Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 04/BC-PCTNXH

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2010

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ CÔNG TÁC CAI NGHIỆN, PHỤC HỒI VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM NĂM 2009 VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2010

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm về việc họp tổng kết năm 2009 công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin báo cáo như sau:

Phần 1.

CÔNG TÁC CAI NGHIỆN, PHỤC HỒI

I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CAI NGHIỆN, PHỤC HỒI

1. Ở Trung ương

1.1. Công tác xây dựng văn bản pháp luật.

- Trình Chính phủ ban hành Nghị định 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy.

- Tổ chức lấy ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và trình tự thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng; gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh.

- Lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 147/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ về cấp phép cai nghiện cho các cơ sở tư nhân. Xây dựng, ban hành các Thông tư để hướng dẫn thực hiện các Nghị định trên.

1.2. Công tác tham mưu, chỉ đạo

- Báo cáo Chính phủ về các giải pháp cai nghiện ma túy và tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn biên giới.

- Hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện”.

- Tiếp tục hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Củng cố tổ chức và hoàn thiện cơ chế phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2010 – 2015”.

- Tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy trong ngành LĐTBXH và 11.700 xã phường thị trấn của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng kết đánh giá Đề án thí điểm xây dựng xã, phường không có tệ nạn xã hội.

2. Địa phương

2.1. Công tác chỉ đạo, thực hiện

- Các tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch năm 2009 và hướng dẫn các biện pháp tổ chức thực hiện các chỉ tiêu cai nghiện phục hồi ở Trung tâm và cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

- Chỉ đạo các ngành chức năng rà soát đánh giá toàn diện cơ sở vật chất, cán bộ ở trung tâm, cộng đồng để xem xét đầu tư nâng cấp bổ sung nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của công tác cai nghiện.

- Lồng ghép các chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện được tiếp cận các dịch vụ vay vốn, học nghề, tìm việc làm, ổn định đời sống để hòa nhập cộng đồng.

- Chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Tháng hành động phòng chống ma túy, nhiều địa phương như: Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đồng Tháp … đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện tốt đợt cao điểm phòng, chống ma túy.

- Phát động phong trào quần chúng tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy; giúp đỡ người đã hoàn thành cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái nghiện.

- Tổ chức điều tra người nghiện ma túy trên địa bàn để lập hồ sơ quản lý, phân loại đối tượng và hình thức cai nghiện phù hợp; tiếp tục xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình, điển hình về cai nghiện tại gia đình cộng đồng, xây dựng xã, phường, thị trấn, khu dân cư không có người nghiện ma túy.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu cai nghiện và nhân rộng các mô hình cai nghiện phục hồi có hiệu quả, từng bước xã hội hóa công tác cai nghiện và mở rộng các cơ sở cai nghiện tư nhân.

- Tại các tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bình Định, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Thuận, Tiền Giang, Đồng Nai, Long An đã hưởng ứng và triển khai “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và “Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy 26 tháng 6”, đã xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm phòng chống ma túy trong năm 2009 với các hoạt động cụ thể. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: tuyên truyền về tác hại của ma túy đối với cuộc sống của mọi người và cộng đồng, đồng thời vận động người nghiện, gia đình họ hiểu và thực hiện tốt các hoạt động văn hóa, xã hội tại cộng đồng và các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội với khẩu hiệu “Cuộc sống của bạn, cộng đồng của bạn không có chỗ cho ma túy”; phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể như: Sở Công an, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên ban hành Kế hoạch liên ngành, đồng thời tổ chức ký cam kết và lễ phát động toàn dân tham gia, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh, thành phố; tiến hành rà soát điều tra số người nghiện trên địa bàn tỉnh, thành phố.

2.2. Kết quả cai nghiện phục hồi

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố, trong năm 2009 đã tổ chức chữa trị, cai nghiện cho 64.809 lượt người, trong đó số năm 2008 chuyển sang là 32.494 lượt người, số tiếp nhận mới trong năm 2009 là 32.615 lượt người. Hiện đang quản lý đến tháng 12/2009 là 33.946 lượt người nghiện;

- Tại Trung tâm: Tiếp nhận mới vào cai nghiện cho 21.487 lượt người, chiếm tỷ lệ 65,8% so với tổng số người được cai nghiện (21.487/32.615), trong đó:

+ Bắt buộc: 17.389 lượt người

+ Tự nguyện: 4.098 lượt người

- Tại Cộng đồng: tổ chức cai nghiện mới cho 11.128 lượt người

- Số được dạy nghề là: 6.921 người

- Số được tạo việc làm, hỗ trợ cho vay vốn là: 358 người.

- Số đối tượng được học văn hóa: 3.971 người.

Chỉ tiêu cai nghiện đạt 129,6% (64.809/50.000) và 163% (32.615/20.000) chỉ tiêu tiếp nhận mới trong năm 2009 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề ra. Như vậy, với sự nỗ lực của các địa phương trong năm 2009 đã vượt 30% so với chỉ tiêu đề ra, trong đó số tiếp nhận mới vượt 63% so với chỉ tiêu 20.000 lượt người.

2.3. Chất lượng công tác điều trị phục hồi tại các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội được nâng cao.

Các Trung tâm đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng công tác cai nghiện, phục hồi, bảo đảm quy trình cai nghiện theo Thông tư liên bộ số 31/1999/TTLB-BLĐTBXH-BYT. Mười tám Trung tâm đã nhận được tài trợ về kỹ thuật, chuyên môn cũng như các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS. Nhiều Trung tâm đã tích cực chủ động trong việc phòng ngừa dịch bệnh, cấp cứu chuyển tuyến trên kịp thời. Vì vậy, số lượng học viên nhiễm HIV, mắc bệnh lao ngày càng giảm rõ rệt, số đối tượng nhiễm HIV/AIDS đang quản lý trong các Trung tâm chiếm tỷ lệ 20-25% (2006 – 2008 tỷ lệ này là 30-40%) giảm so với những năm trước.

2.4. Tình hình an ninh trật tự tại các Trung tâm: có nhiều chuyển biến tốt, hiện tượng bỏ trốn khỏi các Trung tâm trong năm 2009 ít xảy ra; tuy nhiên, còn một vài trung tâm hiện tượng bỏ trốn tập thể vẫn diễn ra như: Bình Dương, Kiên Giang, Quảng Ninh …

3. Nhận xét chung

a. Mặt được:

- Nhiều địa phương đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, Ban ngành, Đoàn thể trong các hoạt động cai nghiện phục hồi và xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội;

- Công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy được tăng cường, thu hút nhiều tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn ma túy nói chung và công tác cai nghiện phục hồi nói riêng;

- Lĩnh vực quản lý, giáo dục, chữa trị và cai nghiện giải quyết các vấn đề xã hội sau cai được chú trọng và đầu tư. Các xã, phường trọng điểm về ma túy đã tích cực, phát hiện, kiểm tra, rà soát danh sách người nghiện ma túy trên địa bàn để có kế hoạch cai nghiện phù hợp với hoàn cảnh địa phương và từng người nghiện.

b. Tồn tại và khó khăn:

- Việc lập hồ sơ đưa đối tượng vào cai nghiện tại trung tâm ở một số địa phương làm chưa quyết liệt, dẫn đến khi có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện thì đối tượng có hành vi chống đối hoặc bỏ trốn khỏi địa phương nên đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu cai nghiện, như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Khánh Hòa.

- Trên 60% Trung tâm chưa đủ điều kiện thực hiện quy trình cai nghiện theo Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định khác. Nhiều Trung tâm chỉ đủ khả năng tiếp nhận từ 20-40% số đối tượng có hồ sơ quản lý. 30-40% Trung tâm không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để đảm bảo quy trình cai nghiện.

- Kinh phí đầu tư cho mở rộng nâng cấp Trung tâm vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những địa phương không cân đối được ngân sách. Hiện nay, Trung tâm của nhiều địa phương chỉ có khả năng tiếp nhận 35% đối tượng có hồ sơ quản lý vào cai nghiện, thậm chí một số nơi chỉ có thể tiếp nhận 10-20% số người nghiện có hồ sơ quản lý.

- Vẫn còn 40-45% địa phương thực hiện thời gian cai nghiện 1 năm nên không đảm bảo quy trình và quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 56/2002/NĐ-CP ngày 15/5/2002 của Chính phủ ở nhiều địa phương không triển khai được do thiếu cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực.

- Đối tượng có trình độ văn hóa thấp, sức khỏe kém chiếm 60-75%, nên việc dạy nghề, lao động, sản xuất bị hạn chế, năng suất lao động kém và không thể tự trang trải kinh phí mà đối tượng phải đóng góp theo quy định của pháp luật.

- Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu vẫn là gia đình tự quản nên hiệu quả chưa cao. Mặt khác do thiếu kinh phí cũng như hướng dẫn phương pháp điều trị cai nghiện, hỗ trợ chăm sóc tư vấn của ngành y tế, đặc biệt ở cấp cơ sở còn yếu, bên cạnh đó còn do sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đoàn thể chưa đồng bộ. Công tác quản lý người nghiện và người sau cai nghiện tại cộng đồng còn nhiều bất cập.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2010

1. Năm 2010 là năm cuối cùng triển khai Quyết định 49/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phòng, chống ma túy đến năm 2010 và cũng là năm thứ 3 triển khai công tác phòng, chống ma túy được vận hành theo cơ chế Chương trình mục tiêu Quốc gia. Vì vậy, công tác phòng, chống ma túy nói chung, cai nghiện phục hồi nói riêng cần được đẩy mạnh, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, hoàn thành thắng lợi Kế hoạch tổng thể phòng, chống ma túy đến năm 2010.

2. Tiếp tục xây dựng các Thông tư hướng dẫn Nghị định 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 về quản lý sau cai đã được Chính phủ ban hành.

3. Chỉ đạo các địa phương rà soát các điều kiện cơ sở vật chất ở Trung tâm để xem xét, đầu tư nâng cấp, tăng khả năng tiếp nhận đối tượng vào cai nghiện; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu cai nghiện theo Quyết định 49/2005/QĐ-TTg; vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý hỗ trợ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng; nhân rộng, phổ biến các mô hình cai nghiện có hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.

4. Xây dựng kế hoạch chi tiết về việc triển khai tổ chức cai nghiện tại địa bàn biên giới.

5. Củng cố, nâng cao chất lượng cập nhật thông tin cai nghiện phục hồi từ Trung ương đến địa phương, đưa công tác báo cáo thống kê từ cơ sở lên Trung ương vào nề nếp, đúng thời gian.

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Đối với trung ương:

1.1. Đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành ở Trung ương hỗ trợ kinh phí cho một số tỉnh, thành phố có khó khăn để nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất các Trung tâm cai nghiện nhằm đáp ứng yêu cầu cai nghiện.

1.2. Chương trình Phòng, chống ma túy Quốc gia nên cân đối kinh phí giữa các lĩnh vực giảm cung và giảm cầu nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch tổng thể giai đoạn 2006 – 2010 của Chính phủ, đặc biệt hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn như: các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa để giải quyết công tác cai nghiện, phục hồi và các vấn đề quản lý sau cai.

2. Đối với địa phương

2.1. Đề nghị các tỉnh, thành phố đầu tư cơ sở vật chất và bố trí kinh phí, nguồn lực, nhân lực để triển khai Nghị định quản lý sau cai, Nghị định cai nghiện tại gia đình cộng đồng, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 135/2004/NĐ-CP.

2.2. Tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác cai nghiện, phục hồi; tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, phục hồi.

2.3. Xây dựng cơ chế, lồng ghép các chương trình an sinh xã hội với các chương trình khác để tạo điều kiện giúp đỡ người sau cai nghiện có việc làm, ổn định đời sống, tránh sử dụng lại ma túy.

2.4. Đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình, khu phố, bản làng, xã phường không có người nghiện ma túy và tổng kết, nhân rộng mô hình cai nghiện có hiệu quả.

Phần 2.

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM

I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM

1. Công tác chỉ đạo triển khai

1.1. Ở Trung ương

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá 05 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm – Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chủ trì và kết luận: “để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm, giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, trình Chính phủ các giải pháp phòng, chống mại dâm có hiệu quả trong những năm tới, trước mắt đề xuất các giải pháp quản lý, kiểm tra, kiểm soát tệ nạn mại dâm hoặc xử lý mạnh đối với khách mua dâm, các cá nhân, các cơ sở vi phạm, nhằm răn đe, cảnh báo để người khác tránh vi phạm …”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng về xây dựng Đề án “Quan điểm, giải pháp về phòng, chống mại dâm trong tình hình mới”. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã lấy ý kiến một số cán bộ quản lý, cán bộ đoàn thể các cấp, người dân, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ và đối tượng là người bán dâm tại 63 tỉnh, thành phố; đồng thời phối hợp với các Bộ tổ chức Hội thảo tư vấn xây dựng đề án. Hội thảo đã đưa ra một số biện pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm như tăng cường công tác giáo dục, phòng ngừa thông qua quản lý của gia đình và xã hội, điều chỉnh các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người bán dâm; và đề nghị thời gian trình đề án vào quý III năm 2010 (đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đồng ý tại Công văn số 27/VPCP-KGVX ngày 05/01/2010 của Văn phòng Chính phủ).

Tổ chức rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm, bao gồm các chế tài hình sự và hành chính, đề xuất biện pháp điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; một số quy định pháp luật nổi cộm hiện nay cần xem xét như biện pháp xử lý đối với người bán dâm đặc biệt là người vị thành niên, như: biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở chữa bệnh: Nghiên cứu qua các tài liệu sẵn có về các mô hình phòng, chống mại dâm hiện nay ở các nước trên thế giới. Về cơ bản có các mô hình như: (a) mô hình tội phạm hóa mại dâm, coi mại dâm là bất hợp pháp, người bán dâm bị trừng phạt nghiêm khắc. Mô hình này thường đẩy mại dâm vào hoạt động trá hình, làm tăng sự câu kết chặt chẽ giữa thị trường tình dục và ma túy, tội phạm có tổ chức, không được nhiều nước thực hiện; (b) Mô hình hợp pháp hóa mại dâm, khoanh vùng quản lý, cấp giấy phép hành nghề. Hạn chế cơ bản của mô hình này là không làm giảm được mại dâm trá hình; (c) Mô hình phi tội phạm hóa, các chính sách mại dâm được thực hiện dưới luật, không truy tố chủ chứa, không xử phạt người bán dâm, việc quản lý mại dâm tùy thuộc vào từng vùng hoặc khu vực. Qua nghiên cứu các mô hình đã giúp cơ quan thường trực phòng, chống mại dâm của Chính phủ trong việc đề xuất mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn cho các địa phương công tác kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm; tiếp tục xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về phòng, chống ma túy, mại dâm ở cấp huyện, tỉnh và trung ương; tập huấn cho 120 cán bộ địa phương về kỹ năng cung cấp các dịch vụ tâm lý – xã hội và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ bị bóc lột tình dục. Hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí cho 18 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình phòng ngừa, chữa trị, phục hồi cho người bán dâm, người nghiện ma túy tại cộng đồng.

1.2. Ở địa phương

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và Công văn chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ở nhiều tỉnh, thành phố Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành tăng cường công tác phòng, chống mại dâm, toàn diện trên các lĩnh vực; tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương; quản lý địa bàn, đấu tranh xử lý vi phạm và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã tăng cường chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp phòng, chống mại dâm theo kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm năm 2009 được giao; chỉ đạo các ngành chức năng tổng kết 05 năm đánh giá việc thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm.

Ủy ban nhân dân các cấp tạo điều kiện cho các Đội kiểm tra thực hiện nhiệm vụ thông qua bổ sung, bố trí các thành viên Đội kiểm tra liên ngành là cán bộ các ngành có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; phê duyệt kế hoạch kiểm tra, kịp thời xử lý các vi phạm theo đề nghị của đoàn kiểm tra liên ngành, bố trí kinh phí cho hoạt động của Đội. Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho phép thu nộp xử phạt vào tài khoản do Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội quản lý và dùng chi cho hoạt động công tác phòng, chống mại dâm của địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố tạo điều kiện bố trí kinh phí cho Đội hoạt động, như: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Lâm Đồng, Cà Mau, Bạc Liêu … Đến nay, 53 địa phương đã có Đội kiểm tra liên ngành và hoạt động hiệu quả.

Một số tỉnh, thành phố đã có sáng kiến mới đáng ghi nhận: Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt đề án và trình Hội đồng nhân dân tỉnh cho phép trích một phần từ nguồn thu ngân sách hàng năm của địa phương để lập quỹ cho vay đối với hộ gia đình có người nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có sử dụng lao động là người nghiện ma túy, người mại dâm hoàn lương. Mức vay của chủ hộ gia đình từ 30 đến 50 triệu đồng, lãi suất cho vay bằng cho vay hộ nghèo. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được vay vốn với điều kiện có sử dụng lao động là người nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, mức vay không quá 300 triệu đồng (không quá 20 triệu đồng/lao động là người bán dâm, nghiện ma túy hoàn lương), lãi suất vay là 0.65%/tháng. Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương phối hợp với các tỉnh khu vực miền Tây để thực hiện các biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ đối tượng bán dâm là người khu vực này. Tỉnh Quảng Ninh tăng cường đầu tư kinh phí cho cấp xã …

Các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng bám sát các địa bàn trọng điểm tệ nạn mại dâm ở khu vực giáp ranh, đường quốc lộ, khu nghỉ mát, khu vực biên giới. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên tăng cường mở các chuyên án có các đường dây hoạt động mại dâm phức tạp như Công an các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu …. Công tác phòng, chống mại dâm được nhiều địa phương đưa vào tập huấn trong hệ thống Trường Đảng ở các cấp như: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Hà Nội, Long An, thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương …

Ở nhiều tỉnh, thành phố đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ sâu sát đến cấp huyện và xã như: thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ, Lào Cai …, nhờ đó đã huy động được sự tham gia từ cơ sở.

2. Công tác tuyên truyền

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của chính quyền và người dân phòng, chống mại dâm kết hợp với phòng, chống ma túy và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS được triển khai thông qua nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực. Các địa phương đã tổ chức tuyên truyền theo nhóm nhỏ thu hút gần một triệu người tham dự; tập huấn cho hơn 20.000 cán bộ cơ sở; xây dựng mới 2.250 pa nô, áp phích. Các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như: Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, An Giang …

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương cũng có nhiều hoạt động tuyên truyền như: Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ mít tinh, diễu hành quần chúng, tuyên truyền cổ động phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy, HIV/AIDS tại Thái Bình và Quảng Nam; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo điểm Câu Lạc bộ phòng, chống mại dâm tại Hà Nội, Lào Cai, Quảng Trị, Ninh Thuận, Đắc Lắc.

3. Quản lý địa bàn và thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ

Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm và các ngành chức năng của địa phương đã kiểm tra 45.477 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm tăng 30% so với năm 2008, phát hiện 18.078 cơ sở vi phạm. Phạt cảnh cáo 1.940 cơ sở, chiếm 10% số cơ sở vi phạm; phạt tiền 15.368 cơ sở (chiếm 85% tổng số cơ sở vi phạm), nộp ngân sách nhà nước 26 tỷ đồng tăng 40%; đình chỉ kinh doanh 448 cơ sở; thu hồi giấy phép kinh doanh 51 cơ sở và chuyển lên cơ quan chức năng xử lý 701 cơ sở vi phạm để tiếp tục làm rõ các hành vi liên quan, đặc biệt là các hành vi bị xử lý hình sự. Các tỉnh, thành phố tích cực thực hiện như: thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 12.945 cơ sở với 22.550 triệu đồng; Bình Dương xử phạt 398 cơ sở với số tiền 791.9 triệu đồng; Trà Vinh phạt tiền 334.7 triệu đồng đối với 56 cơ sở vi phạm; Bắc Giang xử phạt 53 cơ sở với số tiền là 173 triệu đồng. Các tỉnh, thành phố có số lượng tiền xử phạt lớn do cơ quan chuyên trách phòng, chống mại dâm đã tăng cường quản lý, rà soát, lên danh sách các cơ sở có dấu hiệu vi phạm, hỗ trợ Đội kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra nhanh gọn, đúng quy định. Bên cạnh việc phát hiện xử lý các vi phạm thường gặp về các quy định hành chính như hợp đồng lao động, giấy phép kinh doanh, tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động, đã kịp thời phát hiện các hành vi phức tạp và biến tướng như hành vi khiêu dâm, kích dục, mại dâm để kinh doanh dịch vụ, chứa chấp mại dâm.

4. Đấu tranh, truy quét, triệt phá ổ nhóm và xử lý vi phạm

Năm 2009, theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, lực lượng Công an đã đấu tranh, truy quét, triệt phá 1.007 vụ, bắt 3.684 đối tượng, trong đó gái bán dâm là 1.665 người, số khách mua dâm 1.056 người và 963 đối tượng là chủ chứa, môi giới Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hòa Bình, Bình Thuận, Thái Nguyên là những tỉnh, thành phố đã triệt phá nhiều vụ hoạt động mại dâm.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý 749 vụ, với 964 bị can vi phạm pháp luật về mại dâm. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 735 vụ/940 bị cáo, trong đó có 74 vụ án trọng điểm, việc truy tố, xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng thời hạn theo luật định.

5. Giáo dục, chữa trị và hỗ trợ tái hòa nhập cho người bán dâm

Năm 2009, số người bán dâm được quản lý, chữa trị, giáo dục là 3.004 người, đạt 100,13% chỉ tiêu kế hoạch, trong đó quản lý, chữa trị tại trung tâm 1.759 đối tượng, tại cộng đồng 1.245 đối tượng. Hầu hết đối tượng bán dâm đưa vào Trung tâm đều được khám, chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tình dục; học văn hóa, xóa mù chữ, tham gia các hoạt động văn hóa thể thao, tư vấn tâm lý và hướng dẫn tái hòa nhập cộng đồng.

Các địa phương đã tổ chức dạy nghề tại cộng đồng cho 526 người bán dâm, chiếm 42% đối tượng được quản lý, tạo việc làm cho 248 người, thực hiện hỗ trợ cho 313 phụ nữ hoàn lương với số tiền 466 triệu đồng. Bên cạnh đó, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ phụ nữ bán dâm hoàn lương thông qua các Câu lạc bộ kết hợp với cho vay tín dụng và trợ cấp khó khăn. Điển hình ở một số địa phương như: thành phố Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bình Dương, ….

Các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Trà Vinh tiến hành rà soát một số đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Qua 300 đối tượng được rà soát, số ở lại địa phương nơi thường trú và tái hòa nhập cộng đồng thành công là 130 người (45%), số đi địa phương khác làm ăn là 170 người (55%). Nhìn chung, đời sống của họ còn nhiều khó khăn, việc làm không ổn định, thu nhập thấp.

6. Công tác xây dựng xã, phường lành mạnh

Cả nước hiện có 6.576 xã, phường không có tệ nạn mại dâm. Nhiều địa phương đạt trên 80% số xã, phường không có tệ nạn mại dâm như: Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định, thành phố Đà Nẵng …

Đến nay đã có 1.662 Đội tình nguyện cấp xã với 11.389 tình nguyện viên ở 28 tỉnh, thành phố. Một số địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động và phát triển nhân rộng 100% xã, phường có Đội xã hội tình nguyện như: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Bến Tre, Cà Mau, Bình Thuận, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đồng Nai, Cà Mau, Đồng Tháp …

II. TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Tồn tại

1.1. Tình hình tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp và chưa giảm

Năm 2009, trên địa bàn cả nước ước tính có 29.300 đối tượng bán dâm, số có hồ sơ quản lý là 12.400 người, giảm 18% so với năm 2008, khu vực có nhiều tệ nạn mại dâm là khu vực (1) Đồng Bằng Sông Hồng, (2) Đông Nam Bộ, (3) Đồng bằng Sông Cửu Long.

Mặc dù tình trạng người bán dâm công khai đón khách tại nơi công cộng giảm, nhưng mại dâm chuyển vào hoạt động trá hình tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ và sử dụng các phương tiện liên lạc hiện đại. Một số địa phương đã hình thành khu vực hoạt động mại dâm, thậm chí có nơi tập trung đông như xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trong số 98 hộ kinh doanh dịch vụ trên địa bàn xã có tới 81 hộ nghi chứa mại dâm với 149 gái bán dâm; Hải Phòng – nổi tiếng với khu du lịch Đồ Sơn; tỉnh Bắc Giang – một số tụ điểm còn được gọi là “Hồng Kông”.

Hiện tượng mại dâm là người nước ngoài và mại dâm nam đang xuất hiện, mại dâm kết hợp với sử dụng ma túy, thuốc “lắc”, buôn bán phụ nữ ra nước ngoài, kích dục, múa thoát y vũ, “múa lửa” vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Mại dâm hoạt động phân tán, mại dâm quy mô lớn, mại dâm có tính chất bóc lột, cưỡng bức gia tăng. Điển hình như vụ Tân Hoàng Phát tại thành phố Hồ Chí Minh vừa triệt phá đầu năm 2009, đã giải cứu gần 90 cô gái thường xuyên bị ép tiếp khách từ 9h sáng hôm trước đến 2h sáng hôm sau và bán dâm nhiều lần trong ngày.

Tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em trên các tuyến biên giới khá phức tạp, tập trung ở các cửa khẩu, khu kinh tế mở: Móng Cái (Quảng Ninh), Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh) …

1.2. Kết quả phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống mại dâm chưa vững chắc cả về giải tỏa tụ điểm mại dâm công cộng và hỗ trợ cho đối tượng mại dâm hoàn lương, số đối tượng chữa trị hàng năm giảm, ít chú ý đến công tác hậu kiểm trong cấp giấy phép kinh doanh, dẫn đến lợi dụng hình thức kinh doanh dịch vụ hợp pháp để hoạt động mại dâm trá hình.

2. Nguyên nhân

2.1. Công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức đoàn thể xã hội, các cơ quan truyền thông thông tin đại chúng chưa thực sự sát hợp với các đối tượng nguy cơ, như: nữ thanh niên có nhu cầu di cư lao động, các thành phần xã hội theo lứa tuổi và ngành nghề khác nhau, thiếu các tài liệu truyền thông đa dạng và phù hợp với các đối tượng. Các tổ chức đoàn thể xã hội chưa thực sự đi sâu vào những khu vực có đông người lao động di biến động là môi trường dễ liên quan đến tệ nạn xã hội.

2.2. Các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm còn nhiều hạn chế:

- Cán bộ xã hội ở cấp huyện, cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên nhiều hoạt động triển khai có tính hình thức, thiếu kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện.

- Việc đầu tư kinh phí phòng, chống mại dâm chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. 09 tỉnh, thành phố bố trí dưới 100 triệu đồng/năm; 10 địa phương bố trí từ 100 đến dưới 200 triệu đồng/năm; 37 địa phương bố trí từ 200 – 400 triệu đồng/năm; 07 tỉnh bố trí trên 500 triệu đồng/năm;

2.3. Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, địa phương mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đưa phòng, chống mại dâm có đặc thù liên ngành giữa kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự, giữa các địa phương nơi đi, nơi đến, trung tâm và cộng đồng. Công tác thông tin báo cáo giữa các ngành, các cấp còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều địa phương báo cáo chỉ tập trung vào hoạt động của cơ quan chuyên trách, thiếu tổng hợp, đánh giá hoạt động của các quận, huyện và các ngành, đoàn thể.

2.4. Ở một số địa phương, các cấp, các ngành chưa thực sự sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá dẫn đến chưa kịp thời nhắc nhở, kiểm điểm trách nhiệm những nơi làm chưa tốt, đồng thời động viên, biểu dương các nhân tố điển hình, tích cực để thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ.

2.5. Một số quy định pháp luật về xử lý các hành vi liên quan đến tệ nạn mại dâm khó thực thi hoặc chưa phù hợp, nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, các chế độ, chính sách hỗ trợ đối tượng tái hòa nhập ở mức thấp dẫn đến kết quả, hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm chưa cao.

III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2010

1. Đối với Trung ương

1.1. Chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ ngành, địa phương tổng kết công tác phòng, chống mại dâm giai đoạn 2006 – 2010, đồng thời xây dựng Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2010 – 2015 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

1.2. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, chỉnh sửa các quy định pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế. Xây dựng các đề án, chính sách phòng ngừa, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em gái vị thành niên, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới.

1.3. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống mại dâm đối với các bộ, ngành, địa phương; khuyến khích địa phương có các chính sách linh hoạt trong phòng ngừa và hỗ trợ phụ nữ mại dâm tái hòa nhập cộng đồng.

2. Đối với địa phương

2.1. Chỉ đạo tổng kết công tác phòng, chống mại dâm giai đoạn 2006 – 2010, công tác tổng kết cần phải được thực hiện từ cơ sở với sự tham gia đầy đủ của các ban, ngành, đoàn thể; kiểm điểm rõ trách nhiệm, nguyên nhân và đề xuất biện pháp giải quyết hiệu quả trong thời gian tới. Xây dựng Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015 phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và tình hình thực tiễn ở địa phương.

2.2. Tăng cường đầu tư, nhân rộng các mô hình hiệu quả về phòng, chống mại dâm đã được tổng kết trong giai đoạn 2006 – 2010. Xây dựng và thực hiện các chương trình phối hợp giữa các ngành có chung lĩnh vực liên quan, giữa các địa phương có nhiều đối tượng ở đầu đi và đầu đến nhằm tạo sự cam kết và cơ chế phòng ngừa, hỗ trợ đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.

2.3. Chủ động rà soát, đánh giá năng lực của các cơ sở chữa bệnh theo hướng đầu tư phù hợp, hiệu quả cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, coi trọng xây dựng và thực hiện các cơ chế, mô hình hỗ trợ; giúp đỡ đối tượng tại cộng đồng.

IV. KIẾN NGHỊ VỚI BAN CHỈ ĐẠO VÀ CHÍNH PHỦ

1. Chính phủ chủ trì tổ chức tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm 2006 – 2010 theo Quyết định số 52/2006/QĐ-TTg ngày 8/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11 năm 2010 và ban hành Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015.

2. Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ Đề án sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về phòng chống mại dâm, cho phù hợp với tình hình hiện nay.

3. Chính phủ giao chỉ tiêu cho các địa phương hàng năm phải tăng tỷ lệ ngân sách nhất định đầu tư cho chương trình phòng, chống mại dâm tại địa phương.

 

 

Nơi nhận:
- Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng;
- Các Bộ, ngành, thành viên UBQG PC AIDS và PC tệ nạn ma túy, mại dâm;
- Văn phòng Chính phủ: BTCN, PCN Nguyễn Hữu Vũ, Vụ KGVX;
- Trưởng BCĐ PC AIDS và PC TNMT, MD các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Tổ công tác liên ngành PCMD;
- Lưu VP Bộ, Cục PCTNXH (05).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trọng Đàm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 04/BC-PCTNXH về kết quả công tác cai nghiện, phục hồi và phòng, chống tệ nạn mại dâm năm 2009 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2010 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 04/BC-PCTNXH
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/01/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Trọng Đàm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản