Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Bản án số: 03/2023/DS-PT Ngày 12 tháng 01 năm 2023 V/v Tranh chấp thừa kế tài sản

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

- Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Bà Đỗ Thị Hà

Các Thẩm phán: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Nguyễn Thị Lan Anh

  • Thư ký phiên tòa: Bà Nguyễn Thị Hòa - Thư ký Tòa án

  • Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tham gia phiên tòa: Bà Đỗ Thị Thái - Kiểm sát viên.

Trong ngày 12 tháng 01 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số: 44/2022/TLPT-DS ngày 03/11/2022 về “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Do Bản án sơ thẩm số 10/2022/DS-ST ngày 23/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 82/2022/QĐ-PT ngày 27 tháng 12 năm 2022, giữa:

  1. Nguyên đơn: Bà Tạ Thị L, sinh năm 1947; địa chỉ: Số nhà 04, ngõ 545, tổ 17, phường Q, thành phố T, tỉnh Thái Bình. Có mặt.

    Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thái Bình. Có mặt.

  2. Bị đơn: Bà Triệu Thị P, sinh năm 1943; địa chỉ: Thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình. Có mặt.

    Người đại diện theo ủy quyền của bà Triệu Thị P: Chị Tạ Thị T1, sinh năm 1969; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn V, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình. Có mặt.

  3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Tạ Thị H, sinh năm 1950; địa chỉ: Số nhà 09, ngách 30, ngõ 30, phố T, phường B, quận H, thành phố Hà Nội. Có mặt.

    2. Chị Tạ Thị T, sinh năm 1966; địa chỉ: Thôn T, xã V, huyện V, tỉnh Thái Bình. Có mặt.

    3. Chị Tạ Thị T1, sinh năm 1969; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn V, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình; địa chỉ: Cửa hàng tạp hóa D, chợ B, xã V, huyện V, tỉnh Thái Bình. Có mặt.

    4. Chị Tạ Thị V, sinh năm 1972; địa chỉ: Thôn V, xã V, huyện V, tỉnh Thái Bình. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

    5. Anh Tạ Quốc H1, sinh năm 1981; địa chỉ: Thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình. Có mặt.

    6. Chị Tạ Thị T2, sinh năm 1984; địa chỉ: 167/21, đường Đ, phường 13, quận B, thành phố Hồ Chí Minh. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

* Nguyên đơn bà Tạ Thị L trình bày:

Bố mẹ bà là cụ Tạ Xuân L1 (C), sinh năm 1910, chết năm 1989 và cụ Phạm Thị C, sinh năm 1911, chết năm 1999. Các cụ sinh được 03 người con là ông Tạ Văn B, sinh năm 1944, chết năm 2013; bà Tạ Thị L, sinh năm 1947 và bà Tạ Thị H, sinh năm 1950. Các cụ không có con nuôi, con ngoài giá thú, bố mẹ hai cụ đã chết trước hai cụ.

Năm 1964, ông Tạ Văn B kết hôn với bà Triệu Thị P và sinh sống cùng bố mẹ bà trên thửa đất của bố mẹ bà tại thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình. Ông Tạ Văn B có 05 người con. Trong đó 03 người con chung với bà Triệu Thị P là chị Tạ Thị T, chị Tạ Thị T1, chị Tạ Thị V và 02 người con riêng với bà Lê Thị M là anh Tạ Quốc H1 và chị Tạ Thị T2.

Quá trình chung sống, bố mẹ bà có tài sản chung là thửa đất số 253 diện tích 760 m2, loại đất thổ; thửa đất số 254, loại đất ao, diện tích 270m2, đều thuộc tờ bản đồ số 01 tại thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình (theo bản đồ 241), hiện bà Triệu Thị P đang sinh sống và 01 ngôi nhà 03 gian mái ngói, 01 gian nhà mái bằng xây dựng trên đất. Ngôi nhà do bố mẹ bà xây dựng vào năm 1975. Nguồn tiền từ việc bán nhà gỗ cũ, một phần do bố mẹ bà tích góp và một phần do ông B, bà H đóng góp. Thời điểm Nhà nước thực hiện Quyết định 652 và 948

của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, bà P và cụ C (mẹ bà) sống trên thửa đất của bố mẹ bà để lại và trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Việc nhà nước thực hiện giao phần đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở ngoài hạn mức công nhận đất ở tại địa phương bà nhất trí, không có ý kiến gì. Sau khi bố mẹ bà chết, bà P sống trên thửa đất của bố mẹ bà để lại, ông B đi làm xa thỉnh thoảng mới về nhà. Sau đó, bà P có sửa chữa ngôi nhà, cụ thể: Sửa mái nhà ngói, đổ hiên, lát nền và sửa chữa gian buồng làm công trình phụ, xây tường bao, trụ cổng, đổ sân. Bà P sửa nhà không hề nói gì với chị em bà. Bà khẳng định kết cấu ngôi nhà bố mẹ bà để lại vẫn còn nguyên như thời điểm bố mẹ bà xây dựng. Năm 2018, bà, bà H và bà P có bàn bạc với nhau chia di sản thừa kế của bố mẹ bà để lại làm ba phần, làm thủ tục bìa đỏ cho mỗi người rồi giao cho bà P quản lý nhưng bà P không đồng ý. Bà P lúc đó đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất mang tên bà P. Bà đã làm đơn đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà P. Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên. Cùng thời điểm đó, giữa chị em bà và bà P có xảy ra mâu thuẫn do bà P cản trở không cho bà và bà H vào nhà cúng bố mẹ. Vì những lý do trên, bà làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình chia di sản thừa kế của bố mẹ bà là thửa đất số 253, diện tích 760m2 trong đó có 360m2 đất ở và 400 m2 đất trồng cây lâu năm và thửa đất số 254, loại đất ao, diện tích 270m2, đều thuộc tờ bản đồ số 01 tại thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình; 01 ngôi nhà 03 gian mái ngói và 01 gian mái bằng theo quy định pháp luật. Sau đó bà thay đổi yêu cầu khởi kiện, đối với di sản là đất, bà yêu cầu chia di sản bố mẹ bà để lại gồm: 360m2 đất ở và 200m2 đất trồng cây lâu năm tại thửa đất số 253 và 135m2, loại đất ao tại thửa đất số 254, tờ bản đồ số 01 tại thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình và 01 ngôi nhà 03 gian mái ngói, 01 gian nhà mái bằng xây dựng trên đất. Bà có nguyện vọng được sử dụng đất và sở hữu nhà để bà làm chỗ đi lại thờ cúng bố mẹ. Đề nghị Tòa án chia di sản là đất cho bà và bà H liền nhau.

* Bị đơn là bà Triệu Thị P trình bày:

Bà thống nhất với trình bày của nguyên đơn về thời điểm mở thừa kế, hàng thừa kế của cụ L1, cụ C và ông B. Bà kết hôn với ông Tạ Văn B năm 1964 và sinh sống cùng cụ L1, cụ C trên thửa đất của các cụ tại thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình đến nay. Quá trình chung sống, cụ L1 và cụ C có tài sản chung là thửa đất số 253, diện tích 760 m2, loại đất thổ; thửa đất số 254, diện tích 270 m2, loại đất ao, đều thuộc tờ bản đồ số 01, tại thôn T, xã D, huyện V,

tỉnh Thái Bình (theo bản đồ 241), hiện bà đang sinh sống và quản lý. Thời điểm Nhà nước thực hiện Quyết định 652 và 948 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, bà và cụ C sống trên thửa đất của cụ L1, cụ C và trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Năm 1975, do ngôi nhà cũ của cụ L1, cụ C xuống cấp nên vợ chồng bà đã xin phép các cụ dỡ nhà cũ đi và xây nhà mới gồm 01 ngôi nhà 03 gian mái ngói và 01 gian buồng mái bằng. Nguồn tiền xây nhà là của vợ chồng bà do ông B đi làm tích góp gửi về nhờ ông P (anh con nhà bác ruột ông B) xây dựng. Cụ L1 và cụ C khi đó vẫn sống cùng vợ chồng bà nhưng già yếu, chỉ trông nom nhà cửa, con cái phụ ông bà. Ông B làm lái xe tại xí nghiệp xe khách Thái Bình, bà làm ruộng tại địa phương. Bà L, bà H đều đã thoát ly, không đóng góp công sức gì vào việc xây dựng nhà. Sau khi xây nhà, cụ L1, cụ C, vợ chồng bà và các con ông bà vẫn tiếp tục sống trên ngôi nhà này đến khi các con lập gia đình, cụ L1, cụ C và ông B chết. Sau khi ông B chết, chỉ có một mình bà sống trên nhà và đất các cụ để lại. Bà có trách nhiệm thờ cúng, trông nom nhà cửa. Năm 2004, Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư có chính sách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng loạt và thông báo bà lên để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó do bà L có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư đã hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà. Quá trình sinh sống, vợ chồng bà đã nhiều lần tu sửa lại ngôi nhà, cụ thể: Năm 2005, sửa mái nhà ngói, đổ hiên, lát nền, xây tường bao và đào móng mới xây lại toàn bộ gian buồng làm công trình phụ. Năm 2013, xây trụ cổng, đổ sân. Sau khi các cụ chết, bà, bà L, bà H vẫn giỗ chung. Đến năm 2018, do bà L đưa người về đòi chia đất, giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn nên bà và bà L, bà H không giỗ chung nữa. Tháng 5/2019, bà L, bà H về gây sự đuổi bà ra khỏi nhà nên từ đó bà không cho bà L, bà H vào nhà.

Nay bà L yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ L1, cụ C theo pháp luật, bà nhất trí. Tuy nhiên di sản thừa kế của cụ L1, cụ C chỉ gồm: 360m2 đất ở và ½ diện tích đất trồng cây lâu năm tại thửa đất số 253 và ½ diện tích đất ao tại thửa đất số 254, tờ bản đồ số 01 tại thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình. Đối với ngôi nhà mái ngói ba gian và gian nhà mái bằng do vợ chồng bà xây dựng toàn bộ, bà không đồng ý xác định là di sản thừa kế. Bà đề nghị Tòa án xem xét công sức đóng góp của vợ chồng bà trong việc gìn giữ di sản thừa kế vì cụ L1, cụ C sống cùng vợ chồng bà đến thời điểm các cụ chết, sau đó vợ chồng bà sinh sống và gìn giữ di sản thừa kế của các cụ để lại đến hiện tại. Bà xin được sở hữu toàn bộ nhà và đất đã xây dựng nhà, nhất trí chia di sản bằng đất cho bà L, bà H. Bà

không yêu cầu xem xét tiền san lấp vườn và tiền thuế sử dụng đất.

  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Tạ Thị H trình bày: Bà nhất trí hoàn toàn với lời trình bày của nguyên đơn về thời điểm mở thừa kế, hàng thừa kế, di sản thừa kế của cụ L1, cụ C. Năm 1975 khi cụ L1 và cụ C xây lại nhà, bà có đóng góp tiền nhưng bà không yêu cầu gì về việc này. Đối với phần di sản bà được hưởng, bà có nguyện vọng được sử dụng đất và sở hữu nhà 02 gian nhà mái ngói 03 gian để bà lấy chỗ đi lại thờ cúng bố mẹ. Đề nghị Tòa án chia di sản là đất cho bà và bà L liền nhau.

  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Tạ Thị T, chị Tạ Thị T1, chị Tạ Thị V, anh Tạ Quốc H1 và chị Tạ Thị T2 đều thống nhất trình bày: Các anh chị nhất trí như lời trình bày và quan điểm của bà Triệu Thị P. Với tư cách là người thừa kế theo pháp luật của ông B, các anh chị không đề nghị Tòa án xem xét công sức gìn giữ di sản của ông B đối với di sản do cụ L1, cụ C để lại. Đề nghị Tòa án xem xét tính toàn bộ công sức gìn giữ di sản cho bà Triệu Thị P. Đối với phần sửa chữa nhà, công trình và cây cối trên đất đề nghị Tòa án tính toàn bộ là của bà Triệu Thị P. Phần di sản các anh chị được hưởng đều nhường lại toàn bộ cho bà Triệu Thị P, không yêu cầu bà P phải thanh toán cho các anh chị khoản tiền gì.

  • Tại biên bản lấy lời khai ngày 17/6/2022, người làm chứng là ông Phạm Văn C, sinh năm 1937 và ông Lê Thành Q, sinh năm 1940; đều có địa chỉ: Thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình trình bày: Năm 1975, ông Tạ Văn P (là anh con bác ruột của ông B - ông P đã chết) hợp đồng với ông và một số người xây nhà cho vợ chồng ông B trên thửa đất của cụ L1, cụ C. Thời điểm đó cụ L1 đã già yếu, cụ C làm ruộng, trông cháu tại gia đình, không có thu nhập gì khác ngoài làm ruộng. Ông B lái xe tại công ty xe khách Thái Bình, có thu nhập ổn định. Ông B, bà P là người bỏ tiền xây dựng toàn bộ ngôi nhà trên thửa đất của hai cụ L1, cụ C tại thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình. Toàn bộ việc thanh toán tiền công xây dựng nhà do ông Phồn thực hiện từ ông B đưa lại.

  • Tại biên bản lấy lời khai ngày 17/6/2022, người làm chứng là ông Phạm Văn C, sinh năm 1935; địa chỉ: Thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình trình bày: Ông nhất trí như lời trình bày của ông C, ông Q.

  • Tại biên bản ghi lời khai ngày 17/6/2022, người làm chứng là bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1938 và bà Tạ Thị S, sinh năm 1934; đều cư trú tại: Thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình trình bày: Ông B và bà P là người trực tiếp sống cùng cụ L1, cụ C, bà L, bà H trưởng thành lấy chồng ở nơi khác. Quá

trình chung sống, ông B, bà P luôn làm tròn trách nhiệm của người con, chăm sóc cụ L1, cụ C chu đáo đến lúc các cụ qua đời. Từ sau khi cụ L1, cụ C qua đời, bà P thờ cúng tổ tiên, chăm sóc con cái, đối nhân xử thế đúng mực, không có điều tiếng gì. Hiện nay bà P đang sống trên thửa đất các cụ để lại, không có nơi sinh sống nào khác.

  • Tại biên bản ghi lời khai ngày 17/6/2022, người làm chứng là ông Trần Ngọc Đ, sinh năm 1956; địa chỉ: Thôn V, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình trình bày: Năm 2005, ông Trần Văn D và ông Phạm Bình T thuê ông sửa chữa ngôi nhà cho bà Triệu Thị P cùng một số người khác là ông Trần Văn T, Nguyễn Như T, Trần Văn D, Tạ Quốc O, những người này hiện đều đi làm ăn xa. Năm 2005, sửa chữa toàn bộ mái nhà ba gian, lợp ngói đỏ, lát nền ngôi nhà 03 gian, đào móng, xây lại toàn bộ gian buồng và lát nền, xây lại hiên, đổ lại toàn bộ mái hiên. Năm 2013, đổ lại sân bê tông phía trước ngôi nhà, xây cổng trước nhà và tường bao quanh thửa đất.

  • Tại biên bản ghi lời khai ngày 17 tháng 6 năm 2022, người làm chứng là anh Phạm Bình T, sinh năm 1962; địa chỉ: Thôn T, xã V, huyện V, tỉnh Thái Bình trình bày: Năm 2005, ngôi nhà của bà Triệu Thị P xuống cấp nên các anh em trong gia đình là con dâu, rể của bà P bàn bạc sửa chữa ngôi nhà cho bà P, cụ thể: Sửa lại toàn bộ mái nhà ba gian, lợp ngói đỏ, lát nền ngôi nhà 03 gian, đào móng, xây lại toàn bộ gian buồng và lát nền, xây lại hiên và đổ lại mái hiên. Năm 2013, các ông bà thống nhất sửa chữa thêm ngôi nhà cho bà Triệu Thị P, cụ thể: Đổ lại sân phía trước ngôi nhà, xây cổng trước nhà và tường bao xung quanh thửa đất. Ông là người trực tiếp mua vật liệu xây dựng và sửa chữa.

  • Tại biên bản ghi lời khai ngày 17 tháng 6 năm 2022, người làm chứng là anh Trần Văn D, sinh năm 1966; địa chỉ: Thôn V, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình trình bày: Năm 2005, ngôi nhà của bà Triệu Thị P xuống cấp nên các anh em trong gia đình là con dâu, rể của bà P bàn bạc sửa chữa ngôi nhà cho bà P, cụ thể: Sửa lại toàn bộ mái nhà ba gian, lợp ngói đỏ, lát nền ngôi nhà 03 gian, đào móng, xây lại toàn bộ gian buồng và lát nền, xây lại hiên và đổ lại mái hiên. Năm 2013, các ông bà thống nhất sửa chữa thêm ngôi nhà cho bà Triệu Thị P, cụ thể: Đổ lại sân phía trước ngôi nhà, xây cổng trước nhà và tường bao xung quanh thửa đất.

  • Bà Lê Thị M, sinh năm 1948; địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện T, tỉnh Thái Bình có ý kiến: Bà có quan hệ tình cảm với ông Tạ Văn B và có 02 người con riêng với ông Tạ Văn B là Tạ Quốc H1 và Tạ Thị T2. Bà và ông B không đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Hiện gia đình ông B yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ

    ông B, bà không thuộc hàng thừa kế nên không có yêu cầu gì.

  • Ủy ban nhân dân xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình cung cấp: UBND xã xác nhận lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn về thời điểm mở thừa kế, hàng thừa kế của cụ L1, cụ C và ông B là đúng. Quá trình chung sống cụ L1 và cụ C có tài sản chung: Theo bản đồ 241 là thửa đất 253, diện tích 760m2 trong đó có 360m2 đất ở và 400m2 đất trồng cây lâu năm; thửa đất số 254, diện tích 270m2, loại đất nuôi trồng thủy sản đều thuộc tờ bản đồ số 01 tại thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình, mang tên Tạ Thị B (P). Nguồn gốc thửa đất là do cụ L1, cụ C để lại. Năm 1993, thực hiện Quyết định 652 của UBND tỉnh Thái Bình những người nào có khẩu nông nghiệp có mặt tại thời điểm đến ngày 31/12/1993 thì được giao đất nông nghiệp ổn định. Gia đình cụ C có 02 khẩu nông nghiệp gồm cụ Phạm Thị C và bà Triệu Thị P. Tổng diện tích đất thổ cư và đất ao của gia đình cụ C trừ hạn mức đất ở 360m2 còn lại là đất nông nghiệp được giao cho cụ C và bà P. Trên thửa đất số 253 có 01 ngôi nhà cấp 4 diện tích khoảng 40m2. Từ sau khi kết hôn, bà P và ông B cùng sinh sống cùng cụ L1 và cụ C trên thửa đất của hai cụ. Sau khi các cụ và ông B chết, bà P là người trực tiếp sinh sống trên thửa đất của các cụ để lại đến nay. Năm 2004, bà Triệu Thị P được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y496484, tuy nhiên đến ngày 15/01/2020, Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã ban hành Thông báo số 03/TB- UBND về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Triệu Thị P. Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Tạ Thị L, quan điểm của địa phương đề nghị Tòa án căn cứ quy định của pháp luật để giải quyết, đề nghị Tòa án xem xét công sức của bà Triệu Thị P vì bà P sống cùng cụ L1, cụ C từ sau khi kết hôn với ông B, đề nghị Tòa án giao cho bà P và những người thừa kế của ông B được sử dụng phần đất có nhà và sở hữu ngôi nhà xây trên thửa đất số 253 để bà P ở và thờ cúng tổ tiên.

    UBND xã D không lưu trữ tài liệu liên quan đến việc đo đạc theo bản đồ 299 vào năm 1986. Quá trình sử dụng đất, thửa đất của gia đình cụ L1, cụ C không có tranh chấp về ranh giới, mốc giới với các hộ liền kề, cụ L1, cụ C không mua thêm, chuyển nhượng, tặng cho ai diện tích đất nào.

  • Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản:

    • Thửa đất số 253 mang tên bà Tạ Thị B (P) diện tích 760,3m2, tứ cận: Phía Đông giáp thửa số 254 số đo: 26,03m; phía Tây giáp đất ông K (vợ là V) số đo 11,08m+10,51m+10,81m+; phía Nam giáp đường giao thông số đo 9,21m+16,10m; phía Bắc giáp đất trồng lúa bà P số đo 7,05m+1,20m+21,11m.

      Trị giá đất ở 360m2 x 450.000 đồng/1m2 = 162.000.000 đồng. Trị giá đất trồng cây lâu năm: 400,3m2 x 45.000 đồng/1m2 = 18.013.500 đồng.

    • Thửa đất số 254 mang tên bà Tạ Thị B (P) diện tích 281,8m2, tứ cận: Phía Đông giáp đất bà L số đo 3,16m+6,32m+19,62m; phía Tây giáp thửa 253 và đất nông nghiệp bà P số đo 1,27m+26,03m; phía Nam giáp đường giao thông số đo 9,82m; phía Bắc giáp đất trồng lúa bà L số đo 9,75m. Trị giá 281,8m2 x

      42.000 đồng/1m2 = 11.835.600 đồng.

    • Nhà lợp ngói đỏ hiên tây diện tích 45,49m2 trị giá còn lại 37.991.651 đồng;

    • Phần sửa chữa mái hiên nhà (đã tính trong diện tích xây dựng nhà ngói đỏ hiên tây) diện tích 11,7m2 trị giá còn lại 2.935.975 đồng;

    • Nhà mái bằng BTCT diện tích 20,980m2 trị giá còn lại 16.682.605 đồng;

    • Phần sửa chữa mái riêng (đã tính trong diện tích xây dựng nhà mái bằng BTCT) diện tích 20,980m2 trị giá còn lại 5.264.697 đồng;

    • Lợp mái ngói, lát nền gạch men sứ trị giá còn lại 4.277.110 đồng.

    • Sân bê tông đá trị giá còn lại 6.654.482 đồng;

    • Tường phía Nam thửa đất trị giá còn lại 2.685.153 đồng;

    • Trụ cổng trị giá còn lại 867.460 đồng.

    • Cánh cổng sắt trị giá còn lại 1.945.937 đồng.

    • Cây trồng trên đất: 02 cây mít đường kính gốc 30cm trị giá 2.400.000 đồng; 03 cây na đường kính gốc 4cm trị giá 360.000 đồng; 01 cây khế đường kính gốc 20cm trị giá 600.000 đồng; 04 cây hòe trị giá 400.000 đồng; 01 cây nhãn đường kính tán 10m trị giá 700.000 đồng; 20 khóm chuối trị giá 1.000.000 đồng; 01 cây mít đường kính gốc 30cm trị giá 1.200.000 đồng; 01 cây mít đường kính gốc 20cm trị giá 1.000.000 đồng; 15 khóm chuối trị giá 2.400.000 đồng; 02 cây bòng đường kính gốc 5cm trị giá 600.000 đồng; 01 cây na đường kính gốc 6cm trị giá 250.000 đồng; 01 cây na đường kính gốc 2cm trị giá

120.000 đồng; 01 cây mít đường kính gốc 40cm trị giá 1.200.000 đồng; 01 cây mít đường kính gốc 25cm trị giá 1.000.000 đồng; 04 cây hòe trị giá 1.200.000 đồng; 02 cây cau trị giá 180.000 đồng; 01 cây si trị giá 650.000 đồng; 10 khóm chuối trị giá 500.000 đồng; 01 cây ổi đường kính gốc 20cm trị giá 800.000 đồng; 01 cây ổi đường kính gốc 10cm trị giá 600.000 đồng; 01 cây đu đủ trị giá

90.000 đồng; 01 chậu si trị giá 160.000 đồng; 01 cây mít đường kinh gốc 5cm trị giá 170.000 đồng.

Bản án sơ thẩm số 10/2022/DSST ngày 23 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã quyết định:

Áp dụng các Điều 147, 184, 228, 229, 235, 271, 273 Bộ luật Tố tụng dân

sự; Điều 609, 611, 612, 613, 616, 618, 623, 649, 650, 651, 658, 660 Bộ luật Dân

sự 2015; Điều 106 Luật Đất đai năm 2003; Điều 100, 167 Luật Đất đai năm

2013; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 7 Điều 27 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

  1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện chia thừa kế tài sản theo pháp luật của bà Tạ Thị L về việc chia di sản thừa kế của cụ Tạ Xuân L1 (C) và cụ Phạm Thị C theo pháp luật. Xác định 360m2 đất ở và 200,15m2 đất trồng cây lâu năm tại thửa đất số 253; 140,9m2 đất nuôi trồng thủy sản tại thửa đất số 254, tờ bản đồ số 01 tại thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình và ½ giá trị gian nhà mái ngói ba gian là 18.995.826 đồng xây dựng trên đất là di sản thừa kế của cụ L1, cụ C.

  2. Không chấp nhận yêu cầu của bà Tạ Thị L về việc xác định toàn bộ nhà mái ngói ba gian diện tiện 45,49m2 và gian nhà mái bằng diện tích 20,98m2 xây dựng trên thửa đất số 253, tờ bản đồ số 01 tại thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình là di sản thừa kế của cụ Tạ Xuân L1 (C) và cụ Phạm Thị C.

  3. Chấp nhận sự tự nguyện của chị T, chị T1, chị V, anh H1, chị T2 tặng cho bà Triệu Thị P toàn bộ di sản thừa kế anh chị được chia trong phần di sản chia cho ông B. Chấp nhận đề nghị của chị T, chị T1, chị V, anh H1, chị T2 tính toàn bộ chi phí sửa chữa, cây cối trồng trên đất, công sức gìn giữ, quản lý di sản cho bà Triệu Thị P.

  4. Chia cho bà Tạ Thị L được quyền sử dụng 90m2 đất ở tại phía Tây thửa đất số 253 có tứ cận: Phía Đông giáp đất ở chia cho bà P số đo 10,33m; phía Tây giáp đất ông K (vợ là V) số đo 9,91m; phía Nam giáp đường giao thông số đo 9,28m; phía Bắc giáp đất trồng cây lâu năm chia cho bà L và đất trồng cây lâu năm chia cho bà P số đo 6,33m+2,22m và được quyền sử dụng 66,7m2 đất trồng cây lâu năm giáp diện tích đất ở được chia có tứ cận: Phía Đông giáp đất trồng cây lâu năm chia cho bà P số đo 11,1m; phía Tây giáp đất ông K (vợ là V) số đo 1,18m+10m; phía Nam giáp đất ở chia cho bà L số đo 6,33m+2,22m; phía Bắc giáp đất trồng cây lâu năm bà P số đo 5,63m. Bà L được sở hữu tài sản và cây cối trên đất gồm 9,8m2 sân bê tông; 9,28m tường bao; 10 khóm chuối, 02 cây ổi; 01 cây đu đủ; 01 chậu si; 02 cây mít; 01 cây si; 01 cây hòe; 01 cây mít. Bà L được chia di sản

    thừa kế của cụ L1 và cụ C là 51.973.458 đồng. Do bà P được chia di sản nhiều hơn 1 kỷ phần thừa kế do đó bà P phải trả cho bà L 8.471.959 đồng. Bà L phải trả cho bà P giá trị tài sản, cây trồng trên đất là 5.948.221 đồng.

  5. Chia cho bà Triệu Thị P được quyền sử dụng 180m2 đất ở tại thửa đất số 253 có tứ cận: Phía Đông giáp đất ở chia cho bà H và đất trồng cây lâu năm chia cho bà P số đo 10,74m+1,94m+8,82m; phía Tây giáp đất ở chia cho bà L và đất trồng cây lâu năm chia cho bà P số đo 10,33m+7,9m; phía Nam giáp đường giao thông số đo 6,82m+1,57m; phía Bắc giáp đất trồng cây lâu năm chia cho bà P số đo 10,68m; quyền sử dụng 66,75m2 đất trồng cây lâu năm giáp diện tích đất ở được chia có tứ cận: Phía Đông giáp đất trồng cây lâu năm chia cho bà H số đo 3,19m+0,2m+1,73m+0,85m+3,73m+1,39m; phía Tây giáp đất trồng cây lâu năm chia cho bà L số đo 11,10m; phía Nam giáp đất ở chia cho bà L, bà P, bà H số đo 2,22m+7,9m+10,68m+8,82m+1,24m; phía Bắc giáp đất trồng cây lâu năm của bà P số đo 14,2m và được quyền sử dụng 140,9m2 đất nuôi trồng thủy sản tại thửa đất số 254 có tứ cận: Phía Đông giáp đất bà L số đo 14,21m; phía Tây giáp thửa 253 và phần đất chia cho bà H số đo 11,43m+2,64m; phía Nam giáp đường giao thông số đo 9,82m; phía Bắc giáp diện tích đất nuôi trồng thủy sản còn lại của thửa 254 số đo 10,11m. Bà P được sở hữu tài sản trên đất gồm nhà lợp ngói đỏ và toàn bộ công trình, cây cối bà P sửa, xây dựng và trồng trên đất. Bà P được chia di sản thừa kế của cụ L1 và cụ C là 108.917.376 đồng. Bà P được tính công sức tôn tạo, gìn giữ di sản là 40.000.000 đồng. Như vậy bà P được chia thừa kế

    68.917.373 đồng, nhiều hơn 1 kỷ phần thừa kế, do đó buộc bà P phải trả cho bà L, bà H mỗi người 8.471.959 đồng.

  6. Chia cho bà Tạ Thị H được quyền sử dụng 90m2 đất ở phía Đông thửa đất số 253 có tứ cận: Phía Đông giáp thửa đất số 254 số đo 11,43m; phía Tây giáp đất ở chia cho bà P số đo 10,74m; phía Nam giáp đường giao thông số đo 6,4m+1,23m; phía Bắc giáp đất ở, đất trồng cây lâu năm chia cho bà P, đất trồng cây lâu năm chia cho bà H số đo 1,94m+1,24m+5,46m và quyền sử dụng 66,7m2 đất trồng cây lâu năm giáp diện tích đất ở được chia có tứ cận: Phía Đông giáp thửa 254 số đo 2,64m+8,17m; phía Tây giáp đất trồng cây lâu năm chia cho bà P số đo 3,19m+0,2m+1,73m+0,85m+3,73m+1,39m; phía Nam giáp đất ở chia cho bà H số đo 5,46m; phía Bắc giáp đất trồng cây lâu năm bà P số đo 6,85m. Bà H được sở hữu tài sản và cây cối trên đất gồm 48m2 sân bê tông; 02 trụ cổng; cánh cổng sắt; 1,23m tường bao và 02 cây mít, 15 khóm chuối. Bà H được chia di sản thừa kế của cụ L1 và cụ C là 51.973.458 đồng. Do bà P được chia di sản nhiều hơn 1 kỷ

    phần thừa kế do đó bà P phải trả cho bà H 8.471.959 đồng. Bà H phải trả cho bà P giá trị tài sản và cây trồng trên đất là 10.333.909 đồng.

  7. Về chi phí đo đạc, chi phí định giá và xem xét, thẩm định tại chỗ: Chi phí đo đạc, chi phí định giá và xem xét, thẩm định tại chỗ là 7.200.000 đồng. Bà L đã nộp tạm ứng 7.200.000 đồng. Chia nghĩa vụ bằng nhau cho ba suất thừa kế là bà L, bà H và những người thừa kế của ông B mỗi suất thừa kế phải chịu

    2.400.000 đồng. Bà P nhận trả cho chị T, chị T1, chị V, anh H1 nên bà P phải trả cho bà L 2.400.000 đồng, bà H phải trả cho bà L 2.400.000 đồng.

  8. Đối trừ các khoản phải thanh toán cho nhau. Bà P phải thanh toán cho bà L số tiền 4.923.738 đồng (làm tròn 4.924.000 đồng), bà H phải thanh toán cho bà P số tiền 1.861.950 đồng (làm tròn l.862.000 đồng) và thanh toán cho bà L số tiền 2.400.000 đồng.

  9. Về án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà Tạ Thị L, bà Triệu Thị P, bà Tạ Thị H. Bà Triệu Thị P tự nguyện chịu án phí đối với di sản chị T, chị T1, chị V, anh H1, chị T2 tặng cho bà là 2.165.560 đồng (làm tròn là 2.166.000 đồng).

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án nghĩa vụ thi hành án, quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 03/10/2022, bà Tạ Thị L và bà Tạ Thị H kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị:

  1. Việc Tòa án cấp sơ thẩm chia di sản thừa kế của bố mẹ các bà để lại là quyền sử dụng thửa đất số 253 và 254 thành bốn phần và giao cho mỗi bà một phần là không đúng mà chỉ chia thừa kế thành 3 phần, bà H, bà L mỗi người một phần, phần còn lại là của bà P và các con của ông B, bà P.

  2. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại cho hai bà bằng hiện vật là quyền sử dụng đất ở và tài sản trên đất ở cho hai bà là 240m2 liền kề nhau để thuận lợi cho việc quản lý và sinh hoạt. Hai bà đề nghị được chia một phần ngôi nhà tại thửa 253 để làm nơi thờ cúng.

  3. Đối với đất trồng cây lâu năm các bà đề nghị chia cho hai bà tổng diện tích là 133m2.

  4. Đối với phần diện tích đất nuôi trồng thủy sản tại thửa số 254, hai bà đề nghị được chia 93m2, đề nghị được chia bằng hiện vật, hai diện tích liền kề nhau và có nguyện vọng được giao phần đất tại vị trí phía Đông của thửa đất.

Ngày 07/10/2022, bà Triệu Thị P kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, vì cho rằng việc phân chia thửa đất như trên là không phù hợp với thực tế sử dụng

và không bảo vệ được quyền lợi của bà. Bởi phần diện tích đất chia cho bà L và bà H có phần đất phía trước chèn vào mặt tiền của ngôi nhà thờ, trong khi diện tích đất phía sau vẫn còn rất nhiều. Mỗi lô đất bị chia cắt thừa thẹo, khó xác định, gây khó khăn cho việc sử dụng đất. Nên bà đề nghị Tòa án chia cho bà được giữ hiện trạng ngôi nhà kéo thẳng ra mặt đường cho vuông vắn, không bị che chắn trước mặt để làm nhà thờ, từ đường, điều này thuộc về tâm linh người Việt. Phần hai bên nhà thờ giao cho bà L, bà H mỗi người vẫn được 6-7 m mặt đường. Còn hai bên nhà là các công trình phụ như bể nước, một phần nhà bếp có thể tháo dỡ để giao mặt bằng đất cho bà L, bà H mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc của căn nhà thờ. Nếu có sự chênh lệch về giá trị tài sản được hưởng thì bà P cũng đồng ý thanh toán giá trị tài sản cho bà L, bà H.

Tại phiên tòa, bà L, bà H giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà L trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà L, bà H, chia cho hai bà được hưởng diện tích đất liền kề nhau, có một phần nhà thờ để các bà làm nơi thờ cúng, bởi từ sau khi xảy ra tranh chấp bà P không cho các bà vào nhà thờ cúng bố mẹ, phải tổ chức cúng ngoài sân. Các bà sẽ có trách nhiệm xây dựng ngăn phần nhà thờ được chia, để không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người khác. Đồng thời, đề nghị Tòa án xem xét kháng cáo của các bà về việc tính công sức, quản lý tôn tạo di sản của bà P bằng 01 suất thừa kế là không có căn cứ.

Tại phiên tòa, bà Triệu Thị P và người đại diện theo ủy quyền của bà P trình bày: Bà không đồng ý với kháng cáo của bà L, bà H, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà bởi Tòa án cấp sơ thẩm chia đất không ngay ngắn, có một phần phía trước thửa đất che chắn diện tích đất nhà thờ tổ tiên làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của bà. Do vậy, bà P đề nghị Tòa án chia lại thửa đất của các bên cho thẳng để đảm bảo giá trị của các thửa đất được chia. Nếu chia lại đất cho bà L, bà H mà phát sinh thêm các tài sản trên đất gồm bể nước, nhà bếp, các cây cối chia cho bà H, bà L thì bà cũng không yêu cầu thanh toán giá trị các tài sản này và đồng ý tháo dỡ các tài sản là công trình trên đất để giao đất cho bà L, bà H.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phát biểu quan điểm: Trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm những người tiến hành tố tụng và các đương sự đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Căn cứ vào khoản

1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự, xử không chấp nhận kháng cáo của bà Tạ Thị L, bà Tạ Thị H. Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự chấp nhận một phần kháng cáo của bà Triệu Thị P, sửa Bản án dân sự số 10/2022/DS- ST ngày 23/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình về việc phân chia lại ranh giới quyền sử dụng đất của bà L, bà P, bà H theo kết quả đo đạc của Hội đồng xét xử phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

Sau khi nghiên cứu các tài liệu đã thu thập có trong hồ sơ vụ án cũng như thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

  1. Về thủ tục tố tụng: Kháng cáo của bà Tạ Thị L, bà Tạ Thị H và bà Triệu Thị P làm trong hạn luật định nên được đưa ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

  2. Xét yêu cầu kháng cáo của các đương sự thì thấy:

    [2.1] Về thời hiệu khởi kiện, xác định di sản thừa kế, thời điểm mở thừa kế, hàng thừa kế của cụ Tạ Xuân L1 (C) và cụ Phạm Thị C theo như Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định là có căn cứ, đúng pháp luật. Bà Tạ Thị L, bà Tạ Thị H và bà Triệu Thị P đều xác định di sản thừa kế của hai cụ để lại gồm: 360m2 đất ở và 200,15m2 đất trồng cây lâu năm tại thửa đất số 253; 140,9m2 đất nuôi trồng thủy sản tại thửa đất số 254, tờ bản đồ số 01 tại thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình và ½ giá trị gian nhà mái ngói ba gian là 18.995.826 đồng xây dựng trên đất để chia theo pháp luật, nhưng các đương sự đều không nhất trí với cách chia, cách tính công sức, tôn tạo di sản thừa kế và vị trí chia đất cho các đương sự của bản án sơ thẩm.

    [2.2] Xét kháng cáo của bà Tạ Thị L, bà Tạ Thị H thì thấy:

    [2.2.1] Bà L, bà H cho rằng đối với di sản thừa kế là 360m2 đất ở mà Tòa án cấp sơ thẩm lại chia thành 4 phần, tính công sức quản lý, tôn tạo di sản cho bà P bằng một phần là không đúng, mà chỉ chia đất ở thành 3 phần, hai bà được hưởng 02 phần tương đương 240m2 mới phù hợp. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy, bà P là người sinh sống cùng cụ L1, cụ C từ khi kết hôn với ông B năm 1964 cho đến nay, hiện tại bà P vẫn là người quản lý di sản của các cụ để lại, quá trình chung sống ông B và bà P tôn tạo, giữ gìn di sản thừa kế. Do vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định công sức quản lý, tôn tạo di sản cho bà P bằng một suất thừa kế là đúng pháp luật nên không chấp nhận kháng cáo của bà L, bà H về nội dung này.

    [2.2.2] Đối với kháng cáo của bà L, bà H đề nghị chia cho hai bà ở hai thửa đất liền kề nhau, có một phần nhà thờ của bố mẹ để lại để các bà làm nơi thờ cúng thì thấy yêu cầu chia của bà L, bà H là không phù hợp. Bởi đối với nhà ở là nơi thờ cúng của gia tiên, việc chia cho bà L, bà H một phần nhà thờ sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ giá trị ngôi nhà, không thể thi hành án. Trong khi đó, diện tích thửa đất còn rất rộng, đủ để chia cho các đồng thừa kế bằng hiện vật mà không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của ai nên không chấp nhận kháng cáo của bà L, bà H về nội dung này.

    [2.2.3] Đối với kháng cáo của bà L, bà H đề nghị chia diện tích đất ao cho các bà bằng hiện vật thì thấy: Toàn bộ thửa đất ao diện tích là 281,8m2 trong đó có 140,9 m2 là đất ao của bà P, còn lại 140,9m2 là di sản thừa kế để chia. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chia cho bà P được sử dụng toàn bộ thửa ao, thanh toán giá trị di sản thừa kế cho bà L, bà H là hợp lý, giữ được hiện trạng tổng thể của thửa đất ao, không bị chia tách nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, không chấp nhận kháng cáo của bà L, bà H về nội dung này.

    [2.3] Xét kháng cáo của bà Triệu Thị P: Sau khi tiến hành xem xét thẩm định lại thửa đất thì thấy diện tích tổng thể của thửa đất rộng, diện tích đất còn lại ở hai bên nhà thờ còn đủ rộng để chia cho bà L, bà H mỗi người được quyền sử dụng 90m2 đất ở và 66,7m2 đất vườn mà không che chắn mặt tiền của nhà thờ, các thửa đất được chia đều nằm song song với nhau, vuông vắn. Đối với các tài sản trên đất phát sinh khi xác định lại ranh giới trên đất là 02 bể nước và 01 nhà mái ngói (bếp), theo kết luận định giá tài sản đã xác định các tài sản này hết khấu hao, không còn giá trị, bà Triệu Thị P đồng ý giao cho bà L, bà H được quyền sử dụng các tài sản này. Bà P tự nguyện tháo dỡ một phần nhà bếp được chia để trả lại mặt bằng đất khi các bên có nhu cầu sử dụng đất. Do vậy, cần chấp nhận kháng cáo của bà Triệu Thị P, giữ nguyên diện tích đất chia cho các đồng thừa kế, chỉ xác định lại ranh giới giữa các thửa đất được chia.

    [2.4] Đối với phần di sản thừa kế là 360m2 đất ở và 200,15m2 đất trồng cây lâu năm đã được chia bằng hiện vật cho các đồng thừa kế. Còn các di sản thừa kế gồm 140,9m2 đất nuôi trồng thủy sản có giá trị là 5.917.800 đồng (làm tròn 5.918.000 đồng) và ½ giá trị gian nhà mái ngói ba gian là 18.995.826 đồng (làm tròn 18.996.000 đồng) xác định không chia được bằng hiện vật mà giao cho bà P được quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng diện tích đất ao nên bà P phải thanh toán giá trị chênh lệch di sản thừa kế được hưởng cho bà L, bà H như sau: (18.996.000 đồng + 5.918.000 đồng): 3 = 8.304.666 đồng (làm tròn 8.305.000

    đồng). Đối trừ các khoản tiền bà L, bà H phải thanh toán cho bà P do được sở hữu, sử dụng các tài sản trên đất của bà P và số tiền bà P, bà H phải thanh toán tiền chi phí xem xét, thẩm định, định giá, đo đạc để ra số tiền các bên phải thanh toán cho nhau.

  3. Về chi phí tố tụng phúc thẩm: Bà Triệu Thị P tự nguyện chi trả các khoản chi phí xem xét thẩm định và đo đạc nên không đặt ra giải quyết.

  4. Về án phí phúc thẩm: Yêu cầu kháng cáo của Phong được chấp nhận nên bà P không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Yêu cầu kháng cáo của bà L, bà H không được chấp nhận nhưng bà L, bà H là người cao tuổi, đã có đơn xin miễn án phí dân sự phúc thẩm nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bà Tạ Thị H, bà Tạ Thị L. Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận kháng cáo của bà Triệu Thị P, sửa Bản án sơ thẩm số 10/2022/DSST ngày 23/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

  1. Áp dụng các Điều 147, 184, 228, 229, 235, 271, 273 Bộ luật Tố tụng

    dân sự; Điều 609, 611, 612, 613, 616, 618, 623, 649, 650, 651, 658, 660 Bộ luật

    Dân sự 2015; Điều 106 Luật Đất đai năm 2003; Điều 100, 167 Luật Đất đai năm 2013; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 7 Điều 27 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

  2. Tuyên xử:

    1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện chia thừa kế tài sản theo pháp luật của bà Tạ Thị L về việc chia di sản thừa kế của cụ Tạ Xuân L1 (C) và cụ Phạm Thị C theo pháp luật. Xác định di sản thừa kế của cụ L1, cụ C gồm: 360m2 đất ở và 200,15m2 đất trồng cây lâu năm tại thửa đất số 253; 140,9m2 đất nuôi trồng thủy sản tại thửa đất số 254, tờ bản đồ số 01 tại thôn T, xã D, huyện V, tỉnh Thái Bình và ½ giá trị gian nhà mái ngói ba gian là 18.995.826 đồng xây dựng trên đất.

    2. Không chấp nhận yêu cầu của bà Tạ Thị L về việc xác định toàn bộ nhà mái ngói ba gian diện tích 45,49m2 và gian nhà mái bằng diện tích 20,98m2 xây dựng trên thửa đất số 253, tờ bản đồ số 01 tại thôn T, xã D,

      huyện V, tỉnh Thái Bình là di sản thừa kế của cụ Tạ Xuân L1 (C) và cụ Phạm Thị C.

    3. Chấp nhận sự tự nguyện của chị T, chị T1, chị V, anh H1, chị T2 tặng cho bà Triệu Thị P toàn bộ di sản thừa kế anh chị được chia trong phần di sản chia cho ông B. Chấp nhận đề nghị của chị T, chị T1, chị V, anh H1, chị T2 tính toàn bộ chi phí sửa chữa, cây cối trồng trên đất, công sức gìn giữ, quản lý di sản cho bà Triệu Thị P.

    4. Chia cho bà Tạ Thị L được quyền sử dụng 156,7m2 đất, gồm 90m2 đất ở và 66,7m2 đất trồng cây lâu năm tại phía Tây thửa đất số 253 có tứ cận: Phía Đông giáp đất ở chia cho bà P dài 21,29m; phía Tây giáp đất ông K dài 10m + 1,18m + 9,90m; phía Nam giáp đường giao thông dài 7,28m; phía Bắc giáp đất trồng cây lâu năm của bà P dài 7,44m. Bà L được sở hữu, sử dụng tài sản và cây cối trên đất gồm: 01 bể nước 3,1m2; diện tích nhà mái ngói (bếp); 5,4m2 sân bê tông trị giá 316.904 đồng; 7,28m tường bao trị giá 578.301 đồng; 10 khóm chuối trị giá

      500.000 đồng, 02 cây ổi trị giá 1.400.000 đồng; 01 cây đu đủ trị giá 90.000 đồng; 01 chậu si trị giá 160.000 đồng; 02 cây mít trị giá 170.000 đồng; 01 cây si trị giá

      650.000 đồng; 01 cây hòe trị giá 300.000 đồng; 01 cây mít trị giá 1.200.000 đồng; 01 cây na trị giá 120.000 đồng. Bà L phải thanh toán cho bà P giá trị tài sản, cây trồng trên đất là 5.485.205 đồng. Bà P có trách nhiệm phải tháo dỡ phần nhà bếp được chia trên đất khi bà L có nhu cầu tháo dỡ đối với nhà bếp bà L được chia để sử dụng đất. (Sơ đồ kèm theo bản án).

    5. Chia cho bà Triệu Thị P được quyền sử dụng 246,75m2 đất, gồm 180m2 đất ở và 66,75m2 đất vườn tại thửa đất số 253 có tứ cận: Phía Đông giáp đất chia cho bà H dài 8,27m + 13,45m; phía Tây giáp đất chia cho bà L dài 21,29m; phía Nam giáp đường giao thông dài 8,82m + 2,27m; phía Bắc giáp đất trồng cây lâu năm của bà P dài 11,79m. Chia cho bà P được quyền sử dụng 140,9m2 đất nuôi trồng thủy sản tại thửa đất số 254 có tứ cận: Phía Đông giáp đất bà Lý dài 14,21m; phía Tây giáp thửa 253 và phần đất chia cho bà H dài 11,43m; phía Nam giáp đường giao thông dài 9,82m; phía Bắc giáp diện tích đất nuôi trồng thủy sản còn lại của bà P. Bà P được sở hữu tài sản trên đất gồm nhà lợp ngói đỏ và toàn bộ công trình, cây cối bà P sửa, xây dựng và trồng trên đất. Bà P phải thanh toán chênh lệch giá trị di sản thừa kế được chia cho bà L, bà H mỗi người 8.305.000 đồng. (Sơ đồ kèm theo bản án).

    6. Chia cho bà Tạ Thị H được quyền sử dụng 156,7m2 đất, gồm 90m2 đất ở và 66,7m2 đất trồng cây lâu năm phía Đông thửa đất số 253 có tứ cận: Phía Đông

      giáp thửa đất ao số 254 dài 11,43m + 10,81m; phía Tây giáp đất chia cho bà P dài 8,27m + 13,45m; phía Nam giáp đường giao thông dài 5,70m + 1,23m; phía Bắc giáp đất trồng cây lâu năm của bà P dài 7,40m. Bà H được sở hữu tài sản và cây cối trên đất gồm: 01 bể nước 2,3m2; 50,7m2 sân bê tông trị giá 2.975.380 đồng; 02 trụ cổng trị giá 867.460 đồng; cánh cổng sắt trị giá 1.945.937 đồng; 1,23m tường bao trị giá 103.800 đồng và 02 cây mít trị giá 2.200.000 đồng, 15 khóm chuối trị giá 2.400.000 đồng. Bà H phải thanh toán cho bà P giá trị tài sản, cây trồng trên đất là 10.492.577 đồng. (Sơ đồ kèm theo bản án).

    7. Chi phí đo đạc, chi phí định giá và xem xét, thẩm định tại chỗ cấp sơ thẩm là 7.200.000 đồng. Bà L đã nộp tạm ứng 7.200.000 đồng. Chia nghĩa vụ bằng nhau cho ba suất thừa kế là bà L, bà H và những người thừa kế của ông B mỗi suất thừa kế phải chịu 2.400.000 đồng. Bà P nhận trả cho chị T, chị T1, chị V, anh H1 nên bà P phải trả cho bà L 2.400.000 đồng.

    8. Đối trừ các khoản phải thanh toán cho nhau, bà P còn phải thanh toán cho bà L số tiền (8.305.000 đồng - 5.485.205 đồng) = 2.819.795 đồng (làm tròn 2.820.000 đồng); bà P phải thanh toán cho bà H số tiền (8.305.000 đồng + 2.400.000 đồng) - 10.492.577 đồng = 212.423 đồng (làm tròn 212.000 đồng); bà H phải thanh toán cho bà L 2.400.000 đồng.

      Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

      Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7; 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

    9. Về án phí sơ thẩm: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà Tạ Thị L, bà Triệu Thị P, bà Tạ Thị H. Bà Triệu Thị P tự nguyện chịu án phí đối với di sản chị T, chị T1, chị V, anh H1, chị T2 tặng cho bà là 2.165.560 đồng (làm tròn là 2.166.000 đồng).

  3. Về án phí phúc thẩm: Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho bà Tạ Thị L, bà Tạ Thị H và bà Triệu Thị P.

  4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án 12/01/2023.

Nơi nhận:

  • VKSND tỉnh Thái Bình;

  • TAND tp. Thái Bình;

  • Chi cục THADS tp. Thái Bình;

  • Các đương sự;

  • Lưu: Hồ sơ vụ án, HCTP.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ PHÚC THẨM

Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa

Đỗ Thị Hà

THÔNG TIN BẢN ÁN

Bản án số 03/2023/DS-PT ngày 12/01/2023 của TAND tỉnh Thái Bình về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất

  • Số bản án: 03/2023/DS-PT
  • Quan hệ pháp luật: Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất
  • Cấp xét xử: Phúc thẩm
  • Ngày ban hành: 12/01/2023
  • Loại vụ/việc: Dân sự
  • Tòa án xét xử: TAND tỉnh Thái Bình
  • Áp dụng án lệ: Đang cập nhật
  • Đính chính: Đang cập nhật
  • Thông tin về vụ/việc: Tạ Thị L - Triệu Thị P tranh chấp chia thừa kế
Tải về bản án