Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 81/2019/TT-BTC quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định:

1. Thu thập, xử lý, quản lý, sử dụng thông tin quản lý rủi ro; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.

2. Phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan và các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

3. Áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người khai hải quan.

2. Cơ quan hải quan, công chức hải quan.

3. Các cơ quan Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.

4. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Áp dụng quản lý rủi ro là việc ứng dụng các nguyên tắc, quy trình, biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro và các sản phẩm thông tin quản lý rủi ro để quyết định và thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra và các hoạt động nghiệp vụ khác.

2. Thông tin quản lý rủi ro là thông tin hải quan được thu thập, xử lý phục vụ áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

3. Hệ thống thông tin quản lý rủi ro là các hệ thống thông tin, dữ liệu do cơ quan hải quan quản lý để thu thập, xử lý và cung cấp các sản phẩm thông tin quản lý rủi ro cho các hoạt động nghiệp vụ hải quan.

4. Mức độ tuân thủ là kết quả đánh giá phân loại của cơ quan hải quan về chấp hành pháp luật của người khai hải quan trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

5. Tiêu chí đánh giá tuân thủ là các tiêu chuẩn để đánh giá phân loại mức độ tuân thủ trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

6. Chsố tiêu chí đánh giá tuân thủ là các chỉ tiêu thông tin mang giá trị cụ thể của tiêu chí đánh giá tuân thủ.

7. Đánh giá tuân thủ là việc thu thập, phân tích, xác minh, đối chiếu thông tin về quá trình hoạt động và chấp hành pháp luật với các chỉ số tiêu chí đánh giá tuân thủ để phân loại mức độ tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.

8. Quản lý tuân thủ là việc cơ quan hải quan thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật, phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan, từ đó áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp với từng mức độ, để bảo đảm việc thực thi các quy định của pháp luật hải quan được đầy đủ, chính xác.

9. Phân tích rủi ro là việc dự đoán tần suất và hậu quả rủi ro.

10. Mức độ rủi ro là tính nghiêm trọng của rủi ro được xác định dựa trên sự kết hợp giữa tần suất và hậu quả của rủi ro.

11. Tiêu chí phân loại mức độ rủi ro là các tiêu chuẩn để đánh giá phân loại mức độ rủi ro trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

12. Chỉ số tiêu chí phân loại mức độ rủi ro là các chỉ tiêu thông tin mang giá trị cụ thể của tiêu chí phân loại mức độ rủi ro.

13. Đánh giá rủi ro là việc phân loại, xem xét, đối chiếu mức độ của rủi ro với các chỉ số tiêu chí phân loại mức độ rủi ro và việc xử lý các rủi ro trước đó để sắp xếp thứ tự ưu tiên.

14. Dấu hiệu rủi ro là yếu tố mang giá trị thông tin phản ánh nguy cơ tiềm ẩn của hành vi vi phạm pháp luật về hải quan.

15. Dấu hiệu vi phạm là yếu tố mang giá trị thông tin, qua đó có đủ cơ sở đánh giá về sự diễn ra của vi phạm pháp luật về hải quan.

16. Danh mục hàng hóa rủi ro là danh sách các mặt hàng rủi ro về buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại và các vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực hải quan.

17. Xác định trọng điểm là việc sử dụng kết quả đánh giá tuân thủ, đánh giá rủi ro để quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

18. Doanh nghiệp trọng điểm là doanh nghiệp (được đánh giá) rủi ro cao trong hoạt động nghiệp vụ hải quan theo từng lĩnh vực hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh trong từng thời kỳ.

19. Người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trọng điểm là người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh (được đánh giá) rủi ro cao trong từng lĩnh vực hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trong từng thời kỳ.

20. Hồ sơ rủi ro là tập hợp các thông tin, dữ liệu về đối tượng rủi ro hoặc tình huống xuất hiện rủi ro, được lưu trữ dưới dạng văn bản hoặc dữ liệu điện tử, để phục vụ theo dõi, quản lý và xác định trọng điểm kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

21. Kiểm soát rủi ro là việc cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, điều tra và các biện pháp nghiệp vụ khác để phòng ngừa, ngăn chặn, làm giảm thiểu tần suất, hậu quả hoặc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan.

22. Kế hoạch kiểm soát rủi ro là chương trình tổng thể về kiểm soát rủi ro, do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành, để tổ chức, phân công nhiệm vụ, điều phối các nguồn lực, biện pháp kiểm soát rủi ro trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

23. Đo lường tuân thủ là việc quyết định kiểm tra mẫu, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu theo các chỉ số để xác định mức độ tuân thủ trên từng lĩnh vực hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý rủi ro

1. Thông tin quản lý rủi ro được thu thập từ các nguồn thông tin trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; được quản lý tập trung tại Tổng cục Hải quan thông qua ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin và được xử lý, chia sẻ, cung cấp cho đơn vị hải quan các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc đánh giá tuân thủ pháp luật và phân loại mức độ rủi ro được thực hiện tự động, chính xác trên cơ sở các tiêu chí quy định tại Thông tư này.

3. Việc quyết định kiểm tra, giám sát hải quan, lựa chọn kiểm tra sau thông quan, thanh tra hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác dựa trên kết quả đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro, thông tin quản lý rủi ro có trên hệ thống thông tin hải quan và thông tin dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro khác được cung cấp tại thời điểm quyết định, lựa chọn.

4. Cơ quan hải quan tập trung kiểm tra, giám sát, kiểm soát những rủi ro cao, trung bình và áp dụng các biện pháp phù hợp đối với các rủi ro thấp.

5. Trường hợp hệ thống gặp sự cố hoặc chưa đáp ứng yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan theo nội dung quy định tại Thông tư này, việc áp dụng quản lý rủi ro được thực hiện thủ công bằng phê duyệt văn bản đề xuất hoặc văn bản ký phát hành của người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hải quan.

6. Trường hợp đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quy định tại Thông tư này và các quy định, hướng dẫn về quản lý rủi ro theo phân cấp, công chức hải quan được miễn trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan

Các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan bao gồm:

1. Thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro.

2. Quản lý, đánh giá tuân thủ pháp luật, phân loại mức độ rủi ro đối với người khai hải quan.

3. Phân tích đánh giá rủi ro.

4. Quản lý, xây dựng, cập nhật, áp dụng tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật, tiêu chí phân loại mức độ rủi ro đối với người khai hải quan và tiêu chí phân loại mức độ rủi ro trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

5. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

6. Các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro khác gồm:

a) Xây dựng, quản lý Danh mục hàng hóa rủi ro;

b) Xây dựng, quản lý Hồ sơ rủi ro;

c) Xác lập hồ sơ, quản lý Doanh nghiệp trọng điểm;

d) Đo lường tuân thủ pháp luật hải quan trong các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;

đ) Quản lý Kế hoạch kiểm soát rủi ro; Chuyên đề kiểm soát rủi ro; Phân tích sau khi phát hiện, xử lý vụ việc buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại điển hình để dự báo xu hướng và cảnh báo rủi ro.

Thông tư 81/2019/TT-BTC quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 81/2019/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/11/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Vũ Thị Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 971 đến số 972
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH