Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 107/BC-UBND | Phú Nhuận, ngày 26 tháng 8 năm 2016 |
Căn cứ kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân quận về chuyển đổi mô hình hoạt động Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012, qua triển khai tổ chức thực hiện Ủy ban nhân dân quận báo cáo kết quả đạt được như sau:
Trên địa bàn quận có 16 HTX, với 1.272 thành viên, trong đó thành viên là người trực tiếp làm việc cho HTX là 298 người, hợp đồng lao động thuê ngoài là 384 người. Tất cả các HTX đều thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2013, về tổ chức, hoạt động của các HTX hiện có thực hiện theo quy định của Luật HTX năm 2003.
Qua rà soát, đối chiếu, nhận thấy về tổ chức bộ máy và hoạt động của 16 HTX chưa phù hợp Luật Hợp tác xã năm 2012 (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013), trong đó đa số là thành viên (xã viên) nhưng không có nhu cầu làm việc và sử dụng sản phẩm, dịch vụ do hợp tác xã cung ứng, chủ yếu là góp vốn (từ nguồn tiền nhàn rỗi) để chia lãi hàng năm. Các hợp tác xã chưa xác định được loại hình HTX tạo việc làm hoặc HTX cung ứng sản phẩm, dịch vụ; trong quản lý, điều hành vẫn duy trì các chức danh cũ như Ban quản trị, Chủ nhiệm; chưa ký kết hợp đồng cung ứng, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc hợp đồng lao động với thành viên; tỷ lệ cung ứng, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tỷ lệ chi trả lương giữa thành viên và người lao động chưa tuân thủ theo quy định; việc phân phối thu nhập cho thành viên vẫn chia theo tỷ lệ vốn góp.
Nhằm thúc đẩy các hợp tác xã chấp hành nghiêm pháp luật Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, từng bước củng cố, phát triển thành phần kinh tế tập thể hợp tác xã tại quận, trên tinh thần đó Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận và Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể quận đã chỉ đạo thành viên thường trực Ban chỉ đạo (phòng Kinh tế) tổ chức khảo sát, phân loại hợp tác xã hiện có thành 03 nhóm: nhóm đủ điều kiện chuyển đổi; nhóm cần củng cố, bổ sung thành viên và nhóm không đủ điều kiện chuyển đổi, trên cơ sở đó tham mưu Ủy ban nhân dân quận xây dựng, ban hành kế hoạch về chuyển đổi mô hình hoạt động hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
II. Công tác quán triệt, triển khai:
- Trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban nhân dân quận, Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể quận đã quán triệt, triển khai kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2016 về chuyển đổi mô hình hoạt động hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đến thành viên Ban chỉ đạo, các ban ngành, đoàn thể thuộc quận, Ủy ban nhân dân 15 phường và các hợp tác xã trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hoạt động của hợp tác xã trước ngày 01/7/2016. Xác định việc thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động hợp tác xã là một trong những hoạt động nhằm góp phần củng cố, phát triển thành phần kinh tế tập thể hợp tác xã trên địa bàn.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến đã được các cơ quan ban ngành, đoàn thể thuộc quận, Ủy ban nhân dân các phường có hợp tác xã tập trung đẩy mạnh, nhằm tuyên truyền phổ biến đến cán bộ công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết của việc chuyển đổi mô hình hoạt động của hợp tác xã. Các hợp tác xã cũng đã chủ động tuyên truyền, giải thích, thông tin đầy đủ theo hướng dẫn của quận, kế hoạch của hợp tác xã đến các thành viên (xã viên), người lao động, giúp cho thành viên và người lao động hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc chuyển đổi mô hình, tạo được sự đồng thuận cao, góp phần đảm bảo hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hoạt động của hợp tác xã đúng thời hạn quy định.
- Chỉ đạo phòng Kinh tế (là thành viên thường trực Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể quận) trực tiếp triển khai kế hoạch đến các hợp tác xã (thuộc nhóm 1 và nhóm 2), đề nghị các hợp tác xã cân nhắc, tự lựa chọn loại hình tạo việc làm hoặc cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị. Chủ động rà soát, bổ sung bảo đảm số lượng thành viên tối thiểu theo quy định; tính toán hợp lý số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban kiểm soát (kiểm soát viên), nhiệm kỳ Hội đồng quản trị tối thiểu là 02 năm, tối đa là 5 năm. Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc là người điều hành hoạt động của hợp tác xã, trường hợp hợp tác xã chọn hình thức Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời kiêm Giám đốc thì phải quy định cụ thể trong điều lệ. Ngoài ra, đã định hướng cho các hợp tác xã phương án chấm dứt tư cách thành viên đối với số thành viên cũ (xã viên) không phù hợp với quy định hiện hành, phổ biến điều kiện kết nạp thành viên mới của từng loại hình hợp tác xã, đồng thời yêu cầu các hợp tác xã khẩn trương tổ chức đại hội thành viên (thường niên hoặc nhiệm kỳ) gắn với chuyển đổi mô hình để sớm hoàn thành trước ngày 01/7/2016. Tăng cường phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Thành phố tập trung hỗ trợ, hướng dẫn cho các hợp tác xã xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh, quy chế quản lý tài chính theo mẫu tương ứng với từng loại hình hợp tác xã. Thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc và cử cán bộ trực tiếp đến hợp tác xã để hướng dẫn, cài đặt các biểu mẫu từ điều lệ, phương án, quy chế đến biên bản, nghị quyết đại hội, nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi mô hình.
- Tập trung chỉ đạo phòng Kinh tế quận làm việc liên tục đối với các Hợp tác xã Đông Ba, Kim Sơn, Bình Minh (thuộc nhóm 3) theo tinh thần Thông báo số 44/TB-VP ngày 15 tháng 3 năm 2016 kết luận chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận tại cuộc họp thông qua Kế hoạch chuyển đổi mô hình hoạt động hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Kết quả, Hợp tác xã TM-DV Đông Ba do công nợ nhiều, hiệu quả hoạt động kém nên Ban quản trị nhất trí đề nghị cho hợp tác xã tiến hành giải thể tự nguyện; Hợp tác xã Kim Sơn có nguyện vọng thực hiện chuyển đổi mô hình, tiếp tục duy trì hoạt động để thanh toán công nợ; Hợp tác xã Mành Trúc xuất khẩu Bình Minh đã kết nạp thành viên mới, tăng vốn điều lệ, có phương án chủ động hơn đối với nguồn nguyên liệu đầu vào, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Hợp tác xã phường 17 do quy mô nhỏ nên vận động sáp nhập vào Hợp tác xã TM - DV Phú Lộc, tuy nhiên do Hợp tác xã Phú Lộc hoạt động theo loại hình tạo việc làm không phù hợp HTX phường 17 và cũng không phù hợp với loại hình cung ứng sản phẩm dịch vụ nên HTX phường 17 nhất trí giải thể tự nguyện và chuyển sang loại hình tổ chức khác.
1. Về chuyển đổi mô hình hoạt động của HTX:
Trên địa bàn có 16 Hợp tác xã (03 HTX CN-TTCN; 05 HTX VT; 08 HTX TM-DV) thành lập trước ngày 01/7/2013. Đến tháng 5/2016 tăng thêm 01 hợp tác xã (HTX Vận tải Hoàn Thành từ nơi khác chuyển đến, đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình trước đó), nâng tổng số Hợp tác xã trên địa bàn là 17 hợp tác xã.
Tính đến ngày 01 tháng 7 năm 2016, kết quả thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động của các Hợp tác xã đạt được như sau:
- Số HTX đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình: 14 Hợp tác xã (06 HTX TM-DV; 05 HTX VT; 03 HTX CN-TTCN);
- Số HTX giải thể tự nguyện: 02 HTX (HTX TM-DV Đông Ba, HTX phường 17), trong đó Hợp tác xã Đông Ba giải thể do hoạt động không hiệu quả, Hợp tác xã phường 17 do không phù hợp với các loại hình hợp tác xã hiện hành nên giải thể để chuyển sang doanh nghiệp. Hiện 02 Hợp tác xã đang thực hiện các thủ tục giải thể tự nguyện theo quy định.
- Số HTX tạm ngừng hoạt động: 01 HTX (HTX Vận tải Bến Thành). Qua xác minh hiện nay tại địa chỉ đăng ký, hợp tác xã đã tháo biển tên, chuyển trụ sở đi nơi khác không liên lạc được. Hợp tác xã tạm ngừng kinh doanh kể từ tháng 7 năm 2015 đến nay và đã quá thời hạn chuyển đổi nhưng chưa thể xóa tên trong sổ đăng ký. Phòng Kinh tế đã tham mưu Ủy ban nhân dân quận báo cáo tình hình hoạt động của HTX Vận tải Bến Thành cho sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông và Vận tải thành phố, đồng thời thông báo cho Chi cục Thuế quận và Ủy ban nhân dân phường nơi đặt trụ sở hợp tác xã để phối hợp theo dõi.
Qua chuyển đổi mô hình hoạt động, đã hình thành 02 loại hình hợp tác xã như sau:
- Hợp tác xã tạo việc làm: có 09 HTX (HTX TM-DV Phú Hưng, Phú Thịnh, Phú Lộc, Phú Nhuận, Hùng Khuê, Kim Sơn, HTX Mành trúc Bình Minh, Đồng Tâm, Toàn Lực) là các hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Các yêu cầu cơ bản của loại hình này là: Vốn góp của mỗi thành viên không quá 20% vốn điều lệ của HTX; thành viên là cá nhân phải trực tiếp lao động tại hợp tác xã; tỷ lệ chi trả tiền lương cho thành viên đang làm việc tại HTX là 70% trên tổng tiền lương của hợp tác xã; thành viên có thể không làm việc trong thời gian liên tục nhưng không quá 02 năm; hợp tác xã ký kết hợp đồng lao động với thành viên và phân phối thu nhập theo công sức lao động, số còn lại chia theo vốn góp (sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật).
- Hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ: có 05 HTX (HTX Trường Sơn, Hòa Thành, Hoàn Thành, Miền Đông, Phú Nhuận), chủ yếu là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vận tải. Các yêu cầu cơ bản của loại hình này là: Vốn góp của mỗi thành viên không quá 20% vốn điều lệ của HTX; Hợp tác xã và thành viên ký kết hợp đồng cam kết cung ứng, sử dụng sản phẩm, dịch vụ; tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ mà hợp tác xã cam kết cung ứng cho thành viên và khách hàng không phải thành viên không được vượt quá 50% tổng giá trị cung ứng sản phẩm, dịch vụ; thành viên có thể không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục nhưng không quá 3 năm; phân phối thu nhập chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ, số còn lại chia theo vốn góp (sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật).
1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước:
*Những mặt làm được:
- Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, triển khai kế hoạch chuyển đổi mô hình hoạt động hợp tác xã phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012 và sớm hoàn thành việc chuyển đổi theo luật định. Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể quận đã chủ động chỉ đạo các thành viên, nhất là thành viên thường trực thực hiện việc rà soát, phân loại HTX, chuẩn bị dự thảo kế hoạch chuyển đổi trình Ban chỉ đạo. Các thành viên phối hợp chặt chẽ, tích cực đóng góp ý kiến cho dự thảo kế hoạch và trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện. Công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận, các đoàn thể và Ủy ban nhân dân các phường có hợp tác xã được tăng cường, góp phần thực hiện tốt kế hoạch của quận đề ra.
- Công tác phối hợp giữa Liên minh Hợp tác xã Thành phố và Ủy ban nhân dân quận luôn duy trì tốt; ngoài việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực quản trị, điều hành cho đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã, đã tích cực phối hợp cùng Ủy ban nhân dân quận hỗ trợ hợp tác xã trong tuyên truyền, tư vấn lựa chọn loại hình hoạt động, xây dựng điều lệ, phương án, kế hoạch...góp phần thúc đẩy việc thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động của hợp tác xã tại quận.
*Những mặt hạn chế:
Mặc dù Ủy ban nhân dân quận đã ban hành, quán triệt, triển khai kế hoạch chuyển đổi mô hình hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn, tuy nhiên nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên của một số ban ngành, đoàn thể thuộc quận và Ủy ban nhân dân phường chưa cao, xem việc chuyển đổi mô hình là việc của hợp tác xã, của cơ quan khác; nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật sự tập trung của cấp ủy, chính quyền nơi có hợp tác xã phải giải thể hoặc gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi mô hình, việc chia sẻ, hỗ trợ cho hợp tác xã chưa kịp thời.
*Mặt làm được
Các Hợp tác xã chấp hành khá tốt việc thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động của HTX theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân quận đề ra, từng Hợp tác xã căn cứ tình hình thực tế của đơn vị, chủ động tổ chức đại hội thành viên thường niên hoặc đại hội nhiệm kỳ gắn với chuyển đổi mô hình hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Trong đó, đại hội tập trung thông qua Điều lệ sửa đổi bổ sung, phương án sản xuất, kinh doanh, điều kiện trở thành thành viên của từng loại hình hợp tác xã; tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Ban kiểm soát (kiểm soát viên) hoặc thông báo trong đại hội về thay đổi các chức danh từ Trưởng Ban quản trị thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, từ Chủ nhiệm thành Giám đốc để phù hợp với quy định hiện hành, góp phần đảm bảo hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Hợp tác xã trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 theo kế hoạch của quận.
*Mặt hạn chế:
- Các hợp tác xã hiện nay có quy mô nhỏ, năng lực, trình độ hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh, nhất là còn lúng túng trong lựa chọn loại hình hợp tác xã giữa cung ứng sản phẩm, dịch vụ và tạo việc làm dẫn đến chậm tổ chức đại hội thành viên. Ngoại trừ một số hợp tác xã hoạt động nề nếp nên tổ chức đại hội nghiêm túc, số hợp tác xã còn lại chưa tập trung cho công tác chuẩn bị đại hội, nghi thức tổ chức chưa chu đáo, thiếu sự trang trọng, điều hành đại hội còn lúng túng.
- Mặc dù các hợp tác xã đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hoạt động, nhưng hiện nay vẫn còn hợp tác xã (loại hình tạo việc làm) duy trì số thành viên cũ, có thành viên Hội đồng quản trị đã quá tuổi lao động do chưa thể trả lại vốn góp; các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vận tải (loại hình hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ) gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ cung ứng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên phải đạt 50% trên tổng doanh thu hàng năm, dẫn đến hoạt động của hợp tác xã chưa đảm bảo về tỷ lệ cung ứng, sử dụng sản phẩm theo quy định cần tiếp tục theo dõi, kiểm tra, chấn chỉnh các hợp tác xã trong thời gian tới.
- Mặc dù có nguyện vọng giải thể tự nguyện nhưng HTX Đông Ba, HTX phường 17 chậm xây dựng phương án xử lý vốn và tài sản, tỷ lệ thành viên tham dự đại hội không đảm bảo phải tổ chức đại hội lần hai, thời gian tổ chức đại hội chậm và thủ tục giải thể phức tạp... nên đến nay công việc giải thể của 02 HTX vẫn còn kéo dài, chưa hoàn thành thủ tục đăng ký giải thể theo quy định.
- Hợp tác xã vận tải Bến Thành tạm ngừng hoạt động liên tiếp đã quá một năm, chưa thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động nhưng không thể xóa tên hợp tác xã trong sổ đăng ký, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước khi nhận xét, đánh giá chung về tình hình phát triển thành phần kinh tế tập thể hàng năm tại quận.
- Đối với loại hình hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ, quy định tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ mà hợp tác xã cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên và cho khách hàng không phải thành viên nhưng không quá 50% tổng giá trị cung ứng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã là quá cao, khó áp dụng trong thực tế; đối với hợp tác xã tạo việc làm, quy định thành viên phải trực tiếp lao động cho hợp tác xã, nên các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, không thể thu hút được lao động có tay nghề do đã quá tuổi lao động. Đề xuất Thành phố kiến nghị Trung ương cho phép hợp tác xã tạo việc làm (lĩnh vực thủ công mỹ nghệ) được kết nạp thành viên tuy quá tuổi lao động nhưng có tay nghề để góp phần phát triển ngành nghề truyền thống; đối với hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ điều chỉnh tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ phù hợp tùy hoạt động của hợp tác xã trong từng lĩnh vực cụ thể (bán lẻ, vận tải, xây dựng, môi trường...);
- Về vốn: đa số các hợp tác xã tại quận không có tài sản có giá trị để thế chấp, nên các hợp tác xã đã nhiều năm không thể vay vốn từ các ngân hàng. Kiến nghị Thành phố bên cạnh hình thức thế chấp nên mạnh dạn áp dụng hình thức tín chấp có xem xét dự án, hợp đồng sản xuất kinh doanh (ngân hàng quản lý vốn vay theo dòng tiền của HTX) để hỗ trợ hợp tác xã vay vốn mở rộng quy mô đầu tư từ nguồn vốn của ngân hàng hoặc Quỹ trợ vốn xã viên Hợp tác xã của Thành phố;
- Về mặt bằng: Mặc dù hiện nay các hợp tác xã tại quận được thuê mặt bằng để làm trụ sở và sản xuất kinh doanh theo đơn giá quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố. Tuy nhiên tại Quyết định số 3346/QĐ-UB-QLĐT ngày 07/10/1994 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc điều chỉnh giá biểu thu tiền thuê nhà cơ quan hành chính sự nghiệp - cơ quan kinh doanh - sản xuất sử dụng thuộc diện nhà nước quản lý, xác định giá thuê áp dụng cho thành phần kinh tế ngoài quốc doanh là tăng 75% so với giá thuê áp dụng cho thành phần kinh tế quốc doanh. Kiến nghị Thành phố xem xét, hỗ trợ cho các hợp tác xã được hưởng giá thuê nhà bằng với thành phần kinh tế quốc doanh vì theo quan điểm của Đảng và Nhà nước thì nền Kinh tế nhà nước và và kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN;
- Về đăng ký giải thể bắt buộc: Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012, theo đó tại điều 19 quy định Ủy ban nhân dân quận/ huyện thành lập Hội đồng giải thể để thực hiện các công việc tại điểm c khoản 3 điều 54 Luật Hợp tác xã, điều này rất phức tạp khi triển khai trong thực tế do hợp tác xã bị giải thể bắt buộc thường ít hợp tác hoặc không quan tâm giải quyết hậu quả, cơ quan nhà nước phải làm thay. Đề xuất Thành phố kiến nghị Trung ương nghiên cứu điều chỉnh theo hướng đơn giản để việc tổ chức thực hiện khả thi.
VI. Phương hướng hoạt động trong thời gian tới:
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đối với hợp tác xã về chấp hành pháp luật và điều lệ, nhất là Luật Hợp tác xã 2012 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước;
- Tiếp tục phối hợp với Liên minh Hợp tác xã thành phố duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2012, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã; hỗ trợ các hợp tác xã trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã và hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện chuyển đổi loại hình hợp tác xã cho phù hợp với thực tiễn hoạt động (nếu có nhu cầu)./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 388/KH-UBND năm 2021 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025
- 2Kế hoạch 493/KH-UBND năm 2022 về củng cố phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2025
- 3Kế hoạch 294/KH-UBND năm 2022 về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- 4Quyết định 2243/QĐ-UBND năm 2023 chuyển đổi mô hình hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Quảng Nam
- 1Luật Hợp tác xã 2003
- 2Quyết định 3346/QĐ-UB-QLĐT năm 1994 về việc điều chỉnh giá biểu thu tiền thuê nhà cơ quan hành chánh sự nghiệp - cơ quan kinh doanh - sản xuất sử dụng thuộc diện nhà nước quản lý tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Luật hợp tác xã 2012
- 4Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật hợp tác xã
- 5Kế hoạch 388/KH-UBND năm 2021 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025
- 6Kế hoạch 493/KH-UBND năm 2022 về củng cố phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2025
- 7Kế hoạch 294/KH-UBND năm 2022 về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- 8Quyết định 2243/QĐ-UBND năm 2023 chuyển đổi mô hình hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Quảng Nam
Báo cáo 107/BC-UBND năm 2016 về kết quả thực hiện Kế hoạch 146/KH-UBND về chuyển đổi mô hình hoạt động hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012 do Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 107/BC-UBND
- Loại văn bản: Báo cáo
- Ngày ban hành: 26/08/2016
- Nơi ban hành: Quận Phú Nhuận
- Người ký: Võ Thành Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/08/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra