Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 105/BC-BNN-PC

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2014

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG NHÀ TRƯỜNG NĂM 2013

Thực hiện Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường” (sau đây gọi tắt là Đề án); trả lời Công văn số 58/BGDĐT-PC ngày 06/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc báo cáo kết quả thực hiện Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện Đề án trên trong năm 2013 như sau:

I. NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU

1. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án

a) Tổ chức tuyên truyền, quán triệt nội dung Đề án

Trong năm 2013; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là Bộ NN và PTNT) đã tiếp tục tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung của Đề án.

Việc quán triệt đã được thực hiện bằng nhiều hình thức như: tổ chức quán triệt, phổ biến tại các hội nghị; sao gửi các văn bản, tài liệu kèm theo công văn hướng dẫn thực hiện Đề án; lồng ghép việc phổ biến quán triệt Đề án tại các lớp tập huấn, các cuộc họp, giao ban; lồng ghép với việc quán triệt chủ trương, chính sách khác của Đảng và nhà nước tới cán bộ, công chức, giáo viên, học viên, sinh viên thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Đồng thời, việc quán triệt cũng được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng khác như Báo Nông nghiệp Việt Nam, các tạp chí của ngành, các báo điện tử, báo viết, trên trang thông tin điện tử: http://www.mard.gov.vn và các trang thông tin điện tử của các trường, cơ sở đào tạo, dạy nghề của Bộ.

b) Kiện toàn tổ chức thực hiện Đề án

Bộ NN và PTNT đã có văn bản hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án. Đã có 22/36 trường đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thành lập Ban chỉ đạo do một đồng chí trong Ban Giám hiệu nhà trường làm trưởng ban. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được các trường giao cho Khoa lý luận chính trị (đối với các trường đại học), Tổ Bộ môn pháp luật hoặc Phòng công tác học sinh - sinh viên, Phòng đào tạo đảm nhiệm. Hầu hết các trường đã kiện toàn đội ngũ giáo viên để phục vụ công tác giảng dạy pháp luật (đã bổ sung mới 11 giáo viên giảng dạy pháp luật trong thời gian thực hiện đề án).

c) Xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện

Để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án, ngày 17 tháng 5 năm 2013, Bộ NN và PTNT đã ban hành Quyết định số 1113/QĐ-BNN-TCCB về việc ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong khối trường thuộc Bộ giai đoạn 2013-2016.

Các trường thuộc Bộ đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản cần thiết để chỉ đạo, tổ chức triển khai các hoạt động được phân công trong phạm vi đơn vị mình.

2. Xây dựng nguồn nhân lực làm công tác TTPBPL

Trong năm 2013, Bộ đã tiến hành rà soát, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (sau đây gọi tắt là TTPBPL) trong khối trường thuộc Bộ.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, cán bộ phụ trách công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Các trường đều chú trọng nâng cao chất lượng giáo viên, trong thời gian thực hiện đề án đã có 7 giáo viên được cử đi học thạc sỹ chuyên ngành luật, 65% giáo viên được học tập, bồi dưỡng thường xuyên về công tác giảng dạy môn pháp luật và văn bản pháp luật mới.

3. Khảo sát xác định nhu cầu TTPBPL

Ngay sau khi Quyết định số 1113/QĐ-BNN-TCCB có hiệu lực, Bộ đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng cán bộ, giáo viên giảng dạy môn pháp luật và công tác PBGDPL tại các trường.

Xây dựng 03 mẫu phiếu điều tra đối với 03 đối tượng: cán bộ quản lý công tác đào tạo pháp luật, giáo viên giảng dạy pháp luật và học viên, sinh viên. Tổng số phiếu điều tra là 750 phiếu.

Kết quả khảo sát là cơ sở quan trọng để Bộ triển khai thực hiện các hoạt động tiếp theo của Đề án.

4. Tổ chức phổ biến pháp luật

Để giúp cho các học viên, sinh viên của các trường, cơ sở đào tạo thuộc Bộ nắm được lý luận cơ bản về pháp luật để có thể tự tìm hiểu các ngành luật cần thiết, trong năm 2013, Bộ đã tổ chức dạy và học các nội dung sau:

- Lý luận cơ bản về pháp luật; Các kiến thức pháp luật cơ bản, các quy định về pháp luật lao động, hợp đồng và các quy định gắn với đặc thù của từng ngành nghề;

- Các quy định pháp luật về NN và PTNT trong các lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; lâm nghiệp, bảo vệ phát triển rừng; thủy sản; thủy lợi, đê điều phòng chống lụt bão; kinh tế hợp tác và PTNT; quản lý chất lượng, nông lâm sản và thủy sản; các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước có liên quan mật thiết với học viên, sinh viên...

Các trường đã tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú để phổ biến, tuyên truyền pháp luật: “Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên”, xây dựng chuyên mục “Phổ biến pháp luật” trên Website của trường (Trường Đại học Thủy lợi - www.wru.edu.vn); tổ chức “Ngày pháp luật” (Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc) Hội thi tuyên truyền về Luật phòng chống ma túy, HIV, bài trừ tệ nạn xã hội, Luật Giao thông (Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Tây Bắc)...

5. Hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa, tài liệu thiết bị phục vụ giảng dạy pháp luật

Đa số các trường (27/36) đã tiến hành rà soát và hoàn thiện chương trình giảng dạy pháp luật. Các trường trên cơ sở tài liệu giảng dạy môn pháp luật đại cương và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn tài liệu giảng dạy phù hợp chương trình giảng dạy của trường. Một số văn bản QPPL gắn với đặc điểm ngành nghề mà học sinh đang được đào tạo cũng được các trường phổ biến tới sinh viên như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biển, Luật Tài nguyên nước, Luật Đê điều... Việc giảng dạy pháp luật ở các trường cũng được đổi mới theo hướng lấy học trò làm trung tâm và ứng dụng công nghệ thông tin. 100% số tiết giảng tại 2 trường Đại học Lâm nghiệp và Đại học Thủy lợi, 60% số tiết giảng dạy tại các trường Cao đẳng, Cao đẳng nghề và Trung cấp chuyên nghiệp sử dụng màn hình, máy chiếu, tài liệu bài giảng có hình minh họa để nâng cao chất lượng dạy và học.

6. Tổ chức biên soạn, phát hành các tài liệu phục vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật

Theo báo cáo thống kê 17/36 trường đã tiến hành biên soạn hoặc cập nhật các tài liệu như tờ rơi, sách bỏ túi để phát cho học sinh sinh viên giới thiệu các văn bản pháp luật như Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Phòng chống ma túy, Luật Thanh niên, Luật Giao thông đường bộ, các văn bản khác liên quan tới chế độ chính sách của học sinh, sinh viên. 25/36 trường đã xây dựng Tủ sách pháp luật phục vụ học sinh sinh viên và cán bộ nhà trường.

7. Công tác kiểm tra việc thực hiện các nội dung của Đề án

Trong năm 2013, Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra để kiểm tra công tác thực hiện Đề án; lồng ghép nội dung này trong các cuộc kiểm tra khác tại một số trường, cơ sở đào tạo, dạy nghề thuộc Bộ. Các trường, cơ sở đào tạo, dạy nghề thuộc Bộ tự tổ chức kiểm tra việc thực hiện Đề án trong đơn vị mình.

8. Kinh phí thực hiện Đề án

Trong năm 2013, kinh phí thực hiện Đề án không được ngân sách nhà nước cấp. Tuy vậy, Bộ NN và PTNT tự bố trí 200 triệu đồng và lồng ghép với các hoạt động khác để thực hiện Đề án này.

II. NHỮNG HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN KHI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác TTPBPL trong nhà trường vẫn gặp phải những khó khăn sau:

1. Nhận thức về công tác PBGDPL nói chung, việc dạy và học pháp luật nói riêng của một số cán bộ viên chức, học sinh, sinh viên chưa đúng mức. Một số học sinh, sinh viên còn coi môn giáo dục pháp luật là môn phụ nên dẫn tới chưa đầu tư thích đáng vào việc học tập, đây cũng là nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật của một số học sinh, sinh viên trong thời gian qua.

2. Đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật còn thiếu, đặc biệt là thiếu kinh nghiệm thực tế nên khả năng thu hút học sinh, sinh viên hăng say học tập môn giáo dục pháp luật chưa cao.

3. Tại một số trường hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn nghèo nàn, chưa đa dạng, phong phú.

4. Công tác kiểm tra việc thực công tác PBGDPL tại khối trường chưa được thực hiện thường xuyên.

III. PHƯƠNG HƯỚNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2014

1. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy để thực hiện tốt công tác PBGDPL khối trường; xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường giai đoạn 2013-2016”. Kiện toàn đội ngũ giáo viên, giảng viên môn pháp luật.

2. Hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy phục vụ công tác PBGDPL, biên soạn, phát hành các tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy. Xây dựng “Tủ sách pháp luật” tại tất cả các trường.

3. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức môn pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ giáo viên, giảng viên.

4. Đa dạng hóa các hoạt động PBGDPL như xây dựng trang thông tin trên website, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật, ngày hội sinh viên tìm hiểu pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường.

Trên đây là kết quả thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường trong năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Hội đồng PHPBGDPL (Bộ Tư pháp);
- Các cơ quan trong Đề án;
- Lưu: VT, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 105/BC-BNN-PC năm 2014 kết quả thực hiện Đề án nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường năm 2013 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 105/BC-BNN-PC
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/01/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hà Công Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản