Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 117/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 8 năm 2012

 

BÁO CÁO

3 NĂM THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 103/2008/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN HỖ TRỢ THANH NIÊN HỌC NGHỀ VÀ TẠO VIỆC LÀM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (2008 - 2011); PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2012

A. Kết quả 3 năm thực hiện Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm, giai đoạn 2008 - 2011:

I. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI

- Trên cơ sở Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015; ngày 23 tháng 7 năm 2010, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 3241/QĐ-UBND về việc thành lập Ban điều hành và Tổ chuyên viên giúp việc Ban điều hành Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015. Ban điều hành Đề án đã tiến hành họp bàn, thống nhất nội dung và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm của thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2010 - 2015; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế hoạt động Ban điều hành, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các thành viên Ban điều hành, Tổ chuyên viên giúp việc.

- Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, với vai trò cơ quan thường trực của Đề án 103 của thành phố đã triển khai, quán triệt nội dung Đề án đến các cơ sở Đoàn, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; bổ sung các nội dung của Đề án vào chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố hàng năm, thông qua chương trình “Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm”.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 103 CỦA THÀNH PHỐ, GIAI ĐOẠN 2008 - 2011

1. Các hoạt động hỗ trợ, giúp thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay:

- Nhằm hỗ trợ cho thanh niên có điều kiện thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn để khởi sự làm kinh tế, học nghề, học tập nâng cao trình độ, từ 2008 đến 2011, các cơ sở Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên đã khai thác, tư vấn và hỗ trợ thanh niên vay vốn, tổng kinh phí giải ngân hàng năm gần 300 tỷ đồng.

+ Khai thác nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội: đối tượng là thanh niên trong diện nghèo vay vốn làm ăn, sinh viên học sinh vay vốn để học tập, các hộ thanh niên vay để cải thiện nguồn nước, xây dựng công trình phụ trong nhà... Nguồn vốn này được triển khai theo hệ thống cơ sở Đoàn khu vực địa bàn dân cư, tính đến nay đã có 24/24 quận - huyện Đoàn ký kết với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội đóng trên địa bàn, tiến hành khảo sát nhu cầu vay vốn, triển khai thông tin đến tận phường, xã, thị trấn và đoàn viên, hội viên, thanh niên; hỗ trợ thanh niên tham gia vay vốn khi có nhu cầu. Năm 2008, Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện công tác liên tịch, đồng thời ký liên tịch mới với Ngân hàng Chính sách xã hội, tiếp tục ủy thác cho thanh niên vay vốn. Các hoạt động hướng dẫn thực hiện hồ sơ theo mẫu mới, tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác vốn các nghiệp vụ để khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay được thực hiện thường xuyên. Qua 3 năm, đã hỗ trợ hơn 10.000 lượt thanh niên tiếp cận với số dư nợ hiện tại trên 270 tỷ đồng.

+ Nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp: là nguồn quỹ do Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh giao cho Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố khai thác và quản lý nhằm hỗ trợ vốn và kiến thức cho các bạn thanh niên nghèo, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong quá trình khởi nghiệp. Từ nguồn vốn ban đầu là 1 tỷ đồng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố ủy thác từ năm 2006, đến nay nguồn vốn được bổ sung thêm 30 tỷ do Ủy ban nhân dân thành phố ủy thác. Giai đoạn 2008 - 2011, có 392 dự án được phát vay với tổng số tiền quay vòng cho thanh niên vay là 12.535.000.000 đồng. Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, nhiều thanh niên đã vươn lên trong cuộc sống, như: anh Hồ Quốc Thống - chủ dự án Studio Dream (quận 12), đang mở rộng thêm Studio Dream 2; anh Nguyễn Văn Phú - chị Nguyễn Thị Thúy Hàng, chủ dự án May giỏ xách (quận 7) đang thực hiện thêm sản phẩm kinh doanh vật dụng xe hơi; hay anh Nguyễn Bá Tiến (quận Bình Tân), anh Nguyễn Thành Tân (huyện Cần Giờ) với mô hình trồng nấm linh chi; anh Trương Văn Nam (huyện Nhà Bè) sản xuất tranh ghép gỗ... Thông qua các dự án, đã tạo nhiều việc làm cho thanh niên tại địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

+ Nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm: Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là đơn vị chịu trách nhiệm phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành thành phố khai thác nguồn vốn cho thanh niên vay, hàng năm khai thác được khoảng 1,5 tỷ đồng giúp thanh niên, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất tạo công ăn việc làm cho các bạn thanh niên trên địa bàn dân cư.

- Ngoài các nguồn quỹ kể trên, các cơ sở Đoàn khu vực địa bàn dân cư đã chủ động xây dựng và hình thành các nguồn quỹ tại địa phương để đáp ứng nhu cầu vay vốn làm kinh tế cho các bạn thanh niên, điển hình như quận 1, quận 3, quận 7, quận 9, quận Phú Nhuận; phong trào 3 giúp ở các huyện ngoại thành; khai thác nguồn vốn từ Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ... Các cơ sở Đoàn khu vực công nhân lao động phát huy vai trò trong việc tham mưu cho đoàn viên, thanh niên được vay vốn từ quỹ tương trợ của doanh nghiệp; giới thiệu cho đoàn viên, thanh niên nhận hàng gia công để tăng thu nhập.

2. Thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm Thanh niên:

- Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm thanh niên Thành phố được Ban điều hành Đề án 103 Trung ương chọn là một trong 10 Trung tâm kiểu mẫu của cả nước để đầu tư xây dựng mới. Công trình đã được khởi công vào ngày 11/9/2010 và khánh thành đưa vào sử dụng ngày 25 tháng 4 năm 2012. Tổng vốn đầu tư thực hiện công trình là 66 tỷ đồng; trong đó nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương là 46 tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng của thành phố là 20 tỷ đồng (không kể giá trị đất). Trụ sở mới của Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh đặt tại số 234/35 Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp với tổng diện tích là 6.900 m2, gồm 01 hầm, 01 lửng, 04 lầu; 27 phòng học, 10 phòng chức năng, hội trường 300 chỗ ngồi, Sàn giao dịch việc làm với sức chứa 200 - 300 người lao động.

- Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Giải quyết việc làm thanh niên, trên cơ sở đề nghị của thành phố, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1499/QĐ-TƯĐTN ngày 19 tháng 10 năm 2010 về việc đổi tên Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định của Trung ương Đoàn cũng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm: tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách có có liên quan đến quan hệ lao động theo quy định của pháp luật lao động; thu thập, phân tích và cung ứng thông tin về thị trường lao động bao gồm: nhu cầu tuyển lao động, nhu cầu cần việc làm, tiêu chuẩn lao động, tiền lương, tiền công trên địa bàn hoạt động của vùng và cả nước; tổ chức dạy nghề, liên kết đào tạo nghề theo quy định của pháp luật; tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ vay vốn; tổ chức đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên, đội ngũ cộng tác viên, tư vấn viên, cán bộ Đoàn; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức: cho thanh niên và xã hội về công tác hướng nghiệp, học nghề, lập nghiệp và giải quyết việc làm; phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển dụng lao động làm việc trong nước và ngoài nước. Ngoài những nhiệm vụ trên, Trung tâm thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu và nhiệm vụ của tổ chức Đoàn thanh niên.

3. Thực hiện Dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề và lập nghiệp”:

3.1. Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ thanh niên học nghề, lập nghiệp cho đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội:

- Năm 2009, tổ chức Hội nghị tập huấn “Khởi sự kinh doanh” với sự tham gia của hơn 150 cán bộ Đoàn - Hội phụ trách công tác hỗ trợ thanh niên làm kinh tế và thanh niên đã và đang làm kinh tế từ nguồn “Quỹ Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp” của Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố. Thông qua hội nghị, các bạn trẻ được dịp tìm hiểu, trang bị cho mình những kiến thức khởi nghiệp cần thiết, những kinh nghiệm của các doanh nhân trẻ, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn khởi nghiệp.

- Năm 2010, Hội nghị tập huấn “Kiến thức hỗ trợ thanh niên lập nghiệp” với sự tham dự của 205 cán bộ Đoàn - Hội làm công tác tư vấn kinh tế cho thanh niên, được tổ chức vào ngày 12, 13 tháng 10 năm 2010, gồm các chuyên đề: cách thức tổ chức thực hiện “Sàn giao dịch việc làm”; công tác tổ chức thực hiện nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp; kỹ thuật xây dựng thương hiệu trong kinh doanh; phương pháp xây dựng phương án kinh doanh... Sau khi kết thúc hội nghị, học viên viết thu hoạch và nhận giấy chứng nhận của Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên.

