TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH Bản án số: 08/2022/KDTM-PT Ngày: 11-11-2022 V/v tranh chấp hợp đồng xây dựng | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - hạnh phúc |
NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Ninh
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
- Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Bà Trần Thị Kim Sang.
Các Thẩm phán: Ông Trần Tuấn Vũ;
Bà Phạm Thị Thanh Giang.
Thư ký phiên tòa: Bà Bùi Minh Tâm, Thư ký Toà án nhân dân tỉnh Tây
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh: Bà Đặng Thị Châu-
Kiểm sát viên tham gia phiên toà.
Trong các ngày 07 và 11 tháng 11 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 10/2022/TLPT-KDTM, ngày 15 tháng 8 năm 2022 về việc: “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 05/2022/KDTM-ST, ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện D, tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 08/2022/QĐ-PT ngày 12 tháng 10 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 04/2022/QĐ-PT ngày 28 tháng 10 năm 2022, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty Cổ phần xây dựng M (sau đây gọi tắt là Công ty M); trụ sở: số 74, đường 3158B P, Phường 7, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện theo pháp luật của Công ty: Ông Phạm Hồng S, chức vụ: Tổng Giám đốc.
Đại diện theo ủy quyền của ông Sơn: Ông Nguyễn Lâm Q, sinh năm 1980; địa chỉ cư trú: ấp R, xã P, huyện D, tỉnh Tây Ninh; địa chỉ tạm trú: khu phố N, thị trấn G, huyện D, tỉnh Tây Ninh (Theo văn bản ủy quyền ngày 14-7-2020); ông Q có mặt ngày xét xử 07-11-2022; xin vắng mặt ngày tuyên án 11-11-2022.
Bị đơn: Công ty TNHH A (sau đây gọi tắt là Công ty A); trụ sở: Lô 38-2, đường D, Khu công nghiệp P, xã Đ, huyện D, tỉnh Tây Ninh.
Đại diện theo pháp luật: Ông Hangai S, chức vụ: Giám đốc
Đại diện theo ủy quyền của Ông Hangai S: Bà Nguyễn Thị Thu H, sinh năm 1975; địa chỉ: Đường T, Phường 10, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo văn bản ủy quyền ngày 16-12-2020); có mặt.
Đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH A: Ông Nguyễn Anh T, sinh năm 1959; địa chỉ: số 125 Q, Phường 3, quận V, thành phố Hồ Chí Minh (Theo văn bản ủy quyền số 01/10-22/GUQ-TA ngày 06-10-2022); ông Tuấn có mặt ngày xét xử 07-11-2022; xin vắng mặt ngày tuyên án 11-11-2022.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp cho nguyên đơn trình bày:
Ngày 12-4-2018, Công ty TNHH A ký hợp đồng xây dựng số 12042018/HĐKT/MK-A với Công ty Cổ phần xây dựng M về việc thi công hoàn thiện Nhà máy sản xuất hàng may mặc tại địa chỉ: Lô 38-2, đường D, KCN Phước Đông, xã Đ, huyện D, tỉnh Tây Ninh. Công trình đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng ngày 25-01-2019 theo biên bản bàn giao số 02/NTHT. Tính từ thời điểm bàn giao đến ngày 22-12-2019, Công ty A đã đưa vào sử dụng được hơn 10 tháng. Nhưng Công ty A vẫn chưa thanh toán 10% còn lại theo hợp đồng và giá trị phát sinh ngoài hợp đồng cho Công ty M. Cụ thể như sau:
Hợp đồng xây dựng trọn gói sau thuế: 65.815.750.000 đồng; giá trị phát sinh ngoài hợp đồng: 5.144.891.274 đồng, tổng giá trị: 70.960.641.274 đồng.
Kể từ thời điểm ký kết hợp đồng đến hết ngày 22-12-2019, Công ty A đã tạm ứng/thanh toán cho Công ty M tổng số tiền 59.234.175.000 đồng. Công trình đã được thi công hoàn thành theo đúng bản vẽ thiết kế, đạt yêu cầu về mặt chất lượng; ngày 25-01-2019, Công ty A, Công ty M, đại diện tư vấn giám sát, đại diện tư vấn thiết kế đồng ý ký vào biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng.
Tính đến ngày 14-10-2019, Công ty M đã xuất hóa đơn đủ theo tổng giá trị thực hiện của hợp đồng với tổng giá trị hóa đơn đã xuất là 65.815.750.000 đồng. Với các số hóa đơn lần lượt là 0000073 ngày 30-10-2018, 0000081 ngày 02-7- 2018, 0000095 ngày 08-10-2018, 0000004 ngày 30-10-2018, 0000006 ngày 06-
11-2018, 0000007 ngày 20-11-2018, 0000015 ngày 10-12-2018, 0000026 ngày 21-
01-2019, 0000005 ngày 14-10-2019.
Sau đó, Công ty M lần lượt gửi các công văn số 07.11/DNTT/2019 ngày 07- 11-2019, thư nhắc nợ ngày 18-11-2019 và công văn số 02/ĐNTT/2019 ngày 23-
11-2019 về việc đề nghị Công ty A thanh toán cho Công ty M số tiền còn nợ là 11.726.466.274 đồng.
Theo thỏa thuận tại Điều 7 (thanh toán hợp đồng), thanh toán lần 5 và lần 6 của hợp đồng xây dựng số 12042018/HĐKT/MK-A, bên Công ty A phải thanh toán cho Công ty M 5% giá trị hợp đồng sau khi Công ty M hoàn thành phần điện nhà xưởng, thanh toán trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận hóa đơn tài chính và thanh toán 5% còn lại sau khi Công ty M hoàn thành công trình, thanh toán trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận hóa đơn tài chính.
Nay Công ty M khởi kiện yêu cầu buộc Công ty A thanh toán cho Công ty M số tiền còn nợ theo hợp đồng là 6.581.575.000 đồng và thanh toán giá trị phát sinh tăng ngoài hợp đồng là 5.144.891.274 đồng.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty M có thay đổi yêu cầu khởi kiện, cụ thể: Công ty M khởi kiện yêu cầu Công ty A thanh toán các khoảng sau: Thanh toán đợt 5 số tiền 3.290.787.500 đồng, thanh toán đợt 6 số tiền 3.290.787.500 đồng, thanh toán tiền lãi quá hạn đối với 02 đợt thanh toán 5,6 là 10%/năm từ tháng 11- 2019 đến khi xét xử sơ thẩm (làm tròn 31 tháng); yêu cầu thanh toán giá trị phát sinh tăng ngoài hợp đồng là 4.053.743.952 đồng.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: Công ty A xác nhận có ký hợp đồng xây dựng số 12042018/HĐKT/MK-A với Công ty M để thi công xây dựng Nhà máy sản xuất hàng may mặc tại Khu công nghiệp P, xã Đ, huyện D, tỉnh Tây Ninh. Công ty A không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì Công ty M chưa đáp ứng đủ điều kiện thanh toán như thỏa thuận trong hợp đồng. Công ty A không có nghĩa vụ trả lãi vì chưa phát sinh nghĩa vụ thanh toán cho M, A cũng không có nghĩa vụ trả phần chi phí phát sinh. Cụ thể:
Đối với đợt thanh toán lần 5 có giá 3.290.787.500 đồng: Ngày 09-7-2019, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng tổng hợp (N), tổ chức tư vấn giám sát công trình đã gửi email đến M để xác nhận rằng N đã nhận hồ sơ hoàn công hệ thống ME (hệ thống cơ điện). Qua kiểm tra, N nhận thấy hồ sơ hoàn công lập chưa đúng thực tế thi công và đề nghị Công ty M lập lại hồ sơ đúng thực tế thi công để chủ đầu tư vận hành an toàn trong quá trình sử dụng hệ thống ME. Đến nay, Công ty M vẫn chưa cung cấp được bản vẽ hoàn công phần điện nhà xưởng cho Công ty A. Nên Công ty A chưa phát sinh nghĩa vụ phải thanh toán lần 5 cho M.
Đối với đợt thanh toán lần 6 có trị giá: 3.290.787.500 đồng: Đến nay, Công ty M vẫn chưa cung cấp chứng thư bảo lãnh, bảo hành công trình cho A. Đồng thời, hóa đơn thanh toán lần 6 được Công ty M gửi ngày 15-10-2019 có số tiền ghi trên hóa đơn không đúng với số tiền thanh toán lần 6, cụ thể, thay vì 3.290.787.500 đồng thì ghi trên hóa đơn là 6.581.575.000 đồng. Hơn nữa, theo trang 25, hồ sơ kiểm định công trình ngày 23-3-2021 của Công ty Cổ phần kiểm định Sài Gòn (SCQC) ghi nhận: các khiếm khuyết, sai thiếu trong hệ thống điện, PCCC, cấp thoát nước hiện trạng sẽ gây nguy hiểm và không đảm bảo an toàn trong khai thác
sử dụng cần được khắc phục, sửa chữa. Nhận định này của Công ty SCQC thể hiện, công trình thực tế vẫn chưa hoàn thành, còn rất nhiều khiếm khuyết, sai sót mà khi đưa vào sử dụng sẽ không đảm bảo an toàn.
Như vậy, yêu cầu khởi kiện của Công ty M buộc Công ty A phải thanh toán số tiền lần 5, lần 6 là không có căn cứ và trái với nội dung hợp đồng đã ký kết.
Do không phát sinh nghĩa vụ thanh toán lần 5, lần 6 nên Công ty A không có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi quá hạn theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Đối với yêu cầu thanh toán giá trị phát sinh tăng ngoài hợp đồng là 4.053.743.952 đồng là không có căn cứ, vì: Bản vẽ kiến trúc của công trình, bảng tổng hợp chi phí phát sinh là do M tự lập, không có thông báo hay thỏa thuận với
A. Hơn nữa, bảng tính giá trị công việc phát sinh phải có sự xác nhận của bên giao thầu. Nhưng bảng tổng hợp chi phí phát sinh là do M tự lập mà không có sự đồng thuận của A nên A không có nghĩa vụ thanh toán các chi phí phát sinh như M cung cấp. Ngoài ra, M không cung cấp chứng từ, hóa đơn hợp pháp để chứng minh. Và M không chứng minh được M có thi công trên thực tế.
Do đó, Công ty A không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; đồng thời, Công ty A có yêu cầu phản tố, buộc Công ty M có trách nhiệm thanh toán cho A các khoản sau:
Theo quy định tại Điều 138 Luật Xây dựng năm 2014 và Điều 28 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, bên nhận thầu phải thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng về thi công xây dựng bảo đảm tiến độ. Dù đã ký nghiệm thu, bên bàn giao vẫn phải đảm bảo công trình được an toàn trong khi vận hành, khai thác. Theo hợp đồng, M phải hoàn thành và bàn giao công trình cho A vào ngày 31-11-2018. Tuy nhiên, M đã thi công chậm tiến độ, kéo dài thời hạn thi công công trình. Cụ thể, đến ngày 08-4-2019, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh mới chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình. Nên yêu cầu buộc M phải thanh toán cho A tiền phạt vi phạm tính từ ngày 30-11-2018 đến ngày 08-4-2019 là 8.490.231.750 đồng.
Yêu cầu Công ty M thanh toán giá trị sai khác giữa khối lượng thi công thực tế so với khối lượng dự toán đã ký kết theo hợp đồng là 9.046.105.175 đồng, cụ thể: tổng giá trị công trình M thực tế xây dựng phải bằng tổng số tiền do SCQC ghi nhận trừ đi những hạng mục mà A tự thi công và những hạng mục M không thi công. Tổng giá trị công trình M thực tế xây dựng là 54.058.153.000 đồng – 895.425.190 đồng = 53.162.727.810 đồng. Như vậy, khoản tiền chênh lệch chi phí xây dựng giữa tổng giá trị công trình mà M dự toán tăng trên bảng tóm tắt chi phí xây dựng so với tổng giá trị công trình M thực tế xây dựng là 62.208.832.985 đồng – 53.162.727.810 đồng = 9.046.105.175 đồng.
Yêu cầu M thanh toán chi phí khắc phục các khiếm khuyết của công trình là 11.035.313.780 đồng, bao gồm:
+ Chi phí do A đã bỏ ra để khắc phục các hư hỏng trước khi SCQC kiểm định: Khắc phục cống thoát nước mưa, đường cống thoát nước thải, đường ống nước sạch, tầng mái khối văn phòng và ký túc xá, nhà vệ sinh khối văn phòng tầng
trệt và tầng 1 có mùi hôi. Công ty A đã nhiều lần thông báo cho M về các hạng mục hư hỏng trên nhưng không được giải quyết triệt để. Để đảm bảo việc sử dụng bình thường của công trình, tránh ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh nên Aeroact phải tự mình thuê bên thứ ba sửa chữa. Tổng chi phí để khắc phục các hạng mục này là 80.393.300 đồng.
+ Chi phí SCQC kiến nghị để khắc phục các hư hỏng, cụ thể: Phần xây dựng là 9.090.567.000 đồng, phần cơ điện là 1.374.751.000 đồng. Như vậy, M phải có nghĩa vụ thanh toán cho A tổng cộng 10.465.318.000 đồng, có bao gồm luôn chi phí xử lý trần bị thấm của Ký túc xá và chi phí xử lý các vị trí trần bị thấm của nhà văn phòng là 302.397.520 đồng.
+ Tuy nhiên, để đảm bảo chế độ vận hành và làm việc bình thường của công trình, A đã thuê công ty cổ phần T.LK thi công chống thấm khu vực nhà văn phòng và ký túc xá với tổng chi phí thi công là 792.000.000 đồng. Do đó, M phải thanh toán số tiền chênh lệch giữa số tiền thực tế thi công mà A phải thanh toán cho công ty cổ phần T.LK: 792.000.000 đồng – 302.397.520 đồng = 489.602.480 đồng.
Như vậy, Công ty A khởi kiện yêu cầu Công ty M có trách nhiệm thanh toán các chi phí khắc phục các khiếm khuyết, hư hỏng về chất lượng thi công của công trình là 11.035.313.780 đồng.
Tổng giá trị các yêu cầu phản tố của Công ty A là 8.490.231.750 đồng + 9.046.105.175 đồng + 11.035.313.780 đồng = 28.571.650.705 đồng.
Ngày 10-12-2021, đại diện bị đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền sai khác giữa khối lượng thi công thực tế so với khối lượng dự toán đã ký kết theo hợp đồng thi công à 953.894.825 đồng và chi phí khắc phục khiếm khuyết của công trình 18.964.686.220 đồng.
Tại văn bản trình bày ý kiến và tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của bị đơn bổ sung yêu cầu phản tố, cụ thể: yêu cầu tuyên bố biên bản nghiệm thu ngày 25-01-2019 là vô hiệu; buộc Công ty M phải hoàn trả các chi phí thuê Công ty TNHH Quản lý Cầu nối Nhật Bản Việt Nam và Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Cửu Long kiểm định công trình, chi phí thuê Công ty cổ phần kiểm định xây dựng Sài Gòn (SCQC) với tổng số tiền là 1.127.742.000 đồng.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2022/KDTM-ST ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Tây Ninh đã quyết định:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần xây dựng M đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn A TN về việc “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”.
Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn A TN có trách nhiệm trả cho Công ty cổ phần M số tiền 12.335.558.952 (mười hai tỷ, ba trăm ba mươi lăm triệu, năm trăm năm mươi tám ngàn, chín trăm năm mươi hai) đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành còn phải chịu
tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty TNHH A với số tiền 28.571.650.705 đồng.
Đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của bị đơn đối với yêu cầu số tiền sai khác giữa khối lượng thi công thực tế so với khối lượng dự toán theo hợp đồng thi công là 953.894.825 đồng và chi phí khắc phục khiếm khuyết của công trình là 18.964.686.220 đồng.
Về chi phí kiểm định: Công ty Trách nhiệm hữu hạn A TN phải chịu 821.102.000 (tám trăm hai mươi mốt triệu, một trăm linh hai ngàn) đồng, ghi nhận đã nộp xong.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 06 tháng 7 năm 2022, bị đơn Công ty TNHH A kháng cáo đối với toàn bộ bản án sơ thẩm; yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm xem xét bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn- Ông Nguyễn Anh T và Bà Nguyễn Thị Thu H giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cụ thể:
Đối với yêu cầu thanh toán lần 5, lần 6 số tiền 6.581.575.000 đồng; bởi vì M chưa đáp ứng điều kiện thanh toán theo hợp đồng được quy định tại Điều 7.1 của Hợp đồng;
Vì A không có nghĩa vụ thanh toán lần 5, lần 6 cho M nên không có nghĩa vụ trả lãi theo Điều 306 Luật Thương mại năm 2005;
Đối với yêu cầu thanh toán giá trị phát sinh ngoài hợp đồng số tiền 4.053.743.952 đồng của M là không có căn cứ, vì Bảng tổng hợp chi phí phát sinh là do M tự lập mà không có bất kỳ sự xác nhận nào của A.
Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày bổ sung đối với yêu cầu phản tố về phần “yêu cầu M thanh toán giá trị sai khác giữa khối lượng, cụ thể:
Giá trị công trình theo hợp đồng: 62.208.832.985 đồng
Tổng giá trị công trình M thực tế xây dựng: 54.058.153.000 đồng (theo kiểm định của SCQC); trừ đi phần A tự xây dựng: 895.425.190; tổng giá trị công trình thực tế do Công ty M xây dựng là: 53.162.727.810 đồng;
Công ty A đã chi trả cho Công ty M là: 59.234.175.000 đồng;
Như vậy, Cty M phải hoàn trả cho Cty A: 6.172.447.190 đồng (trước đây yêu cầu M hoàn trả số tiền 9.046.105.175 đồng)
Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty M và chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty A; buộc Công ty M có trách nhiệm thanh toán cho Công ty A tổng cộng 25.697.992.720 đồng, bao gồm:
+ Tiền phạt vi phạm hợp đồng do chậm bàn giao công trình: 8.490.231.750đ
+ Thanh toán trả lại giá trị sai khác về khối lượng thi công : 6.172.447.190đ
+ Thanh toán số tiền khắc phục các khiếm khuyết, hư hỏng : 11.035.313.780đ Ngoài ra, căn cứ Nghị định 46/2015/NĐ-CP, vì Công ty M là bên chịu trách nhiệm (có lỗi) đối với chất lượng công trình nên phải chịu chi phí kiểm định là
821.102.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn- Ông Nguyễn Lâm Q trình bày:
Phía bị đơn cho rằng không có bản vẻ hoàn công và không có nghiệm thu bàn giao công trình là không đúng. Tại Biên bản nghiệm thu giữa các bên ngày 25-01-2019 đã kết luận đồng ý nghiệm thu, vì đã bàn giao toàn bộ hồ sơ bản vẻ hoàn công mới nghiệm thu được. Về chi phí phát sinh trên thực tế là có thực hiện, mặc dù hai bên không ký phụ lục hợp đồng, không ký phê duyệt, nhưng được hai bên thống nhất qua trao đổi email với nhau (đã cung cấp trong hồ sơ vụ án); trên thực tế Công ty A đã nghiệm thu cả phần phát sinh và đưa vào sử dụng toàn bộ công trình. Do đó, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ.
Đối với toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn thì nguyên đơn không chấp nhận, vì: Tại Biên bản làm việc giữa hai bên đã thống nhất thời gian bàn giao chậm hơn 03 tháng so với hợp đồng vì lý do khách quan (thời tiết và bên bị đơn thay đổi máy móc laắp đặt cho công trình), nên hai bên kết luận cần đẩy nhanh tiến độ thi công, không xác định vi phạm hợp đồng; do đó, nguyên đơn không đồng ý yêu cầu phạt vi phạm do chậm bàn giao công trình của bị đơn. Việc bị đơn căn cứ vào bản kết luận của SCQC để yêu cầu M bồi thường các khoản sai khác về khối lượng thi công và chi phí khắc phục khiếm khuyết công trình là không có cơ sở, vì không mang tính chính xác, trong khi bản vẽ thiết kế được hai bên phê duyệt và trong quá trình thi công phía bị đơn đã thuê Công ty tư vấn giám sát (N); khi nghiệm thu đã kết luận: Thi công đúng bản vẻ thiết kế; đạt yêu cầu kỹ thuật. Về chi phí kiểm định, đây là chi phí do bị đơn tự yêu cầu để chứng minh cho yêu cầu phản tố nên bị đơn phải chịu toàn bộ.
Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh:
+ Về tố tụng: Thẩm phán thụ lý vụ án, thu thập chứng cứ, chuẩn bị xét xử và quyết định đưa vụ án ra xét xử đều bảo đảm đúng quy định về thời hạn, nội dung, thẩm quyền của Bộ luật Tố tụng dân sự; Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa thực hiện đúng trình tự, thủ tục đối với phiên tòa dân sự. Những người tham gia tố tụng đều thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình, chấp hành tốt Nội quy phiên tòa;
+ Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn- Công ty A.
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 05/2022/KDTM-ST ngày 30/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện D.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
Về tố tụng:
[1.1] Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án đúng theo thẩm quyền; xác định đúng quan hệ tranh chấp theo quy định của pháp luật tố tụng.
[1.2] Đơn kháng cáo của bị đơn trong thời hạn luật định, có hình thức và nội dung đúng quy định, nên là kháng cáo hợp lệ.
[1.3] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện theo ủy quyền của bị đơn- Ông Nguyễn Anh T có văn bản kiến nghị, bổ sung thay đổi một phần yêu cầu kháng cáo. Cụ thể, bị đơn rút một phần kháng cáo trong yêu cầu phản tố đối với giá trị chênh lệch sai khác giữa khối lượng thi công thực tế so với khối lượng đã ký kết theo hợp đồng với số tiền là 2.873.657.985 đồng (9.046.105.175 đồng - 6.172.447.190 đồng). Việc bổ sung, thay đổi (giảm số tiền) không vượt quá yêu cầu phản tố và yêu cầu kháng cáo, nên Hội đồng xét xử chấp nhận việc rút một phần yêu cầu này của bị đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự không thỏa thuận đươc với nhau về việc giải quyết vụ án; nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; bị đơn giữ nguyên yêu cầu phản tố và yêu cầu kháng cáo.
Xét kháng cáo của bị đơn- Công ty A
[3.1] Bị đơn không đồng ý đối với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu Công ty A thanh toán giá trị hợp đồng lần thứ 5, thứ 6 với số tiền 6.581.575.000 đồng; lãi suất chậm trả từ tháng 11-2019 và chi phí phát sinh ngoài hợp đồng số tiền 4.053.743.953 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy:
[3.1.1] Nguyên đơn Công ty M yêu cầu Công ty A thanh toán số tiền 6.581.575.000 đồng của giá trị hợp đồng lần thanh toán thứ 5, thứ 6; thấy rằng:
Ngày 25-01-2019 các bên gồm: Chủ đầu tư - Công ty TNHH A; Tư vấn giám sát - Công ty CP Tư vấn xây dựng tổng hợp (N); Tư vấn thiết kế - Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Fansipan và Nhà thầu thi công - Công ty Cổ phần xây dựng M đã ký kết “Biên bản số 02/NTHT nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử(BL 112-114) đối với công trình: Nhà máy sản xuất hàng may mặc A TN; thể hiện về chất lượng hạng mục, công trình: Đúng với thiết kế được duyệt; đạt yêu cầu về tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật và yêu cầu kỹ thuật của công trình xây dựng. Các bên không có ý kiến về những sửa đổi trong quá trình thi công so với thiết kế đã được duyệt và đi đến kết luận “Đồng ý nghiệm thu”. Do đó, việc nghiệm thu công trình được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 123 Luật xây dựng năm 2014, Điều 13 Nghị định 37, khoản 2 Điều 31 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày
12-5-2015.
Cùng ngày 25-01-2019 Công ty A có văn bản đề nghị nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; căn cứ kết quả kiểm tra, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, ngày 30-01-2019 Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Tây Ninh đã có văn bản số 28/NT-PCCC, đồng ý nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của Công ty A đối với Nhà máy sản xuất hàng may mặc A TN và trên cơ sở đó, ngày 08-4-2019, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh có Công văn số 366/BQLKKT-GHXD kết luận: Chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành(BL 115-116). Do đó, có cơ sở xác định công trình đã hoàn thành, đảm bảo đủ điều kiện đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật.
Ngày 14-10-2019, Công ty M đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng điện tử đối với số tiền 6.581.575.000 đồng, là 10% giá trị hợp đồng còn lại mà Công ty A chưa thanh toán theo hợp đồng thi công ngày 12-4-2018 (đợt thanh toán thứ 5 và thứ 6). Công ty A xác nhận đã nhận được hóa đơn vào ngày 15-10-2019 (BL 1509-1510, 1564)
Công trình đã nghiệm thu đưa vào sử dụng và Công ty M đã xuất Hóa đơn giá trị gia tăng, nên Công ty A có nghĩa vụ thanh toán giá trị còn lại chưa thanh toán theo Hợp đồng cho Công ty M, theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Hợp đồng thi công về giá trị hợp đồng và thanh toán hợp đồng
Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty M, buộc Công ty A thanh toán giá trị hợp đồng lần 5, lần 6 với tổng số tiền 6.581.575.000 đồng là có căn cứ.
[3.1.2] Về yêu cầu tính lãi suất chậm trả từ tháng 11-2019 đến ngày xét xử sơ thẩm (31 tháng); thấy rằng:
Như đã phân tích tại [3.1.1] Công ty A vi phạm nghĩa vụ thanh toán cho Công ty M, nên Công ty A phải chịu lãi suất chậm trả theo quy định tại khoản 2
Điều 43 Nghị định 37: “Trường hợp, bên giao thầu thanh toán không đúng thời
Đại diện theo ủy quyền của bị đơn cho rằng do bị đơn không có nghĩa vụ thanh toán lần 5, lần 6 cho Mokocons nên không có nghĩa vụ trả lãi là không có cơ sở. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn có trách nhiệm thanh toán lãi chậm trả cho nguyên đơn với số tiền 1.700.240.000 đồng (6.581.575.000 đồng x 10%/năm x 31 tháng) là có căn cứ.
[3.1.3] Về thanh toán chi phí phát sinh ngoài hợp đồng số tiền 4.053.743.953 đồng; Hội đồng xét xử xét thấy:
Tại phiên tòa, đại diện Cty A xác nhận có các hạng mục phát sinh và cho rằng những hạng mục phát sinh này đã được tính vào Bảng tổng hợp chi phí thực tế xây dựng do Công ty Cổ phần kiểm định xây dựng Sài gòn kiểm định. Nên Công ty A không đồng ý thanh toán lại cho Cty M số tiền 4.053.743.953 đồng, theo bảnb tổng hợp chi phí phát sinh mà Cty M đã gửi vào hộp thư điện tử của Cty A.
Tuy nhiên, theo bản vẽ thiết kế công trình mà các bên đã xác nhận, thống nhất, đã được cấp phép xây dựng và tại Biên bản thẩm định tại chỗ ngày 04/3/2022 đã xác định có phát sinh các hạng mục gồm: Thi công bể PCCC, hệ thống PCCC Sprinkler nhà căn tin; Sơn chống cháy; 03 máy bơm (nâng công suât 01 máy Diesel); Đất nền, gạch lát nền, thiết bị vệ sinh, lắp đặt máy sấy tay; Lát sàn gỗ khu may dù; Thi công nhà bếp căn tin; Thi công phòng quan sát, y tế, phòng sàn kho tầng 1; Tủ điện cho hệ thống điều hòa sàn kho tầng 1; Các hạng mục khác: Văn phòng (thay gạch, mở cửa sổ tầng 1, ổ cắm âm sàn lễ tân, máng điện, bộ đèn), Căn tin (bê tông nâng đường tại vị trí xưởng qua căn tin, thi công bao che xung quanh căn tin), Khu Harness nhà xưởng (line đèn, mảng điện, đèn đôi, dây diện), Khu Sky nhà xưởng (đèn cho máy may, máng điện, đèn đôi).
Do những hạng mục, công trình phát sinh này trên thực tế đã được thi công, xây dựng và Công ty A đã đưa vào khai thác, sử dụng. Nên yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty A có trách nhiệm chi trả cho Công ty M chi phí các hạng mục phát sinh với số tiền 4.053.743.952 đồng là có căn cứ.
[3.2] Đối với các yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu Công ty M có trách nhiệm thanh toán cho Công ty A tổng cộng 25.697.992.720 đồng, bao gồm: Tiền phạt vi phạm hợp đồng do chậm bàn giao công trình: 8.490.231.750đ; thanh toán trả lại giá trị sai khác về khối lượng thi công : 6.172.447.190đ; thanh toán số tiền khắc phục các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình là: 11.035.313.780đ và buộc
Công ty M là bên chịu trách nhiệm (có lỗi) đối với chất lượng công trình nên phải chịu chi phí kiểm định: 821.102.000 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy:
[3.2.1] Đối với yêu cầu phản tố phạt vi phạm hợp đồng do chậm bàn giao công trình, thấy rằng:
Thời hạn bàn giao công trình theo hợp đồng là ngày 30-11-2018, nhưng Công ty M chưa hoàn thành toàn bộ công trình; tại biên bản làm việc ngày 15-12- 2018 (BL 1505-1508) giữa Công ty A với Công ty M ghi nhận: Công ty M đã chậm tiến độ xây dựng so với thời hạn mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng hai bên không đề cập đến việc xử lý việc vi phạm thời hạn này của Mekocon, hai công ty đã thống nhất kéo dài thời hạn thi công và đẩy nhanh tiến độ thi công để bàn giao công trình vào ngày 28-01-2019 và khi các bên tiến hành nghiệm thu bàn giao công trình đưa vào sử dụng ngày 25-01-2019 cũng không đề cập đến vấn đề vi phạm này; nên có cơ sở xác định Công ty A chấp nhận việc chậm tiến độ bàn giao công trình. Do đó yêu cầu phạt vi phạm do chậm bàn giao công trình của Công ty A là không có cơ sở chấp nhận.
[3.2.2] Đối với yêu cầu Công ty M thanh toán giá trị sai khác giữa khối lượng thi công thực tế so với khối lượng dự toán đã ký kết theo hợp đồng thi công. Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn có bổ sung, thay đổi về số tiền yêu cầu là 6.172.447.190 đồng; thấy rằng:
Quá trình thực hiện hợp đồng thi công công trình, Công ty A đã thuê Công ty Cổ phần xây dựng tổng hợp (gọi tắt là Công ty N) - đơn vị giám sát độc lập, giám sát quá trình thi công của Công ty M. Tại Biên bản thanh lý Hợp đồng tư vấn giám sát thi công giữa Công ty A và Công ty N đã xác nhận: Công ty N hoàn thành công việc giám sát thi công dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc A; đồng thời thực hiện đủ quyền lợi cho bên A (tức Công ty A) theo đúng nội dung hợp đồng giữa hai bên. Về chất lượng tư vấn: Đạt yêu cầu; về khối lượng: Đã hoàn thành công tác tư vân giám sát; về hình thức số lượng hồ sơ: Đã hoàn thành nghiệm thu bàn giao và hồ sơ quyết toán của công trình.
Như vậy, trong quá trình giám sát, Công ty N đã thực hiện đúng vai trò tư vấn giám sát, xác nhận các hạng mục công trình hoàn thành theo thực tế. Trong suốt quá trình thi công Công ty A cũng không có văn bản nào xác định Công ty M đã xây dựng sai khác khối lượng so với dự toán cũng như yêu cầu Công ty M khắc phục những sai khác và công trình đã được nghiệm thu, Công ty A chấp nhận, đưa vào sử dụng. Đối với những khuyết điểm công trình mà Công ty A đã nêu ra được Công ty Cổ phần kiểm định Sài Gòn kết luận ngày 23/03/2021 thì những khuyết điểm này được kết luận sau khi đã hết thời hạn bảo hành công trình của Công ty M (tháng 4/2020 đã hết thời hạn bảo hành). Do đó cấp sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu thanh toán chênh lệch của giá trị sai khác giữa khối lượng thi công thực tế (do SCQC kiểm định) và khối lượng dự toán đã ký kết theo hợp đồng của Công ty A là có cơ sở.
[3.2.3] Đối với yêu cầu Công ty M thanh toán chi phí khắc phục các khiếm khuyết về chất lượng của công trình là 11.035.313.780 đồng; Hội đồng xét xử xét thấy:
Thời gian bảo hành công trình là 12 tháng, được tính từ ngày xác nhận nghiệm thu, bàn giao công trình giữa hai bên (BL 149, 286). Công trình đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng và đã được Ban Quản ký Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình vào ngày 08-4- 2019. Như vậy, đến tháng 4-2020 thì thời hạn bảo hành công trình đã chấm dứt; nhưng đến ngày 28, 29, 30-12-2020 Công ty Cổ phần kiểm định xây dựng Sài Gòn mới tiến hành khảo sát thực tế công trình tại Công ty A và đến ngày 23-3-2021 có kết quả kiểm định công trình và đưa ra Bảng dự toán chi phí khắc phục, sửa chữa.
Tại biên bản trình bày ý kiến ngày 10-12-2021 và tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của bị đơn xác nhận phía Công ty M có cử nhân viên đến sửa chữa, khắc phục nhưng không triệt để dẫn đến việc Công ty A phải tự bỏ chi phí thuê bên thứ ba để khắc phục các hư hỏng cho công trình và Công ty A căn cứ vào Bảng dự toán chi phí sửa chữa, khắc phục các khiếm khuyết của công trình của Công ty cổ phần kiểm định xây dựng Sài Gòn (SCQC) để yêu cầu Công ty M thanh toán là không có cơ sở. Bởi lẽ thời hạn bảo hành công trình đã hết vào ngày 08-4-2020; việc Công ty A tự bỏ chi phí ra để khắc phục các hư hỏng trên mà không thông báo và thỏa thuận trước với Công ty M trong thời gian bảo hành công trình nên Công ty A tự chịu trách nhiệm. Hơn nữa, Công ty M từ chối khắc phục, sửa chữa các hư hỏng của công trình cũng xuất phát từ một phần lỗi của Công ty A đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán 10% giá trị hợp đồng còn lại.
Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty A yêu cầu Công ty M thanh toán 11.035.313.780 đồng tiền chi phí để khắc phục các khiếm khuyết của công trình là có căn cứ.
Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn; cần giữ nguyên bản án sơ thẩm
Quan điểm và đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên có căn cứ chấp nhận.
Về chi phí kiểm định:
Do Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, nên Công ty A phải chịu 821.102.000 đồng chi phí kiểm định công trình. Ghi nhận Công ty A đã nộp xong.
Về án phí phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên Công ty A phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ khoản 1 Điều 308, khoản 3 Điều 289 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn- Công ty TNHH A
Đình chỉ một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH A đối với số tiền chênh lệch sai khác giữa khối lượng thi công thực tế so với khối lượng đã ký kết theo hợp đồng là 2.873.657.985 đồng
Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 05/2022/KDTM- ST ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Tây Ninh.
Căn cứ điểm c, d khoản 1 Điều 112; Điều 123 của Luật Xây dựng năm 2014; Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 3; Điều 6; Điều 13; khoản 4 Điều 19; khoản 2
Điều 43; điểm a, b khoản 1 Điều 27 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22-4- 2015 của Chính phủ;
Căn cứ khoản 2 Điều 4, Điều 31, Điều 26 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12-5-2015 của Chính phủ; khoản 2 Điều 19 Thông tư 26/2016/TT-BXD ngày 26-10-2016 của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần xây dựng M đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn A TN về việc “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”.
Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn A TN có trách nhiệm trả cho Công ty Cổ phần xây dựng M số tiền 12.335.558.952 (mười hai tỷ, ba trăm ba mươi lăm triệu, năm trăm năm mươi tám ngàn, chín trăm năm mươi hai) đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty TNHH A về việc yêu cầu Công ty Cổ phần xây dựng M thanh toán trả cho Công ty TNHH A số tiền 25.697.992.720 đồng.
Đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của bị đơn đối với yêu cầu số tiền sai khác giữa khối lượng thi công thực tế so với khối lượng dự toán theo hợp đồng thi công là 953.894.825 đồng và chi phí khắc phục khiếm khuyết của công trình là 18.964.686.220 đồng.
Về chi phí kiểm định: Công ty Trách nhiệm hữu hạn A TN phải chịu 821.102.000 (tám trăm hai mươi mốt triệu, một trăm linh hai ngàn) đồng, ghi nhận đã nộp xong.
Án phí sơ thẩm:
Công ty Cổ phần xây dựng M không phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm, hoàn trả cho Công ty M số tiền 83.857.659 (tám mươi ba triệu, tám trăm bảy mươi lăm nghìn, sáu trăm năm mươi chín) đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo các biên lai thu số 0009997 ngày 25-12-2019 và 0012910 ngày 15-4-2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D, tỉnh Tây Ninh.
Công ty TNHH A phải chịu 256.907.209 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Được khấu trừ 156.785.116 đồng vào tiền tạm ứng án phí đã nộp theo các biên lai thu số 0000194 ngày 02-3-2020, biên lai số 0000291 ngày 04-5-2020 và Biên lai số 0012910 ngày 15-4-2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D, tỉnh Tây Ninh. Công ty A TN còn phải nộp tiếp số tiền 100.122.000 (một trăm triệu, một trăm hai mươi hai nghìn) đồng.
Về án phí phúc thẩm:
Công ty TNHH A phải chịu 2.000.000 (hai triệu) đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, được trừ vào tiền tạm ứng án phí Công ty đã nộp 2.000.000 (hai triệu) đồng, theo Biên lai thu số 0024503 ngày 06-7-2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D, tỉnh Tây Ninh.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án đươc quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Nơi nhận:
| TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ PHÚC THẨM THẨM PHÁN – CHỦ TỌA PHIÊN TÒA
Đã ký
Trần Thị Kim Sang |
Bản án số 08/2022/KDTM-PT ngày 11/11/2022 của TAND tỉnh Tây Ninh về tranh chấp về xây dựng
- Số bản án: 08/2022/KDTM-PT
- Quan hệ pháp luật: Tranh chấp về xây dựng
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Ngày ban hành: 11/11/2022
- Loại vụ/việc: Kinh doanh thương mại
- Tòa án xét xử: TAND tỉnh Tây Ninh
- Áp dụng án lệ: Đang cập nhật
- Đính chính: Đang cập nhật
- Thông tin về vụ/việc: 1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần xây dựng M đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn A TN về việc “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”. Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn A TN có trách nhiệm trả cho Công ty Cổ phần xây dựng M số tiền 12.335.558.952 (mười hai tỷ, ba trăm ba mươi lăm triệu, năm trăm năm mươi tám ngàn, chín trăm năm mươi hai) đồng. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015. 2. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty TNHH A về việc yêu cầu Công ty Cổ phần xây dựng M thanh toán trả cho Công ty TNHH A số tiền 25.697.992.720 đồng. 3. Đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của bị đơn đối với yêu cầu số tiền sai khác giữa khối lượng thi công thực tế so với khối lượng dự toán theo hợp đồng thi công là 953.894.825 đồng và chi phí khắc phục khiếm khuyết của công trình là 18.964.686.220 đồng.