Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/BC-BXD

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2015

 

BÁO CÁO

VỀ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG Ở VIỆT NAM”

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Đề án “Tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng ở Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 12/10/2012, Bộ Xây dựng kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Đề án này từ năm 2011 đến năm 2014 và kiến nghị một số nội dung như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TỪ NĂM 2011 ĐẾN HẾT NĂM 2014

1. Kết quả thực hiện Đề án

1.1. Về nội dung nghiên cứu đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách

Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh các hoạt động thí nghiệm, kiểm định, giám định, quan trắc trong lĩnh vực xây dựng. Đến thời điểm này, một số nội dung nghiên cứu của Đề án đã được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật và được Quốc hội, Chính phủ ban hành, đồng thời Bộ Xây dựng đã ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật có điều chỉnh các hoạt động thí nghiệm, kiểm định, giám định như:

- Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

- Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

- Thông tư số 04/2014/TT-BXD ngày 22/4/2014 về hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng;

- Bộ chỉ tiêu định mức dự toán, trong đó sửa đổi khoảng 300 chỉ tiêu và bổ sung trên 200 chỉ tiêu định mức bao quát hầu hết các công tác thí nghiệm vật liệu, cấu kiện, kết cấu xây dựng và kiểm định xây dựng.

Trong các năm 2015 và 2016, một số văn bản quy phạm pháp luật khác tiếp tục được ban hành có điều chỉnh các hoạt động thí nghiệm, kiểm định, giám định:

- Nghị định thay thế Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định 114/2010/NĐ-CP ngày 6/12/2010 về bảo trì công trình xây dựng;

- Thông tư thay thế Thông tư 20/2008/TTLT-BXD-BNV về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã về lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành xây dựng. Thông tư này quy định việc thành lập các Chi cục giám định xây dựng trong cơ cấu tổ chức của các Sở Xây dựng.

- Thông tư quy định hoạt động kiểm định xây dựng, giám định xây dựng và giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng;

- Các quy chuẩn kỹ thuật điều chỉnh hoạt động thí nghiệm và quan trắc công trình xây dựng;

- Thông tư quy định việc công bố thông tin năng lực các tổ chức thí nghiệm, kiểm định, giám định;

- Các quy định về đào tạo và cấp chứng chỉ, chứng nhận cho cá nhân thí nghiệm viên, kiểm định viên;

- Thông tư điều chỉnh, tạo cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức tham gia hoạt động thí nghiệm, kiểm định nhằm kiểm soát tốt chất lượng công trình xây dựng; công nhận lẫn nhau giữa các tổ chức và công nhận kết quả thí nghiệm, kiểm định hướng tới hội nhập quốc tế.

1.2. Về nội dung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật

a) Đến hết năm 2014, Đề án đã hoàn thành việc xây dựng quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, biên soạn một số tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật về thí nghiệm, kiểm định công trình xây dựng:

- Quy hoạch và lộ trình hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành trong công tác thí nghiệm, kiểm định chất lượng, quan trắc công trình xây dựng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

- Quy trình và các tiêu chí đánh giá ảnh hưởng của gió bão tới các công trình dạng tháp;

- Quy trình kiểm định quản lý chất lượng công trình hệ thống cấp thoát nước sử dụng vật liệu composite cốt sợ thủy tinh.

b) Các dự án đang tiếp tục triển khai và dự kiến hoàn thành trong quý III năm 2015:

- Xây dựng quy trình kiểm tra nhà nước việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong công tác thi công và nghiệm thu các công trình xây dựng;

- Thiết lập quy định chung về kiểm định đánh giá an toàn đập ở Việt Nam;

- Xây dựng giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo trì công trình dân dụng;

- Xây dựng các tiêu chí cần thiết trong thí nghiệm, thử tải phục vụ công tác kiểm định một số loại kết cấu có tính chất đặc thù.

1.3. Về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ

Đến hết năm 2014, Đề án đã hoàn thành biên soạn 04 bộ giáo trình đào tạo:

- Quản lý phòng thí nghiệm;

- Thí nghiệm không phá hủy, phá hủy, kết cấu xây dựng, thí nghiệm cọc, vật liệu làm đường, môi trường

- Quan trắc công trình xây dựng;

- Kiểm định, đánh giá chất lượng công trình xây dựng.

Trên cơ sở nội dung các bộ tài liệu về giảng dạy, Đề án đã tổ chức 38 lớp đào tạo nghiệp vụ cho gần 2.800 học viên trên nhiều tỉnh thành cả nước (Tp. Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắc, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Bình Phước ...).

1.4. Về đầu tư, nâng cấp thiết bị thí nghiệm và đầu tư xây dựng cơ bản

Theo danh sách tại Phụ lục II của Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 12/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1511/QĐ-TTg), có 68 đơn vị được hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị thí nghiệm với tổng vốn đầu tư dự kiến là 402,76 tỷ đồng. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên đến thời điểm hiện nay mới chỉ thực hiện được một phần, cụ thể:

- Năm 2013, ngân sách Trung ương đã đầu tư 15,0 tỷ đồng cho 01 đơn vị là Trung tâm Công nghệ quản lý chất lượng công trình xây dựng Việt Nam (nay là Trung tâm Phát triển Công nghệ quản lý và Kiểm định xây dựng - Trung tâm CDMI) - thuộc Bộ Xây dựng. Trung tâm CDMI đã tổ chức đấu thầu, mua sắm trang thiết bị theo đúng kế hoạch đã được duyệt, tuân thủ các quy định hiện hành và phù hợp với danh mục thiết bị do Bộ Xây dựng quy định.

- Năm 2014, ngân sách Trung ương đã tiếp tục đầu tư 5,0 tỷ đồng cho Trung tâm CDMI và hỗ trợ đầu tư 50,0 tỷ đồng cho 09 đơn vị thuộc các địa phương: Bắc Ninh, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hải Dương, Lai Châu, Quảng Ninh. Việc giải ngân của 09 đơn vị hiện đang khó khăn do thiếu thủ tục thẩm định nguồn vốn. Đến ngày 31/12/2014, có 07/09 đơn vị đang trong quá trình thực hiện giải ngân; 02/09 đơn vị (Bình Thuận, Kiên Giang) chưa giải ngân được, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 43,75% so với kế hoạch trong khi các đơn vị này đã ký hợp đồng để mua các thiết bị thí nghiệm và đầu tư xây dựng cơ bản.

- Năm 2015, đề xuất ngân sách Trung ương tiếp tục đầu tư 9,18 tỷ đồng cho Trung tâm CDMI và hỗ trợ đầu tư 50,0 tỷ đồng cho 12 đơn vị thuộc các địa phương: Bắc Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Hà Nam, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho 12 địa phương nêu trên và đã được Quốc hội Khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên cho đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa giao kế hoạch vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 12 địa phương nêu trên do các cơ quan có liên quan chưa kịp thẩm định nguồn vốn theo quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương còn lại chưa được cấp kinh phí từ ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, tới nay một số địa phương đã chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn vốn khác để triển khai các Dự án thành phần như: An Giang, Bến Tre, Hà Nam, Nam Định, Lào Cai,... Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng làm việc, phòng thí nghiệm và mua sắm một số các trang thiết bị thí nghiệm cần thiết.

1.5. Các hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp

a) Nhằm tạo cơ hội cho các đơn vị cập nhật thông tin và trao đổi kinh nghiệm, trong các năm 2013 và 2014 Bộ Xây dựng đã tổ chức các hội thảo về công nghệ kiểm định và quan trắc công trình xây dựng, hội thảo chuyên đề xoay quanh các chủ đề: kinh nghiệm trong quan trắc, kiểm định xây dựng; nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa sự cố; tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.

b) Đề án đã hỗ trợ hoạt động nghề nghiệp của các tổ chức kiểm định (với nòng cốt là trên 200 thành viên Mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng Việt Nam) trong việc xuất bản bản tin Thí nghiệm và Kiểm định xây dựng; vận hành trang thông tin điện tử kiemdinhxaydung.gov.vn; tổ chức các hội nghị thường niên và hội nghị vùng miền của Mạng kiểm định,...

2. Về kinh phí Đề án được cấp

Từ năm 2011 đến năm 2014, tổng kinh phí đã cấp từ ngân sách Trung ương là 87,013 tỷ đồng (trên tổng kinh phí theo dự toán để thực hiện Đề án là 465,256 tỷ đồng), bao gồm:

a) Năm 2011: Kinh phí hoạt động Ban Điều hành 0,363 tỷ đồng.

b) Năm 2012:

- Kinh phí hoạt động Ban Điều hành: 0,5 tỷ đồng.

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ từ nguồn vốn sự nghiệp: 1,5 tỷ đồng.

c) Năm 2013: Tổng kinh phí được duyệt là 20,40 tỷ đồng, trong đó:

- Kinh phí hoạt động Ban Điều hành: 0,9 tỷ đồng.

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ từ nguồn vốn sự nghiệp: 4,5 tỷ đồng.

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ từ nguồn vốn đầu tư: 15,0 tỷ đồng.

d) Năm 2014: Tổng kinh phí được duyệt là 64,25 tỷ đồng, trong đó:

- Kinh phí hoạt động Ban Điều hành: 0,75 tỷ đồng.

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ từ nguồn vốn sự nghiệp: 8,5 tỷ đồng.

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ từ nguồn vốn đầu tư : 55,0 tỷ đồng.

Đến hết năm 2014, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ từ nguồn vốn đầu tư trang thiết bị từ ngân sách Trung ương là 70 tỷ đồng và nguồn vốn khác của các địa phương là 51,4 tỷ đồng.

Cho tới nay, việc giải ngân kinh phí được cấp theo khối lượng công việc đã thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật. Riêng việc giải ngân kinh phí thực hiện các nhiệm vụ từ nguồn vốn đầu tư năm 2014 có một số vướng mắc về thủ tục thẩm định nguồn vốn.

3. Đánh giá chung

Đề án đã được triển khai một cách tích cực, đồng bộ với sự phối hợp của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan với các nội dung bám sát mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1511/QĐ-TTg. Ban Điều hành Đề án với thành phần là đại diện các Bộ: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 1 năm họp 2 lần để giải quyết các công việc thường xuyên, đột xuất.

Từ kết quả nghiên cứu của các dự án thành phần thuộc Đề án, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động kiểm định, giám định đồng thời hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về thí nghiệm kiểm định xây dựng.

Đề án đã triển khai đào tạo nâng cao trình độ cho 2.800 lượt cán bộ về nghiệp vụ thí nghiệm, kiểm định và quan trắc công trình xây dựng tại gần 20 tỉnh trên cả nước. Việc đầu tư trang thiết bị kiểm định bước đầu đã tạo điều kiện nâng cao năng lực cho các Chi cục giám định trong thời gian tới giúp các Sở Xây dựng tại địa phương kiểm soát tốt hơn tình hình chất lượng công trình xây dựng.

4. Một số khó khăn

Theo Quyết định số 1511/QĐ-TTg thì thời gian thực hiện Đề án đến hết ngày 31/12/2015. Tuy vậy, tổng kinh phí đã cấp cho Đề án còn hạn chế, đến hết năm 2014 mới được cấp 87,013 tỷ đồng (đạt 18,7% so với tổng kinh phí thực hiện là 465,256 tỷ) trong khi thời gian còn lại để thực hiện đề án chỉ còn gần 1 năm. Vì vậy việc đạt được mục tiêu cuối cùng của Đề án là rất khó khăn.

a) Về nguồn vốn sự nghiệp kinh tế: đến hết năm 2014, tỷ lệ vốn được cấp cho Đề án so với nhu cầu là quá ít so với nhu cầu, cụ thể:

- Nghiên cứu, đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách: 30%;

- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật: 34,29%;

- Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ: 21,56%;

- Hỗ trợ hoạt động nghề nghiệp: 23,02%.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cuối cùng của Đề án vẫn còn nhiều công việc phải thực hiện; trong đó đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động thí nghiệm, kiểm định, giám định cần được hoàn thành và ban hành (như đã nêu tại mục 1.1); tiếp tục đào tạo cho các đối tượng thuộc đề án với khối lượng còn lại là trên 6000 học viên; biên soạn, sửa đổi bổ sung hàng trăm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật,...

b) Về bố trí vốn đầu tư nâng cấp trang thiết bị thí nghiệm và xây dựng cơ bản: đến hết năm 2014, vốn cấp cho Đề án chỉ được 17,38%. Đến nay còn 45/67 đơn vị thụ hưởng chưa được bố trí vốn đầu tư nâng cấp trang thiết bị thí nghiệm và đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Trung ương, trong đó có Trung tâm Kỹ thuật đường bộ - Bộ Giao thông vận tải, Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Về giải ngân vốn đầu tư nâng cấp trang thiết bị thí nghiệm và xây dựng cơ bản: do thiếu thủ tục thẩm định nguồn vốn nên việc giải ngân của 9 đơn vị thụ hưởng tại các địa phương đã được bố trí vốn trong năm 2014 đang bị tạm dừng theo yêu cầu của Bộ Tài chính; 12 đơn vị thụ hưởng tại các địa phương được phân bổ vốn trong năm 2015 cũng chưa kịp thẩm tra nguồn vốn nên chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao kế hoạch vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương.

II. KIẾN NGHỊ

Để Đề án có thể triển khai đồng bộ các nội dung theo các mục tiêu đã được duyệt, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung như sau:

1. Đối với phần vốn đầu tư bố trí trong kế hoạch năm 2014

- Giao các địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn trước ngày 30/4/2015.

- Cho phép 09 địa phương đã bố trí được vốn trong kế hoạch 2014 được tiếp tục triển khai dự án và kéo dài thời gian thực hiện giải ngân đến 30/6/2015 như phương án đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công văn 366/BKHĐT-KHGDTNMT ngày 21/01/2015.

2. Đối với phần vốn đầu tư bố trí trong kế hoạch năm 2015

- Giao các địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thực hiện xong việc thẩm định nguồn vốn trước ngày 30/4/2015.

- Cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao vốn cho 12 địa phương nêu trên và các dự án được giải ngân sau khi hoàn thành các thủ tục thẩm định nguồn vốn.

3. Do thời gian thực hiện Đề án chỉ còn chưa đầy 1 năm trong khi kinh phí đã cấp cho Đề án chỉ được 20% lượng kinh phí dự trù, trong khi đó vẫn còn nhiều công việc phải thực hiện để đạt được mục tiêu mà Đề án đặt ra. Vì vậy, Bộ Xây dựng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn thời gian thực hiện Đề án đến hết năm 2018 nhằm tạo điều kiện hoàn thiện và nâng cao năng lực hệ thống thí nghiệm, quan trắc, kiểm định, giám định xây dựng; giúp cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng kiểm soát, đánh giá chất lượng công trình xây dựng, góp phần hoàn thành mục tiêu chung trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bộ Xây dựng kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Phó TTg Hoàng Trung Hải (để b/cáo);
- Phó TTg Vũ Văn Ninh (để b/cáo);
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, GTVT, NN&PTNT;
- Các thành viên Ban ĐH Đề án;
- Lưu: VT, GĐ (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quang Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 07/BC-BXD năm 2015 thực hiện Đề án Tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng ở Việt Nam do Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 07/BC-BXD
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/02/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Lê Quang Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản