Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 600-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 1955 

 

BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ VIỆC PHÂN ĐỊNHTHÀNH PHẦN GIAI CẤP Ở CÁC VÙNG NGOẠI THÀNH
(BỔ SUNG BẢN ĐIỀU LỆ PHÂN ĐỊNH THÀNH PHẦN GIAI CẤP Ở NÔNG THÔN SỐ 472-TTG NGÀY 1-3-1955)

Để được thích hợp với tình hình và đặc điểm của các vùng ngoại thành, để xây dựng quan hệ tốt giữa thành thị và nông thôn, trên cơ sở vạch rõ ranh giới giữa địa chủ và nông dân, chiếu cố thích đáng tới những nhà công thương nghiệp có ruộng đất cho phát canh, nay bổ sung thêm một số điểm dưới đây về việc phân định thành phần giai cấp ở các vùng ngoại thành vào bản điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn;

1.- Đối với những người có ruộng đất ở nông thôn, nhưng không ở nông thôn, gia đình cũng ở thành phố nguồn sống chủ yếu dựa vào một nghề nghiệp nhất định ở thành phố, thì nói chung không quy định thành phần ở nông thôn; nhưng họ vẫn phải chấp hành đúng chính sách ruộng đất (thoái tô, trưng mua ruộng đất, v.v…) như đã quy định trong điều 8 của bản điều lệ cải cách ruộng đất ở ngoại thành.

Trường hợp người có nghề nhất định ở thành phố lại có nhiều ruộng đất ở nông thôn mà nguồn sống của gia đình chủ yếu dựa vào bóc lột về ruộng đất, hoặc phần bóc lột về ruộng đất khá quan trọng, nếu nông dân yêu cầu quy là địa chủ mà được cấp trên chuẩn y thì quy là người làm nghề gì đó kiêm địa chủ. Đối với những người ở trường hợp này nói chung không gọi về nông thôn để vạch thành phần.

Những người tuy ở thành phố nhưng không có nghề nghiệp nhất định, hoàn toàn dựa vào bốc lột về ruộng đất ở nông thôn thì quy là địa chủ.

Đối với địa chủ từ trước đến nay vẫn ở nông thôn, mới ra thành thị từ đầu năm 1953, nói chung vẫn vạch là địa chủ. Trường hợp tuy mới ra thành phố sau 1953 nhưng đã thật sự chuyển vào công thương nghiệp thì có thể vạch là người công thương nghiệp kiêm địa chủ hoặc tuỳ từng trường hợp cụ thể mà không vạch là kiêm địa chủ.

Những người công thương nghiệp kiêm địa chủ tuân theo pháp luật, đã thoái tô cho nông dân, thì sau cải cách ruộng đất chỉ gọi là nhà công thương nghiệp mà không gọi là nhà công thương nghiệp kiêm địa chủ.

2. - Đối với những người ở nông thôn có ít ruộng đất, vì tham gia công tác kháng chiến (như cán bộ, bộ đội, viên chức v.v…) hoặc vì mất sức lao động (như già yếu, tàn tật…), hoặc vì bận làm nghề khác (buôn bán, nghề tự do…) mà phải cho phát canh hoặc thuê người làm, thì dù có quá gấp ba lần bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu ở địa phương cũng không vạch là địa chủ mà vạch theo nghề nghiệp hoặc thành phần cũ của họ.

Trường hợp họ có nhiều ruộng đất, nguồn sống của gia đình chủ yếu dựa vào bốc lột về ruộng đất, hoặc phần bóc lột về ruộng đất khá nhiều, nếu nông dân yêu cầu quy là địa chủ, mà được cấp trên chuẩn y thì quy là người làm nghề gì đó kiêm địa chủ.

3. – Những người chủ yếu hoặc hoàn toàn sống bằng cách cho thuê nhà, không có ruộng đất hoặc có ít ruộng đất thì không quy là địa chủ mà chỉ gọi là người có nhà cho thuê.

4. - Nghề đánh cá:

a) Những người chiếm hữu hồ ao, tự mình không tham gia lao động chủ yếu, cho thuê hồ ao hoặc thuê người đánh cá, dựa vào bóc lột hoặc thuê nhân công làm nguồn sống chính của gia đình thì quy là địa chủ.

b) Những người không có hồ ao riêng, nhưng thầu hồ ao để bóc lột dân đánh cá, tự mình không lao động, thì nói chung không gọi là địa chủ mà gọi là chủ thầu hồ ao cá.

c) Những người có đủ thuyền lưới v.v… tự mình tham gia lao động dựa vào nghề đánh cá làm nguồn sống chính, dù có thuê người đánh cá thì cũng vẫn gọi là dân đánh cá.

d) Những người có ít dụng cụ đánh cá, tham gia lao động đánh cá, nhưng vì dụng cụ ít không đủ làm, đời sống chật vật, phải bán thêm sức lao động, hoặc làm thêm nghề phụ khác mới tạm đủ nuôi sống gia đình thì gọi là dân đánh cá nghèo.

đ) Những người không có hoặc chỉ có rất ít dụng cụ đánh cá, hoàn toàn hoặc chủ yếu dựa vào bản sức lao động cho người khác làm nguồn sống chính của gia đình thì gọi là dân đánh cá thuê.

5. - Tư sản: Tư sản là người có công xưởng và thuê nhân công sản xuất; hoặc là người có nhiều vốn buôn bán, thuê người làm công để kinh doanh, lấy tiền lãi thu được làm nguồn sống. Những người đó đều gọi là nhà tư sản hoặc nhà công thương nghiệp.

6. - Người làm nghề thủ công: là những người có một số dụng cụ thủ công, nguyên liệu sản xuất, tự mình tham gia lao động sản xuất, chế ra đồ dùng để bán, hoàn toàn hoặc chủ yếu dựa vào sức lao động của mình làm nguồn sống. Nói chung người làm thủ công không thuê người làm. Cũng có người thuê người giúp việc hoặc người học nghề, nhưng chủ yếu vẫn là dựa vào sức lao động của mình để sản xuất.

7. - Người làm nghề tự do: là người dựa vào nghề nghiệp lao động trí óc hoặc dựa vào kỹ thuật riêng của mình để sống như: thầy thuốc, luật sư, nhà văn, nhà báo, nhà nghệ thuật, v.v…

8. - Công nhân: là người không có dụng cụ và nguyên liệu sản xuất, phải bán sức lao động cho nhà tư sản hoặc người làm nghề thủ công sản xuất cho người chủ hoàn toàn hoặc chủ yếu dựa vào tiền công của mình làm nguồn sống.

9. - Tiểu thương: là những người buôn bán nhỏ, có vốn hoặc có cửa hàng nhỏ, mua hàng hóa những nhà công thương nghiệp, bán cho người tiêu dùng, không thuê nhân công và người bán hàng nhưng cũng có khi thuê một hai người giúp việc như gánh hàng, coi hàng v.v… lấy tiền lãi bán được làm nguồn sống.

10. - Dân nghèo: là những người không có hoặc chỉ có rất ít vốn và dụng cụ, hoàn toàn hoặc phần lớn chỉ dựa vào sức lao động của mình để sống, nghề nghiệp không nhất định, đời sống bấp bênh và nghèo khổ (như mò cua, câu cá, hàng xay, hàng xáo, bán hàng rong, v.v…). Những người nào xét nguồn gốc là nông dân, hoặc đã chuyển ra làm ruộng thì nên quy họ là nông dân.

11. - Đối với những người thuộc thành phần tư sản làm nghề tự do, làm nghề thủ công, tiểu thương, thì không đưa ra hội nghị quần chúng để phân định thành phần,

Những điểm trên đây bổ sung thêm vào bản điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn cho thích hợp với tình hình thực tế ở ngoại thành.

Ngoài những điểm nêu trong bản bổ sung này thì vẫn theo các điều đã quy định trong bản điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn mà thi hành với vùng ngoại thành.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
 
 

Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Bản quy định tạm thời số 600-TTg về việc phân định thành phần giai cấp ở các vùng ngoại thành do Phủ Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 600-TTg
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/10/1955
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản