địa bàn, làm nền tảng cho việc xây dựng phường, xã, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm theo quy định của Nghị quyết liên tịch số 01/2008/NQLT.
III. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ
1. Mặt đạt được:
- Hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2013, cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về nguy cơ, tác hại của ma túy đối với cá nhân, gia đình và xã hội, tạo được phong trào phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống ma túy trong từng cơ quan, đơn vị, từng địa bàn khu phố, ấp, phường - xã, thị trấn.
- Phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống ma túy nên số vụ mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng ma túy phát hiện bắt giữ tăng 54,38% so với tháng trước, nhiều địa bàn phức tạp đã được tập trung đấu tranh chuyển hóa có hiệu quả, nổi bật là qua thực hiện các phong trào tự quản của nhân dân đã giúp lực lượng công an phát hiện xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ma túy, góp phần hạn chế tác hại cho xã hội và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
- Bên cạnh việc tổ chức lễ mít-tinh ra quân hưởng ứng tháng cao điểm phòng, chống ma túy, một số quận - huyện đã tổ chức các phiên tòa lưu động, phiên tòa giả định xét xử công khai các vụ án liên quan đến tệ nạn ma túy, mại dâm. Đây là một trong những hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động được các địa phương trong thành phố Hồ Chí Minh áp dụng rộng rãi và quy mô hơn trong thời gian qua.
2. Những hạn chế:
- Bên cạnh những địa phương, đơn vị thực hiện tốt, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ hiểm họa của ma túy và ý nghĩa của công tác phòng, chống ma túy nên chưa thực sự quan tâm và làm hết tinh thần trách nhiệm, chưa có biện pháp chỉ đạo sâu sát, đồng bộ. Bên cạnh đó, tình hình hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, phương thức thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi và xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp đang có dấu hiệu gia tăng. Tình hình ma túy trong học sinh, sinh viên có giảm nhưng chưa cơ bản.
- Công tác tuyên truyền phát động phong trào toàn dân phòng, chống ma túy của các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa thường xuyên, liên tục, ở một số nơi công tác này còn mang tính hình thức nên chưa làm cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên hiểu hết tác hại của ma túy và cách phòng tránh.
- Việc phân bổ kinh phí phòng, chống ma túy cho các cơ quan, đơn vị trong năm 2013 tuy có sớm hơn so với những năm trước, nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động trong Tháng cao điểm phòng, chống ma túy năm 2013 và công tác đấu tranh chuyển hóa các địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Luật Phòng, chống ma túy 2000
- 2Nghị định 163/2003/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
- 3Nghị định 135/2004/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người thành niên, người tự nguyện vào cở sở chữa bệnh
- 4Nghị định 43/2005/NĐ-CP về việc đưa người nghiện ma tuý, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh
- 5Luật phòng, chống ma túy sửa đổi 2008
- 6Chỉ thị 21-CT/TW năm 2008 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới do Bộ Chính trị ban hành
- 7Nghị quyết liên tịch số 01/2008/NQLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTTDL-UBTƯMTTQVN về việc ban hành "Các tiêu chí phân loại, chấm điểm đánh giá và biểu thống kê báo cáo về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm" do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Công an - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành
- 8Nghị định 94/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống ma túy sửa đổi về quản lý sau cai nghiện ma túy
- 9Nghị định 94/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng
- 10Quyết định 3122/2010/QĐ-BCA ban hành tiêu chí phân loại và mức hỗ trợ kinh phí cho xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn ma túy trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- 11Luật phòng, chống mua bán người năm 2011
- 12Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA hướng dẫn Nghị định 94/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế - Bộ Công an ban hành
- 13Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 14Quyết định 10/2013/QĐ-UBND về Quy định quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 15Công văn 692/TTg-KGVX tổ chức hoạt động trong "Tháng hành động phòng, chống ma túy" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Kế hoạch 3020/KH-UBND thực hiện “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26 tháng 6” - Năm 2015 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Báo cáo 141/BC-UBND kết quả tuyên truyền hưởng ứng "Tháng hành động phòng, chống ma túy" và "Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26 tháng 6" năm 2013 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 141/BC-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 01/08/2013
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Hứa Ngọc Thuận
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/08/2013
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định