TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
Bản án số: 528/2022/HS-PT Ngày: 15/12/2022 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa:
ông Nguyễn Tấn Trường
Các Thẩm phán:
ông Vũ Thanh Liêm
ông Trương Công Thi
Thư ký phiên tòa: bà Đinh Thị Trang, Thư ký Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tham gia phiên tòa: ông Nguyễn Xuân Thanh, Kiểm sát viên.
Ngày 15 tháng 12 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 389/2022/TLPT-HS ngày 14 tháng 9 năm 2022 đối với bị cáo Phạm Duy K về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do có kháng cáo của người bị hại bà Đỗ Thị Hồng B; anh Hoàng Văn T và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2022/HSST ngày 10/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.
Bị cáo bị kháng cáo, kháng nghị:
Phạm Duy K, tên gọi khác: Lép, sinh ngày 23/6/1991; tại Quảng Bình; nơi cư trú: tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Nguyên cán bộ Ngân hàng A - Chi nhánh Bắc Quảng Bình (thôi việc ngày 05/11/2020); trình độ học vấn: Lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Phạm Ngọc C và bà: Nguyễn Thị P L; vợ: Diệp Thị Thúy T (đã ly hôn ngày 25/11/2020); con: có 01 đứa sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: Không. Nhân thân: Từ nhỏ sống với bố mẹ, được nuôi ăn học đến lớp 12/12 sau đó học Cao đẳng kinh tế Kế hoạch ở Đà Nẵng, năm 2013 vào làm việc tại Ngân hàng A Chi nhánh Bắc Quảng Bình đến ngày 05/11/2020 thôi việc. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 04/11/2021 đến nay tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình. Có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Phạm Thành T - Trung tâm tư vấn pháp luật - Đoàn luật sư tỉnh Quảng Bình; địa chỉ: tỉnh Quảng Bình. Có mặt.
Người bị hại:
Chị Đỗ Thị Hồng B, sinh năm 1985; địa chỉ: huyện B, tỉnh Quảng Bình. Có
mặt. mặt.
Anh Hoàng Văn T, sinh năm 1985, địa chỉ: huyện B, tỉnh Quảng Bình. Có
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại Đỗ Thị Hồng B: Luật sư
Nguyễn Văn H và Luật sư Phạm Hồng D - Văn phòng luật sư V; địa chỉ: Thành phố Hồ Chí Minh - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Có mặt.
Ngoài ra, trong vụ án còn có các người bị hại khác; người làm chứng không có kháng cáo, kháng nghị nên Tòa án cấp phúc thẩm không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Phạm Duy K là cán bộ kho quỹ của Phòng giao dịch T - Chi nhánh A Bắc Quảng Bình, trong quá trình giao dịch K quen biết nhiều khách hàng có nguồn tiền có thể cho vay nên K đã đưa ra thông tin gian dối là cần vay tiền để làm đáo hạn khoản vay cho khách hàng với thời hạn ngắn và lãi suất 1.000 đến 2.000 đồng/triệu/ngày, khi nhận được tiền K không sử dụng làm đáo hạn mà chiếm đoạt cá nhân, quá trình điều tra K khai toàn bộ số tiền vay được đều đã đưa trực tiếp cho người có tên Nguyễn Thị L, sinh năm 1986 ở Đ để L làm đáo hạn rồi lấy tiền lãi chia nhau. Bằng thủ đoạn trả đủ tiền gốc, tiền lãi đúng hạn đối với khoản vay đầu để người vay tin T cho vay tiếp rồi chiếm đoạt hoặc chỉ trả tiền lãi, giữ lại tiền gốc để làm đáo hạn khoản vay mới; hoặc có khoản vay K chỉ trả một phần gốc và lãi để người bị hại yên tâm và tiếp tục cho vay thêm món thứ hai, thứ ba.... Khi bị đòi tiền, K nói dối hồ sơ đáo hạn cần điều chỉnh giấy tờ tùy thân hoặc có trục trặc về tài sản thế chấp..., hoặc đề nghị cho vay thêm để đáo hạn món mới rồi giải quyết cùng món vay trước. Với phương thức thủ đoạn đó, từ cuối năm 2019 đến tháng 10 năm 2020, Phạm Duy K đã thực hiện hành vi gian dối, chiếm đoạt của 19 người trên địa bàn huyện B tổng cộng số tiền 26.519.900.000 đồng (Hai mươi sáu tỷ, năm trăm mười chín triệu, chín trăm nghìn đồng), cụ thể như sau:
Chiếm đoạt của bà Đỗ Thị Hồng B số tiền 4.664.900.000 đồng.
Ngày 07/9/2020, K nói với chị B có món vay 1.500.000.000 đồng cần đáo hạn, lãi suất 1.000 đồng/1.000.000 đồng/1 ngày và đề nghị bà B tham gia nhưng bà B chỉ đồng ý làm đáo hạn với vợ của K là Diệp Thị Thùy T (cán bộ tín dụng Ngân
hàng nông nghiệp huyện B). Vì vậy K đã tự ý truy cập vào tài khoản Zalo của T, mạo danh T nhắn tin cho bà B về việc có khách hàng cần đáo hạn món vay 1.500.000.000 đồng và dặn bà B giao tiền cho K đem về, bà B đồng ý giao cho K 1.500.000.000 đồng. Hai ngày sau, K nói đã tất toán xong món vay và trả cho bà B
3.000.000 đồng tiền lãi, 500.000.000 đồng tiền gốc, đồng thời đề nghị làm tiếp món 01 tỷ đồng, B đồng ý dùng số tiền gốc còn lại đề K đáo hạn. Sau đó, K trả đủ, gốc 01 tỷ đồng và 9.000.000 đồng tiền lãi cho bà B tương ứng 09 ngày vay. Biết bà B đã tin T, K tiếp tục đề nghị bà B cho vay để làm đáo hạn rồi chiếm đoạt, cụ thể:
Lần thứ nhất: Ngày 22/9/2020, K vào tài khoản zalo, mạo danh T nhắn tin cho bà B đề nghị cho vay để làm đáo hạn món 2.250.000.000 đồng, hẹn 03 ngày trả, bà B đồng ý giao cho K số tiền 2.250.000.000 đồng, K viết giấy nhận tiền đưa cho bà B giữ. Ngày 28/9/2020 K mạo danh T nhắn tin cho bà B đã tất toán xong món vay trên rồi chuyển khoản cho bà B số tiền lãi 16.000.000 đồng (thực tế lãi 15.750.000 đồng) và đề nghị làm món đáo hạn mới 2.050.000.000 đồng, bà B đồng ý và K giữ lại toàn bộ số tiền gốc 2.250.000.000 đồng. Ngày 09/10/2020, K mạo danh T thông báo đã tất toán món vay 2.050.000.000 đồng, tiền lãi 24.600.000 đồng và đề nghị giữ lại gốc để làm đáo hạn tiếp món 2.000.000.000 đồng, bà B đồng ý và K giữ lại toàn bộ số tiền gốc 2.250.000.000 đồng. Sau đó K trả cho bà B 65.000.000 đồng tiền lãi và 50.000.000 đồng tiền gốc, chiếm đoạt 2.200.000.000 đồng.
Lần thứ hai: Ngày 28/9/2020, K trực tiếp đề nghị vay của bà B số tiền 2.500.000.000 đồng để làm đáo hạn cho khách, hẹn 03 ngày trả, bà B đồng ý đến Ngân hàng rút 700.000.000 đồng và đưa thêm 1.800.000.000 đồng tiền mặt giao cho K, sau đó K chuyển lại cho bà B 35.100.000 đồng, còn lại 2.464.900.000 đồng K chiếm đoạt. Trên thực tế, K không thực hiện gói đáo hạn nào như đã nói mà dùng thủ đoạn trả tiền lãi để bà B tin T, đồng ý cho K giữ lại tiền gốc. Tổng cộng, Phạm Duy K đã nhận của bà Đỗ Thị Hồng B số tiền 4.750.000.000 đồng, đã trả
85.100.000 đồng tiền gốc, chiếm đoạt 4.664.900.000 đồng.
Chiếm đoạt của chị Trần Thị Hồng L số tiền 2.840.000.000 đồng:
Anh Hoàng Văn Đ ở thôn T, xã V có khoản vay 02 tỷ đồng cần đáo hạn vào ngày 07/10/2020, qua giới thiệu của Phạm Duy K nên anh Đ điện thoại cho chị L hỏi vay 02 tỷ đồng, chị L nói đến ngày đó thì chưa có tiền, vì vậy anh Đ đã vay tiền của người khác và K là người trực tiếp xuất tiền giải ngân khoản vay 02 tỷ đồng của anh Đ. Đến ngày 09/10/2020, lúc này khoản vay của Đ đã đáo hạn xong nhưng K vẫn điện thoại cho L nói cho anh Đ vay 02 tỷ đồng thì đưa cho K. Chị L đưa cho K 02 tỷ đồng để K làm đáo hạn cho anh Đ và 01 tỷ đồng để nhờ K trả vào khoản vay của chị L tại Phòng giao dịch T, ngày 12/10/2020 chị L hỏi K vì không thấy tin báo trả nợ 01 tỷ đồng thì K đề nghị để làm đáo hạn rồi trả sau, chị L đồng ý, sau đó
K không trả vào khoản vay ngân hàng mà chỉ trả lại 160.000.000 đồng, còn 2.840.000.000 đồng K chiếm đoạt.
Chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị Thanh N số tiền 800.000.000 đồng:
Ngày 03/3/2020, chị N làm hồ sơ vay 1.000.000.000 đồng tại Ngân hàng A Chi nhánh T, K biết nên đã đặt vấn đề vay chị N 1.000.000.000 đồng để làm đáo hạn cho khách vay ở xã C trong hạn 03 ngày, chị N đồng ý ký giấy tờ giải ngân rồi giao cho K tự nhận tiền. Hết hạn vay thì K nói hồ sơ đáo hạn chưa làm xong và chị N yêu cầu K trả tại ngân hàng cho chị N, sau đó K trả lãi từ tháng 3 đến tháng 9/2020 cho Ngân hàng hết 45.724.913 đồng, khoảng tháng 9/2020 K trả cho chị N 200.000.000 đồng tiền gốc, còn 800.000.000 đồng K chiếm đoạt.
Chiếm đoạt của anh Hoàng Văn T số tiền 1.650.000.000 đồng:
Tháng 3/2020, anh T vay 1.500.000.000 đồng tại Ngân hàng A Chi nhánh T, K biết nên đề nghị anh T cho vay lại để làm đáo hạn khoản vay cho khách, anh T đồng ý giao tiền nhưng không viết giấy vay mượn, khi anh T yêu cầu trả tiền thì K nói hồ sơ của người đáo hạn có điều chỉnh nên phải kéo dài. Tháng 7/2020, K đề nghị anh T cho vay thêm 300.000.000 đồng để làm đáo hạn nhưng anh T chỉ có 150.000.000 đồng giao cho K, sau đó K trả tiền lãi khế vay của anh T tại ngân hàng hết 80.000.000 đồng, còn 1.650.000.000 đồng K chiếm đoạt.
Chiếm đoạt của anh Phan L N số tiền 650.000.000 đồng:
Ngày 14/7/2020, K mượn anh N 400.000.000 đồng hẹn 07 ngàỵ trả và viết giấy mượn tiền có nội dung “để làm đáo hạn cho khách, khi hoàn tất hồ sơ sẽ trả lại” giao cho anh N. Ngày 23/9/2020, K đưa 400.000.000 đồng đến gặp anh N và nói đã tất toán xong nhung có khách cần vay tiếp để làm đáo hạn và đề nghị mượn thêm 250.000.000 đồng, đồng thời K cho con anh N 2.000.000 đồng. Anh N đồng ý giao thêm cho K 250.000.000 đồng, tổng cộng K chiếm đoạt 650.000.000 đồng.
Chiếm đoạt của ông Hoàng Thái C số tiền 1.800.000.000 đồng:
Tháng 7/2020, K điện thoại cho ông C nói có gói vay 2.000.000.000 đồng tại Phòng giao dịch T cần đáo hạn, anh cho em vay tính lãi 2.000 đồng/triệu/ngày, ông C đồng ý và báo lại chỉ có 1.800.000.000 đồng. Ngày 10/7/2020, K nhận của ông C 1.800.000.000 đồng và ký vào giấy mượn tiền do ông C viết. Sau khi nhận tiền, K nộp vào tài khoản của bạn là Dương H ở Thị trấn H số tiền 720.000.000 đồng để nhờ chuyển trả nợ cho H Văn Đ ở xã V (cũng là bị hại trong vụ án này), số còn lại sử dụng cá nhân chứ không làm đáo hạn như nói với ông C.
Chiếm đoạt của bà Lê Thị Hoà số tiền 2.849.000.000 đồng:
Đầu tháng 8/2020, K điện thoại cho bà H hỏi vay 3.000.000.000 đồng để đáo hạn cho khách hàng, hẹn 14 ngày trả. Bà H đồng ý đưa 3.000.000.000 đồng cho K và K giao cho bà H giấy mượn tiền có nội dung “mượn tiền để làm đáo hạn cho
khách hàng và hứa trả đúng hạn”, quá hạn bà H đòi tiền thì K nói hồ sơ đáo hạn chưa làm xong, đối chiếu giao dịch tài khoản của bà H thì K chuyển khoản trả cho bà H 151.000.000 đồng, chiếm đoạt 2.849.000.000 đồng.
Chiếm đoạt của chị Mai Thị V số tiền 250.000.000 đồng:
Đầu tháng 8/2020, K biết chị V vừa nhận tiền vay 250.000.000 đồng tại phòng Giao dịch T, K điện thoại đề nghị cho K vay lại để đáo hạn cho khách. Ngày 05/8/2020, chị V đưa cho K 250.000.000 đồng, đến ngày 12/8/2020 K điện thoại nói tiền vay đã tất toán xong nhưng có người cần vay đáo hạn 400.000.000 đồng, đề nghị chị V cho vay tiếp 150.000.000 đồng. Chị V đồng ý đưa thêm 150.000.000 đồng, K viết giấy mượn tiền 400.000.000 đồng (gộp cả hai lần) có nội dung “để làm đáo hạn cho khách hàng” giao cho chị V. Cuối tháng 8/2020, chị V đòi tiền, K trả lại 150.000.000 đồng, chiếm đoạt 250.000.000 đồng.
Chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị H số tiền 300.000.000 đồng:
K biết trong khế vay của chị H tại Phòng giao dịch T có 200.000.000 đồng nên K điện thoại cho chị H đề nghị vay số tiền đó để làm đáo hạn thời gian 03 ngày sẽ trả lại. Ngày 24/9/2020, chị H đến Phòng giao dịch T ký giấy rút số tiền 200.000.000 đồng và mang theo 100.000.000 đồng để trả vào khế vay thì K nói đưa luôn cho K mượn, số tiền này K không làm đáo hạn mà sử dụng chi tiêu cá nhân hết.
Chiếm đoạt của ông Ngô Xuân D số tiền 1.100.000.000 đồng:
Ngày 17/9/2020, sau khi làm xong thủ tục vay tại Phòng giao dịch T, ông D đến quầy Thủ quỹ để nhận tiền vay 1.500.000.000 đồng thì K nói: hiện nay tiền trong kho không đủ chi 1.500.000.000 đồng, anh cứ để giấy lại chiều; em rút tiền đưa lên nhà cho anh. Do tin T K nên ông D ký giấy rút tiền và để giấy lại cho K. Đến tối cùng ngày K điện thoại cho ông D mượn số tiền trên trong hạn 03 ngày để đáo hạn cho khách. Ông D đồng ý và K viết giấy mượn số tiền trên “để làm đáo hạn cho khách hàng”. Sau đó ông D nhiều lần đòi tiền thì K trả 400.000.000 đồng, còn 1.100.000.000 đồng K chiếm đoạt.
Chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị H số tiền 640.000.000 đồng:
Ngày 29/9/2020, chị Nguyễn Thị H đến Phòng giao dịch T để đáo hạn số tiền vay 800.000.000 đồng. Chị H mang theo 500.000.000 đồng và chồng là H Thái H chuyển vào tài khoản của K 300.000.000 đồng nhờ K rút ra để thực hiện đáo hạn. Sau khi giải ngân, K đề nghị chị H cho mượn 640.000.000 đồng để cho khách vay đáo hạn. Chị H đồng ý giao tiền cho K, khi chị H đòi tiền thì K nói dối hồ sơ chưa giải quyết xong. Quá trình điều tra, chị H không yêu cầu K bồi thường số tiền bị chiếm đoạt.
Chiếm đoạt của bà Doãn Thị Dương K số tiền 1.310.000.000 đồng:
Tháng 02/2020, K điện thoại cho bà K đề nghị vay 1.200.000.000 đồng để đáo hạn cho khách hàng. Ngày 03/02/2020, bà K đến Phòng giao dịch T rút số tiền vay 1.100.000.000 đồng và mang theo 85.000.000 đồng giao cho K, K viết giấy mượn số tiền 1.185.000.000 đồng, đến hạn bà K đòi nhiều lần nhưng K nói làm đáo hạn cho khách quen nhưng chưa làm xong và hứa sẽ trả lãi khế vay tại ngân hàng cho bà K, thực tế K có trả 429.148 đồng, sau đó bà K liên tục đòi tiền thì ngày 09/10/2020, K đến nhà bà K nói cho K vay thêm 300.000.000 đồng để gom cùng số tỉền vay cũ, làm gói vay mới 1.500.000.000 đồng tại phòng giao dịch T, sau 01 tuần sẽ toán trả lại toàn bộ. Bà K cho K vay tiếp 275.000.000 đồng, tổng cộng 1.460.000.000 đồng (gộp cả hai lần). Ngày 16/10/2020 K trả 150.000.000 đồng, chiếm đoạt 1.310.000.000 đồng.
Chiếm đoạt của chị Đinh Thị Bích L số tiền 380.000.000đồng:
Cuối tháng 6/2019, K gọi điện cho chị Đinh Thị Bích L vay 600.000.000 đồng để làm đáo hạn. Chị L đồng ý đem 600.000.000 đồng đến Phòng Giao dịch T đưa cho K (không viết giấy) và thỏa thuận K sẽ dùng tiền lãi để trả lãi khế vay 01 tỷ đồng tại Phòng giao dịch T cho chị L và K đã trả 52.604.999 đồng tiền lãi,
30.000.000 đồng tiền gốc, sau nhiều làn chị L đòi rút lại tiền thì ngày 12/10/2020 K trả lại 220.000.000 đồng, chiếm đoạt 380.000.000 đồng.
Chiếm đoạt của anh Nguyễn Nam H số tiền 150.000.000 đồng:
Ngày 20/10/2020, anh Nguyễn Nam H cần đáo hạn khoản vay 300.000.000 đồng nhưng chỉ có 150.000.000 đồng nên anh H đến Phòng giao dịch T nhờ Phạm Duy K giúp đỡ, K nói: Em sẽ hỗ trợ cho anh vay để làm xong trong ngày, rồi anh cho em vay 150.000.000 đồng để đáo hạn cho người khác, khoảng 02 ngày sẽ trả lại. Anh H đồng ý giao tiền và K chiếm đoạt 150.000.000 đồng, thực tế K không làm đáo hạn nhưng khi anh H đòi tiền thì Khanh nói dối hồ sơ làm đáo hạn chưa xong.
Chiếm đoạt của anh Dương Hồng N số tiền 700.000.000 đồng:
Biết anh Dương Hồng N có ý định vay 01 tỷ đồng tại Phòng giao dịch T để làm nhà ở. K nói với N: anh cứ làm hồ sơ vay 02 tỷ đồng, rồi cho em vay lại 01 tỷ đồng để cho vay đáo hạn lấy lãi cao hơn lãi vay ngân hàng. Ngày 19/8/2020, anh N rút 01 tỷ đồng trong khế vay đưa cho K mượn trong hạn 7 ngày, hai bên có viết giấy mượn tiền nhưng không ghi ngày đến hạn phải trả. Lấy được tiền, K đưa 700.000.000 đồng cho anh Dương H, ở thị trấn H nhờ trả cho anh Nguyễn Đình P ở xã Đ (là bị hại trong vụ án), còn 300.000.000 đồng K sử dụng cá nhân. Ngày 25/8/2020, anh N yêu cầu K viết lại giấy mượn tiền, thời hạn từ 25/8/2020 đến ngày 04/9/2020. Nhiều lần anh N đòi tiền, K nói dối hồ sơ của người vay phải làm lại giấy tờ nên chưa xong và trả cho anh N tổng cộng 34.000.000 đồng, đến ngày
29/9/2020 K trả lại cho anh N 300.000.000 đồng tiền gốc, chiếm đoạt 700.000.000 đồng.
Chiếm đoạt của ông H Đ T số tiền 370.000.000 đồng:
Ngày 14/8/2020, K vay của ông T 400.000.000 đồng để đáo hạn cho khách vay tại ngân hàng trong hạn 03 ngày, hứa trả lãi cho ông T 1.000 đồng/triệu/ngày. Quá hạn, ông T đòi tiền thì K nói hồ sơ đáo hạn phải chuyển CMND thành căn cước công dân nên chưa xong, ngày 23/9/2020 ông T tiếp tục đòi tiền, thì K chuyển vào tài khoản của ông T 30.000.000 đồng để ông T tin T, còn chiếm đoạt 370.000.000 đồng.
Chiếm đoạt của ông Nguyễn Đình P số tiền 850.000.000 đồng:
Tháng 02/2020, K vay của ông Nguyễn Đình P 950.000.000 đồng để làm đáo hạn, hẹn 02 ngày sẽ trả lại tiền gốc và tính lãi l.000 đồng/triệu/ngày. Quá hạn, K nói dối với ông P hồ sơ của người vay cần đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp để kéo dài thời gian, sau 10 ngày K trả cho ông P 200.000.000 đồng, còn lại 750.000.000 đồng. Tháng 5/2020 H Văn Đ ở xã V đưa 500.000.000 đồng nhờ K chuyển khoản cho Nguyễn Đình P nhưng K chỉ chuyển 400.000.000 đồng, giữ lại 100.000.000 đồng và đề nghị ông P cho vay tiếp, tổng cộng K chiếm đoạt 850.000.000 đồng.
Chiếm đoạt của ông H Văn Đ số tiền 3.366.000.000 đồng:
Từ ngày 14/10/2019 đến ngày 24/6/2020, Phạm Duy K nhiều lần đặt vấn để vay tiền của ông H Văn Đ để làm đáo hạn cho khách, ông Đ đồng ý giao tiền cho K tổng cộng 3.800.000.000 đồng, trong đó: ngày 14/10/2019 giao 500.000.000 đồng, ngày 05/12/2019 giao 800.000.000 đồng, ngày 16/5/2020 giao 2.000.000.000 đồng, ngày 24/6/2020 giao 500.000.000 đồng. Khi ông Đ đòi tiền, K nói dối hồ sơ của người vay cần làm lại giấy CMND hoặc điều chỉnh Giấy CNQSDĐ... và hứa cứ yên tâm, khi nào cần tiền thì K đưa để ông Đ tin là thật và cho vay tiếp. K đã trả tiền lãi 12 tháng của gói vay 02 tỷ đồng cho ông Đ (vay ngày 07/10/2019 tại Phòng giao dịch T) số tiền 153.386.302 đồng. Riêng tiền gốc, K đã trả cho ông Đ 434.000.000 đồng, chiếm đoạt 3.366.000.000 đồng.
Chiếm đoạt của ông Nguyễn Văn D số tiền 1.850.000.000 đồng:
Biết ông D có nguồn tiền vay để kinh doanh và tiền gửi ngân hàng nên K hỏi vay để làm đáo hạn tại Phòng giao dịch T, ông D đồng ý giao tiền cho K nhiều lần gồm: Ngày 17/8/2020, ông D giao cho K 01 tỷ đồng, ngày 22/9/2020 K trả cho ông D 407.000.000 đồng để vay tiếp 700.000.000 đồng vào ngày 23/9/2020; ngày 25/9/2020 K trả cho ông D 3.200.000 đồng và ngày 29/9/2020 K trả 154.000.000 đồng và vay tiếp 850.000.000 đồng vào ngày 30/9/2020. Các lần vay sau K đều nói khoản cho vay cũ sắp hoàn thành, hiện tại có người cần đáo hạn khoản vay mới để
ông D tin T. Tổng cộng cả ba lần trên K đã trả cho ông D 700.000.000 đồng, còn lại 1.850.000.000 đồng K chiếm đoạt.
Cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều bản gốc viết tay hoặc đánh máy do Phạm Duy K ký tên người vay có nội dung vay mượn tiền để làm đáo hạn cho khách hàng; nhiều nội dung tin nhắn về việc vay tiền và đáo hạn qua tài khoản zalo được in thành văn bản do chị Đỗ Thị Hồng B và Nguyễn Thị H cung cấp. Cơ quan điều tra đã tiến hành trưng cầu giám định chữ viết, chữ ký của Phạm Duy K trên các giấy mượn tiền. Tại bản kết luận giám định số 1162/GĐ-PC09 ngày 15/10/2021 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Bình kết luận:
Chữ viết trên các tài liệu cần giám định với chữ viết của Phạm Duy K trên mẫu so sánh ký hiệu MI, M2 là do cùng một người viết ra.
Chữ ký đứng tên Phạm Duy K dưới mục “Người mượn” trên các ký hiệu MI, M2 là do cùng một người ký ra.
Tại bản kết luận giám định số 1305/GĐ-PC09 ngày 09/12/2021 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Bình kết luận:
Chữ ký đứng tên Phạm Duy K trên các mẫu cần giám định ký hiệu Ai đến A13 so với chữ ký của Phạm Duy K trên các mẫu so sánh ký hiệu MI, M2 là do cùng một người ký ra.
Cơ quan điều tra đã tạm giữ điện thoại di động của K và T để khai thác dữ liệu có liên quan, kết quả giám định của Sở Thông tin truyền thông tỉnh Quảng Bình đã kết luận: Không tìm thấy dữ liệu.
Trách nhiệm dân sự: Các bị hại yêu cầu bị cáo Phạm Duy K hoàn trả toàn bộ số tiền hiện đang chiếm đoạt nhưng K chưa thực hiện; riêng chị Nguyễn Thị H có đơn không yêu cầu K bồi thường.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2022/HSST ngày 10/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết định:
Về tội danh. Tuyên bố bị cáo Phạm Duy K phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài
sản
Về hình phạt: Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174, điểm s khoản 1 khoản 2
Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Xử phạt bị cáo Phạm Duy K 19 (mười chín) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo K bị bắt tạm giam (ngày 04 tháng 11 năm 2021).
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 16/8/2022, bị hại Đỗ Thị Hồng B kháng cáo đề nghị xem xét vai trò đồng phạm của Diệp Thị Thùy T; bổ sung tình tiết tăng nặng dùng thủ đoạn tinh vi,
xảo quyệt theo điểm m khoản 1 Điều 52 BLHS; tăng mức hình phạt cho bị cáo K từ 19 năm tù lên tù chung thân.
Ngày 16/8/2022, bị hại H Văn T kháng cáo đề nghị tăng mức hình phạt cho bị cáo K; xác định số tiền chiếm đoạt sử dụng vào mục đích gì; các biện pháp buộc bị cáo K bồi thường thiệt hại.
Ngày 08/9/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị số 17/QĐ-VC2 kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2022/HS-ST ngày 10/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình, đề nghị Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm tăng mức hình phạt đối với bị cáo Phạm Duy K theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Các bị hại Đỗ Thị Hồng B và H Văn T vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo như trong đơn đã nêu. Các luật sư bảo vệ cho bị hại Đỗ Thị Hồng B có ý kiến: Ngoài việc truy tố bị cáo K, đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự với bà Diệp Thị Thùy T; bởi lẽ có đến 12 lần tin nhắn bà B giao dịch với bị cáo K qua điện thoại bà T về việc cho vay tiền và bà T cũng đã có lần chuyển trả cho bà B 320.000.000 đồng; như vậy có cơ sở là bà T cùng đồng phạm với bị cáo K
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng vẫn giữ nguyên Quyết định kháng nghị số 17/QĐ-VC2 ngày 08/9/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và trình bày quan điểm: kháng cáo của các bị hại đề nghị tăng nặng hình phạt cùng nội dung với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, do vậy đề nghị chấp nhận. Các phần kháng cáo còn lại của bị hại không có cơ sở, đề nghị không chấp nhận. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận Quyết định kháng nghị số 17/QĐ-VC2 ngày 08/9/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng; sửa bản án sơ thẩm tăng mức hình phạt đối với bị cáo Phạm Duy K trên 19 năm tù theo đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Phạm Thành Thông, nêu quan điểm: do bị cáo không kháng cáo; Viện kiểm sát kháng nghị và các bị hại kháng cáo tăng nặng hình phạt; nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giữ nguyên bản án sơ thẩm. Bị cáo Phạm Duy K đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên mức hình phạt đối với bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Duy K thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như án sơ thẩm đã nêu. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai
của những người bị hại; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại cơ quan điều tra và các chứng cứ đã thu thập được. Như vậy, có đủ căn cứ kết luận: vì động cơ vụ lợi cá nhân mà trong thời gian 10 tháng từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 10 năm 2020 bị cáo K đã lợi dụng lòng tin của nhiều người đối với bị cáo là cán bộ Phòng giao dịch T
- Chi nhánh ngân hàng A Bắc Quảng Bình đang cần tiền cho vay đáo hạn với lãi suất 1000đ/1.000.000đ/1ngày; bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt của 19 người với tổng số tiền 26.519.900.000 đồng để tiêu xài cho cá nhân, không còn khả năng chi trả.
Với hành vi và hậu quả như trên bị cáo Phạm Duy K bị truy tố và xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015 “chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000đ trở lên” có khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Toà án cấp sơ thẩm xem xét các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, năn năn hối cải; nhân thân tốt, phạm tội lần đầu; cha được nhà nước tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến theo quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS. Ngoài ra trong vụ án này bị cáo chiếm đoạt của nhiều người nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạmtheo điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015 và bị xử phạt 19 năm tù.
Xét Quyết định kháng nghị số 17/QĐ-VC2 ngày 08/9/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng; Hội đồng xét xử thấy rằng: bị cáo Phạm Duy K có hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt của 19 người bị hại với số tiền 26.519.900.000 đồng là gấp hơn 53 lần giá trị quy định tại khung hình phạt khoản 4 Điều 174 BLHS. Bị cáo mới khắc phục hậu quả 640.000.000 đồng (2,4%) là quá thấp so với số tiền chiếm đoạt. Bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51, lại có 01 tình tiết tăng nặng tại khoản 1 Điều 52 BLHS, nhưng Toà án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 19 năm tù là chưa tương xứng với tính chất hành vi phạm tội của bị cáo; nên Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, tăng hình phạt cho bị cáo là có căn cứ.
Xét kháng cáo của những người bị hai:
[4.1] Đối với kháng cáo của bị hại Đỗ Thị Hồng B và tranh luận của luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị B đề nghị xem xét vai trò đồng phạm của bà Diệp Thị Thùy T; Hội đồng xét xử thấy rằng: trong thời gian bị cáo K thực hiện hành vi phạm tội (từ tháng 12/2019 đến tháng 10/2020) giữa bị cáo và bà T vẫn còn quan hệ vợ chồng (ly hôn ngày 25/11/2020). Bà B cho rằng do quen biết với bà T nên có nhắn tin trao đổi qua Zalo với bà T để cho vay 2.250.000.000 đồng trong thời gian ngày 07/9/2020. Do vậy, bà T đã thông đồng với chồng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà B, nên bà B đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà T. Tuy nhiên, qua đối chất và thực nghiệm điều tra không có cơ sở là bà T nhắn tin cho bà B và
thông đồng với chồng là bị cáo K, nên không có căn cứ để các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà T là đúng pháp luật. Nếu sau này bà B có căn cứ thì gửi đơn đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
[4.2] Đối với kháng cáo của bị hại Đỗ Thị Hồng B đề nghị bổ sung tình tiết tăng nặng dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt theo điểm m khoản 1 Điều 52 BLHS; Hội đồng xét xử thấy rằng: để áp dụng tình tiết này, người phạm tội phải sử dụng thủ đoạn phạm tội một cách “tinh vi, xảo quyệt” khi thực hiện tội phạm. Thủ đoạn phạm tội tinh vi là những mánh khóe, cách thức thực hiện tội phạm phức tạp, kín đáo, khó bị phát hiện. Thủ đoạn xảo quyệt là việc thực hiện tội phạm với cách thức xảo trả, thâm độc, quỷ quyệt, tàn nhẫn gây đau đớn về thể xác hoặc tinh thần cho chính nạn nhân hoặc người thân của họ. Đối với bị cáo K chỉ có thủ đoạn gian dối, đánh vào lòng tham của bị hại là lấy chính tiền gốc của bị hại trả lãi cao cho bị hại, để bị hại tin T và cho bị cáo vay nhiều lần tiền để bị cáo chiếm đoạt được nhiều tiền; nên không có căn cứ áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm m khoản 1 Điều 52 BLHS cho bị cáo.
[4.3] ] Đối với kháng cáo của bị hại H Văn T, đề nghị xác định số tiền chiếm đoạt sử dụng vào mục đích gì và các biện pháp buộc bị cáo K bồi thường thiệt hại; Hội đồng xét xử thấy rằng: qua điều tra xác minh số tiền bị cáo K chiếm đoạt của anh H Thái C, Dương Hồng N và chị Nguyễn Thị H dùng vào mục đích trả nợ và chi tiêu cá nhân; số tiền còn lại bị cáo chuyển cho bà Nguyễn Thị L, qua điều tra xác minh chưa xác định được, nên bị cáo phải có trách nhiệm hoàn trả cho những người bị hại số tiền trên. Đối với kháng cáo về biện pháp buộc bị cáo trả nợ; hiện tại cơ quan điều tra chưa xác định được tài sản của bị cáo K để kê biên, quy trữ đảm bảo cho việc thi hành án. Do vậy, trong giai đoạn thi hành án, những người bị hại có trách nhiệm yêu cầu cơ quan thi hành án tiếp tục xác minh, điều tra tài sản của bị cáo để có biện pháp thi hành theo quy định của pháp luật.
[4.4] Đối với kháng cáo của bị hại Đỗ Thị Hồng B và H Văn T đề nghị tăng hình phạt cho bị cáo có nội dung như kháng nghị của Viện kiểm sát, đã được Hội đồng xét xử nhận định như tại mục [3], nên chấp nhận.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bị cáo Phạm Duy K, bị hại Đỗ Thị Hồng B và H Văn T không phải nộp tiền án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự.
1/ Chấp nhận Quyết định kháng nghị số 17/QĐ-VC2 ngày 08/9/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và một phần kháng cáo của bị hại Đỗ Thị Hồng B và H Văn T, sửa phần hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2022/HSST ngày 10/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.
Về tội danh. Tuyên bố bị cáo Phạm Duy K phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài
Về hình phạt: Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Xử phạt bị cáo Phạm Duy K 20 (hai mươi) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo K bị bắt tạm giam (ngày 04 tháng 11 năm 2021).
2/ Án phí phúc thẩm: bị cáo Phạm Duy K, bị hại Đỗ Thị Hồng B và H Văn T không phải chịu tiền án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (15/12/2022).
Nơi nhận:
| TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ PHÚC THẨM THẨM PHÁN – CHỦ TỌA PHIÊN TÒA
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Trường |
Bản án số 528/2022/HS-PT ngày 15/12/2022 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng
- Số bản án: 528/2022/HS-PT
- Quan hệ pháp luật:
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Ngày ban hành: 15/12/2022
- Loại vụ/việc: Hình sự
- Tòa án xét xử: TAND cấp cao tại Đà Nẵng
- Áp dụng án lệ: Đang cập nhật
- Đính chính: Đang cập nhật
- Thông tin về vụ/việc: Chấp nhận Quyết định kháng nghị số 17/QĐ-VC2 ngày 08/9/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và một phần kháng cáo của bị hại Đỗ Thị Hồng B và H Văn T, sửa phần hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2022/HSST ngày 10/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.