- Năm 2011, Chương trình tập huấn “Kiến thức về nghề nghiệp và Kỹ năng mềm cho sinh viên” được tổ chức vào ngày 05 tháng 8 năm 2011 với các nội dung: phương pháp huấn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phỏng vấn tìm việc, tìm kiếm thông tin, giải quyết vấn đề...; trao đổi, đối thoại trực tiếp với các chuyên gia, để rút ra những kinh nghiệm, hình thành những kỹ năng và tự tin hơn trong quá trình tìm việc và ổn định thăng tiến trong công việc. Chương trình thu hút sự tham gia của 250 cán bộ Đoàn - Hội, sinh viên các trường Đại học - Cao đẳng.

3.2. Các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng:

- Chương trình truyền hình thanh niên phát sóng trên kênh HTV thực hiện các chuyên đề phóng sự giới thiệu về tình hình việc làm trên địa bàn thành phố, phỏng vấn ứng viên, đối thoại doanh nghiệp. Chương trình Nhịp sống trẻ của Đài Tiếng nói nhân dân thành phố phối hợp Báo Thanh niên tổ chức giao lưu, phỏng vấn giới thiệu về các nguồn vốn cho thanh niên vay, xu hướng về nghề nghiệp.... Báo Tuổi trẻ chủ nhật hàng tuần dành chuyên trang để giới thiệu về nghề nghiệp và các ứng viên tự giới thiệu trước các nhà tuyển dụng. Cổng thông tin www.sieuthivieclam.vn là cổng thông tin chính thức của Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm Thanh niên thành phố, giới thiệu về nghề nghiệp, các khóa đào tạo, kiến thức bổ trợ nghề nghiệp cho các bạn thanh niên và người lao động. Ngoài ra, Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên thực hiện in các tài liệu kỹ năng phỏng vấn, xin việc, chọn nghề, kỹ năng làm việc... để các bạn thanh niên tham khảo. Hàng tuần các cơ sở Đoàn được nhận tờ rơi thông tin tuyển dụng và giới thiệu các ngành nghề phổ biến trên địa bàn thành phố.

- Trong năm 2011, Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ký liên tịch với Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, phối hợp sản xuất chương trình “Sức trẻ thanh niên thành phố anh hùng”, phát trên sóng FM 99,9 Mhz của Đài Tiếng nói nhân dân thành phố vào chủ nhật hàng tuần từ 9 giờ đến 9 giờ 30 và phát lại lúc 20 giờ đến 20 giờ 30 thứ năm hàng tuần, trong đó, dành thời lượng 2 phút để giới thiệu và thông tin về tình hình việc làm. Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên thành phố phối hợp với Bưu điện thành phố tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho Thanh niên thành phố thông qua Tổng đài 1088, phối hợp với Đài Truyền hình thành phố đưa thông tin tuyển dụng và ứng viên tự giới thiệu trong chương trình “Lao động và việc làm” phát sóng trên kênh HTV9 thứ năm hàng tuần từ 12 giờ 45 đến 13 giờ 15; phát hành 200.000 tờ rơi giới thiệu về Đề án 103 thông qua chương trình “Tiếp sức người lao động” tại 2 bến xe miền Đông và miền Tây.

3.3. Các hoạt động hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho thanh niên:

- Hoạt động hướng nghiệp: Đây là hoạt động được các cấp bộ Đoàn tập trung thực hiện với các nội dung trọng tâm như: tư vấn hướng nghiệp, tổ chức “Hành trình đến với nghề nghiệp”, tổ chức các sân chơi học thuật... Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên thành phố, Nhà Văn hóa Sinh viên, Báo Tuổi trẻ đã tổ chức 30 buổi tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh cho 30.215 lượt học sinh các trường trung học phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Các cơ sở Đoàn khu vực trường học và địa bàn dân cư tổ chức 488 buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tư vấn kỹ năng nghề nghiệp cho hơn 140.600 lượt thanh niên, học sinh. Chương trình “Hành trình đến với trường nghề, làng nghề”, “Hành trình đến với nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp” với 92 lần tổ chức, thu hút trên 10.000 lượt thanh niên tham gia. Nhiều Đoàn khoa của các trường Đại học, Cao đẳng chủ động tổ chức cho sinh viên đi thực tế đến các công trường, nhà máy có các ngành nghề gắn liền với chuyên môn đào tạo của trường. Nhiều hội thi, hội thảo khoa học, sân chơi học thuật được tổ chức, gắn với phát huy kiến thức chuyên ngành của từng khoa, trường. Tại cơ sở, có 2.173 đề tài nghiên cứu khoa học được đoàn viên, thanh niên thực hiện. Hội thi Tin học trẻ thành phố Hồ Chí Minh và Hội thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi thành phố được tổ chức hàng năm, thu hút sự tham gia của hàng ngàn thanh niên.

- Hoạt động Sàn giao dịch việc làm: là hoạt động thường xuyên của Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên thành phố phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Báo Giáo dục, Báo Tuổi trẻ và các doanh nghiệp. Qua 3 năm, đã tổ chức 7 “Sàn giao dịch việc làm” cấp thành với sự tham gia của trên 500 doanh nghiệp, thu hút 25.000 lượt thanh niên, người lao động. Hoạt động của Sàn giao dịch việc làm ngày càng được nâng chất với nhiều nội dung phong phú đáp ứng được nhu cầu người lao động: diễn đàn “Thông tin giới thiệu nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tham gia trực tiếp tại Sàn giao dịch việc làm, chương trình ứng viên tự giới thiệu trước nhà tuyển dụng, hoạt động phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp tại Sàn giao dịch việc làm, các chương trình hướng nghiệp. Hoạt động sàn giao dịch đã được Thành Đoàn hướng dẫn bằng văn bản và tổ chức tập huấn để các cơ sở triển khai thực hiện tại các cụm, quận - huyện và khu vực trường học từ năm 2008.

Chương trình “Tiếp sức Người lao động”: do Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên phối hợp với Đoàn Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAMCO), Quận đoàn Bình Thạnh, Quận đoàn Bình Tân tổ chức. Chương trình bắt đầu từ năm 2011, diễn ra tại 2 Bến xe miền Đông và miền Tây với mục tiêu: hỗ trợ tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động từ các tỉnh đến thành phố tìm kiếm việc làm, hạn chế tình trạng “cò việc làm” lừa đảo người lao động; góp phần xây dựng các bến xe thân thiện, an toàn; mở rộng diện tập hợp thanh niên từ các thanh niên được hỗ trợ trong chương trình; thực hiện vai trò kết nối cung - cầu của thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình đã xây dựng được 2 văn phòng giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động từ các tỉnh đến thành phố tìm việc làm hoạt động thường xuyên tại Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây. Trong năm 2011 đã tiếp nhận trên 15.000 chỉ tiêu lao động, tư vấn, hỗ trợ và giới thiệu việc làm cho hơn 10.000 lượt thanh niên, người lao động. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm rất lớn từ xã hội, có ý nghĩa thiết thực trong kịp thời hỗ trợ thanh niên trên bước đường mưu sinh lập nghiệp, tập hợp được nguồn nhân lực trẻ, kết nối lao động nông thôn với thành phố.

3.4. Hoạt động tuyên dương giáo dục lòng yêu ngành, yêu nghề, cổ vũ ước mơ, xây dựng hoài bão cho thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm:

- Giải thưởng “Nguyễn Văn Trỗi”: do Thành đoàn tổ chức mỗi năm/ 1 lần bắt đầu từ năm 2008 nhằm tạo động lực thi đua sôi nổi trong thanh niên công nhân, người lao động trẻ, cổ vũ tinh thần yêu ngành, yêu nghề, phát huy vai trò xung kích sáng tạo, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của đơn vị, đồng thời kịp thời biểu dương và khen thưởng những công nhân, lao động trẻ có thành tích nổi bật trong chuyên môn và đóng góp cho hoạt động xã hội. Từ khi thành lập giải thưởng đến nay đã có 75 lượt thanh niên công nhân được tuyên dương.

- Nhiều cơ sở Đoàn lồng ghép chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam” để giới thiệu những Doanh nhân trẻ tiêu biểu cho thanh niên để xây dựng hoài bão làm giàu chính đáng cho thanh niên.

4. Thực hiện Dự án “Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp”:

4.1. Các hoạt động hỗ trợ kiến thức, kỹ năng và vốn cho thanh niên khởi nghiệp:

- Diễn đàn “Cà phê Khởi nghiệp”: là một sân chơi khởi nghiệp được tổ chức định kỳ hàng tháng vào các sáng chủ nhật nhằm mục đích trao đổi, đúc kết những kinh nghiệm khởi nghiệp cho các bạn trẻ yêu thích kinh doanh do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố tổ chức. Trong năm 2010, diễn đàn cà phê khởi nghiệp được tổ chức phiên bản mới, phối hợp với Hội doanh trẻ thành phố và tổ chức định kỳ 2 lần/ 1 tháng. Chương trình đã thu hút trên 1.000 lượt bạn trẻ tham gia với nhiều chuyên đề hấp dẫn như: “Ý tưởng kinh doanh, tài sản vô giá của bạn”, “Tự làm giàu - Tại sao không ?”, “Lập kế hoạch làm giàu”... Từ mô hình mẫu cấp thành đã có nhiều cơ sở Hội chủ động tổ chức diễn đàn cà phê khởi nghiệp tại đơn vị như: Quận 2, quận Thủ Đức, quận Tân Phú...

- “Ngày hội trao vốn cho thanh niên”: Từ những ngày hội này, ngoài việc trao vốn cho thanh niên còn là dịp để các chủ dự án được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với nhau trong quá trình khởi nghiệp, đồng thời cũng là một hoạt động xúc tiến thương mại để cùng nhau sử dụng những sản phẩm, dịch vụ của các đơn vị.

- Ngoài ra, các hoạt động khuyến khích thanh niên làm giàu chính đáng được quan tâm tổ chức ở nhiều quận - huyện, tăng cường các hoạt động tư vấn kinh tế cho thanh niên thông qua các buổi tập huấn, các ngày hội giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm. Đối với thanh niên nông thôn, các nội dung trong chương trình liên tịch giữa Thành Đoàn và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã bám sát, đáp ứng được những nhu cầu thiết thực của thanh niên nông thôn trong quá trình sản xuất kinh doanh; giúp thanh niên phổ cập những kiến thức mới; nâng cao tay nghề của thanh niên trong trồng trọt, chăn nuôi; giúp thanh niên ổn định cuộc sống và mở ra cơ hội làm kinh tế ngay tại địa phương. Chương trình “Trí thức trẻ tình nguyện” ra đời từ năm 2010 đã tích cực hỗ trợ thanh niên nông thôn trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn nâng cao chất lượng sản phẩm, triển khai kinh doanh hiệu quả.

4.2. Các hoạt động tuyên dương, nhân điển hình các gương thanh niên làm kinh tế được duy trì, nhiều danh hiệu tuyên dương được hình thành, góp phần cổ vũ khát vọng làm giàu, làm kinh tế, khởi nghiệp trong thanh niên:

- “Liên hoan Thanh niên sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay và trao vốn cho thanh niên”: do Thành Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 12 tháng 10 năm 2008 đã ghi nhận và kịp thời biểu dương các cá nhân tập thể thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ thanh niên làm kinh tế. Liên hoan đã tuyên dương 9 điển hình thanh niên sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, 9 tập thể và 16 cá nhân đã có thành tích tốt trong công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn. Từ những gương thanh niên làm kinh tế giỏi được tuyên dương đã động viên và cổ vũ cho các bạn thanh niên có thêm hoài bão và ước mơ để thực hiện các dự án kinh doanh của mình.

- Giải thưởng “Doanh nhân trẻ xuất sắc”: do Thành Đoàn tổ chức 2 năm/1 lần nhằm khen thưởng, động viên, giới thiệu rộng rãi các tấm gương tiêu biểu của doanh nghiệp trẻ trong điều hành sản xuất - kinh doanh, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Giải thưởng đã tạo phong trào thi đua sôi nổi làm kinh tế giỏi, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các doanh nghiệp trẻ. Năm 2008, đã tuyên dương 10 gương Doanh nhân Trẻ xuất sắc và 6 doanh nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực; năm 2010, tuyên dương 10 doanh nhân trẻ xuất sắc. Thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân Trẻ xuất sắc, tạo môi trường trao đổi kinh nghiệm và động viên nhau cùng phát triển, tổ chức các hoạt động xã hội, chia sẻ ước mơ và quá trình chinh phục ước mơ cho các bạn thanh niên.

4.3. Thành lập Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp:

- Nhằm tăng cường các giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, ngày 06 tháng 01 năm 2011, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố đã chính thức ra mắt với chức năng, nhiệm vụ chính là hỗ trợ thanh niên làm kinh tế thông qua việc chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức và hỗ trợ thanh niên vay vốn dựa trên nguồn vốn ủy thác của Ủy ban nhân dân thành phố. Trung tâm ra đời nhận được sự hỗ trợ của hơn 20 chuyên gia, doanh nhân có uy tín trong xã hội trong công tác cố vấn và đào tạo cho thanh niên khởi sự kinh doanh. Từ khi ra mắt đến nay, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, cụ thể như sau:

+ Chương trình “Vườn ươm Doanh nghiệp Trẻ”: Ngày 19 tháng 3 năm 2011, chương trình chính thức ra mắt với hệ thống cơ sở vật chất - hạ tầng được trang bị khá đầy đủ gồm 02 khu vực ươm tạo, 02 phòng họp, 31 chỗ ngồi làm việc với các trang thiết bị cần thiết. Tính đến nay, chương trình “Vườn ươm Doanh nghiệp trẻ” đã tiếp nhận và hướng dẫn hơn 70 hồ sơ đăng ký tham gia hoàn thiện kế hoạch kinh doanh; hoàn thiện phương án tài chính cho hơn 100 lượt doanh nghiệp khởi sự; tiến hành thẩm định chất lượng và tính khả thi của hơn 50 Doanh nghiệp và lựa chọn 05 Doanh nghiệp trong giai đoạn tiền ươm tạo toàn diện: Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Cung cấp thông tin Nhà và Đất và Công ty Cổ phần Alisia; Công ty Xuất nhập khẩu Phương Linh; Công ty Cổ phần Hạt Giống Số; Công ty Cổ phần Giải pháp phần mềm SETECH VIET.

+ Ngày hội “Cùng Bạn khởi nghiệp”: tổ chức vào tháng 3 năm 2011, với nhiều nội dung phong phú như tổ chức các gian hàng tư vấn, gặp gỡ và đối thoại với doanh nhân thành đạt với chủ đề “Biến ý tưởng thành tiền”, trao vốn từ Quỹ Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp cho 10 dự án, tuyên dương 15 gương điển hình thanh niên làm kinh tế gia đình giỏi trên địa bàn thành phố, giới thiệu về chương trình “Vườn ươm doanh nghiệp trẻ”. Ngày hội đã thu hút hơn 400 lượt thanh niên, sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố tham gia.

+ Chuyên đề “Câu chuyện Doanh nhân Khởi nghiệp” thu hút sự quan tâm của hơn 1.000 thanh niên và sự tham gia của hơn 450 thanh niên, doanh nhân trẻ qua 02 kỳ tổ chức (tháng 10 và tháng 12 năm 2011). Chương trình được bảo trợ đưa tin bởi HTV9 trong chương trình Nhịp cầu Doanh nhân và Báo Doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam.

+ Thiết lập cộng đồng người trẻ đam mê khởi nghiệp: Thiếp lập và vận hành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp gồm hơn 20 chuyên gia, doanh nhân uy tín và mạng lưới hơn 1.000 người trẻ đam mê khởi nghiệp và doanh nhân đang khởi nghiệp kinh doanh (doanh nghiệp hoạt động dưới 03 năm). Thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi chuyên gia nhằm gia tăng kiến thức và kinh nghiệm trong kinh doanh cho người khởi nghiệp.

5. Công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách của nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên:

- Được sự phân công của Ban chỉ đạo Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm Trung ương, Thành Đoàn tổ chức Hội thảo “Đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho Thanh niên tại thành phố Hồ Chí Minh” vào ngày 19 tháng 8 năm 2011 với sự tham gia của hơn 150 cán bộ Đoàn - Hội, các chuyên viên, chuyên gia, doanh nhân trong lĩnh vực nghề nghiệp và việc làm. Hội thảo đã nhận được 15 bài tham luận và nhiều lượt ý kiến trình bày những mô hình giải pháp hay hỗ trợ thanh niên, người lao động về nghề nghiệp, đánh giá và kiến nghị những chính sách của nhà nước về nghề nghiệp và việc làm để hỗ trợ cho thanh niên và người lao động.

Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên thực hiện khảo sát 1.900 cán bộ Đoàn - Hội, thanh niên, sinh viên, người lao động về các chính sách của Nhà nước về nghề nghiệp và việc làm.

Các sở- ngành chức năng của thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố các chính sách liên quan đến nghề nghiệp, việc làm trong lĩnh vực chuyên môn phụ trách. Tham mưu xây dựng các kế hoạch thực hiện các chương trình đột phá về nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đến các chế độ, chính sách cho nhân lực trẻ.

III. NHẬN ĐỊNH, ĐÁNH GIÁ

1. Mặt được:

- Công tác triển khai thực hiện Đề án tại thành phố được quan tâm, các nhóm giải pháp quan trọng của Đề án được cụ thể hóa thành hoạt động cụ thể, đeo bám thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp trên địa bàn thành phố và xã hội về nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên.

- Kết quả các nội dung hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, học nghề, học tập nâng cao trình độ, tạo việc làm, các hoạt động tư vấn được tổ chức với quy mô lớn, nhiều thanh niên được tiếp cận với thông tin, kiến thức, giúp thanh niên nghèo có điều kiện thuận lợi vượt nghèo, thanh niên có ý tưởng làm ăn có thể khởi nghiệp, thanh niên có điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình học tập...

- Công tác phối hợp, thông tin giữa các sở - ngành liên quan khá chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các nội dung của Đề án.

2. Mặt hạn chế:

- Tuy có nhiều tích cực trong quá trình triển khai thực hiện đề án nhưng tiến độ xây dựng Đề án của thành phố còn chậm so với chỉ đạo chung của Trung ương.

- Chưa tận dụng được nhiều nguồn lực kinh tế, nguồn lực xã hội ngoài Đề án của Trung ương để hỗ trợ cho thanh niên học nghề, giải quyết việc làm.

B. Phương hướng hoạt động năm 2012:

1. Chỉ tiêu:

- 100% thanh niên thành phố có nhu cầu lập doanh nghiệp được cung cấp kiến thức khởi sự doanh nghiệp.

- 60% thanh niên được tiếp cận thông tin tư vấn, giới thiệu việc làm.

- Tập huấn cho 2.000 lượt cán bộ Đoàn các cấp về tư vấn học nghề, việc làm.

2. Hoạt động cụ thể:

Số TT

Thời gian

Nội dung

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

1.

Tháng 2 và cả năm

Đợt hoạt động cao điểm việc làm sau Tết Nhâm Thìn - Chương trình Tiếp sức người lao động

Thành Đoàn

Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV; Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Truyền hình thành phố.

2.

Tháng 2, 3

Tổ chức Hội thi học sinh giỏi nghề

Thành Đoàn

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

3.

Tháng 3

Đợt hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và thanh niên về nghề nghiệp và việc làm:

+ Tổ chức sàn giao dịch việc làm

+ Ngày hội học sinh giỏi nghề

+ Triển lãm, giới thiệu tuyển sinh các Trường nghề

+ Hội chợ Đồng hành cùng hàng Việt

Thành Đoàn

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương

Phát hành tài liệu giới thiệu về đề án và các kiến thức hỗ trợ kỹ năng việc làm cho thanh niên; tài liệu hướng dẫn về các chính sách của nhà nước hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp và việc làm

Thành Đoàn

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh

Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Đoàn, báo cáo viên về kiến thức khởi nghiệp

Thành Đoàn

Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương

Tổ chức Tập huấn báo cáo viên, cán bộ Đoàn khu vực quận huyện Đoàn, các nghiệp vụ, kiến thức về nghề nghiệp và việc làm

Thành Đoàn

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh

4.

Tháng 4-5

Thông qua báo cáo 3 năm thực hiện đề án 103, giai đoạn 2008- 2011; ban hành Quy chế hoạt động Ban điều hành Đề án 103 của thành phố

Thành Đoàn

Ban Điều hành đề án 103, Sở Nội vụ, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố.

5.

Tháng 4

Tổ chức các khóa đào tạo kiến thức khởi nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên nông thôn và thanh niên khuyết tật

Thành Đoàn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

6.

Tháng 5

Tổ chức khảo sát điều tra xã hội về các chính sách hỗ trợ nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Thành Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh

Tổ chức tập huấn tổng phụ trách Đội, trợ lý Thanh niên về đề án 103, các nghiệp vụ, kiến thức về nghề nghiệp và việc làm

Thành Đoàn

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh

7.

Tháng 6,7

Tổ chức 10 chương trình dạy ngoại ngữ, tin học cho thanh niên công nhân

Thành Đoàn

Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố

8.

Tháng 7

Thông qua đề án hoạt động Trung tâm hướng nghiệp Dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên theo quy mô mới

Thành Đoàn

Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

9.

Tháng 9

Tổ chức 10 chương trình huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội về nghề nghiệp cho sinh viên

Thành Đoàn

Sở Giáo dục và Đào tạo, Các trường Đại học

Tổ chức 5 chương trình “Trải nghiệm ước mơ học sinh THPT”

Thành Đoàn

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo

10.

Tháng 10

Hội thi Khởi nghiệp “Tôi làm chủ”

Thành Đoàn

Sở Công Thương

Tổ chức Giải thưởng “Doanh nhân trẻ xuất sắc thành phố Hồ Chí Minh”

Thành Đoàn

Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội Doanh nhân trẻ thành phố

Liên hoan, tuyên dương các gương thanh niên làm kinh tế giỏi và trao vốn Khởi nghiệp cho thanh niên

Thành Đoàn

 

Hội thi tay nghề dành cho khu vực thanh niên công nhân

Thành Đoàn

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo

Đợt hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và thanh niên về nghề nghiệp và việc làm:

+ Tổ chức sàn giao dịch việc làm

+ Chung kết Hội thi tay nghề dành cho khu vực thanh niên, công nhân lao động

+ Triển lãm, giới thiệu tuyển sinh các Trường nghề

Thành Đoàn

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo

11.

Cả năm

Phát hành “Sổ tay chọn nghề”

Thành Đoàn

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo

12.

Cả năm

Các hoạt động truyền thông:

- Xây dựng chuyên mục “Lao động và việc làm” phát sóng định kỳ trên Đài Truyền hình thành phố

- Xây dựng chuyên mục “Thông tin việc làm” giới thiệu về thông tin tuyển dụng của các đơn vị, tạo điều kiện cho các ứng viên giới thiệu về bản thân trên sóng Đài Tiếng nói nhân dân thành phố;

- Chuyên mục “Tương lai của em” trên Báo Mực Tím; chuyên trang về “Nghề nghiệp và việc làm” trên Báo tuổi trẻ ngày, Tuổi trẻ online và Tuổi trẻ cuối tuần;

- Xây dựng kênh tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và giới thiệu việc làm qua tổng đài 1088

Thành Đoàn

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố.

13.

Cả năm

Xây dựng phần mềm trắc nghiệm phát hiện năng lực cá nhân và hướng nghiệp cho học sinh

Sở Giáo dục và Đào tạo

Thành Đoàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

14.

Mỗi tháng 1 lần

Tổ chức chương trình “Cà phê Khởi nghiệp”.

Thành Đoàn

 

15.

Cả năm

Sản xuất và phát hành chương trình “Câu chuyện Khởi nghiệp”

Thành Đoàn

Đài Truyền hình thành phố

16.

Tháng 12

Tổng kết kết quả thực hiện đề án 103 của Thành phố năm 2012 và Kế hoạch hoạt động năm 2013

Ủy ban nhân dân thành phố

Thành Đoàn và các Sở ngành liên quan

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Điều hành Đề án 103 Trung ương;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố;
- Các Sở ngành thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- Các Đoàn thể thành phố;
- VPUB: CPVP;
- Phòng VX, THKH;
- Lưu: VT, (VX-Ng.T) H.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 117/BC-UBND về 3 năm thực hiện Quyết định 103/2008/QĐ-TTg về Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm tại thành phố Hồ Chí Minh (2008-2011); phương hướng hoạt động năm 2012

  • Số hiệu: 117/BC-UBND
  • Loại văn bản: Báo cáo
  • Ngày ban hành: 14/08/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Hứa Ngọc Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/08/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản